Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nền giáo dục


Nguyễn Đình Cống - Gần đây Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo, viết loạt bài: “Nghề cao quý đã chết lâm sàng” trình bày sự ngắc ngoải của nền Giáo dục Việt Nam. Sau khi nêu ra và phân tích nhiều hiện trạng đau lòng, Nguyễn Thượng Long viết: “Có hợp lý không khi quy hết trách nhiệm làm hư hỏng thế hệ trẻ cho ngành GD – ĐT? Câu hỏi này nằm ngoài phạm vi bài viết của tác giả”. Tôi thông cảm với thầy Long, thầy biết trong việc này ngành GD-ĐT vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, còn trách nhiệm chính ở cao hơn, có thể thầy biết, nhưng chưa có dịp nói ra. Tôi xin tiếp lời.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước đây tôi đã có nhiều bài báo và thư gửi Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục về các vấn đề giáo dục. Chỉ xin nhắc lại vài ý.

Trong thư gửi QH vào tháng 3/ 2010 tôi nêu 6 nguyên nhân làm GD xuống cấp và đề nghị 6 biện pháp để chấn hưng. Xin nêu lại 2 nguyên nhân đầu tiên là :1- Sự quá duy ý chí của lãnh đạo cấp nhà nước trong việc phát triển GD. 2- Nhà nước và Quốc hội cử nhầm người kém tài năng làm Bộ trưởng GD.

Trong thư gửi QH vào tháng 6/ 2014, tôi viết “Đổi mới toàn diện GD là việc chưa thể thực hiện” vì không thể tách GD ra khỏi nền tảng xã hội tràn ngập các tệ nạn. Trong một thể chế độc tài toàn trị đầy rẫy tham nhũng, nạn mua quan bán chức là quá phổ biến, nền GD chỉ có thể sửa chữa một số sai lầm, làm một số giải pháp tình thế. Nếu chưa có cải cách về thể chế để dẹp bỏ tham nhũng và kiến lập nền dân chủ thực sự mà cứ cố đổi mới toàn diện GD thì chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực và tiền của để thay các sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi.

Trong bài Bàn về triết lý GD (tháng 12/2016), tôi viết rằng nền GD VN đi chệch hướng là vị bị chính trị hóa, bị dùng để phục vụ cho ý thức hệ của Đảng, nhằm đào tạo ra những người chủ yếu chỉ biết thừa hành sự lãnh đạo của đảng. Vậy để cứu nền GD thì trước hết cần thoát ly chính trị, đưa GD trở về với nhân văn và khoa học.

Tôi xin viết tiếp thầy Long và chỉ ra rằng trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nghề cao quý, không ai khác ngoài các lãnh đạo cao cấp của ĐCS VN qua các thời kỳ. Do kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) họ rơi vào tình trạng kém trí tuệ. Sự kém này bắt đầu từ trong nhận thức rồi thế hiện ra bằng những chủ trương, đường lối sai lầm. Về GD sự kém này thể hiện rõ ở 3 điều sau:

1- Hiểu sai tương quan giữa GD và Chính trị (CT). Buộc GD quốc dân phải làm công cụ phục vụ CT, đào tạo ra những con người lao động chủ yếu thừa hành, những chiến sĩ của cách mạng vô sản (còn những người lãnh đạo phải được đào tạo riêng trong các trường chính trị của Đảng, từ sơ đến cao cấp). Tuy có nói đến giáo dục sáng tạo, đào tạo trí thức, nhưng chỉ cho phép những sáng tạo phục vụ cho Đảng, chỉ chấp nhận trí thức trung thành với Đảng. Những trí thức, dù là bình thường hoặc tinh hoa, nếu có điều gì tỏ ra chưa nhất trí, dù có góp ý chân thành cũng bị loại bỏ.

2- Hiểu sai về vai trò của GD. Trước đây cho rằng GD là phúc lợi tập thể, là quyền lợi của người dân, vì vậy phải ưu tiên cho một số đối tượng. Đúng, GD là một trong những quyền lợi, nhưng muốn hưởng nó cần có điều kiện để tiếp nhận chứ không như quyền lợi vật chất do bên ngoài đưa đến. Hồ Chí Minh nói: “Làm sao để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tôi hiểu, được học hành chủ yếu là thoát nạn mù chữ, có trình độ tiểu học, chứ không phải ai cũng có bằng tú tài, cử nhân. Tất nhiên đất nước có nhiều người có học vấn cao là tốt, rất tốt, nhưng học vấn đó phải là thực chất chứ không phải phần lớn là đồ dổm, là thuộc loại hữu danh vô thực. Phát triển GD phải dựa trên 2 điều kiện, một là nền kinh tế đất nước, hai là năng lực của người học, người dạy. Tôi cho rằng mở quá rộng nền giáo dục bậc cao so với khả năng nền kinh tế , chủ yếu để tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ, về thành tích của Đảng và Chính quyền, để chạy theo chỉ tiếu này nọ…là một sai lầm của duy ý chí. Nhà nghèo, đẻ ra đông con, mà một số còn bị thiểu năng trí tuệ mà cố để các con đều có học vấn cao thì làm sao nổi.

3- Xem làm GD là công việc quá dễ só với nhiều lĩnh vực khác như Quốc phòng, Kinh tế, Ngoại giao, Công an v.v… Nhận thức này dẫn tới một số hệ lụy tai hại, trong đó có 2 vấn đề liên quan đến lãnh đạo ngành và đội ngũ giáo viên.

Về lãnh đạo: Trước 1975, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên GD phát triển bình thường, sau đó GD xuống cấp dần, một phần là do yếu kém của lãnh đạo. Ai cử ra Bộ trưởng GD. Thì Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chứ có ai nữa. Tại sao lại cử ra những Bộ trưởng kém năng lực. Một phần vì người ta xem thường, cho rằng làm GD là dễ.

Về đội ngũ: Tôi cho rằng để người thầy làm tốt nhiệm vụ phải có 3 điều kiện cấn là năng lực, đạo đức và điều kiện vật chất. Năng lực gồm tri thức và phương pháp sư phạm. Một số lãnh đạo đã hiểu nhầm công việc của thầy giáo, cho rằng nó đơn giản, dẽ dàng, nhẹ nhàng so với công nông binh và công tác cách mạng. Từ đó mà bên ngoài thì đề cao vai trò nghề cao quý, còn bên trong thì coi thường sự lao động của họ, thể hiện ra ở tiền lương, ở sự tuyển chọn. Nhiều nước phát triển tuyển chọn người để đào tạo ngành sư phạm rất khó. Còn ở VN, phải chăng nghề sư phạm là cao quý còn ngành sư phạm là thấp kém. Trong nhiều năm thời bao cấp đội ngũ nhà giáo bị lâm vào cảnh “ Bần cùng hóa”, từ đó nẩy sinh ra nhiều tiêu cực mà đến nay vẫn hoành hành. Gieo hành động gặt thói quen, Gieo thói quen gặt tính cách. Vì bị bần cùng, phải hảnh động kiếm chác. Hành động thành thói quen, bây giờ tuy đã phần nào thoát cảnh bần cùng, nhưng thói quen kiếm chác chưa cách nào bỏ được để giữ phẩm giá.

Lời kết: Nhân ngày 20 tháng 11 có đôi lời viết tiếp loạt bài của thầy giáo Nguyễn Thượng Long, hy vọng những điều này có thể làm cho các lãnh đạo cao cấp suy nghĩ để có chuyển biến về nhận thức và biến thành tình cảm.

Đối với thầy Long và nhiều độc giả khác tôi xin nêu một vấn đề để cùng nhau suy nghĩ: Theo thầy Long và nhiều người đều thấy là “Nghề cao quý đã chết lâm sàng”, nhưng nhờ vào đâu, nhờ cái gì mà nó còn hoạt động, còn vùng vẫy, hàng năm vẫn có nhiều học sinh được các giải thưởng quốc tế, vẫn có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ được cấp bằng, hàng ngàn nhà giáo được phong tặng Nhà gíao ưu tú, Nhà giáo nhân dân. v.v…Phải chăng cách nhìn của thầy Long là quá bi quan.

Nguyễn Đình Cống
(FB. Nguyễn Đình Cống)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: