Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

VIẾT XONG MỐI CHÚA TẠ DUY ANH CÓ THÀNH ONG CHÚA?





( Viết tặng nhà văn Tạ Duy Anh và nhà văn Phạm Lưu vũ)
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Sáng qua, nhà văn Phạm Lưu Vũ tag vào trang tôi bài MỐI CHÚA CỦA TẠ DUY ANH. Trong bài có một câu “cà khịa” cuối cùng rằng: “Bác Paul Nguyễn Hoàng Đức đừng bảo xứ ta không có tác phẩm lớn nữa nhé.” Bài viết theo kiểu chính luận có pha chút đùa cợt nhưng cài răng lược không rõ đâu là thực đâu là hư. Đem cả Mạc Ngôn , Cao Hành Kiện – những tác giả Nobel và Kafka ra so với Tạ Duy Anh… Tôi đang suy nghĩ đến việc viết về Tạ Duy Anh thì…
Tối, tôi đến nơi hẹn do nhà thơ Trần Hùng mời dạ tiệc, trước khi vào cửa phòng VIP tôi nghe nhà thơ Trần Hùng bảo “Khách không có nhiều, chỉ có anh và nhà văn Tạ Duy Anh!”
Tôi kể lể dài dòng chuyện này một chút để thấy “hình như không có gì trên đời là ngẫu nhiên cả, và dường như mọi thứ đều được vun vào hay dẫn lối theo kiểu “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”. Triết gia Hegel còn gọi đây là “Ý niệm tuyệt đối” – một sự dẫn dắt của Đấng Quan Phòng, tức là Thiên Chúa. Có thể dân gian gọi đó là “Trúng khẩu đồng từ”, hoặc “Vừa nhắc đến Tào Tháo, thì Tào đến liền”. Tôi vừa manh nha nghĩ đến nhà văn Tạ Duy Anh, định viết gì đó về anh ta, thì liền gặp.
Giữa bữa tiệc, tôi mở bài của nhà văn Phạm Lưu vũ trong di động ra đọc. Tạ Duy Anh với bản tính ngang tàng phóng túng cười ngất ngây, nhưng đến câu cuối cùng khi nghe :
“Bác Paul Nguyễn Hoàng Đức đừng bảo xứ ta không có tác phẩm lớn nữa nhé.”
Thì Lão Tạ hơi xị mặt kêu liền: “Cái tay Phạm Lưu Vũ này khôn ngoan thật, viết thế là gửi trứng đến cho đao phủ Nguyễn Hoàng Đức, ông Đức băm cho một nhát thế là xong đời. Không cứ tôi, bất kể ai bị ông Đức băm thì cũng kết thúc?!” Rồi Tạ Duy Anh hỏi:
“lão Vũ thế nào?”
“Lão làm thơ, viết văn khá thâm trầm và hiểu biết. Lão đặc biệt giỏi về Nho học và Phật học. Nhưng tôi nghĩ học vấn của lão thiên về âm lịch?!” Tôi đáp.
Hì Hì… Tạ Duy Anh cười.
Sở dĩ tôi viết bài này với chữ đề “tặng” Tạ Duy Anh, như người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”. Họ Tạ đã được nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến tôn vinh sau một truyện ngắn (dài) rất đình đám là “có một nền văn học BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN” (tên truyện ngắn). Rồi họ Tạ đã có công biên tập và cho chào đời cuốn sách “Trại súc vật” của nhà văn Anh Quốc George Orwell lột tả một cách đầy đủ nhất về biểu tượng chủ nghĩa xã hội trại lính, với thủ lĩnh là những con lợn ngu si...
Tạ Duy Anh vóc người cao ráo, hơi mang dáng hạc, về tướng học thiên về tham mưu, chữ nghĩa, vì thế anh ta ở ban biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà Văn là hợp cách. Họ Tạ cũng có một cái trán rất cao thể hiện yêu chữ nghĩa. Và một hàm răng, mà một người bạn rất thích câu tôi tả “cường quốc của răng”, nghĩa là răng mọc lên chen chúc như rừng…
Tạ Duy Anh sống rất có nguyên tắc, ít tụ tập, a dua bầy đàn, thường có chính kiến và khá khinh mạn… tôi và anh ta rất xa cách nhau. Nhưng đùng một nhát, cái này chắc cũng do “ý niệm tuyệt đối”, họ Tạ được coi là kẻ đáng mặt biên tập bản thảo trường ca thần học “Ngước lên cao” của tôi. Cuốn đó không kể nó hay hoặc dở nhưng xứng đáng là trường ca thần học đầu tiên duy nhất ở châu Á. Khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàm Mạc Tử năm 2012, linh mục Trăng Thập Tự có chủ biên bốn tập sách “Có một vườn thơ đạo”, tập 4, liệt kê hàng nghìn bài thơ tôn giáo, nhưng không có trường ca thần học nào của ai được trích dẫn, trừ tập của tôi.
Trong một bữa tiệc do nhà văn Nguyễn Một mời tại nhà hàng Ha-le
bên hồ Thuyền Quang, có đông đảo các nhà văn trong đó có nhà văn Sương Nguyệt Minh cùng dự, nhà văn Tạ Duy Anh đã nhắc không dưới ba lần:
“Tôi đã biên tập bản thảo NGƯỚC LÊN CAO của anh, phải nói nó hay như Sáng Thế Ký”.
Đó là cái duyên kỳ ngộ về Lời của họ Tạ với tôi. Rồi một hôm chúng tôi cùng đến dự lễ thành hôn của con trai nhà văn Sương Nguyệt Minh, khi tôi ngồi xuống một chiếc bàn, những người ngồi đó, dần dần đứng dậy vì không muốn chịu nhiệt, họ Tạ đi từ xa đến, chào tôi rồi xà vào bàn. Họ Tạ bảo “Bác như con mãnh hổ đi đến đâu bọn thỏ cừu biến hết, chỉ có em là thứ chồn cáo thì mới dám xà vào.” Rồi Tạ Duy Anh tặng tôi một câu nặng như danh ngôn: “Nguyễn Hoàng Đức là một thế lực!” Nghe câu này có vẻ phạm thượng nguy hiểm tôi liền sửa lại “thế lực văn hóa thôi”.
Còn cái duyên của nhà văn Phạm Lưu Vũ với tôi rất nặng trùy, đó là khi tôi bàn về thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi coi ông như nhân vật thứ hai đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma… cuộc chiến nổ ra thẳng thắn không khoan nhượng. Rồi sau đó, anh và tôi lại trở thành tri kỷ về chữ nghĩa. Chúng tôi đã hẹn có ngày đến thăm nhau…
Đó là cái duyên mà hôm nay tôi “vắt óc lầy đất” nói theo kiểu chế Tàu viết để tặng hai nhà văn. Thực ra, nói là “tặng” thì hơi to tát và tôi phân vân, vì viết về nhà văn thì cái cao nhất phải viết về tác phẩm như thể viết về cây cối thì phải nói về hoa trái. Nhưng không sao, tôi nghĩ, chưa có quà lớn, thì quà bé vẫn là quà. “Của cho không bằng cách cho, hà cớ gì mình không dám công bố?!”
Phần giới thiệu, Present, tiếng Tây, vừa là hiện diện, vừa là quà… thế là xong, giờ chúng ta hãy đi vào bài của nhà văn Phạm Lưu Vũ bình về tác giả Tạ Duy Anh. Tôi xin trích nguyên si:
Phạm Lưu Vũ đang ở cùng với Thuy Hang Nguyen.
19 giờ •
“MỐI CHÚA CỦA TẠ DUY ANH
Sống trong địa ngục mà biết đó là địa ngục đã giỏi, lại còn mô tả cái địa ngục ấy thì còn giỏi hơn nữa.
Nhưng hơn hết là tìm ra cách tả. Hấp dẫn, kinh hoàng...
Đó là tiểu thuyết MỐI CHÚA của Tạ Duy Anh. Một kiểu tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, với lối viết đậm chất Kafka. (Hôm qua mình so sánh với Bulgacop là sai).
Kafka dùng 1 chữ cái để đặt tên nhân vật (Mr. K), còn Tạ Duy Anh dùng 3 chữ cái: Mr. ĐẠI.
Văn chương Tạ Duy Anh cao thâm hơn Mạc Ngôn bên Tàu gấp nhiều lần. Có thể sánh với Cao Hành Kiện. So với TDA thì Mạc Ngôn chỉ là gã lắm điều thô tục.
(Nên nhớ cả Cao lẫn Mạc đều được giải Noben văn học).
Bác Paul Nguyễn Hoàng Đức đừng bảo xứ ta không có tác phẩm lớn nữa nhé.”
(hết trích)
Tôi xin nhẹ nhàng bình vào từng điểm :
1- “Kafka dùng 1 chữ cái để đặt tên nhân vật (Mr. K), còn Tạ Duy Anh dùng 3 chữ cái: Mr. ĐẠI.”
Cái này chắc Phạm Lưu Vũ đùa. Chữ “Đại” dài gấp ba cấu tự chữ “K”? Thực ra chữ “Đại” là tên riêng, còn chữ K là ký hiệu có độ biểu tượng và mở rộng hơn rất nhiều.
2- Bulgacop nổi tiếng với tác phẩm “Trái tim chó” đã dũng cảm dám ví cả chính quyền Xô Viết chỉ là thứ mang trái tim chó sống như những cái máy vô tri phục tùng mệnh lệnh, không có bóng dáng của con người nhân ái hay nhân bản.
Về tư tưởng trực tiếp mạnh mẽ này, tôi cho rằng Tạ Duy Anh chưa đạt tới.
3- Cao Hành Kiện với tác phẩm Linh Sơn, tôi chỉ coi như áng văn du quê bảng lảng mây mù bàng bạc, viết theo lối “hiện thực ảo” mà chẳng có tư tưởng gì trực tiếp to tát.
4- Mạc Ngôn với “Phong nhũ phì đồn” tôi chỉ coi là xác thịt lên men ca mấy từ phản kháng yếu ớt kiểu “bướm tù cu hãm”…
Điều này tôi không võ đoán vì nhiều chuyên gia ở Liên Hiệp Quốc cho rằng: người Trung Quốc không có tư tưởng!
Tối qua, may mắn tôi được gặp Tạ Duy Anh, tôi nói với anh: “Tôi sẽ viết về anh dù chưa đầy đủ, vì tôi chưa đọc MỐI CHÚA. Nhưng tôi vẫn cứ viết. Để khi nào đọc xong MỐI CHÚA, có thể viết sau, hoặc tôi sẽ xin lỗi về việc viết trước mà sai.
5- Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết thế này:
“Sống trong địa ngục mà biết đó là địa ngục đã giỏi, lại còn mô tả cái địa ngục ấy thì còn giỏi hơn nữa.
Nhưng hơn hết là tìm ra cách tả. Hấp dẫn, kinh hoàng...”
Ở đây họ Phạm chú mục vào chữ “tả”. Tôi đã đọc văn của anh (TDA), cuốn “Đi tìm nhân vật”, phải nói ông rất khéo tả, tả xuôi, tả ngược, tả giật cục, tìm mọi cách tả khéo gây ấn tượng… Nhưng cái đáng giật mình làm nên tầm vóc nhà văn nhiều nhất, không phải là “tả”, mà là tư tưởng.
Tạ Duy Anh gật gật và nói: “Nhưng bác phải đọc MỐI CHÚA đã, thì mới hiểu được chứ?!”
“Đúng thế!” Tôi xác nhận và mong khi đọc MỐI CHÚA sẽ được gặp tư tưởng ít ra là không nhỏ của nhà văn Tạ Duy Anh.
Còn câu cuối xin được châm nhà văn Phạm Lưu Vũ một nhát. Về văn bản học, mấy ông trừu tượng sắc sắc không không dường như không phải sở trường. Khi các vị nhảy vào trường đấu hay trường bắn thì hình như các vị bắn thường chệch mục tiêu.
Quà tặng hai bạn nhà văn, nếu có đắng một chút thì đó là mật gấu có tác dụng chữa lành đấy.
Paul Đức 14/9/2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: