Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

‘Mặt trận Sài Gòn’ chính thức khai hỏa!


Sáu tháng sau khi khai hỏa ‘mặt trận Đà Nẵng’, điểm nổ tiếp theo rõ ràng đã ‘tiến về Sài Gòn’. Vụ án Vũ ‘Nhôm’ đã bước sang giai đoạn 2 về ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’, kéo theo vòng lao lý của nhiều quan chức dân sự chứ không chỉ là quan chức Bộ Công an như trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Tín trước khi nghỉ hưu. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Sau vụ Đinh La Thăng, Nguyễn Hữu Tín là cái tên quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền TP.HCM, dù đã nghỉ hưu, chính thức bị đưa vào vòng tố tụng hình sự với hai động tác đầu tiên là khởi tố và khám xét nhà – do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành vào ngày 18/9/2018 – vì liên quan vụ Vũ ‘Nhôm’.
Phần lớn thời gian của Nguyễn Hữu Tín là trên cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố,trong đó có phụ trách về mảng nhà đất – địa chỉ mà đã sinh sôi nảy nở những mối quan hệ đen tối với Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ và công ty bình phong của Vũ mà đã góp phần giải tán luôn cả Tổng cục tình báo của Bộ Công an vào năm 2018.
Vào quý 2 năm 2018 khi nổ ra vụ bắt hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vì dính đến vũ ‘Nhôm’, đã râm ran tin ngoài lề là sắp bắt cả một số quan chức TP.HCM bị liên đới, trong đó có Nguyễn Hữu Tín. Tuy nhiên sau ít tháng và sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị đưa ra tòa xét xử với tội danh đầu tiên là ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’ cùng mức án 9 năm tù giam, những dấu hiệu ‘đốt lò’ ở Sài Gòn tạm lắng xuống, dành chỗ cho chiến dịch xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và ‘thay máu’ cơ quan được xem là ‘siêu bộ’ này.
Con số 4 quan chức bị khởi tố (Nguyễn Hữu Tín và ba quan chức khác là Đào Anh Kiệt – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Lê Văn Thanh – Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM và Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) cho thấy cú đánh của Bộ Công an vào TP.HCM không còn là đối với từng cá nhân quan chức mà đã tiến sang phạm trù tập thể.
Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về ‘Bộ Công an đang điều tra Tất Thanh Cang’ và ‘có thể bắt Cang’, bất chấp khi đó có một luồng dư luận ngược lại – có thể do nhóm của ông Cang chủ động tung ra – về việc ‘Tất Thành Cang đã thoát’.
Khác khá nhiều so với bối cảnh thời gian trước, chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng vào thời gian này được hỗ trợ đắc lực bởi hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra thuộc Bộ Công an – hai cứ điểm mà ông Trọng đã chiếm gọn vào đầu tháng Tám năm 2018.
Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam.
Với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu. Việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Một lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng phong trước các đồng chí của ông. Có được hai cục công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc trong nội bộ đảng.
So với Đà Nẵng, ‘mặt trận Sài Gòn’ tập trung nhiều hỏa lực hơn hẳn và rất có thể sẽ xảy ra ác liệt hơn nhiều.
Minh Quân / (VNTB)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: