Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Chuyện nọ xọ chuyện kia


Năm xưa lưu lạc hải hồ, mình có quen mấy ông trên vùng cao. Một ông người Mèo, một ông Mán và một ông người Thổ. ( Cứ gọi nôm thế cho nó dân dã, thân mật, chả phải văn hoa, kiểu cách H’Mông, Dao diếc gì cả ). Tôn trọng, yêu mến nhau là ở trong lòng, phải đâu cách gọi tên thế này ra thế khác?
Ngày ấy mình khó trăm bề. Có ông anh kết nghĩa cho cái máy ảnh cũ Hiệu Ca non, ca già gì ấy, lâu ngày không còn nhớ nhãn mác, ống kính, độ zum của nó nữa. ÔNg ấy bảo: “Tao cho mày cái cần câu cơm. Lên vùng cao mà kiếm ăn. Ở đấy đồng bào người dân tộc. Người ta thật thà, tốt bụng và quý người. Vừa kiếm sống vừa tích lũy vốn sống sau này vừa phù hợp với chân số của mày”. Mình nghĩ ông này kinh, hiểu quá sâu về mình. Ông ấy không định kiến a dua theo dư luận lại còn có ý muốn giúp. Ông nhớ cả câu trong lá số của mình. Rằng là “Ở quê ăn ở chẳng yên, sau này lên núi, lên non mới thành”. Và cũng là “mối tình đầu CNXH”, con người ta sống với nhau. Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm trong sáng, không vụ lợi hoặc “Ông mất chân giò bà thò chai rượu”, có đi có lại như bây giờ!
 Đang sống ở Hà thành bụi bặm, ngột ngat, những người là người, lênh bênh như trứng treo đầu gậy. Công việc nay có mai không, ba cọc ba đồng buộc vào cỗ máy nhà nước dăm ba tháng, lại văng ra ngoài. Nay được ra chỗ rộng rãi, thoáng đãng, môi trường tử tế ai mà không ham? Tâm trạng mình như anh tù vừa được tha, sướng khôngtảđược!
 Mình sắm sửa lên đường ngay. Chỉ định đi một vài năm, rồi “Châu về hợp phố”. Ai ngờ dính với núi với rừng gỡ không ra, mãi cho đến bây giờ!
Bạn trên núi cao một thời coi mình như người trong nhà. Bốn, năm cái “cùng” chứ không chỉ “ba cùng” như mấy ông cán bộ hồi cải cách, hay mấy ông “nằm vùng” ngàynay.
Ấy là mình nghe kể lại và tìm tòi qua sách vở, chứ hồi “cải cách”, mình đã biết “cải cách”là cái quái gì đâu?
Còn cái anh “Nằm vùng” hiện tại, quá lắm chỉ một, hai “cùng” thôi. Anh nào bám dân chỉ cùng ở, cùng ăn đã là tốt rồi. Làm gì còn ai cùng làm, “Ba cùng” nữa?
Mình khác. Chẳng những cùng ăn, cùng ở, cùng làm..Còn cùng suy nghĩ và cùng vui, cùng buồn, sướng khổ với các ông ấy. Người ta đối với mình thế nào, mình quý báu lại người ta như thế.
Lâu nay thêm tí danh hão, mình bận công việc như lông lươn, chả lúc nào rảnh.
Lâu lâu mới lên thăm các ông ấy được một lần. Các lần thăm viếng ấy thường không gặp may. Rất ít khi gặp các ông ấy có mặt ở nhà. Hôm thì có ông đi “Cầu làng”, hôm ông đi làm “Ma khô”, hôm vợ chồng cơm nắm lên nương, ở lại đó đến tối mới về. Mình đi tranh thủ, làm sao đợi được đến ngày hôm sau?
Sự thực là thế, nhưng công nhận mình vẫn thiếu quyết tâm, thiếu nhiệt tình. Con người ta muốn tốt với nhau, muốn gặp gỡ ân tình có trở ngại nào ngăn cản được? Chẳng qua mình tự dối lòng, tự an ủi mình thôi. Cái chính vẫn là ngại đi bộ, đường xa. Cái thời mũ lá, măng rừng leo núi, vượt đèo hàng chục cây số “như xưa” mất rồi. Con người ta hơi sướng một tí là quên, sợ ngay cái khổ, dễ hư thân. Mình còn thế huống chi những anh miệng rộng, bụng to, quan liêu, quan cách? Chả trách chủ trương cứ như ở trên giời.   Muốn giúp người vùng cao mà giúp không phải lối.
Định dịp cuối năm, nhân thể “đi thực tế tối tác” có thời gian sẽ ở lại vài ngày. Nướng bắp non, uống rượu hoẵng, chuyện tào phào với các bạn “tồng”.
Chưa kịp đi các ông ấy có việc về tỉnh, ghé nhà chơi. Nào mật ong, mộc nhĩ, gà, gạo lỉnh kỉnh như kiểu đi thăm người ốm.
Lại mừng và nhậu..

**
Bốn thằng mình, tuy là bốn “tông” người khác nhau ngồi theo thế “Tứ trụ trào đình” đang “mở hội tâm hồn” đãi nhau, chứ không phải như bác Chế “đãi núi sông”đâu. Sông núi thì tâm hồn đãi làm sao được? Mà chỉ tâm hồn thôi cũng chưa chắc đã đủ. Sông núi cần thứ khác, cụ thể hơn, mãnh liệt hơn, can đảm, sáng suốt hơn. Tâm hồn suông thì nước mẹ gì?
Rượu rót ra chén, lời thật thà tử tế rót vào lỗ tai. Thằng người Mèo bảo: “Tao xem vườn nhà cái mày rậm quá. Để hôm này tao vác con máy xuống hộ cho một buổi. Để thế này định nuôi chồn à?” Mình bảo không phải, không phải. Chẳng qua bận quá, chưa mượn được người. Với lại làm rừng cần phải giữ “thực bì”. Phát sạch cỏ, độ ẩm giảm đi đâu có tốt? Nó cau mặt: “Đúng là cái mày học cày đường nhựa rồi. Phải phát quang đi cây mới lên được chứ?” Mình thế á, thế á? Hôm nào xuống giúp tao đi. Nó chả cần nghĩ lâu, đầu gật như gà mổ thóc! Thằng người Mán bảo: “ Cái gói tao đưa cho mày lúc nãy, đem ngâm rượu ngay đi. Dưng phải để lâu lâu mới uống. Uông lâu không nên đâu!”. Còn anh Thổ chả nói gì, gắp thức ăn cho cả ba: “Ăn tí đi đã. Uống không thế này khác gì rượu nhắm với thịt mình. Chuyện đâu chốc nữa nói. Ừ thì ăn. Uống..
 Đang vui có người thập thò trước cửa. Con chó Mèo lông xồm chồm ra, người đó kêu ré lên. Mình vội chạy ra:
- Ai đấy? Có việc gì à?
- Tôi đây, có việc mới đến tìm ông. Không có đến làm gì?
Không đợi mình mời người đó gù gù kiểu “bố bản” cứ thể xông vào. Mình điên thật sự. Thằng nào chứ thằng này mình không muốn nó vào nhà tí nào. Ngày thường mặt nó tôi tối, môi mỏng xám ngoét. Không hiểu sao hôm nay mặt nó đỏ tía lên. Cái trán hói cao như kiểu trán lãnh tụ bóng nhãy mồ hôi. Hai tay nó khuỳnh khuỳnh vòng trước đưa đi đưa lại, như thể chuẩn bị vào “trung bình tấn”, nom rất gây sự. Nó va mình mấy lần, mình đã cho nó nếm mùi đời, cạch mình đã lâu lâu. Hôm nay dáng vẻ khiêu khích thế này, chắc là có chuyện. Mình đoán thế dù chưa biết có chuyện gì? Mình đâu có vướng mắc hay làm hại gì nó? Thằng “kiêu binh” này muốn gi?
Nếu nhà không có khách mình sẽ từ tốn nói với nó là mình đang bận, hay có việc ngay bây giờ phải đi. Không phải mình hốt hãi, ngại gì thằng đó, chỉ là không muốn nói chuyện với hạng người này. Nhưng lúc này không lẽ đuổi nó đi? Mấy ông bạn kia sẽ nghĩ thế nào về mình? Dù sao nó cũng là người cùng một dãy nhà với mình. Có một vị láng giềng như thế, chả đáng lấy làm xấu hổ lắm sao?
Đành phải để hắn ngồi xuống ghế. Các ông bạn chân thành của mình vội lấy thêm cái chén, rót rượu cho nó. Mình than thầm, thể nào rồi cũng có chuyện..
Y như rằng! Hắn nhắc lại câu chuyện mấy hôm trước gặp mình ở nhà lão bí thư. Lão ấy cứ hỏi chuyện này, chuyện khác, chỗ nọ xọ chỗ kia. Lạ nhỉ, người cương vị như lão sao kiến văn eo hẹp thế không biết? Cái gì cũng hỏi? Vui mồm mình kể chuyện mấy ngày rong ruổi trên cao nguyên Đà Lạt. Gặp bà con người Lâm Hà.. Toàn những chuyện chả liên quan gì đến hắn. Không biết hắn nhắc lại hôm đó là sao nhỉ?

**
Đáng lẽ thằng bỏ mẹ này phải cảm ơn mình mới phải. Hồi giải tán hợp tác xã nó mất chân thư ký đội. Từ nay làm thật ăn thật, không thể thăn thiến được của ai.
Dân làng đỡ hơn trước một chút, nhưng nhà nó lại đi xuống.
Nó vẫn hãnh diện với mọi người: Từng là lính lái xe tăng, tàu bò, từng là ‘Dũng sĩ” nọ kia. Nhà nó có tủ gương, giường mô đét, là những của quý lúc bấy giờ. Lại năm gian nhà ngói, vườn rộng hàng mẫu. Cả xã chưa ai biết đi xe máy thì nó đã mua Pốt xoa. Mua để cho oai chứ đâu đã có đường mà đi được? ( Riêng thuê chiếc thuyền chở từ Vật Trì về đã bằng tiền nhà người ta ăn tiêu cả năm. Thế mới kinh! )
Đang ở trên trời như thế, tự nhiên rơi xuống đất. Nó chán, lao vào rượu chè, bài bạc là những thứ mà trước đây nó ghét, nó khinh bỉ.
Của nả trong nhà cứ dần dà đội nón ra đi. Cuối cùng vợ nó ra đi nốt. Riêng về chuyện này không phải lỗi ở thị vợ nó. Dù có nghèo khổ đến đâu, con gái làng này cũng không bao giờ bỏ chồng, bỏ con để sướng một mình.
Thị ra đi vì chuyện khác..
Thằng em trai nó đang ở trên “chốt”. Tình hình biên giới mỗi ngày một căng, tay ấy ít khi về.
Đứa em dâu lại rờ rỡ như hoa hải đường. Nó thèm và đã bước qua hàng rào luân lí!
Mình không rõ chuyện ấy có thực hay không?
Nhưng dân làng bảo là nó có chuyện với đứa em dâu.
Con này sinh ra một thằng bé có đuôi dài độ nửa mét, mắt mũi dính lại với nhau và có đến mấy cái tai!
 Nhà nó họp lại, không dám nuôi, nửa đêm bắt phải đem chôn dấu dân làng ở gốc cây mít.
Nửa tháng sau ông bố đẻ nó vào một đêm tối trời, treo cổ tự vẫn chính cây mít ấy. Khi cả nhà phát hiện ra, người ông đã cứng, lạnh tím tự bao giờ rồi!
Sau chuyện đó, nó dở điên dở khùng, nhưng lúc không rượu lại nói năng rất văn hoa. Người xa mới gặp ai cũng nghĩ nó là người hiểu biết lịch sự..
Chính khi ấy mình về. Nó chủ động đến chơi, nghe nó nói chuyện mình có chút cảm tình. Ở cái chốn rừng xanh núi đỏ xa cách thế giới này, có một thằng như thế ai lại không muốn? Mình đâu biết quá khứ hay dở thế nào đâu?
Thằng bỏ mẹ kể những ngày oai hùng của nó. Mình nghe mà thèm. Nó bảo : “ Thực ra bài hát năm anh em trên một chuyến xe tăng là người ta hát cho có vần. Đúng ra xe tăng ta thời bấy giờ chỉ có bốn người. Vừa lái chính lại phụ, xạ thủ, thợ máy. Dưng mà chả sao, thơ nhạc cũng phải mô đi phê đi một tí chứ. Có sao hát vậy thì làm sao mà nghe cho được”. Mình phục. Thằng này tài. Biết cả chuyện éo le, bếp núc của văn học nghệ thuật, không phải người thường!
Mình có cô bạn người dưới Phòng trước cùng học một khoa với mình. Chồng nàng lái tàu Vích Ko lớ sớ thế nào lâm vào cảnh lao lí. Nàng bán nhà lên Hà Nội ngồi chè chén ngoài ga Hàng Cỏ, kiếm sống qua ngày. Lại thêm một thằng con trai mới ba bốn tuổi. Mình tình cờ gặp nàng trong một chuyến vi hành. Người cũ, bạn xưa, oan khiên hiện tại khiến mình động lòng. Nàng theo mình lên nhà chơi, nhận bà mẹ mình là mẹ nuôi. Thực ra mẹ mình đâu có nuôi nàng được ngày nào?
Sau này mình cứ ân hận mãi, nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, bạn mình đã không khổ. Hoặc giả mình không gặp chuyện ngang tai trái mắt bỏ nhà đi chừng ấy năm, thì đã không có chuyện. Hắn lấy được nàng, nghe nói được mấy tháng đầu hạnh phúc lắm. Mình về thăm nhà, vợ chồng hắn đưa con lên chơi mang cả rượu cả gà.. Mình nghĩ vậy là mình đã làm được điều nhân nghĩa, phúc đức. Một thằng mất gần hết tính người gặp được người bơ vơ chân trời góc bể, đấu níu nhau, làm lại cuộc đời. Qúa tốt rồi còn gì để nói?
***
Ngồi vào bàn nhậu rồi, nó không cần ý tứ. Bạn trên non cao của mình rót chén nào ra, nó không để “long đen” chén ấy. Liên tay gắp cho người, lại gắp cho mình.( Muốn ăn thì gắp cho người cũng chẳng sao). Mình nghĩ thằng này lâu ngay háo chất. Sống một thân một mình, bữa thất bữa thường, Người có gia đình hẳn hoi lúc khó khăn này còn sất bất sang bang, huống chi đơn người, phù phiếm vật vờ như nó? Không thông cảm chiếu cố đến hoàn cảnh của nó thì mình đâu còn là con người. Chỉ mong cho nó “đến vạch”, đứng lên ra về. Mấy ông bạn trên núi lại càng thật thà chăm sóc..
Ai ngờ cuối bữa, nó nhắc chuyện hôm gặp nhà bí vừa rồi.
Hôm ấy nó cắt ở đâu mấy cành bưởi bảo là giống quý đến nhà bí chơi lần cuối!
Hỏi sao là lần cuối?
Nó bảo: “ Chả thiết ở cái làng này nữa. Sống buồn thế đủ rồi, tôi đến gặp ngài để ngày mai đi..”
Bí đâm hoảng. “ Thằng này có họ xa với mình. Nó định đi đâu? Hay là..? Nhà nó có cái zen tự vẫn. Ngoài ông bố nó còn đứa con trai bảo mà làm, thực ra uống thuốc ngủ chui vào bụi chết. Lại thằng cháu gọi nó là chú ruột. Hay là thằng này định “Theo chân” bố nó?” Vội vàng an ủi, động viên.
Mình cũng góp lời, thôi đi làm gì? Ở đâu cũng đường đất nhà trời. Ở đâu cũng phải làm phải ăn. Chả có chỗ nào ngồi mát mà ăn bát vàng đâu bác ạ!
Nó long mắt gừ mình:
- Mày thì biết sao được nỗi khổ của tao? Hồi ấy mày có nhà đâu? Con cái Quy ( Chính là cô bạn học của mình ) tao quý nó như vàng. Nó nỡ bỏ tao đi mang theo cả giọt máu của tao nữa. Chúng mày tưởng tao đi chết à? Đừng có nhầm. Tao đi tìm vợ con chứ dại gì mà tự vẫn?
Bí mừng ra mặt. Thế là đỡ đi một “vấn đề” phức tạp. Còn mình lại lo.
Ngày mình qua Lâm Đồng, thế nào lại gặp Quy. Đúng là oan gia lối nhỏ! Mình chỉ mong Quy đừng trách giận gì mình:
Nàng bảo chả qua là tại nàng chưa tìm hiểu sâu sát, lấy phải ác ma. Nó đánh nàng lên bờ xuống ruộng. Bắt phải đưa thằng cu con nàng về quê ngoại. Mà quê ngoại nàng đâu còn ai? Không có cách nào thuyết phục cảm hóa nổi con người này. Cuối cùng nàng lại một lần nữa cất bước lên đường. May mà vào đến trong này gặp được người tốt, mới có ngày hôm nay. Nàng gặp mình cốt để hỏi thăm hiện tại chồng cũ là nó đang sống như thế nào? Mình kể qua loa cho nàng nghe. Nàng lặng người đi một lúc. Nàng dặn mình đừng nói gì với hắn về chuyện này. Cho mình số điện thoại để khi nào nàng cưới con mời mình vào dự đám.

Mình đã giữ lời hứa với nàng không nói gì. Không hiểu sao nó lại biết có cuộc gặp gỡ đó?
Mình nghĩ mãi. Có lẽ hôm đó khỏi nó về một lúc, chả biết cám cảnh về nỗi niềm của nó hay mấy chén rượu ngâm bìm bịp nhà bí mà mình hở chuyện. Quên cả việc nó với bí là chỗ họ hàng. Có lẽ thông tin từ lỗ này dò rỉ ra chăng?
****
Mồm ăn miệng nói, nó liên thuyên về cái thời ra ngõ gặp anh hùng. Bản thân nó cũng là một “anh hùng chính danh”. Bạn vùng cao của mình cứ trố mắt ra mà nghe. Sao cái thằng xấu xấu bẩn bẩn này lắm tài thế nhở? Cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Trên đời này chả có cái khó nào mà nó chưa từng trải qua!
Bạn mình phục và nể nó quá!
Bạn người Mèo còn hẹn nó: “Hôm nào lên cái tao chơi”!
Người vùng cao vắng vẻ thích nghe chuyện và quý người một cách đơn sơ như vậy. Bạn Dao còn xin nó số điện thoại. Thằng bỏ mẹ cười ngượng ngịu: “ Mình quên không mang”.
Thực ra nó nào có dùng? Gọi đi đâu và nghe ai gọi mà dùng điện thoại?
Nó phét thế thây kệ nó. Mình chỉ mong cho nó đứng lên, kết thúc cuộc gặp bất đắc dĩ này.
Đột nhiên nó quay sang mình:
- Tớ có việc phải về. Nhưng trước khi về cậu cho tớ số của..
- Làm gì có số nào? Ông với bà ấy vợ chồng với nhau bao nhiêu năm còn chả có nữa là tôi?
- Này đừng dấu nhau, lão bí nó bảo cậu biết số của mẹ con cái Quy, cậu giấu tớ làm gì?
- Ông này hay! Tôi dấu làm gì? Nếu ông bí biết thì hỏi ông ta ấy, sao lại hỏi tôi?
- Hay là mày có chuyện gì với nó mà mày dấu?
Tôi nóng hết cả mặt mày, định lôi luôn nó ra cửa, nhưng nghĩ nhà đang có khách, không nên. Bạn Thổ trên làng Lan đã nóng mắt, lại không bình tĩnh như mình, nói ngay:
- Có, người ta mới cho mày được, không có lấy đâu cho, sao lại nói thế?
Nó nhếch mép cười khẩy:
- Mày biết đéo gì chuyện này mà tham gia? Thích gây với tao hả? Có biết bố mày là ai không?
Bạn thổ giận tím mặt, từ từ đứng lên. Có lẽ bạn ấy tức nó về câu văng tục vừa rồi..Nó ra tay trước, vơ vội cái bát vèo một cái ngang qua mặt mình. Không trúng ai. Cái bát chỉ làm vỡ cái khung ảnh “Gia đình văn hóa”  treo trên tường.
Cuộc đấu không hẹn của hai bên diễn ra ngay trên sân nhà. Hai kẻ không quen biết lăn xả vào nhau. Mọi người chạy đến nhưng không ai làm cách nào ngăn cản được. Đúng là thằng dở có vài miếng của thời “lực lượng đặc biệt”. Anh bạn Thổ cũng không phải tay vừa. Bài “Miêu quyền” giờ được lúc trổ tài, tấn thủ mau lẹ..
Mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá, mình lúng túng chưa biết làm sao. Có lẽ tại cái thứ men rượu của bọn người “nước lạ” bán sang đây? Con người ta bỗng chốc trở nên rồ dại, mất bình tĩnh do thần kinh căng thẳng đột ngột. Người bình thường còn có thể chịu đựng được. Nhưng với với kẻ điên sẵn, rồ sẵn, lại có dòng máu mang “zen tự vẫn” như thằng này, không bị điên hẳn, mới lạ!
Hai đấu thủ kẻ thì xưng má, kẻ trều môi vẫn quyết một lòng sống chết lăn lộn vào nhau. Vớ được cái gì liệng về đối phương cái đấy. Vừa may có một người vác đâu cành dòng tre gai lùa vào giữa..
Đây là kinh nghiệm khi có hai con trâu cà đánh nhau, thật là hiệu nghiệm! Áo của cả hai “võ sư - võ sĩ” quấn chặt vào mớ gai đó, nhùng nhằng gỡ mãi không ra, cuộc tỉ thí mới tạm dừng. Cũng là lúc người nhà nó nghe tin chạy đến.
Không hiểu sao hôm nay bọn chúng mát tính. Không té nước theo mưa, kéo bè kéo cánh gây thêm sự như ở nơi khác, còn xin lỗi mình, đưa tên bỏ mẹ về nhà!
Bữa rượu thành ra hỏng. Bạn mình trên núi giận dữ bỏ ra về. Bao lâu mới gặp chỉ một chuyện không đâu vào đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia mà nên nỗi!
Mình buồn, chả biết các anh í có hiểu cho tấm lòng của mình nữa hay không?

==================

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Văn hóa a dua


Mình đã định về. Ông anh ở huyện Con Dê lại bảo đi cùng với ông ấy một lúc. Ông ấy cần gặp một vài người, đi một mình “nó tơ hơ thế nào ấy”. Kinh nghiệm rồi, đã định không đi, nhưng khi ấy nể quá nên đành phải theo. Phàm là người dính chuyện bút nghiên, kinh doanh, ngoại giao.. khi độ cồn trong người quá mức đều không nên gặp ai.
Gặp người khi ấy chuyện nọ xọ chuyện kia, rất dễ sinh họa.
Nhớ năm du hành phương nam, ngày ba bữa bia rượu, chẳng mấy lúc tỉnh táo. Gọi là “đi thực tế để lấy tư liệu sáng tác” nhưng chả tích lũy được gì ngoài cái kinh nghiệm: - Khi say nói càng ít càng tốt. Mà tốt nhất đừng nói gì!
Buổi tối ở Quang Trị, nửa đêm phởn lên, ông “chánh đoàn” rủ mình với hai ông nữa đi chơi phố. Đến quãng đường vắng vẻ chỗ cây cầu gãy hồi chiến tranh lão ý dừng lại, có vẻ bồi hồi xúc động lắm. Ngắm ngía một thôi một hồi, mình cứ tưởng lão tìm nhà quen. Không hiếm ông cán binh hồi đó có “cơ sở” cũ trong này. Ông anh họ mình cũng có một nơi như thế. Ông ấy thường vẫn nhờ mình làm chân liên lạc cho sự bí mật của mình. Vợ ông từ ngoài bắc vào lúc nào cũng cháo ám kè kè, có muốn tắc tế cho người ta cũng khó. Không lẽ để người ta ôm con đỏ bơ vơ trong lúc đời sống khó khăn?
 Cám cái cảnh ấy mình đành nhận lời, thực lòng mình không đồng tình với lối ăn ở hai mang như thế này của ông ấy. Sau này bà vợ phát hiện ra, giận mình lắm, thỉnh thoảng còn trách lóc mình mãi đến tận bây giờ. Mãi đến ngày bà ấy dứt quyết buộc chồng về quê, nếu không làm dữ đến tổ chức đảng, chuyện mới chấm dứt. Nghĩ cũng tội cho ông anh mình. Vì cái lon thiếu tá hồi bấy giờ đành dứt áo ra đi, ngậm cay, nuốt đắng trong lòng rời bỏ nơi có giọt máu của mình để lại...Năm ngoái ông ấy trước lúc nhắm mắt cứ nhìn mình chằm chằm như nhắn nhủ điều gì, nước mắt ứa hai bên khóe mắt. Tắt thở đã lâu rồi, người nhà mãi mới vuốt được mắt cho ông ấy.
Thấy thái độ chùng trình của chánh đoàn lúc ấy làm mình chợt nhớ câu chuyện đó.

Nhưng thực ra không phải. Chẳng qua lão làm bộ làm tịch, “diễn” với bọn mình lúc đó về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lão thời bấy giờ.
Lão chỉ chỗ nọ, chỗ kia lão bắn chết được mấy thằng. Chỗ lão suýt bị bọn chúng bắn chết ra sao. Mình chỉ biết nghe, không tham gia câu chuyện. Chợt lão phó kéo áo mình lui lại nói nhỏ vào tai: “Lại phét đấy. Đừng có nghe. Ngày xưa lão ở 559 mãi bên Lào, đâu có ở đây ngày nào mà bắn với chả giết?” Mình ngạc nhiên, không biết lão ấy nói vậy để làm gì?
Cả bọn đi thêm một quãng, có một quán rượu ngoài trời, lão lúc ấy đang cao hứng bảo cả bọn dừng lại: “ Làm chầu nữa rồi về ngủ cho ngon giấc”. Lão phó có vẻ không bằng lòng, hai bên từ lâu chỉ bằng mặt không bằng lòng nhau. Phó ta cố nhịn chờ vài tháng nữa lão về mẹ đĩ mình lên thay. Ngồi uống rượu mà đầu óc cứ để đâu đâu. Rượu ngoại hẳn hoi mà chả thú vị gì.Người ta ăn khi đói, rượu cũng vậy phải là lúc thèm nó mới thấy rượu là rượu ngon. Đủ chén, hay quá chén rồi còn biết gì hay dở, ngon hay không ngon?
Lão lên giọng thày đời dạy người ta nên như này, nên như khác. Rồi khoe cuốn TT mới ra đang được dựng thành phim như thế nào? 
Mình quen lão cũng đã lâu, trình văn vẻ, học vấn của lão đâu có lạ?
 Chẳng qua người ta cơ cấu cả trong việc in ấn, phát hành, thổi thơm vì cương vị chứ đâu phải tài năng sáng tạo gì? Đang lúc giá trị văn chương nghệ thuật đang bị méo mó về các lối pờ rồ, lăng xê, bốc thơm bốc thối nhau nhặng xị thế này, giá trị thực rất khó xác định, chủ yếu là văn hóa a dua, a tòng theo “bề trên”. Chẳng nhớ lúc đó mình nói câu gì, đại thể ý như thế, lão vằn mắt rủa xả mình không còn câu nào để nói. Nhà văn gì mà nói chua, nói bẩn không thể tưởng tượng được. May mà lúc ấy chút“sĩ” giang hồ của mình đã nguội được vài năm, không thì  lão lỗ mũi ăn trầu là cái chắc!
Sau đó lão giận, thù mình đến mấy năm trời, làm mình có lúc điêu đứng. Rồi những câu chuyện nhăng nhít lão nhặt ở đâu về gán cho mình. Miệng kẻ sang như lão nói đương nhiên có nhiều người tin. Mãi sau này về vườn rồi lão mới thôi, trở lại bình thương với mình, mọi người mới ngã ngũ ra là lão nói xằng. Nhưng cái tội cao ngạo, dạy đời của lão vẫn chưa bỏ hẳn, nên bàn bè dần dần thưa thớt chẳng còn ai.
Bây giờ lại cái ông ở huyện Con Dê này rủ vào nhà lão chơi, mình đâm lưỡng lự..

Ông HK thì bảo: “Tao chịu chú mày, như nước mới lửa mà vẫn chơi được với nhau, Anh thì chào thua. Các chú có công việc đến thì cứ đến. Tay khôn lỏi đó, anh không vào đâu”.
Mình không nài thêm.
Chơi hay không chơi với ai là quyền của mỗi người. Mấy bác có tuổi thường hay cực đoan việc này, không thích ai muốn người khác không thích theo. Mình khác. Mình có “Độc lập, tự do” riêng của mình, nhưng vẫn từ tốn bảo bác ấy:
- Bạn văn nghệ đâu có nhiều? Ai cũng chê trách cả thì bỏ tất hay sao? Buồn lắm bác ạ. Với lại em cũng học cái anh “tàng hình”, đã là ti vi phải có nhiều kênh, ai em cũng chơi, miễn là biết được tốt xấu để học hỏi, hay nên tránh, không đơn điệu lắm. Kính bác về nghỉ trước!”
Mình vào. Đã thấy ông “NÓI HAY” ở đấy. Ông này mình không nhớ tên, Ổi hay Na gì đấy. Cứ tạm gọi là ông Ổi cho dễ nhớ. Ông Ổi bắt tay mình rất nhanh, cái bắt tay xã giao chẳng lấy gì làm mặn mà lại có phần quan cách. Nhà văn nhớn giới thiệu người đến trước kẻ đến sau để đôi bên làm quen. Ông Ổi cười cười:
- Thì ra đây là tác giả, tôi vẫn thường đọc của anh. Độc đáo và táo bạo, viết có gan lắm!
Mình chưa hiểu đấy là ông ấy khen hay ông ấy chê? Nên chưa biết nên nói như thế nào. Nhờ có rượu, men nói hộ:
- Nhà em viết VKG thôi, cảm ơn bác quá khen!
Nhà văn chủ nhà trừng mắt nhìn mình:
- Cậu biết đây là ai không? Nói vớ nói vẩn, trên người ta đánh giá..
Rồi lão làm luôn một chặp:
- Tay này ruột để ngoài da. Tính nó lôm côm thế nên đời nó khổ.Chả giữ được cái gì trong miệng, thông thốc như ống nứa..Đừng để ý, đừng để ý..
Mình bực. Mình nào có nói gì sai đâu? Lão í cứ làm như mình“phạm húy”
 không bằng! Mà có sai thì mình chịu chứ bận đếch gì đến lão phải cải chính hộ?
Hình như, về hưu rồi lão vẫn còn sợ ông NÓI HAY thì phải? Một cái sợ mơ hồ ám ảnh, len sâu vào tiềm thức..
 Nhiều ông về hưu rồi chả ý tứ gì nữa, nói vung tý mẹt. Nói cả những câu, những điều tại vị không dám nói. Như là một cách cải chính lại, sám hối lại quá trình lầm lạc đã qua, hoặc cố tỏ ra như thế.
Nói thật, mấy ông này mình không phục lắm. Có gan, nói mẹ lúc đương chức đương quyền. Sau này nói vuốt đuôi thì ăn thua gì? Chẳng qua cách của mấy anh hèn học oai, chơi sang, việc qua rồi mới ra cái điều..!
Nhưng kiểu giữ ý mãi như lão này mình không dám khinh, nhưng cũng không trọng. Đó là “Văn hóa a dua”, lựa theo người trên mà làm. May mà chỉ viết lách, văn nghệ văn gừng chả ảnh hưởng đến ai. Hoặc có ảnh hưởng cũng không có hậu quả cụ thể. Nó mơ hồ như sương khói thế gian chả làm ai chết ngạt, hay nhức đầu sổ mũi. Chỉ làm người ta không thích hoặc không dễ chịu. Lão là con người máy móc khó thay đổi. Kết tinh ngàn đời của “nền văn minh lúa nước”, ít có táo bạo, tìm tòi, thay đổi, chỉ theo thói quen gọi là “tập quán”!
Lão vốn tinh quái, hình như đoán được mình đang nghĩ gì, nói luôn:
- Tớ phải mất ba ngày mới đọc xong bản thảo của cậu. Phải viết lại, viết thế hỏng chưa phải là TT.
- Bác nói cụ thể hơn xem nào:
- Này nhá, TT phải có chương có hồi. Có bố cục chặt chẽ, có tuyến nhân vật chính diện, phản diện, có “câu chuyện”.. Đọc cậu tớ chẳng biết cậu nói cái gì?
- Nghĩa là em không theo cách truyền thống của bác? Thế bác đọc “Linh Sơn” của CHK, đọc “Xe lên xe xuống” của NBP chưa?
Lão cáu:
- Tao đọc đéo gì mấy thứ đấy. Đó là văn chương phản động, không phải HTXHCN. Học theo để toi à?
Tôi thực sự ngạc nhiên. Người khác “thẩm văn” thế nào tôi không nói. Nhà văn nhớn như lão mà nghĩ vậy, chả trách văn đàn luôn luôn có tranh cãi, luôn luôn có “vấn đề”
Khốn nỗi bản thảo của mình đang nằm trong tay lão. NXB không hiểu kiểu gì lại nhờ lão đọc của mình. Lão mà phán vài câu văng mảnh là số phận của TP đi đời. Có khí mình còn bị làm khó cũng nên.
Mình đành bảo:
- Hội luôn khuyến khích anh em tìm tòi sáng tạo. Em cũng cố tìm một cách thể hiện mới. Cấu trúc của TT có chút thay đổi không theo lối thông thường. Kể cả trình tự cũng không theo thời gian. Nếu người đọc không chú ý, hoặc đọc một cách hời hợt đúng là không nắm được cốt lõi của câu chuyện. Nó vẫn có bố cục kín đáo, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, dẫn dắt mờ và sâu bên trong.. Bây giờ bác nói em mới vỡ ra nhiều điều. Có thể em làm chưa đạt, nhưng bác đọc lại lần nữa xem..
Lão cũng đang “xỉn” chả kém gì mình, nên chả ý tứ gì:
- Có cái chó gì mà phải đọc đi đọc lại? Tớ bảo hỏng là hỏng, còn nghe hay không là quyền của cậu!
Người ta bảo “Văn mình vợ người”. Ai chả cho rằng văn của mình hay? Nhưng trường hợp này hoàn toàn không phải. Mình không bảo thủ ý kiến cho mình viết như thế đã là được. Văn chương muôn đời là cái chỉ đến gần chứ chưa ai qua được bao giờ. Nhưng cách lão chê phũ phàng như tát nước vào trước mặt người khác, ai mà chịu nổi?
Không phải mình sĩ với ông HÁT HAY tên là ổi, hay với ông nhà thơ xứ CON DÊ mà mình phản ứng đâu.
Đau là ở chỗ, dù sao tác phẩm cũng là đứa con tinh thần của mình bị vùi dập, coi như không có, không đáng gì!
Chẳng may bạn có đứa con sứt môi, chả lẽ bạn không yêu thương nó sao? Bạn không phát khùng lên khi có người khác chế nhạo, chê cười nó trước mặt bạn và đông đảo mọi người?
Có thể lúc khác lão ấy góp ý riêng với mình, nói sao cũng được. Cần lắm được người ta chê, để biết chỗ khuyết của mình để sửa chữa, bổ sung vào.
Toàn khen nhau, khen lấy được chưa chắc đã hay. Điều này mình biết.
Nhưng lão chê lần này là có dụng ý khác. Va với lão vài lần, biết cách thù dai của lão nên mình hiểu. Người này dù có say, cũng luôn có chủ ý. Lão đã rèn được cái bản lĩnh ấy từ bao năm rồi. Không phải ngẫu nhiên lão ấy thành công. Lại là thành công quá mức thực ra đáng được ghi nhận..
Biết khen biết chê theo ý người khác là lối văn hóa a dua, a tòng. Nhưng làm được thế đâu phải dễ?
Nhất là dạng vẫn ương ương dở dở như mình!
**
Có những cuốn sách nằm lăn lóc ở thư viện hàng chục năm trời chả ai để ý. Người ta không quan tâm vì nó chẳng có gì hay để đọc. Văn chương không có tư tưởng, không có tính triết lí nhân sinh, không có chính kiến riêng của tác giả đó là thứ văn chương vô hồn, người ta không để mắt đến là chuyện đương nhiên. Chữ nghĩa lại thực thà ngô nghê không bằng bà già nhà quê kể chuyện, vừa ngô nghê vừa lủng củng, ai đọc làm gì?
Nhưng bỗng một ngày mát giời nào đó, một ông “quan trọng”, hay một bà “chức năng” nào đấy, vì một lẽ nào đấy nhấc nó lên, khen vài câu..Thế là cả đám ào vào khen thêm. Thi nhau phát hiện cái hay tiềm năng vốn không có gì, bỗng chốc sáng lòe! Thật là kì lạ, nực cười và mỉa mai hết chỗ nói.
Rồi.. một thằng cha căng chú kiết vô danh tiểu tốt, đang làm ăn mờ ám ở đâu đấy đang muốn dùng chữ nghĩa, văn chương và chút danh hờ của nó làm cái thuẫn đỡ tên. Nó bỏ ra dăm ba chục triệu thuê người chuyển tác phẩm giống giống người khác ấy thành kịch bản, dựng phim. Thế là có tác phẩm lừng lững, “trên cả tuyệt vời”!
Cả nước mới ớ ra là lâu nay mình vô tình. Văn tài xuất hiện từ lâu rồi mà mình không biết!
Rồi thi nhau thổi hơi. Hết đăng đàn trên báo, lại đến các em làm luận văn tốt nghiệp đại học. Có chị còn làm luận văn tiến sí tiến xiếc! Hiệu ứng đô mi nô đổ theo ầm ầm..
Đúng là thời kinh tế thị trường có định hướng, có khác. Công nghệ quảng cáo, pờ rồ phát huy tác dụng của nó lên đến đỉnh điểm luôn.
Lúc đầu các bác  ấy còn có vẻ e thẹn. nói năng rất khiêm tốn thận trọng. (Thực lòng các bác ấy cũng biết mình “chả đi đến đâu”, e thẹn là phải ). Xong lâu rồi thành quen, cũng tưởng mình hay thật. Bắt đầu ngoa ngôn, loạn ngữ chả coi ai ra gì. Thấy thiên hạ toàn thứ cỏ giả, chỉ mình mới thực tài. Thật thương và buồn lắm thay.
Mình biết có những cuốn sách hay chịu thiệt thòi vì không có cái may mắn ấy. Hoặc có cái không may lỡ một vị quan trọng nào đấy đọc qua loa, chưa biết hay dở đã chê. Số phận của các tác giả tác phẩm này thật là thiệt thòi.
Ừ thì cũng phải. Thời nào chả quên, chả sót, vẫn có người áo gấm đi đêm. Vẫn có kẻ ăn may, có anh thô thiển vừa đi vừa xì hơi mà vẫn ngất ngú, được thiên hạ khen sái quai hàm!
Cái gọi là công bằng, công tâm, đúng đắn tuyệt đối chả bao giờ có. Chưa nói đến tiêu cực, nhũng nhiễu do thiếu công khai minh bạch.
Có bàn đến rằm tây đen cũng chẳng hết chuyện.
Đang lúc nước sôi lửa bỏng này bàn mãi chuyện cực chẳng đã không nên bàn, e không phải đạo làm người. Mấy cái tàu “nước lạ” đang rình mò ngoài khơi. Có cái đã liều mạng vào cắt cáp tàu của mình, rồi tin đồn về “ngày tận thế”, tin kinh tế tiếp tục suy trào vào năm tới.. Toàn những tin quan trọng chết người cả.
Chuyện văn, chuyện đời bàn vào lúc này như câu chuyện thừa, chưa đúng lúc. Thế nên chuyện hay dở của mấy bác nhà nọ nhà kia tốt nhất là miễn bàn.
Ai hay thì ấm vào mình. Chẳng qua xả bớt một chút cho đỡ troét mà thôi! Đầu óc cần tỉnh táo quan tâm nhiều thứ khác thiết thực, gay go hơn vào lúc này..
Có điều gì không phải các bác bỏ qua và góp ý cho  nhá!
========


Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Nhân duyên khó định




Truyện ngắn của Hồng Giang



Đó là góc chết. Không hiểu sao nàng lại ngồi đó một mình, xoay mặt vào trong, một chân gếch lên chiếc ghế bỏ không bên cạnh?
Hình như nàng không muốn ai nhìn thấy mình, hoặc nàng không muốn nhìn thấy ai? Đôi lông mày thanh tú, cặp mắt đen, đuôi mắt dài thỉnh thoảng nhíu nhẹ, không ra vẻ vui hay buồn.
Nàng thoa nhẹ chút son môi. Da mặt để mộc gần như không đánh phấn. Mái tóc dày cắt ngắn theo mốt hiện đại của tuổi teen thời bây giờ. Khó có thể đoán tuổi của nàng, cũng như khó đoán nàng đang nghĩ, hay không nghĩ gì?

Đám ăn “mải” khánh thành “nhà miếu” của ông chuẩn tướng, nàng có liên quan gì mà tới đây?

Có một vài người nàng quen, nàng chào hỏi, họ cũng chào lấy lệ rồi quay ra chỗ khác. Không một ai tới ngồi cùng bàn với nàng, mặc dù nàng cũng người làng này, đâu có xa lạ gì nhau? Tôi đọc trong cái nhìn của những người đó có chút gì ganh tị, khinh khi và cả một chút coi thường.
Người ta ganh tị là phải, vì nàng ăn mặc không giống ai. Ở tuổi đấy mà vẫn quần bò, áo phông, tóc để thế kia, lại phảng phất mùi nước hoa.. Bề ngoài ấy xa lạ với những người ở xứ đồng rừng thường đi chân đất. Họ chỉ giày dép mỗi khi đi dự tiệc hoặc có hội hè.
Họ ganh tị cũng là phải. Tuổi nàng, đàn bà mấy người được như nàng? Hai bàn tay trắng muốt, ngón thon dài, móng tay sơn vẽ cầu kì. Gót chân hồng hồng như chân thiếu nữ. Người ta thì quần áo dù còn mới vẫn luôn bị nhăn nhúm, gấp để đã lâu, mới lấy trong giương ra, mặc một buổi, về cất lại vào giương. Công việc đồng áng khiến người ta mất dần thói quen chải chuốt, ngắm vuốt khi còn trẻ. Chân tay chai sần, có người nẻ tếch nẻ toác. Có bà chỗ nẻ quá sâu phải dùng chỉ khâu lại.Chỗ nứt rơm rớm chút máu khô mầu quyết trầu. Chả mấy ai được eo thon như nàng! Sinh đẻ sớm, lại làm ăn vất vả không chịu kiêng khem, bà nào, cô nào vòng hai cũng to hơn vòng một. Tóc tai cũng không còn được chú ý mấy. Chỉ chải qua loa cốt sao cho gọn gàng, kẹp bằng cái cặp tóc bằng đồng hay bằng sát cũ. Có người buộc bằng sợi vải sơ sài lắm, đâu có ai diêm dúa được như nàng?
Còn phấn son ư? Thật xa lạ với người quê, tỉnh lẻ.
Nàng hệt như con công đứng giữa bầy gà. Như bông hồng nổi bật trên đám hoa sói, hoa ngâu.
Người lạ chắc hẳn tưởng nàng ở thành phố về. Không là cô sinh viên sắp ra trường cũng con nhà quyền quý, có địa vị ngoài xã hội.

Riêng tôi, tôi biết chắc nàng là ai? Nhưng cái biết đó giờ cũng thành lạc hậu, vì nó cũ, quá lâu rồi. Phải có đến năm bảy năm nàng vắng bóng ở đất này. Làm sao biết con người thật của nàng hiện tại?
Con người ta nhiều đột biến, may mắn cũng như tai ương lắm. Một tháng, một năm đã khác, huống chi năm, bảy năm trời?

Đã đến đây, mọi người đều bình đẳng như nhau. Mọi người có quyền gì mà ganh ghét, tị nạnh hoặc khinh khi đối với nàng? Duyên ai phận nấy, “ai hay ấm bản thân mình”, tỏ vẻ ra đây để làm gì?
Ý nghĩ ấy khiến tôi có chút tò mò, không muốn cho một vị khách như nàng thất ý. Bất luận nàng là người ra sao? Như thế nào?

Hơn nữa đó cũng là trách nhiệm của tôi. Chuẩn tướng có nhờ tôi đón và tiếp khách giúp ông ta. Tôi không có quyền để bất cứ một ai đó mếch lòng..

Có mấy bà mấy cô mới đến, tôi xếp ngay họ vào ngồi với nàng cho có bạn. Hình như họ có chút chần chừ, gượng ngồi một lúc rồi lại sang bàn khác. Thấy vậy tôi ngồi xuống kéo thêm một tay mới đến ngồi bạn với nàng.
Tay này hiện là chủ của hai cái tàu vàng đang nạo sồn sột lòng sông trước cửa nhà tôi. Y có vẻ e ngại tôi nên khi tôi nói y vui vẻ ngồi xuống ngay. Tay ấy e ngại tôi là phải. Chả gì tôi cũng là mồm ăn, mồm nói, có tí “Quyền lực thứ tư” ở cái đất này.

Không ngờ mới, cũ hai người từ lâu quen nhau. Chuyện rôm rả, thân thiết lắm. Tôi lấy làm lạ, nhưng không tiện hỏi. Lộc Viên, chủ tàu vàng hình như đoán được ý nghĩ ấy, da mặt thiết bì của y dãn ra đồng thời với cặp mắt xếch, đôi lông mày rậm:

- Bọn tớ quen nhau từ hồi còn học phổ thông. Lâu lắm mới gặp..

Rồi y quay sang nàng:
- Tình hình chồng con và làm ăn của em hiện nay ra sao rồi?

Nàng cười rất tự nhiên:

- Nguyễn y vân anh ạ! Còn anh thế nào kiếm được có khá không?

- Bọn anh vẫn thế. Em bảo làm cát sỏi như bọn anh lấy đâu ra khá? Đủ ăn đủ tiêu là được rồi. Nào xăng dầu, xe pháo, công nhân.. Trừ mọi khoản cũng chẳng còn là bao. Chủ yếu tạo công việc cho mấy đứa em, đứa cháu làm là được rồi.

- Anh cứ nói.. Em hỏi thế thôi chứ đâu có ý định vay mượn đâu mà anh kín thế.

Nghe hai người nói chuyện với nhau, tôi biết cả hai không phải “lâu lắm mới gặp” như họ vừa nói khi nãy. Càng không phải là chuyện “cát sỏi cái mả mẹ gì” như Lộc Viên vừa trình bày.
Làm cát sỏi phải có bến có bãi, có đường, có nơi xuất hàng đi. Đằng này tàu đào giữa sông, sỏi cát đào lên lại đổ thành đống giữa dòng, đâu có bán, có chuyển đi đâu, vì làm gì có đường vận chuyển? Mặc dù chủ tàu nào cũng có “Giấy phép kinh doanh khai thác cát sỏi xây dựng”. Tuy là phạm vào tài nguyên, nhưng cũng chưa đụng đến của trong kho hay tiền trong két ngân hàng nhà nước.
So với những con bạch tuộc khổng lồ ngốn hàng ngàn, hàng tỉ đồng chẳng là cái gì. Cái thằng nhà báo quèn như tôi tạm an ủi mình với cái lí lẽ tạm bợ đó. Mà thực ra là sợ vu vơ một thế lực vô hình nào đấy. Đụng vào những việc như thế, chả khác nào mó dái ngựa? Không bản thân mình thì anh em gia đình mình không khó chuyện này, cũng khó chuyện kia. Chẳng gây được chuyện gì, biết đâu giữa đường bị cái xe lạ tông vào hay bị ném đá vào nhà lúc nửa đêm? Mọi chuyện đều có thể! Tốt nhất là không dây. Với lại ít ra hắn cũng còn biết tôn trọng, e dè đối với mình. Hôm mình cảm cúm qua loa hắn đến cho cả nửa lạng cao ngựa bạch bảo: “ Tớ cũng chẳng có gì, chỗ bạn bè với nhau, cái này nấu cháo bồi dưỡng cho nó khỏe, dạo này thấy cậu xanh lắm”. Mà thực ra mình đâu có bạn bè với hắn khi nào? Chỉ là chỗ quen biết, ở gần nhà nhau!

Chuyện của hắn với nàng không thuận lỗ nhĩ lắm, nhưng là chuyện của họ với nhau, mình bận tâm làm gì?
Tôi định đứng dậy đi ra chỗ khác để họ tự nhiên. Nàng kéo tôi lại:

- Anh thong thả đã, em có chuyện này muốn hỏi anh một tý?

- Chuyện gì? Để lúc khác được không? Tôi đang bận đón khách. Chả nhẽ người ta nhờ mình lại cứ ngồi đóng cọc một chỗ, e không tiện.

Nàng cười cười, cái cười của người đẹp, tuy vô cảm vô tư như tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng:

- Úi giời.. Người ta cứ nói thế, chứ tướng tá thiếu gì người đón khách? Chẳng qua ông ấy nói thế cho đẹp lòng, đẹp đội hình đấy thôi, anh cứ ngồi đây!

Lúc này tôi thực sự lúng túng. Tôi không có ác cảm hay khi rẻ nàng như một vài người tôi vừa thấy, nhưng vẫn thấy ngài ngai thế nào ấy. Đây là chỗ đông người, chỗ công chúng, tôi đã biết gì về nàng đâu mà ngồi đây đằm thắm, chuyện trò với nàng? Chưa nói đến bao nhiêu con mắt nhìn vào của thiên hạ xung quanh, ngay như ông anh họ tôi, chủ nhân thực sự của đám tiệc này có thể sẽ không bằng lòng.
Ông ấy sẽ bảo: “ Tưởng chú thế nào, hóa ra cũng thường, hóa ra thấy gái cứ như mèo thấy mỡ. Chả đàng hoàng tý nào, tao sượng hết cả mặt”. Thế thì còn ra làm sao? Tôi đành nói cho xong việc:
- Đằng nào thì em vẫn còn ở đây. Thông cảm đến cuối buổi gặp lại, muốn hỏi gì hẵng hỏi nhé!

Tôi nói như vậy và đứng dậy đi ngay. Tôi tưởng, sau buổi tiệc này nàng sẽ quên lời xã giao ấy, hóa ra không phải.

**
Buổi khánh thành miếu rồi cũng xong. Khác với tiệc tùng,đám xứ trong vùng. Bao nhiêu phong bao, phong bì của khách đến mừng gia chủ đều cúng hết lên nhà chùa. Một ngôi chùa vừa mới xây bên kia sông, trông xuống bến đò. Cái nghĩa cử ấy làm nhiều người nể trọng. Thông thường nhà chùa đến tham gia làm lễ người ta chỉ sửa một cái lễ nhỏ, một cái phong bao nhiều thì đến năm trăm ngàn là cùng.. Chưa từng có ai tất tay cúng tiến cả thế này!
Nhưng vẫn có người xì xào: “ Người có quyền có chức chẳng qua phóng tài hóa thu nhân tâm, thu phúc lộc lâu dài”! Miệng dân sóng bể, chả biết đâu là cùng.
Chuẩn tướng sắp xếp cho đoàn cô đồng, thầy cúng, thầy phong thủy ra xe về Cốc Lếu Lào Cai. Từ đây lên đến đấy đường còn xa hơn đường xuôi Hà Nội. Nghe nói đây là các bậc thầy cao tay, trừ tà bắt quyết rất giỏi. Lại giỏi cả việc “định tính linh”, bốc bát nhang thờ. Chỉ riêng tiền trả công thầy, mua vàng mã, thuê xe đưa đi đón về đã hết gần trăm triệu.
Phải chi lớn như vậy là có lí do rất riêng của gia chủ. Vợ đồng chí ấy đi xem về nói “Dòng họ Nguyễn nhất định phải lập miếu thờ. Ngôi mộ cụ thân sinh ngày trước do vô ý chôn nhầm vào mộ địa của một “quan ngài” thác đã lâu. Nấm mộ ngài không còn dấu tích nên mới xảy ra cơ sự này. Ngày đấy đồng chí ấy vắng nhà, mai táng cụ đồng chí có biết đâu? Lẽ nào phải chịu trách nhiệm?
Âm dương gì, công bằng mà nói “Ai làm người đấy chịu”. Lúc đầu đồng chí anh họ tôi không tán thành!
Thầy nói nếu không làm gấp, trong nhà tất sẽ có nạn to. Đứa cháu gái ông anh cả làm bên an ninh đi công tác mãi không sao. Hôm vừa rồi đi thăm quan lại bị lật xe giữa ban ngày, đưa đến bệnh viện không kịp, nó mất vào quãng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Thanh tra giao thông xác định “tai nạn do lái xe ngủ gật trong lúc cầm vô lăng”. Chỗ ấy đường rộng, không có xe chạy ngược chiều, trời nắng ráo, bị như thế thật không ai ngờ?
Nhưng cõi âm nói “không phải bỗng dưng”. Lại tiếp đến ông anh trai trưởng đi đám về tự nhiên cảm nhập, cấm khẩu. Chữa chạy hàng tháng trời.. giờ nói năng ú ớ, ăn đâu nằm đấy. Thày còn bảo nếu không sớm dựng miếu thờ ngài, có khi cả chuẩn tướng chưa chắc đã toàn!
Đồng chí ấy không tin, một mực không đồng ý. Bên trên trông xuống, ở dưới trông vào làm thế sao tiện?
Thêm bà chị dâu khóc khóc, mếu mếu hùa theo bà vợ, nói đi nói về, cuối cùng đồng chí ấy miễn cưỡng phải nghe theo! Cũng là cách giữ hòa khí, êm thuận trong nhà. Người ta càng có danh có giá, càng phải giữ gìn cẩn thận. Tránh nhất là chuyện lục đục, ầm ĩ trong gia đình.
Miếu lại lập ở nhà ông anh trai, dù mình có đầu tư tiền của thì “bàn dân” vẫn cứ cho là vợ chồng ông ấy đứng ra làm. Vả lại ai hỏi chuyện này mà phải lo? Cũng là “tự do tín ngưỡng các nơi khác rầm rộ từ lâu rồi”..
Quả là sức mạnh tâm linh có sự huyền diệu, thu nạp bí ẩn. Từ chỗ miễn cưỡng chiều theo, đến chỗ săng sái tin cậy, là một sự thay đổi bất ngờ.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông anh họ chắp tay khấn vái với vẻ rất thành thực, trung tín, nom lóng ngóng, ngọng ngịu và buồn cười. Ông cầu cho cuối năm nay điều phỏng đoán của ông về việc thăng chức trở thành hiện thực. Dù thời bây giờ phong tướng không còn là chuyện hiếm hoi và các ông tướng cũng khá đông đảo rồi. ( Ngay cái làng bé tẹo này cho đến nay cũng đã có đến hai ông tướng. Một ông qua đời năm ngoái, đám rước linh đình, và ông anh họ tôi đây. Lịch sử của làng chắc thế nào cũng phải có tên của cả hai vị dù còn sống hay đã chết!)
Đám vui, nhưng thật lòng là khá mệt. Làm cái anh MC mời khách, qua mỗi mâm chỉ lưng lưng chén, từng ấy mâm chưa đổ là còn may. Đến lúc ngồi vào mâm, ăn quấy ăn quá một tí rồi lại đứng lên tiễn khách. Tôi chỉ muốn mau chóng xong xuôi công việc, ngả lưng một chút để lấy lại thăng bằng. Từ đấy đến giờ mình cứ như người phiêu du ở vương quốc lưu li. Chân như muốn chạm đất nhà trời. Nói như cụ Nam Cao là chả biết đứng lên, đi lại bằng cái gì? Có lẽ nhờ thói quen của cái nghề tiền chả được bao nhiêu, nhưng rượu lại được hơi nhiều, thành quen mẹ nó rồi!
Chuẩn tướng bảo:
- Thôi chú về nghỉ đi, công việc còn bao nhiêu các cháu lo. Việc ấy không phải việc của chú. Độ năm giờ chú nhớ đến đừng để phải gọi hay đi đón đấy nhá!
- Vâ..ầng, em về.ề..
- Liệu có đủ bình tĩnh cầm lái được không?
- Bác yên tâm đi, nam nhi sống ở đời, chạy xe là chuyện nhỏ..
Tôi loạng quạng dắt xe ra ngõ. Ngồi lên yên rồi đề mãi mà xe không nổ? Chắc là bình yếu, đạp khởi động vậy. Tôi co một bên giò.. Đạp thế quái nào toạc một ống quần mà xe vẫn trơ như cục sắt. Đạp cái nữa, cả người cả xe chúi sang bên rãnh ta luy.. Phải chỗ hờm, quả này ăn chắc lăn xuống ruộng!
Bỗng có bóng người quần bò, áo thun quen quen chạy lại đỡ tôi và dựng cái xe dậy:
- Anh để em. Chắc anh không đi được đâu. Để em đưa anh về cho an toàn..
- Cô cứ mặc tôi
Tôi lại cố gắng đạp mấy cái nữa. Nàng rúc rích cười. Tôi đã hơi cáu.
- Xe anh khóa xăng thế kia làm sao nổ được? Thôi để em xem..
Nàng bảo tôi ngồi lên. Lúc đó không hiểu sao tôi không nói lại câu nào nữa. Tôi như một đứa bé ngoan ngoãn cho nàng mang đi.
Rượu là cái gì nguy hiểm, đôi khi đánh mất phẩm giá con người. Ấy là sau này tôi nghĩ thế. Chứ thực ra lúc đó đâu còn biết mô tê,răng rứa, con mẹ gì?
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong một gian phòng. Trên cái bàn kê gần cửa sổ giống như bàn làm việc của tôi có một bình hoa. Còn cái giường tôi nằm rất lạ, không phải của mình. Mà tôi đâu có cắm hoa bao giờ đâu nhỉ?
Vậy chỗ này là đâu?

***
Đồng chí anh họ tôi quả là hiểu đời, có con mắt nhìn xa trông rộng. Chẳng những giỏi binh “Binh thư yếu lược” mà còn thấu rõ mọi lẽ đường đời, hiểu sâu sắc thân phận con người.. Điều ông ấy e ngại cho tôi, rất không may nó đã xảy ra!
Khi tôi hoàn hồn thức giấc, chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu, biết ngay mình đang ở chỗ nào?
Tại sao mình lại ở đó từ đấy đến giờ?
Mặt trời đã lên được hơn con sào phía đầu rặng tre. Ánh nắng vàng rộp của ngày tháng mười, tươi mới đang tràn ngập trên cánh đồng, dọc con đường làng, một góc của dòng sông qua cửa sổ của căn phòng này của nàng nom thấy.
Có thể nói là một buổi sáng đẹp trời. Than ôi lòng tôi lúc này đâu có được đẹp như thế? Nó đang trĩu nặng như đeo đá vào người để nhấn chìm từ từ tâm hồn xuống dòng sông mùa này chắc là đang lạnh giá kia!
Tôi đã ở trong phòng của nàng gần hai mươi tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không có chủ ý gì. Không ai bắt buộc tôi cả, nhưng không phải tôi muốn, hay tôi tự nguyện!
Tôi thường không ưa những kẻ đạo mạo, sĩ diện rởm theo lối “liếm đĩa dính mật trước mặt học trò”. Nhưng thực tâm những nơi như thế này tôi thực sự không muốn bước chân vào. Không hẳn tôi sợ căn bệnh thế kỉ những người như nàng thường mang sẵn trong người. Cũng không hẳn sợ tai tiếng hay con mắt người đời dè bỉu..
Một nỗi sợ khác, rất mơ hồ chỉ nhận được qua linh cảm, chứ không bằng trực giác.
Tại sao nàng không đưa tôi về nơi tôi ở? Từ đây tới đó chỉ non nửa giờ xe chạy chứ có bao nhiêu? Nàng giữ tôi lại trong phòng này làm gì?
Tôi đã làm gì nàng và nàng đã làm gì tôi trong lúc tôi say gần như bất tỉnh nhân sự? Liệu đây có phải là một âm mưu?
Tôi vội vàng mặc quần áo ngay ngắn lên người, đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra, len lén như kẻ vụng trộm.
Bạn đọc, xin bạn hãy thông cảm cho tình trạng của tôi lúc bấy giờ. Ngay bây giờ đây khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn tim đập, chân run. Hạng người như tôi vẫn thường hèn như thế đấy. “Nói giời nói bể”, nhưng “hễ nghe một tiếng súng kíp đã tái xanh mặt mày”. Thiên hạ đồ đoán, có điều là rất đúng. Cái mà tôi lo không phải không có cơ sở. Không thiếu những con mồi trong tình cảnh này phải trả một giá đắt cho sự ngu ngốc và bất cẩn của mình..
Vẫn không có động tĩnh gì. Không có kẻ nào cầm súng cầm dao dọa giết hay vào đây khống chế tôi, buộc tôi phải ký vào sổ nợ một ngân khoản mà tôi không hề vay, hay nợ.
Cũng không có nhà chức trách nào tới lập biên bản, “tìm mẩu khăn ướt hay một thứ gì đó tương tự” làm tang vật. Sau đó tôi sẽ bị điệu đến một nơi để chấm dứt sự nghiệp còn đang dang dở của mình..
Bốn bề im ắng, tôi nghe thấy cả tiếng đập của quả tim vừa đang lo lắng của mình. Chẳng qua, thần hồn nát thần tính, mình tự dọa mình chứ nào có cái quái gì đâu?
Hình như ngoài vườn còn có tiếng chim kêu lích tích. Không hiểu sao lúc này tai tôi thính, đầu óc minh mẫn đến thế?
Tôi chú ý nhìn khắp gian phòng của nàng, đề phòng một kẽ hở nào đó có thể dùng ghi âm, ghi hình những gì diễn ra trên tấm đệm kia. Hoàn toàn không có gì cả!
( Sau này nhớ lại, tôi tự thấy sự vô lý và lố bịch của mình. Đúng là kẻ ngu xuẩn thường hay phức tạp hóa những gì thực ra quá đơn giản ).
Cái xe Way Tàu của tôi vẫn dựng sát chân tường, nó vẫn y như vậy, không hề mất một cái gương hay một mẩy yên nào cả!
Nhưng nàng đi đâu mà lúc này không có mặt ở đây?
Tôi không phải chờ đợi lâu. Nàng đã về tay mang một chiếc cặp lồng nho nhỏ vừa gỡ ra từ ghi đông xe đạp của nàng. Chúng tôi nhìn nhau. Cảm giác thật là khó nói. Bực tức, hằn học? Ngượng ngịu, đồng tình? Đều không phải!
Nàng tự nhiên như không có việc gì xảy ra:
- Anh rửa mặt rồi ăn chút cháo đi cho nó nóng. Cháo lòng em vừa ra quán mua về đấy. Hàng nhà bà Mùi Cắm sạch mà ngon!
Tôi không biết nói sao. Tự hỏi không biết mình trở thành Chí phèo ngồi ngắm cháo hành tự khi nào? Chỉ có điều nàng không là Thị nở. Nàng đẹp hơn và “có vấn đề” hơn Thị Nở rất nhiều.
Cuối cùng tôi cũng mở được miệng:
- Sao cô không cho tôi về nhà, mà lại đưa tôi đến đây?
- Em sợ đến nhà anh,chị ấy nghĩ sai về em. Bây giờ anh đã tỉnh rượu rồi, anh tự về thì hay hơn.
- Hỏi thật nhé, đêm qua tôi say rượu có làm điều gì không phải với cô không?
Nàng rúc rích cười ( Cứ như hay lắm, buồn cười lắm ấy):
- Sao anh hỏi thế. Không có chuyện anh làm gì, hay em làm gì đêm qua đâu.anh đừng nghĩ như thế. Em tuy là đứa không ra gì nhưng không hẳn như mọi người nghĩ. Ít ra còn chút tự trọng, chút liêm sỉ chứ. Hơn nữa em biết anh là người thế nào chứ? Không thể cư xử như lúc khác được..
Tôi vẫn chưa hiểu “lúc khác” của nàng là lúc nào. Thì nàng nói tiếp:
- Thực ra em quý anh vì anh là hình tượng thủa còn con gái của em. Không cần trai đẹp, trai giàu, cần người thông cảm và hiểu biết, tin cậy được mà thôi.
Giời đất! Tôi thì “Hình tượng”, “Thần tượng” cái nỗi gì? Cô ả này không chừng giăng câu mình đây. Tôi giật mình, không cả rửa mặt, ăn uống dắt xe ra cửa.
Nàng giữ tay tôi lại:
- Em biết em không nên nói ra câu này. Em không có tư cách gì để nói với anh câu đó. Nhưng từ khi đọc trong tập thơ của anh có hai câu em rất thích: “ Làm điếm mà xây lâu đài, còn hơn tham nhũng tiêu xài của dân”. Tự thấy an ủi mình được phần nào. Trước đây em tự ti và rất mặc cảm.
Đúng là cuộc đời luôn có những bất ngờ. Đó là tập thơ đầu tay của tôi in đã lâu. Tôi không nghĩ có những người như nàng cầm đến và đọc nó. Hai câu trên chả qua là bí tứ, bí vần viết cho nó Liên mà thôi chứ tôi đâu có ngụ ý gì?
Bất ngờ nàng khóc. Tôi chưa thấy ai khóc thê thảm như nàng. Không tru tréo, không nỉ non, chỉ lặng lẽ khóc. Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nói:
- Cô nín đi, ai làm gì cô mà khóc? Người ta dễ hiểu nhầm..
Bất chợt nàng lại cười, cái cười mếu máo:
- Em thành thực xin lỗi anh và cảm ơn anh đã cho em được “một đêm gần một người đàn ông tử tế”. Tuy chúng ta không có duyên gì, em chỉ ngồi nhìn anh ngủ, gối đầu tay cho anh..Chỉ thế thôi em mãn nguyện rồi.. Đời em ra thế này là vì gặp người đàn ông đầu tiên không ra gì, lấy hắn làm chồng..
Nàng kể. Mặc kệ tôi có nghe hay không. Rất nhiều chuyện..
Tôi thì tôi nghĩ, người như nàng ai mà không nói thế?
Nghe thằng nghiện và tin lời ca ve có mà mất trí!
Tôi vội phóng xe ra khỏi nơi nàng ở như bay khỏi nơi đang có báo động dịch bệnh nguy hiểm..

****
Nửa năm sau, tôi có việc ngang qua chỗ đó. Không ai biết nàng đã bỏ đi đâu?
Tôi hỏi dò hàng xóm xung quanh, mới biết chuyện hôm nào nàng nói với tôi là có thật. Nàng từng bị lợi dụng, bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, và cả gặp những tên khốn nạn…Cả những việc xấu xa người ta đồn đại cũng một phần là có thật..
Ai nghĩ thế nào về nàng thì nghĩ, với riêng tôi, tôi tin một ngày nào đó nàng sẽ làm lại cuộc đời.
Nhân duyên khó định, không ai có thể sắp xếp được cho ai, nhưng có điều chắc chắn người tử tế sẽ gặp điều tử tế!
Có thể đồng chí anh họ của của tôi sẽ không tin câu chuyện này là thực. Và nếu có, ông ấy chắc cũng không đồng ý với tôi và cho tôi là đứa dở hơi, có vấn đề.
Nhưng mà chuyện này, tôi có điên đâu mà đem kể với ông ấy?

*****

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Không săn chim


KHÔNG SĂN CHIM CHÓC TRÊN RỪNG
                                                       
                                                      Truyện ngắn của Hồng Giang

Thoạt đầu mở quán lòng lợn tiết canh, cháo lòng. Chọn mua từ thằng bạn cùng học thời phổ thông. Nghĩa là lòng sạch, trắng tinh, nhất là nó ưu tiên cho thêm nhiều món cổ hũ, dạ dày. Phải dậy từ lúc bốn giờ sáng, nhóm lò, băm, thái.. Tiết canh để sẵn tủ lạnh. Hôm nào nhỡ tay, nó vẫn đông. Đây là cái nghề học mót được hồi mình giải nghệ làm “Nhân viên” cho nhà hàng trên thành phố. Tưởng tượng công việc này rồi ra sẽ phát tài, kiếm được ăn. Thôi thì làm gì cũng là làm, bắt mũi bỏ miệng, nào có ai nghĩ thành ông nọ bà kia, vương tướng gì? Lấy lại cái danh cái giá mà một lúc tính nhầm, lỡ bị rơi vãi nơi thị thành..
Buổi đầu tiên năm sáu con bạc đi ăn đêm về vào quán mở hàng. Chúng vừa kiếm được một mớ, ăn xong trả tiền. Thừa hai chục bạc, thằng cao như sào chọc ổi cười hơ hơ:
“ Còn đâu bo luôn cho em đấy!”. Tiên sư ông, “bo” thì “bo” hẳn vài trăm. “Bo” đ. gì hai chục bọ? Nhưng mà chẳng sao, nghề làm ăn chân chính, kiếm ít một tý, nhưng mà lành. Kiểu người ta bảo “ăn cơm với cáy thì ngáy o o” Chả phải lo lắng gì!
Ngày thứ hai có cuộc tập huấn tập hiếc gì đó gần nhà. Món choai choai thằng nào thằng nấy đồng phục, Ak khoác sát đít, dựng một đống chiếm gần nửa gian quán. Chúng nó phải chờ mới đến lượt. Một số nóng vội, quay ra mua bánh mì của một lão ất ơ vừa đi vừa bấm kiểu còi chẳng giống ai, rao bán inh ỏi.
Nghe bảo tình hình dạo này không như mọi khi. Súng ống phải sẵn sàng, tập tành cho hẳn hoi. Các em chăm chỉ, chị cũng được nhờ. Mạnh dạn nới tay một tý. Tiền vẫn thế, nhưng đĩa lòng đầy hơn, thêm cho các em mấy dóng hành tươi cho nó “hoành”. Chị nghèo, tình quân dân cũng chỉ cố được đến thế thôi. Đứa nào phàn nàn chị chịu!
Có con em họ học gì không học, lại học báo chí, nhân văn nhân vẻ gì đấy ế chổng cờ. Không xin nổi việc, đến cậy nhờ chị. Chị ok liền. Cùng cảnh chị em với nhau, mày lại có tý học chắc là biết điều, chị không giúp em còn giúp ai? Đừng có mà xem thường cái nghề của chị.Chẳng qua là bần cùng, số kiếp kém. Trời mà để ra chị kém gì Tăng Th. H., Th. k ? Hát chèo, cải lương, nhạc mới nhạc miếc.. chị chơi được tuốt. Giọng mật ong rừng hẳn hoi chứ chả phải giọng mía lùi đâu nhé! Chỉ tội chả ma nào giới thiệu, Pờ rồ, nên chị cam tâm làm cái nghề mọn này thôi. Kiên nhẫn, chờ đợi, trồng tre uốn gậy, chả bao giờ là muộn!
Được cái em gái ngoan. Chả xinh mấy nhưng mà nhanh nhẹn. Có thêm mày chị cứ như rồng thêm vây. Quán cháo của chị sinh động hẳn lên.
Lão hàng xóm hay rượu, đông con, chả có tiền, sang gạ. Chị ừ luôn. Không phải ừ cái vớ vẩn kia. Cái đấy chị không thèm. Bây giờ món đó chị khinh, không muốn nhắc đến nữa.. Chị ừ là ừ cho lão giúp chị cơi nới cái quán thêm rộng ra một chút. Thêm mấy cây keo đểu người ta mua về làm củi bớt lại cho, mấy tấm pờ lô, quán rộng hẳn ra. Lão ý còn bảo sơn hay đánh vẹc ni mấy cái cột nữa. Chị bảo thôi. Mình làm lấn ra hành lang giao thông, mấy bác coi đường chửa biết bắt dỡ đi lúc nào. Sơn xiếc làm gì cho phí tiền, thêm ngứa mắt, chọc gai vào các bác ấy?
Tự hôm có quán cháo lòng, quãng đường xa vắng này nhộn nhịp hẳn lên. Có thêm tiếng nhạc, lời ca từ đôi loa thùng thằng anh rể cho mượn. Chòm dân bấy lâu như kẻ ngủ đứng, bỗng tỉnh táo hẳn.
Con em họ bảo :
- Hay là bán thêm phục vụ cho khách ăn đêm hở chị?
- Chỉ sợ không có khách, làm thêm thì làm. Chị sợ mày kêu mệt. Cơ hội đến không chộp lấy có mà ngu à?
Hôm đầu chưa ai biết, thức mờ cả mắt. May mà có cái tủ lạnh mua lại của tay đồng nát, còn dùng tạm nên chả sợ ôi thiu. Lòng lợn để hôm sau vẫn bán được.
Nhanh chân nhất về khoản ăn uống vẫn là tụi cờ bạc. Chỗ này lại khuất, ít người qua lại dòm nom, đêm sau chúng đã có mặt. Món xe chuyên chạy về đêm cũng mò vào. Cứ mười một mười hai giờ đỗ trước cửa, bạt trùm kín mít. Chẳng biết trên xe chở gì, gỗ lậu, quặng hay thứ phải gió gì không cần biết.. Miễn là nhà các anh sòng phẳng. Cũng có thằng bảo ghi sổ? “Quán em nghèo, mới mở, vốn liếng chả có, anh thông cảm cho”. Ngọt nhạt thế. Nó bảo: “Bọn anh đùa vui thế thôi. Thiếu tiền tỷ chứ thiếu đếch gì vài đồng rượu!”. “ Em cũng biết thế. Lái xe các anh tính nghệ sĩ, hay đùa vui thế thôi chứ nỡ lòng nào”. Tụi này đi, con em cười bảo: “Em chết cười vì chị?” Cười gì? “Cười cái chuyện lái xe nghệ sĩ nghệ thuật của chị ấy!” Chuyện. Đời thằng nào chả thích nịnh? Chả thích một lần gọi là  “nghệ sĩ”? Mất cái gì nào? Em lại bảo : “Mới có mấy ngày, em học được ở chị bao nhiêu thứ. Ở Hà Lội bốn năm năm toàn học chữ, chả học được bao nhiêu cái khôn làm người!” Lại mày! Cũng định nịnh thối chị nữa phải không? Con em cười hí hí, chạy đi rửa bát..
**
Mọi việc cứ tưởng thế là ổn. Cứ thế mà đi lên.
Một buổi sáng lão thuế vụ đến. Quán cháu làm ăn thuế má gì hả bác? Lão bảo : Nhà nước quy định rồi, kinh doanh là phải thuế. Chiếu cố mới mở cho lui lại cái môn bài làm sau là tốt rồi. Kêu ca cái gì nữa? Dưng mà mức cao quá, thế này chúng cháu làm gì còn có lãi nữa, vào thuế đã gần hết rồi, sống bằng cách gì? Lão nói: “ Cái đấy tôi không biết, quy định thế nào tôi làm đúng thế thôi, tôi đâu có đặt ra? Thắc mắc cô cứ lên trên mà hỏi!” Vật nài mãi cũng chẳng ăn thua. Lão làm nghề này nghe quen những lời kêu rêu, phàn nàn như thế, đâu có động lòng? Có lẽ phải tính cách khác để đối phó với lão, họa may mới xong. Bao giờ chả vậy, máy móc nào chả phải bôi trơn? Đành là thế vậy, lo dần dần.. Trước mắt phải cân đối thu chi cho nó ồn cái đã. Cũng phải từ từ kẻo mất khách. Chưa làm quan đã học ăn bớt là không hay!
Đám tập huấn cũng đã xong đợt. Sân vận động vắng tanh vắng ngắt. Họa hoằn quán mới có một vài ông vãng lai. Bọn cờ bạc vừa bị dẹp, giờ nằm im, chả thấy đứa nào ngo ngoe. Đám lái xe cũng biệt tăm tích. Người ta bảo độ này “ông trên” quản lý rừng gắt lắm. Gỗ không anh nào dám làm thì chớ, ngay quặng cũng không dám moi móc đào bới như thời gian trước đây vì đào quặng cũng là xâm phạm tài nghuyên quốc gia, cũng là phá hoại rừng! Cái tin tốt ấy, xem ra với quán của Huyền lại bất lợi. Hai chị em ngu ngơ nhìn nhau. Nó là đứa biết ý, bảo: “ Không có khứa, thôi để mình chị, em làm việc khác chứ hai chị em ngày ba bữa ăn xong ngắm nhau thế này thì gay”. Ừ chứ biết bao sao? Con bé cũng là vất vả mới gặp mình. Chưa được mấy ngày đã chia tay đôi ngả. Đã hứa với nó, dù có thua lỗ, chị cũng trả đủ, em đừng lo. Nó cầm nắm giấy bạc trong tay mà rân rấn nước mắt..
**
Nghe bảo đến năm hai ngàn..mấy mấy, “Nông nghiệp chỉ chiếm ba mươi phần trăm cơ cấu kinh tế”. Mình không nhớ năm ấy là năm nào, nhưng biết rằng tương lai của ngành dịch vụ là rất sáng sủa, rất vui. Nhất định là mình không “chuyển ngành”, chỉ chuyển nghề thôi. Không lòng lợn tiết canh nữa mà quay sang giải khát. Hai việc này vốn là bà con gần với nhau, chỉ hơi có chút khác biệt. Cần thay đổi, thu nhập có thể không bằng, kéo lại cái rất an toàn. Bao giờ và ở đâu an toàn chả là “bạn”?
Dẹp bỏ dao thớt, Huyền trưng lên cái biển rõ là “hoành”: BIA LẠNH – GIẢI KHÁT SINH TỐ. Treo thêm mấy dây “thịt bò khô”, “ngô cay” thế là thành. Đúng là “cùng thì biến, biến tự khắc thông”. Quán mở buổi sáng, đến chiều thấy rầm rộ xe, máy kéo về, đỗ chật hai bên đường. Sắp có đợt cơi nới, mở rộng đường. Con đường cái quan bấy lâu nay chỉ là tỉnh lộ, nay lên đường “quốc gia”. Ít năm nữa lên “quốc tế” chưa biết chừng. Việc đấy còn hơi xa, chỉ biết đã bắt đầu một cơ trời mới. Lúc ý, Huyền lại thoáng băn khoăn, chuyển sang làm giải khát chả biết có trúng không mà bỏ mất cái “Ngành” cháo lòng tiết canh? Sự đoạn rồi, chả hơi đâu mà lôi thôi xôi chè cho nó mệt. Giải khát là giải khát, chắc ăn hơn và đỡ mệt người. Cũng đã sang hè rồi, nhầm là nhầm thế ấy nào được? Rõ là vớ vẩn..
Huyền đang linh tinh nghĩ như thế thì có khách. Anh ta có cái khẩu trang chẳng giống ai, úp xùm sụp che kín gần hết mặt. Ừ thì vì đường quá bụi, không khí phải cỡ đến ba mươi phần trăm thành phần là bụi chứ không phải ít. Đeo khẩu trang đi đường là cần thiết và mặc nhiên, không có gì lạ. Nhưng khẩu trang như người này thì cực kỳ khó hiểu. Nó giống như cái mặt nạ chứ không phải khẩu trang khẩu chót gì. Chỉ hở có mỗi hai con mắt, hai cái tai và một tý thịt trên trán. Có khi bọn khủng bố cũng chỉ che kín mặt đến thế này là cùng. Người khách vào, không gọi đồ uống. Khẩu trang mặt nạ cũng không chịu cởi. Nếu uống hoặc ăn thì phải cởi ra chứ? Giữ gìn vệ sinh chăng nữa, vào quán cũng phải tháo cái che mồm che mặt ra. Đàn bà con gái che mặt giữ da đã đành. Đàn ông con trai cần gì phải giữ gìn đến thế? Hẳn đây là một “mĩ nam” quá cầu kì! Chả trách ngày nào ti vi cũng quảng cáo “Dầu gội đầu, mĩ phẩm dành riêng cho nam phái”!
Khách gọi:
- Này cô chủ, quán mới mở có cần lấy hàng bán bọn anh bỏ mối cho?
-  Anh ở đâu? Có những hàng gì?
- Công ty bọn anh ở ngoài thành phố. Em cần gì cũng có. Bia lon, bia chai, nước trái cây các loại.. Anh đi tiếp thị, quán mình cần em cứ kê ra đây, ngày mai sẽ có xe mang đến. Mỗi tháng em thanh toán một lần. Lần đầu “cọc” cho công ty một chút để “bảo tín”.
-  Tiền cọc có nhiều lắm không ạ?
- Có năm triệu thôi, lấy gì mà nhiều? Thời bây giờ làm ăn người ta “bảo tín” hàng chục, hàng trăm triệu ấy chứ. Có giấy tờ, hợp đồng hẳn hoi, em lo gì?
- Quán em như cái mắt muỗi, chưa biết có chạy hàng hay không. Việc này để em sau sẽ tính. Mua bán cò con, hết đến đâu lấy hàng đến đấy thôi. Anh thông cảm!
- Nói thế là em không tin anh rồi. Em bỏ mất cơ hội kinh doanh rồi đấy. Không có gan thì khó mà làm nên giàu. Nếu em làm đại lý cho công ty, chắc chắn có thêm nhiều ưu đãi đặc biệt về giá cả, về thiết bị nhà hàng.. Những là..Những là..
Người này còn nói một thôi một hồi nữa rồi mới chịu đi. Mình đã bảo không là không. Chẳng ai tự nhiên tốt với ai thế bao giờ. Cái công ty anh ta nói, mình đã biết nó ngang dọc, mục đích kinh doanh của nó là gì đâu? Dứt khoát ngay từ đầu là cái nên làm. Có cả tỷ chuyện “công ty công toi” ngày nay bất khả tín. Chưa được việc gì đã yêu cầu đóng tiền! Gã nào nghĩ ra cái chiêu này xem ra cũng xoàng. Dân trí bây giờ lên chót vót rồi. Đâu có dẽ gạ gẫm như xưa?
Người chào hàng thấy không ăn giải rút gì, bỏ đi. Sao mà nom cái dáng đi của gã quen quen thế nhỉ? Hình như mình đã gặp ở đâu rồi? Cả cái giọng nói cũng rất khả nghi? Hay là người quen cũ chăng? Anh ta bịt mặt như thế chẳng lẽ vì vậy sao?
Cuộc gặp tình cờ khiến cô chợt nhớ lại một chuyện. Đã lâu rồi.. Huyền tái mặt. Cô thấy nhoi nhói, tưng tức nơi lồng ngực..
***
Đang ngồi nẫu, buồn chảy nước ra thì con em lại đến. Nhìn cái mặt hơn hớn của nó, biết ngay nó đến không phải xin làm tiếp khi hay tin mình đổi nghề. Mắt nó lấp la lấp lánh, hai gò má phơn phơn hồng. Dấu hiệu của kẻ đang yêu và được yêu chả dấu ai được! Tay năm, tay mười nó thu vỏ chai, dọn cốc khách để lại trên bàn đem rửa. Xong rồi nó úp úp mở mở khoe:
-Em sắp phải xa chị rồi? Chị đoán thử xem em sẽ đi đâu?
Cấu cho mày một cái, cấu yêu thôi, Huyền bảo:
- Con nỡm. Có gì nói toạc ra đi. Đố mới đoán mệt bỏ xừ. Chị ghét nhất là cái trò đoán điếc, “Đấu trường một trăm, Ai là triệu phú?” Mày hiểu không?
- Thôi em nói luôn kẻo chị sốt ruột: Em sắp về Hà thành rồi!
Nghĩ bụng, chắc có tờ lá cải, hay báo ngành gì đấy nhận nó vào hợp đồng. Đang lúc vận động học hỏi, tuyên truyền cần nhiều nhân viên thế này, báo nào cũng kêu thiếu bài, không có đủ người viết. Nhưng đừng có mừng vội, chỉ là hợp đồng thôi. Từ nay đến đến biên chế chính thức “Còn lâu dài và gian khổ” lắm. Con gái có thì, liệu em có bề bỉ được không? Hay lại như con bé xóm trên làm được mấy tháng, lương lĩnh không đủ tiền ăn, thuê nhà trọ lại bỏ về chăn lợn? Mới chỉ nghĩ thế thôi, Huyền chưa dám nói gì, sợ nó mất hứng. Ai chả vậy? Đang vui mà nói ngang vào là điều tối kỵ. Thấy Huyền im im, cô chàng lại tiếp:
- Em có ông anh kết nghĩa mới chuyển trong Sài ra. ( Ý nó nói là Sài Gòn chứ không phải Sài Sơn, Sài Đồng).. Ông ý xin việc cho em được rồi chị ạ. Không phải làm báo làm biếc đâu. Mình không có năng khiếu, văn vẻ tò te, viết lách chưa chắc đã tốt. Nghề ấy cần người có tài, hồi mới lớn nông nổi, mới xin theo học, giờ em nghĩ lại rồi. Việc em xin được bây giờ chả dính dáng gì đến ngành học trước đây. Miễn là có việc làm, thất nghiệp mãi đâm tự ty, cứ y như con dở, con mất trí ấy phải không chị?
 Chị cũng mừng cho mày. Nghề báo ngày nay cực kỳ nguy hiểm. Viết dở chả ma nào đọc. Viết hay là dễ đụng chạm chỗ này chỗ kia. Thôi, “giã từ vũ khí”, đi làm việc khác cho nó lành.
Nó khoe “anh ý tốt lắm, lo cho em từ a đến z chả phải mất đồng nào chạy chọt. Lại còn hứa mua cho cái xe để lấy cái đi làm. Tất nhiên là anh ấy cho vay. Đi làm có tiền nhính ra trả dần, cũng tốt phải không chị?”
Huyền đã a, suýt nữa kêu trời. Sao chuyện của mày giống chị trước đây thế hả em? Tên anh kết nghĩa của mày sao nói cứ như ông anh “Kết nghĩa” của chị. Giống cái tên có dáng người hệt lão chào hàng bịt mặt vừa khi sáng mò vào quán này. Chẳng biết người ngày xưa của chị với người ngày nay của em có cùng một lò chui ra không? Giống thế không biết! Toan nói ra, lại sợ em ý buồn. Việc đời xưa nay mấy khi cái nào giống cái nào? Tình cảm trong sáng, tốt đẹp mà bị ngờ oan là điều không bao giờ nên. Huống chi bây giờ nó đang vui, mình nói vậy có khác nào dội cho nó gáo nước sôi như Tấm gội đầu cho Cám? Chả hay tỵ nào!
Huyền chỉ bảo:
-Ai giúp cũng phải tự mình. Tự tin và tự tìm hiểu cho chắc chắn em ạ! Con gái là dễ khôn ba năm dại một giờ.. Đừng có quá tin người vội..    
Nó “Vâng” rồi ngoay ngoáy về. Dặn đi dặn lại: “ Bao giờ chị về Hà lội, chị phải ghé em chơi đấy”! May thật, nó thôi không theo nghề. Suýt nữa thành nhà báo rồi mà vẫn còn nói ngọng. Nếu đi phỏng vấn phỏng véo, nói ngọng như nó chắc buồn cười lắm!
Con em đi rồi..Cái chuyện năm xưa đang nghĩ dở lại hiện ra trong đầu. Muốn quên đi mà không được..
***
Người đưa em vào một ngõ nhỏ thuộc ô Cầu Giấy có cái tên rất kêu. Đầu ngõ đối diện với một trường đại học. Em có con bạn đang học năm cuối ở đó. Có một hai lần em đến chơi với nó, nhưng lại chẳng để ý gì đến con ngõ này. Nó như muôn vàn con ngõ chật chội, lem nhem của thủ đô. Không mấy người biết dù tên nó rất hay. Như tên một cô gái “Kiều Mơ”!  Em không ngờ cuộc đời em lại bắt đầu bi kịch và chấm dứt đời sinh viên ở đấy.
Người bảo:
- Huyền ạ, em cứ ở đây, khi nào xin được việc cho em, anh sẽ tìm một chỗ ở khác, tốt hơn. Tạm thời em cứ nghỉ ngơi, thư giãn chút đi. Mọi việc để anh lo.
Em nói:
- Nếu phải chờ đợi có khi em về trên nhà, khi nào có quyết định chính thức, anh báo em sẽ xuống. Ở đây sinh hoạt đắt đỏ mà em chưa có việc làm, khổ cho anh..
Người lại nói:
- Chuyện ấy em không phải lo. Có một mình em anh không lo được, còn nói gì nữa? Chỉ cần em làm theo lời anh dặn là được rồi..
- Sao hả anh?
- Thành phố phức tạp, em biết rồi. Đừng quan hệ linh tinh, làm quen dễ dãi là rất không hay. Thành phố rất nhiều thợ săn nai đấy, con nai bé bỏng của anh ạ!
- Cái đấy thì em biết, anh không tin em à?
- Anh tin, nhưng việc nhắc em vẫn phải nhắc.

Em nghĩ có thể  Người lo xa, có thể Người ghen. Chừng ấy thời gian Người vẫn chưa tin em ư? Em sẽ chứng minh cho Người thấy. Em hơi bực Người, sau rồi lại thấy thinh thích. Hóa ra Người rất sợ tuột mất con bé nhà quê đồng rừng là mình.
Đã ở ngõ rồi lại sâu mãi trong hẻm. Phòng trọ phía trong cùng. Bên ngoài một hàng nước. Phải đi qua mấy chỗ chứa đồ phế liệu. Sắt gỉ, bìa cạc tông chất cao từng đống. Em nghĩ giá có nói địa chỉ cho người nhà trên quê xuống chưa chắc đã tìm được mình! Chính em ở mấy ngày rồi mà vẫn bị lạc. May có số điện thoại của cô bán hàng nước chè chén ngồi phía ngoài mới biết đường về. Em như lạc vào một thế giới khác. Thế giới em chưa từng nghĩ đến bao giờ, chưa từng biết nó có thể có trên thế gian này..
Em muốn người đưa em về nhà. Ít ra cũng phải biết gia cảnh người thế nào chứ? Người bảo lúc này chưa tiện. Có gì mà không tiện nhỉ? Người nói “Ông bà già chưa muốn cho anh lấy vợ bây giờ. Phải khó khăn lắm mới chạy được một công việc như anh may mắn được nhận. Phải phấn đấu một hai năm cho vững chân đã, rồi mới tính chuyện hôn nhân”. Hỏi việc gì? Người bảo “một công việc không được phép nói rộng ra bên ngoài. Ngay người thân cũng không tiết lộ”. Người làm phản gián hay là tình báo, hay ma phia? Chịu, không thể biết được. Như thế thì đừng có mơ lúc này Người dẫn đến cơ quan, giới thiệu với sếp, với đồng nghiệp. Công việc Người hứa lo cho, làm hồ sơ chả thiếu gì vẫn dài người ra mà đợi. Việc quan nóng như nước đá mà. Biết làm sao?
Hai ba ngày một bận Người đến một lần. Trước còn mau, sau thưa dần, thưa dần. Thức ăn vật dùng người mang đến đủ cho đến kỳ gặp lần sau. Nhưng tiền thì người không đưa. Có lẽ Người nghĩ có tiền em sẽ ra ngoài mua sắm, có khi buồn chán muốn về quê. Em cũng không muốn hỏi. Mình có quyền gì mà đòi hỏi tiền bạc cơ chứ? Với lại em không muốn Người nghĩ xấu về mình. Em đến với Người là niềm tin tưởng, đâu phải vì tiền?
Nhưng hàng ngày như bị giam lỏng, bức bối vô cùng. Dù có thiện ý đến đâu em cũng phải có dấu hỏi? Thực ra Người là ai? Vì sao khi nào đến Người cũng đến rất muộn, lúc đi lại vội vội vàng vàng, thường là lúc chưa tỏ mặt người, hàng phố còn chưa ai dậy?
Em không phải chờ lâu. Em đã có đáp án câu hỏi của mình. Một đáp án buồn, bi thương.
Tối hôm đó, cả con hẻm mất điện. Mưa lay phay, tối như bưng lấy mắt. Em và Người đang ngồi ôm nhau trên giường. Bất chợt cánh cửa hé mở, có ánh đèn pin chiếu vào. Em giật mình nghĩ là công an hộ khẩu kiểm tra, vội vơ cái áo mặc vào người. Người cũng cuống quýt chưa biết đổi phó ra sao. Em chỉ thoáng nhìn thấy hai người mặc bộ đồ đi mưa. Một người trong số họ vung tay về phía em đang ở bên người.. Rồi Người rú lên hãi hùng.. Em thấy xót, bỏng rát bên vai.. Hai kẻ lạ vùng chạy phóng xe  ra ngoài đường.  Khi mọi người xung quanh chạy đến cũng là lúc đèn bật sáng trở lại. Người đang còn lăn lộn, hai tay bưng lấy mặt. Em cũng đau, nhức bên vai như có lưỡi bào đang cắt da thịt mình. Người ta đưa cả hai đi viện..
Đến thăm bệnh nhân đầu tiên là một bà cao lớn, nét mặt đanh ác nhưng ăn mặc cực sang. Tay bà ta đeo những vòng ngọc lớn. Em không biết giá trị châu báu, nhưng đoán những chiếc vòng ấy không thể rẻ. Đi cùng bà ta một gã đầu trọc, u thịt nổi nần nẫn, là vệ sĩ hay là gia nhân. Đứng nhìn Người một chặp, bà này cười khẩy:
- Tôi chỉ định cảnh cáo con hồ ly kia. Anh thương nó, “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” thì thây xác anh. Đừng có oán con này ác nha!
Xong, không nói thêm câu nào, bà cùng gã đầy tớ đi ra ngoài không cả cái nhìn lần cuối khuôn mặt đẹp như Châu Khanh, Tuấn Ngọc giờ đã thành dị dạng!
Em đã hiểu ra chuyện gì. Mình vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của một pha đánh ghen ngoạn mục. Ngay đêm hôm đó em mò về chỗ trọ, thu vén tư trang. Dù vết thương chỗ vai còn đau cũng không thể ở lại. Nhục nhã. Ê chề.. Không còn gì hơn để nói! Còn nấn ná ở đây với Người, chuyện gì sẽ xảy ra?

Sau này em được biết, Người cũng là một gã thợ săn. Không phải săn nai trong thành phố này. Người săn sư tử và đã thành công. Quý phu nhân của Người là con một ông nhớn đầy quyền uy, một “nhân” quan trọng, giàu sang ngất ngưởng, nhưng nàng cực kỳ xấu xí. Người tìm đến em như một sự bù đắp lại cho thua thiệt của mình!
Sao cái gã chào hàng bữa trước nom từ phía sau giống Người trộn không lẫn được? Liệu có phải con người ấy không?
Mình sẽ phải xử trí ra sao đây nếu lần sau anh ta trở lại, gã thợ săn “Không săn chim chóc trên rừng”? Chuyện của con em họ, mình có vẻ thấu đáo, sáng suốt thế, mà sao chuyện của mình lại tối như bưng? Tối như cái đêm mất điện, mưa lay phay mình cùng bị săn tìm, bị tạ át xít với gã thợ săn thành phố?
Huyền thừ người ra suy nghĩ.. Mười mấy năm trời ăn học, cha mẹ vén vun, đến giờ này mình vẫn như con thuyền không lái. Không đâu vào đâu. Một công việc nuôi sống bản thân cũng còn bấp bênh, chật vật. Mình sẽ phải liệu tính sao đây?
 Cái xe lu chậm chạp lăn qua lăn lại trước mặt Huyền. Tiếng đá vỡ lạo xạo. Mùi nhựa đường khét lẹt. Gió thốc bụi từng đám chỗ người ta đang đổ đá xay làm lớp chống dính. Tất cả làm Huyền choáng váng, nôn nao..

============

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

TUY GẦN MÀ XA


TUY GẦN MÀ XA..
Phóng tí sự của DHG

Đêm trước X.Ồ nằm mơ một giấc mơ đẹp. Nhân dân ấy đang được sống trong một đất nước bằng vàng. Những cánh đồng mọc đầy cây ô lưu, màu xanh trong suốt như ngọc. Chim chóc, sâu bọ hình như đang nói tiếng của con người. Có điều chúng chỉ thì thầm không nghe rõ. Những thành phố xây bằng chất liệu đặc biệt, ròn và dễ vỡ. Các tòa nhà cao chọc trời nối tiếp nhau, xen lẫn các khu ổ chuột, rác thải ngập ngụa hai bên đường. Rất hiếm gặp một hồ nước trong xanh, liễu rủ bên bờ. Quanh những khu hồ ấy, ghế đá còn sót thưa thớt. Người ta đã dọn chúng đến một nơi nào xa khác? Tốc độ sống quay cuồng đến chóng mặt. Ai còn đâu thì giờ để ngồi đó tâm tình? Mà tâm tình cái gì khi mọi điều đều trở thành khó hiểu, bí mật một cách đáng ngờ?
X. Ồ dẫn con qua những khu phố thương mại. Hàng dãy dài dài, đủ loại cửa hàng treo biển: “Thanh lý toàn bộ cửa hàng”. Đây là dấu hiệu chưa từng thấy ở thành phố nào trên hành tinh kì lạ này.
Một hành tinh phấp phỏng bởi các lời tiên tri không biết có nên tin cậy hay không? Mặt trăng đã chiếm ưu thế thay vị trí mặt trời. Nước ngọt đang dần trở thành tài nguyên quý hiếm bởi sự đổi cực của địa cầu. Mọi khái niệm, quy luật hình như cũng vì thế mà thay đổi. Con người sống trong mối hân hoan xen lấn lo sợ, lẫn lộn bạn thù. Những con quỷ trở tài tài hoa, có dáng vẻ mĩ miều. Đêm đêm chúng thường không ngủ, ngồi tán gẫu với nhau, vất đầy rác rưởi ra hai bên ven mấy con đường xa lộ liên thông quốc tế. Những con đường chỉ cần hai giờ đồng hồ là có thể về đến kinh kỳ, cho dù ai đó đang ở chốn biên cương một thủa xa mờ..
Sáng ra X.Ồ cứ băn khoăn mãi về giấc mơ lạ ấy là tốt hay xấu? Linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành.
Những năm Thìn, X. Ồ thường có những giấc mơ như thế. Bắt đầu từ những 1978, 1990 và bây giờ. Trong mười hai con giáp tượng hình, con rồng tính hư và không mấy tin cậy. Có thể bé nhỏ như con gà, con khỉ. To lớn như con trâu.. đều là những con vật có thật. Nết na và tính cách quen thuộc của những con vật đó người ta có thể phỏng đoán được ít nhiều sự kiện mà nó là lô gô của năm ấy. Nhưng con rồng thì không. Nó có vẻ hư huyễn, vừa lãng mạn một cách bồn chồn vừa lo lắng đến tê dại tim gan. Những ai quan tâm và có chút kiến thức phong thủy thường nhận ra đó là các năm lành ít dữ nhiều.
X Ồ lên đường mà tâm trạng thấp thỏm. Nhân dân ấy không thể không ra khỏi nhà vào buổi sáng nay. Đứa con nhỏ phải đến trường nhập học theo như giấy triệu tập. Đứa lớn cần có việc làm, mà chưa biết tìm đâu. Cả hai đứa đều được sinh ra vào thời thế ngặt nghèo. Khi tốt nghiệp trung học, đứa lớn gặp đúng ngay năm đầu tiên bộ giáo học xiết lại chất lượng. Chật vật mãi nó mới được nhận vào một trường cao đẳng. Ra trường thì trúng ngay thời suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Không nhớ là có bao nhiêu ngàn công ty, doanh nghiệp đang bề thoi thóp. Ngành ngân hàng rức đầu, sổ mũi, nói những tin tức khàn khàn chả rõ ngô khoai?
Trên đường về kinh thành, nhân dân này còn phải làm thêm một công việc nữa. Đó là ghé vào một công ty của người xứ mặt trời mọc. Nghe bảo ở đấy là nơi duy nhất người ta vẫn tuyển nhân công, trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa vì phá sản.
Năm nay là năm tuổi của X.Ồ. Dù đã rất thận trọng mà nhân dân này vẫn gặp phải điều không may.
Đôi khi một lựa chọn sai lầm, một quyết định thiếu phần chín chắn, sẽ mang lại kết quả không như mong đợi.
Con đường về quê, về nhà, tuy gần mà xa..
**
Một cái quán không có gì đặc biệt. Chỉ là một quán nước sơ sài. Hơn mấy chục năm trước là có thêm các loại lon nước giải khát. “Nước yến”, “nước sâm”, “bí đao”, “bò húc”.. Mấy thứ này đã lâu, thành nhảm.. Còn thì vặt vãnh, vớ vẩn vài loại bánh kẹo nửa phố phường, nửa nhà quê. Được cái trước mặt quán trông ra ngã ba đường: Một thông thẳng lên biên giới, một xuôi về thủ đô, nhánh nữa hồi nảo hồi nao vào thủ phủ của một tỉnh. Nay bị bỏ quên, gật gờ ngủ đứng bên bờ sông Cái. Nếu không có cái nhà ga và một trường đại học đồn trú, thủ phủ cũ chả là gì.
Chủ quán da ngăm ngẳm, vẻ mặt lõi đời, ba rọi, “cái chi cũng biết”. Chả biết xưa y làm gì, có nên ông chẳng, bà chuộc nào không? Bây giờ ngồi bán quán, kiêm chạy xe ôm. Được cái có cô vợ xinh đẹp, như nụ, như hoa mắt sắc như lưỡi lam. Chả này thửa mãi đâu trên núi Lương Sơn, người gốc Mường Hòa Bình.
X Ồ thường ghé đây vì nhiều lẽ. Không hẳn là vì sự tò mò thân thế sự nghiệp của cha này. Người như y thì thân thế sự nghiệp cái mốc gì? Cho dù thời người ta hay vống lên nhiều thứ không có thật. Hòn đất có thể nặn nên ông bụt, nhưng cha này tuyệt đối chả thể nặn nên gì.
 X. nhân dân này hay ghé đây cái chính là chỗ tương đối thoáng đãng, ít bụi bặm, sau hành trình dài như đường ra hỏa tuyến, thường thấy trong phim tư liệu người ta hay chiếu vào những độ như tháng này. Lại nữa, hay gặp các quái nhân, dị chuyện, thường vô công rồi nghề tụ tập ở đây. Không biết bằng cách nào mấy “vĩ” nọ biết lắm chuyện như vậy?
Hôm nay còn có một lý do nữa, nhân tiện hỏi thăm lối qua vùng ngày xưa cụ Thánh Gióng cầm roi lên ngựa đuổi quân xâm lược bắc phương. Lâu lắm Y không đi đường này. Dễ chừng đến cả chục năm. Người ta đào bới, thay đổi không còn hình dung diện mạo của nó ngày nào. Nghe bảo đường ấy bây giờ như đường trên sao Hỏa, lở lói và lầy lội nhiều chỗ rất khó đi. Đã vậy “Giả hành tôn” lại hay hành hạ khách qua đường, tăng thu nhập cho ngân sách tỉnh nghèo, vốn phải mang thêm vinh dự là “quê hương đất tổ”. Mọi lần cứ theo hữu ngạn mà đi, quen đường thuộc lối. Nay theo phía tả, chả biết hay dở thế nào? Cứ hỏi cho chắc ăn! Việc không thể đừng, phải đổi hướng, không theo lối cũ, không nên chủ quan, ỉ i vào trí nhớ vốn rất thập thõm của mình.
Năm kẻ đang gật gờ, chuyện có vẻ mờ ám. Hai người cởi trần, quần lót, hai người sơ vin cẩn thận, và một “đờ rê mi”. Hình như đang thầm thò việc mấy ngàn tàu đánh cá ngược ngạo ngoài biển đông, hay chuyện Hợp chủng quốc đang nghiên cứu tầng điện ly ngoài khí quyển vào mục đích quân sự. Thật đúng là bọn rỗi hơi. Chuyện ấy có “người nhớn” lo, thường dân mắt muỗi, “Con trẻ” thì lo được nỗi gì? Nhưng mà dân khí như vậy cũng tốt. Còn chán vạn hơn những kẻ béo trắng nần nẫn mà trong đầu chả có lấy một sợi kiến văn nào. Đây đúng là hạng quốc dân thời cụ Phan Châu Trinh mộng khát. Chỉ tiếc thời cụ, loại đồng bào này chả có được bao nhiêu!
 Ai nói dân mình ù cạc, không màng chính sự, chỉ lo toan cái dạ dày là nói liều, nói láo. X. Ồ nghĩ như thế và dừng xe bước vào quán..
***
Người lạ. Năm “Vĩ” đổi hướng chém gió:
- Chừng như chả còn bao nhiêu đến ngày ấy nhỉ?
- Ngày ý là ngày nào?
- Ngày theo lời tiên tri của người Maya đó
Một “vĩ” cởi trần, quần lửng có cái môi dài trễu, nhênh nhếch:
- Tôi chả tin. Bao nhiêu lời đồn rồi mà trái đất vẫn quay bình thường, có hỏng hóc chỗ nào đâu?
“Vĩ” sơ vin, thắt nơ nhỏ ( Không hiểu nóng nôi thế này thắt nơ làm gì cơ chứ? Hay là vĩ này vừa ở một đám ăn hỏi về? X. nghĩ như thế và lấy làm lạ ). Cái nhìn có chủ trương ấy làm vĩ thắt nơ khó chịu, nhưng y tỉnh bơ như không có chuyện gì. Gật gưỡng:
- Ngày tận thế chắc thế nào cũng phải xảy ra vào lúc nào đó, nhưng chưa phải lúc này. Đã có sinh phải có diệt, cũng là lẽ thường. Người ta cứ hay nhầm khi cho rằng nền văn minh bây giờ là cao nhất từ trước tới nay, kỳ thực không phải. Nó đã lặp lại lần này là lần thứ bao nhiêu rồi không biết nữa. Còn có nhiều bằng chứng để lại, dưng mà nói ra dài dòng lắm. Sư cụ nói với tôi cái ngày đồn là tận thế thực ra đó là ngày trái đất đi vào Đại cực quang. Từ 21 đến 24 sẽ có ba ngày bầu trời tối đen, không có cả trăng sao vì khi ấy không gian đổi chiều từ ba chiều thành bốn chiều, cực sẽ là Zero độ.. Sẽ có nhiều người chết nếu không biết tu niệm..
“Vĩ” chủ quán lắc đầu, nháy mắt ra ý không tin. Giọng diêu diễu:
- Từ hồi bác về nghỉ hưu non xem ra nghiên cứu tâm linh phết nhẩy!
“Vĩ”nọ cau mặt, không bằng lòng:
- Chuyện, con người ta có cái đầu để làm gì? Không lẽ chỉ để đội mũ hay cúi lạy? Nhưng mà thôi, nói mà không có người nghe, đây không nói nữa. Cu mày cho bác cái đóm.
Cu này là con chủ quán. Một anh “lẹp” chai,môi hồng như môi con gái. Cu học đại học xong từ hai năm nay vẫn chưa có việc. Cái quán nước này lấy đâu ra tích lũy tài chính đủ một vài trăm. Cu chấp nhận số phận, ngồi đây trông đường nhựa, coi hàng mỗi lúc bố cu có cuốc xe mới. Chẳng ai hỏi tên cu là gì. Ai lại đi hỏi một chàng trai vô lý như thế?
X. Ồ là khách đường xa, chỉ có đường xa mới hỏi như thế này:
- Cháu vẫn chưa đi làm đâu à?
Cu cười gượng:
- Vẫn chưa chú ạ. Cháu biết thế này đi học lái xe có khi lại tốt. Nhà không có thì lái thuê vẫn có tiền..
-Mày thật! Có học có hơn chứ cháu. Dù không làm ông này bà nọ vẫn có tri thức, sống cho ra con người.
Mấy “Vĩ” ngồi gần có vẻ khó chịu. X nhìn thấy câu không nói ra trên mặt các “Vĩ” này, nhưng anh làm ngơ, vờ như không biết. Tiếp:
- Bao giờ không còn thói cha chuyền con nối theo kiểu phong kiến, con ông cháu cha không dành hết chỗ, những người như cháu sẽ được trọng dụng. Chú nghe bố mày nói với tao lần trước mày học giỏi lắm cơ mà.
- Giỏi với dở có lúc chưa biết cái nào chú ạ.. Chú uống nước đi.
Nó tự tay rót cho X chén trà nóng, nhìn X ái ngại. Nhân dân X ngạc nhiên. Mình gầy gò đen đúa hay là cài nhầm khuy? Không phải.
Tự dưng nó hỏi:
- Chú mang máy ảnh đi làm gì? Hổm rồi CSGT bị mấy thằng choai quay lén tung lên mạng. Mấy ông ấy điên lắm. Thành thử cứ thấy ai đeo máy ảnh,máy quay là kiếm cớ chặn lại. Ối người bị phạt oan đấy chú ạ!
X chả tin lại có kiểu thi hành công vụ theo lối trẻ con ấy. Nhưng anh vẫn cẩn thận bỏ cái máy vào trong bọc. Cẩn tắc vô áy náy, có thừa bao giờ đâu?
Các “vĩ” nọ từ lúc X vào đã không có thiện cảm. Người vời người mà lại không ưa nhau là cớ làm sao? X. Ồ thấy ngồi lâu nữa không còn thú vị. Anh trả tiền nước, rồi đi..
Đã cẩn thận thế rồi mà vẫn xảy ra tai vạ. Gặp trúng ngay quan coi đường giáp trưa, trời nắng bụi, nắng đến mờ cả mắt..
****
“Ở những nước nghèo, lại nhược tiểu nữa, luật lệ ít bề thông thoáng. Cái gọi là cơ sở hạ tầng thường không đâu vào đâu. Nay đào mai dỡ không biết đường nào mà lần”. Có lần một tay ở sở nội vụ nói với chàng như thế. Chàng lúc đó cho rằng y bức xúc điều gì, bị khiển trách hay là chậm được lên lương. Nói trắng ra có thể bất mãn. Nhưng bây giờ đang “tham gia giao thông” theo cách nói văn vẻ của các nhà chuyên môn, quản lý, chàng thấm thía rằng tay ấy nói đúng. Chẳng qua ở xứ sở con người dễ nghi ngờ lẫn nhau nên dễ bề chụp mũ, nghĩ bậy về nhau thế thôi, chứ tay ấy chả có ý gì. Bằng chứng là mới đây người ta vừa đưa tay ấy lên một chức vụ cao hơn.
Trước mặt chàng có tới năm sáu cái xe đại xa, thùng thép cao, dài như những toa tàu. Chúng vừa lắc lư, vừa đong đưa như ma dại trên đường, vừa xả khói, xả bụi mù mịt. Chàng cố gắng tìm cách vượt qua những khối thép bồng bềnh trước mặt, với hy vọng được dễ thở hơn. Thật không may cho chàng, nghe “toét” một cái! Trước mặt chàng lố nhố áo vàng của cảnh giao thông. Một sĩ quan đeo hàm trung tá ngồi chờ sẵn bên cái bàn xử lý hành chính. Sĩ ấy bảo trung sĩ tay cầm ma trắc dẫn chàng vào:
- Được rồi, để đấy ra làm tiếp đi!
Cứ y như chàng là một đồ vật vừa dọn dẹp trên đường! Sĩ gọi điện đi đâu đó. Hình như chỗ quãng đường chàng vừa đi qua, có người mai phục ở một nơi kín đáo nào đấy.
Xong. Sĩ bảo chàng:
- Đề nghị anh cho xem giấy tờ?
Giấy tờ thì giấy tờ, chàng vẫn chủ quan. Không ngờ sĩ kia bảo:
- Anh vừa phạm lỗi trên đường. Chúng tôi tạm lập biên bản, mười lăm ngày nữa anh tới chỗ x. giải quyết.
Chàng cãi:
- Tôi đi rất chậm, sao lại bị phạt là cớ làm sao?
- Quãng này, theo quy định chỉ được chạy bốn mươi cây số một giờ. Anh đã vượt quá giới hạn đó. Chúng tôi có bằng chứng, nếu anh thắc mắc khi giải quyết sẽ cho anh xem chứng cớ được lưu lại trên máy..
Giời ạ. Xem đoạn vi deo ấy có khác gì những chữ trên biên bản kia. Làm sao mà đường quốc lộ lại chỉ được chạy có bốn mươi cây? Sĩ bảo đây là khu dân cư, quy định là thế!
Từ ngày đất nước bước lên KTTT, dân chỗ nào chả dàn ra mặt đường? Từ bắc vào nam, các con đường không mấy chỗ không có dân ở. Chạy bốn mươi cây số có khác nào bò ra đường?
Chàng định đấu lý. Đường nào có ra đường? Nhà nước bắt dân theo đúng quy định thử hỏi nhà nước làm đường cho dân đi đã đúng tiêu chuẩn chưa? Hay dân bao giờ cũng chịu lép một bề? Nhà nước muốn làm gì thì làm?
Nhưng nhìn vẻ mặt bất động của sĩ, chàng biết chẳng nên ra lời. Sĩ điên lên, tăng nặng lỗi phạt, thì tiền đâu?
Đứa con gái đứng gần bố mặt mày tái mét. Nó vừa mới tập tễnh bước vào đời. Ngày mai vào giảng đường đại học. Cuộc đời với nó đang thơ mộng, làm sao nó hiểu được chuyện này? Chàng giật mình thấy con bé đang đeo cái máy ảnh bên mình. Nó cẩn thận quá, hóa hỏng. Để trong túi, sợ va đập, nó mới lấy ra. Ai dè?  Chả lẽ vì thế này chăng? Tuyệt đối không phải. Sau chàng một lô xích xông người nữa bị lôi vào lề đường. Họ chả có máy móc gì cả. Cu con chủ quán nghe ai nói đồ chõ thế thôi. Chưa hẳn bị vì cái lỗi đeo máy ảnh, máy quay bên mình!
Đây là đoạn đường vẫn qua cái tỉnh nói ở phần trên. Một tỉnh có thành tích xuất sắc trong việc phạt vi phạm hành chính tham gia giao thông, mà đường thì kém nhất nước Nam mình!
Chàng chẳng có thù oán gì với các sĩ ấy. Nhưng cái trò phạt phiếc thế này, chàng cứ thấy nó sao sao, chưa ổn. Chưa hẳn vì mất một ít tiền. Cái mất lúc này chưa biết cụ thể nó là cái gì, còn đáng sợ hơn. Nó làm chàng hoang mang. Làm cho đường về nhà như câu hát TUY GẦN MÀ XA..
 Bao giờ cho đến ngày công bằng, văn minh như tâm tưởng chàng từng ao ước và hết lòng phụng sự?
==========