Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Kỷ niệm 100 năm ra đời Nam phong tạp chí (1917-2017):Tinh thần phản tỉnh trong Du ký Phạm Quỳnh


Nhà văn hóa Phạm Quỳnh với Pháp du hành trình nhật ký (in 27 kỳ, 1922-1925)1, Thuật chuyện du lịch ở Paris (số 64, tháng 10-1922)2 đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng ở thể tài du ký viết về nước Pháp, bộc lộ tinh thần phản tỉnh về vị thế dân tộc và mối quan hệ Việt - Pháp hồi đầu thế kỷ XX 3.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh (phải) và nhà văn, nhà báo Phạm Duy Tốn.
Theo nhật ký Phạm Quỳnh, chuyến đi khởi hành từ ngày 9-3-1922 tại cảng Hải Phòng và trở về vào ngày 11-9, vừa đủ sáu tháng. Năm ấy Phạm Quỳnh tròn ba mươi tuổi. Trong nửa năm ở Pháp, ông chủ ý Đi - Xem - Nghe càng nhiều càng tốt, từ đó suy nghĩ, so sánh, đối sánh văn minh và thế cuộc nước Pháp với xứ sở Việt Nam. Tại nước Pháp, ông đã trở đi trở lại Marseille, qua Lyon, Versailles, Verdun và thăm thú khắp các công sở, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thủ đô Paris... Đến đâu ông cũng ghi chép, bình luận, liên hệ, so sánh thực tại xã hội chính quốc với cuộc sống bên nước nhà và phát biểu cảm tưởng về những điều tai nghe mắt thấy4...
Tới nước Pháp, Phạm Quỳnh ngỡ ngàng bởi nền khoa học, kỹ thuật và đời sống vật chất vượt trội của “chính quốc”. Ông thức nhận trước những cái KHÁC, MỚI LẠ, TIẾN BỘ và khâm phục trước cung điện Le Louvre tráng lệ, tháp Eiffel có thang máy, những tòa nhà cao rộng, những khách sạn, nhà hàng tiện nghi, những cây cầu bắc qua sông Seine uy nghiêm, những công viên, đường phố, biệt thự sang trọng... Hiện đại và ấn tượng thêm nữa là dòng xe ô tô tấp nập qua lại, những chuyến taxi cơ động và đường xe điện ngầm có lúc chạy trên cầu, có lúc đi dưới đất, có lúc chạy ngầm dưới  lòng sông, “nghe nói lạ lắm”, “đi đâu cũng tiện lắm”, “chạy mau vùn vụt như tên bắn vậy”... Phạm Quỳnh chịu khó mua sách, đọc sách, nghe giảng và trực tiếp tham gia diễn thuyết tại nhiều trung tâm văn hóa, khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học. Với tư cách nhà trí thức, qua thăm bảo tàng dân tộc học, ông nhận xét: “Ấy cách học vấn của người Tây, bất cứ về môn nào cũng là kỹ càng trọn vẹn, đến chốn đến nơi như thế, không trách sự học của người ta dễ sâu xa và mau tấn tới vậy”... Soi nhìn lại các hội học xứ nhà, ông phản tỉnh và tự phản tỉnh, phản biện: “Ở Hà Nội ta có hội quán Hội Trí Tri và Hội Khai Trí cũng hơi có cái tính cách ấy, nhưng phải chỉnh đốn cho hơn nữa mới được, và hiện nay chỉ hiềm hãy còn ít những cuộc họp tập có ích, bất quá thỉnh thoảng có mấy hội ‘ái hữu’ mượn để họp bàn, mấy ông trị sự hay bàn mấy vấn đề suông, cũng có lúc nói năng to tiếng, cãi cọ rậm lời, nhưng vẫn chưa khỏi cái lối ‘việc làng’, nghĩa là ồn ào lộn xộn mà chẳng nên câu chuyện gì”... Từ góc độ nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà chính trị, ngay khi ở Marseille, Phạm Quỳnh đã tới nghe một nữ bác sĩ diễn thuyết về “cái phong trào cách mệnh và cái chủ nghĩa quá khích ở nước Nga”. Điều này cho thấy không khí tương đối tự do, dân chủ trong sinh hoạt chính trị, học thuật ở nước Pháp thời bấy giờ. Tham dự một buổi thảo luận về chính sách giáo dục, Phạm Quỳnh tiếp tục thức tỉnh rút ra kết luận: “Ở một nước tự do có khác, bất cứ việc gì cũng có thể đem ra công chúng mà nghị luận được. Kẻ nói đi người nói lại, quốc dân đứng giữa mà phán đoán, Chính phủ ở trên mà chiết trung, tưởng còn hơn là cái chính sách ‘bịt bung’, rút lại chẳng có lợi cho ai hết”... Ông từng tham dự diễn thuyết, từng “vào xem” một cuộc thảo luận, nghe các ông nghị viên chất vấn Chính phủ ở Thượng viện và đi đến suy xét, phản vấn, đề xuất: “Nghe người ta diễn thuyết mà hồi tưởng đến người mình, không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối, cũng ít người nói được... Người mình cần tập nói lắm”... Sau này, trong bài Thuật chuyện du lịch ở Paris, Phạm Quỳnh tiếp tục chỉ rõ sự lợi hại của các cuộc tranh luận công khai, dân chủ và hài hước nhấn mạnh: “Hoặc giả nói: Nếu như thế thì làm việc chính trị chẳng là chán lắm ru? Và nơi nghị trường chẳng là giống như chợ hàng rau ư? Nếu như thế thì các ông nghị ta mỗi năm về Hà Nội chơi mấy ngày, xin Chánh phủ cho đi xem hát chèo chớp bóng, há lại chẳng có tư cách hơn các ông nghị Tây kia cứ ngày ngày đem nhau ra chỗ công đồng mà cãi nhau như mổ bò ru?... Đã có nghị viện phải có chính đảng, đã có chính đảng tất phải có cạnh tranh, có cạnh tranh mới hoạt động; cái phép tiến hóa của các dân tộc như thế. Dân tộc mình còn chưa tới trình độ đó, ta nên đáng mừng hay là đáng tiếc? Điều đó xin chất vấn ở quốc dân”... Rõ ràng là Phạm Quỳnh đã phản tỉnh, thức nhận ra những cái khác, cái phát triển, cái tiến bộ ở xứ người và hy vọng quốc dân nước Nam cùng tham chiếu, định hướng, noi theo5.
Liên hệ, đối sánh sở học và nếp nghĩ truyền thống với thực tại miền đất mới, học giả Phạm Quỳnh thấy mỗi ngày ở nước Pháp đều có thể hiểu biết, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Ông cảm nhận sự mới lạ ngay từ tài năng diễn thuyết của người nữ bác sĩ đến ấn tượng khi thăm nhà bà F. có chân trong hội Đông phương Ái hữu: “Thật là một bà chủ sa lông theo như lịch sử phong nhã của nước Pháp. Bao giờ cho xã hội An Nam ta cũng có những bậc đàn bà nhã thú như thế?”... Phạm Quỳnh còn hiếu kỳ dành cả thời gian đến xóm bình khang “Mông Mạc” được coi như phía khuất lấp của Paris hoa lệ. Rồi khi đến xem điểm binh ở nhà đua ngựa, ông thức nhận ra sự thật đời thường: “Người dân ở đây kể cũng không khác gì người dân bên mình, mà có lẽ người dân ở đâu đại suất cũng thế, cũng thích hội hè đình đám... Lại len lỏi trong đám đông cũng có các trạng ăn cắp, chực lần lưng móc túi. Thật dưới gầm trời, người ta đâu cũng như đâu. Kẻ bình dân vẫn có tính háo hức mà bọn láu cá thì khéo lợi dụng; trò đời chỉ có thế mà thôi”... Ngòi bút Phạm Quỳnh cũng khá tự do và thực sự dũng cảm, trung thực khi viết về việc đức vua mua hàng, “đánh quả”, “đánh công”: “Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tầu, kèn trống thổi mừng, quân quan đứng tiễn. Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ hai giờ đến bốn giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài mà không dứt”...
Điều quan trọng hơn, Phạm Quỳnh thực sự tỉnh ngộ, đi đến những nhận xét tổng quan, bày tỏ chính kiến về xã hội, về mối quan hệ Việt - Pháp, về tương quan Đông - Tây và xác định con đường tiến hóa, tiến bộ xã hội: “Những đường phố sang trọng xem ra lại không vui bằng những xóm bình dân, người thượng lưu vẫn không muốn dự, cho mới biết dẫu ở nước dân chủ bình đẳng, các giai cấp vẫn có ý muốn đặc biệt nhau, và sự bình đẳng hoàn toàn, có lẽ không bao giờ có được”; “Cho hay cái tên Đông phương đối với những nhà lãng mạn Tây phương vẫn còn có một cái thanh hưởng réo rắt ly kỳ. Nhưng những nhà lãng mạn này không phải số nhiều, còn đối với những tay doanh lợi thì Đông phương chẳng qua là một cái thị trường để tiêu thụ đồ hàng của Tây phương mà thôi”… Từ sự phản tỉnh, Phạm Quỳnh nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới, chuyển hóa, chuyển biến, hướng đến canh tân, hội nhập, phát triển trên căn bản nền tảng sự nghiệp giáo dục và truyền thống văn hóa dân tộc: “Duy cái văn minh của Tây phương nó phồn tạp quá, các ‘phương diện’ nhiều quá, muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy cái toàn thể, toàn bức, thật là khó lắm. Phải có một cái sức học, một cái trí khôn, một con mắt sáng khác thường, mới có thể xét không sai mà đoán không lầm được. Cho nên còn lâu năm nữa, cái văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc người đời nhiều lắm”; “Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề giáo dục... Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa cũ ấy ngày nay không thích hợp với thời thế nữa, cần phải có cái văn hóa mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Cái văn hóa mới ấy dân chúng ta nhờ quí Đại Pháp truyền bá cho... Nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quí Chính phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa. Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quí quốc cứ việc hóa theo Tây cả, dạy cho học chữ Tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết đè một thứ chữ mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất”...

Cuốn Pháp du hành trình nhật ký do NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam ấn hành năm 2005. 
Không có gì phải nghi ngờ việc Phạm Quỳnh thực sự bị thuyết phục bởi nước Pháp “quả tim thế giới”, “khối óc văn minh”, “tinh hoa của văn hóa”... Nhìn về nước Pháp, ông thấy đây là mối quan hệ tòng thuộc, cần hướng theo nền kỹ nghệ và cơ cấu chính trị - văn hóa kiểu Pháp6. Ông thức tỉnh, mong muốn dân tộc mình tiến hóa nhưng cũng thấy rõ những hạn chế, thiếu hụt bởi một nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu, trì trệ. Có điều cần chú ý là Phạm Quỳnh không rập khuôn máy móc một chiều mà luôn cố gắng tìm ra phương hướng canh tân thích hợp, coi trọng nền văn hóa Pháp nhưng vẫn bảo tồn truyền thống dân tộc, đề cao việc học tiếng Pháp nhưng vẫn đề xuất việc học thành thục tiếng An Nam “nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài”... Trước sau ông vẫn nhận mình thuộc hàng trí thức, chú trọng rung lên tiếng chuông trước quốc dân đồng bào và trước các nhà chức trách. Tất cả những điều đó cho thấy học giả Phạm Quỳnh thực sự xứng đáng là một nhà trí thức, nhà hoạt động truyền bá tư tưởng khoa học, văn hóa và giáo dục xuất sắc nửa đầu thế kỷ XX…
———-
1Phạm Quỳnh: Pháp du hành trình nhật ký. Nam phong tạp chí, số 58, tháng 2-1922 đến số 100, tháng 10+11-1925. In lại trong Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Tái bản. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.171-419. Các trích dẫn Pháp du hành trình nhật ký trong bài đều theo sách này.
2 Phạm Quỳnh: Thuật chuyện du lịch ở Paris. Nam phong tạp chí, số 64, tháng 10-1922. In lại trong Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký. Sđd, tr.421-459.
3 Xem thêm Phạm Quỳnh: Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Phạm Toàn giới thiệu và biên tập). Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, 528 trang.
4 Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Thể tài du ký trên Tạp chí Nam phong (1917-1934). Nghiên cứu Văn học, số 4-2007, tr.21-38.
5 Nguyễn Hữu Sơn: Thể tài du ký trên tạp chí Nam phong (1917-1934). Nghiên cứu Văn học, số 4 (422)-2007, tr.21-38.
6 Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Du ký của người Việt Nam viết về các nước và những đóng góp vào quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt giai đoạn thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong sách Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh (Đoàn Lê Giang chủ biên). NXB TP Hồ Chí Minh, 2011, tr.632-645.
Nguyễn hữu Sơn / Tia Sáng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: