Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Ai đã làm cho giáo dục trở nên tệ hại như bây giờ? Nếu lão Cáo này có lương tri hãy tự biết. Trao đổi như ông Hoan như này còn là quá lịch sự rồi đấy!



ĐÔI LỜI TRAO ĐỔI VỚI GS HỒ NGỌC ĐẠI
Mấy hôm nay tôi chăm chú lắng nghe GS trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông về CNGD do GS đề xướng và đã tiến hành thực nghiệm đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 gần 40 năm qua.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng mến mộ và khâm phục nhiệt huyết cải cách giáo dục của GS. Nhân đây, tôi xin mạnh dạn trao đổi với GS một vài băn khoăn của tôi.
GS nói: “Tôi là người có bằng cấp cao nhất thế giới chứ không chỉ trong nước”. Thực tình tôi chưa rõ đó là bằng cấp gì, do ai cấp, xin GS nói rõ hơn được không?
GS nói: “Dạy học thời phong kiến là dạy để ra làm quan”, theo tôi chỉ đúng một phần. Hàng nghìn sĩ tử đi thi thì chỉ có vài chục người đỗ đạt làm quan, còn thì họ làm đủ nghề để sinh nhai như dạy học, bốc thuốc, viết thuê… Các cụ đồ Nho thời phong kiến dạy nhiều thứ, trong đó có cả dạy làm người. Cách dạy nào cũng có ưu và nhược điểm. Ưu điểm chúng ta cần kế thừa, không nên sổ toẹt tất cả, thưa GS!
GS nói: Cách dạy theo CNGD của GS là “thầy giáo không cần giảng, học sinh không cần cố gắng”, tôi thấy rất khó thực hiện. Nếu GS không giảng sao các cô thầy dạy thực nghiệm dạy được học sinh? Học sinh vốn có tư chất thông minh không cần cố gắng cứ cho là được đi, nhưng với những học sinh kém thông minh sao không cần cố gắng? “Cố gắng” theo tôi là một phẩm chất tốt của những người có ý chí. Sao GS triệt tiêu phẩm chất tốt đẹp ấy?
GS nói: “Học sinh của tôi không noi theo gương của ai cả”. Điều này đi ngược lại với xu hướng giáo dục của toàn nhân loại. Những tấm gương “người tốt, việc tốt”, yêu nước, thương dân, cần cù, chịu khó, tìm tòi, năng động, sáng tạo…Ta phải noi theo chứ.
GS nói, đại ý: Trong CNGD, chương trình dạy đọc và viết ở lớp 1 chiếm nhiều công sức nhất của GS. GS còn quả quyết: Chỉ cần đưa cho GS một đứa bé “biết cầm đũa để ăn, bất kể ở vùng miền nào”, trong một năm, GS sẽ dạy cho cháu “đọc thông viết thạo”. Có thể GS có bí quyết gì chăng? Làm được như vậy, GS quả là thiên tài! Nếu GS phổ biến cái bí quyết ấy cho mọi người thì hay biết chừng nào! “Đọc thông, viết thạo” có nghĩa là đọc một đoạn văn, bài văn không ê a ngắc ngứ, phát âm chuẩn; viết một đoạn văn, bài văn vừa nhanh vừa không sai lỗi chính tả, không sai ngữ pháp. Tôi từng dạy văn trong 40 năm, với đủ các đối tượng, ngay những em học sinh giỏi ở các lớp chuyên văn, không phải em nào cũng viết đúng ngữ pháp và chính tả (trong đó có những em từng học qua lớp thực nghiệm). GS còn nói: “Học theo CNGD của tôi, phụ huynh biết gì mà dạy, ngay cả phụ huynh là kỹ sư, bác sĩ… cũng không dạy được, chỉ có cô giáo thực nghiệm dạy được thôi vì cô giáo dạy theo sự hướng dẫn của tôi”. Tôi nghĩ: như thế GS quá coi thường phụ huynh. Không ít phụ huynh đã tự tìm cách dạy con mình biết đọc biết viết khi các cháu bước vào lớp 1. Tôi nhớ, khi tôi lên 5 tuổi, mẹ tôi đã gửi tôi vào học lớp vỡ lòng của dì Cúc (mẹ của GS - Nhà giáo ND Nguyễn Hữu Đức), đến khi vào lớp 1 tôi đã biết đọc, biết viết. Mới đây, tôi nghe nói cách dạy tập đọc theo ô tròn, ô vuông là dành cho học sinh khuyết tật đã được phổ biến ở Liên Xô (cũ) trước cả thời GS qua làm nghiên cứu sinh. Tôi chưa biết thực hư thế nào, xin GS nói rõ hơn về điều này.
Cuối cùng, tôi xin kiến nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo: Không nên để tình trang thực nghiệm kéo dài thêm nữa. Hãy tổng kết, đánh giá CNGD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng: cái gì hay cần phát huy, cái gì đi ngược với xu hướng giáo dục của nhân loại thì cần gạt bỏ, không nên bắt hàng nghìn học sinh cứ làm “chuột bạch” trong khoảng thời gian gần 40 năm dai dẳng như thế.
Huế, 14-9-2018
Mai Văn Hoan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: