Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Tây Hồ ở giữa núi rừng Tây Nguyên


Có một hồ nước lớn và thơ mộng, mang tên Tây Hồ nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Không phải Tây Hồ của Hà Nội.

Cùng một cái tên Tây Hồ (Hồ Tây) thì thấy cả ở Hàng Châu, ở Hà Nội, ở Thanh Hóa, ở Tây Nguyên. Có cả Tây Hồ ở Lạng Sơn. Nhiều câu chuyện của Tây Hồ này bị nhầm lẫn sang Tây Hồ kia.

Những cái Tây Hồ kể ở trên, tôi đã có dịp du lãng hầu khắp. Lúc vào Tây Nguyên, sau khi vượt qua "hàng rào" nhân viên của Bầu Đức quảng cáo bán căn hộ Hoàng Anh - Gia Lai và nhiều thứ khác, chúng tôi đã đi đến ngắm Tây Hồ. Bẵng cái, đã mười năm trôi qua.

Ở dưới là một bài về Tây Hồ ở Tây Nguyên của tác giả Lữ Hồng, trên báo Gia Lai. Tiếc là bài không có nhiều ảnh đáng giá để minh họa.




---


Ngắm Tây Hồ giữa lòng cao nguyên

(GLO)- Nhắc đến Tây Hồ, hẳn ai trong chúng ta đều nghĩ ngay đến hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội, một trong những địa danh nổi tiếng thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng ít ai biết rằng, giữa lòng cao nguyên hùng vĩ, cách trung tâm TP. Pleiku chừng 25 km về phía Nam cũng có một hồ nước ngọt không kém phần lộng lẫy mà người dân địa phương quen gọi là Tây Hồ. Hồ rộng gần 100 ha, tọa lạc ở thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, cung cấp nước tưới cho những đồi chè gần đó. Hồ được xem là tuyệt tác mà đất trời đã cất công kiến tạo qua hàng ngàn năm.
Một góc Tây Hồ.    Ảnh: Lữ Hồng
Một góc Tây Hồ. Ảnh: Lữ Hồng
Xuất phát từ ngã ba Hàm Rồng, đi thẳng tuyến quốc lộ 19B vào tới xã Bàu Cạn, chúng ta bắt đầu rẽ vào cung đường khá bằng phẳng, dốc nhẹ thoai thoải với những bãi cỏ mượt mà. Ở cuối đường sẽ hiện ra một “ốc đảo” với hồ trong nước biếc, với nương chè cuộn làn sương sớm và một trời hoa a-xia (tên gọi khác của hoa muồng) đang rực cháy ánh vàng.

Tây Hồ không rộng thênh thang nhưng mặt hồ thoáng, nước trong như màu mắt của thiếu nữ vào thu. Bình minh vừa hé đã hiện ra những góc trời rực nắng, ấy là màu của hàng ngàn chùm hoa a-xia bồng bềnh đổ xuống ven hồ. Cảm giác bâng khuâng biết bao khi đứng dưới một khoảng trời rực rỡ mà chẳng thể nhận ra đâu là hoa của đất, đâu là nắng của trời. Nhiều bạn trẻ cứ say đắm mãi sắc vàng của hoa dã quỳ bung nở quanh hồ Tơ-nưng (Pleiku), nhưng có lẽ một ngày gần đây thôi, các bạn sẽ yêu sắc vàng của hoa a-xia nhiều hơn thế nữa. Những tán lá a-xia xanh um ôm lấy hồ chính là loài cây trồng chắn gió và che mát cho nương chè từ những năm đầu thế kỷ XX, khi đồn điền của người Pháp được dựng lên ở nơi đây.

Phía bên kia hồ là đồi chè rộng lớn. Tôi đến đây vào một buổi sớm cuối tuần, bà con hái chè đều nghỉ cả. Có đôi khi, sự vắng thưa bóng dáng con người cũng có cái hay riêng, khiến cho cảnh sắc núi đồi càng hoang dại hơn, mộc mạc hơn… như cái thuở còn ban sơ. Những khóm chè trồng từng hàng thẳng tắp, nương vào gốc a-xia, vươn lên từ vùng đất đỏ. Tôi nghiêng mình xuống, ngắm từng chồi non vừa hé dưới ánh mặt trời, hít một hơi thật dài và đắm mình trong làn gió mát lành. Làn gió ấy từ mặt hồ bay lên, cuốn theo vị chè non, không đắng chát mà ngọt dịu đến vô cùng. Dẫu trải qua thật nhiều biến cố lịch sử cùng với những thăng trầm của ngành chè, nhưng hương chè Bàu Cạn vẫn còn thơm mãi quanh Tây Hồ, thơm mãi với đất trời cao nguyên.

Gần đây, Tây Hồ trở thành địa điểm được các đôi tình nhân lựa chọn để ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn trong ngày trọng đại của mình. Có lẽ, vẻ đẹp của thiên nhiên bao giờ cũng là một “nốt trầm xao xuyến” trên hành trình tìm đến hạnh phúc lứa đôi.

Sau khi chụp vài tấm ảnh để lưu lại trong nhật ký lữ hành của mình, tôi rẽ vào một quán nước ven hồ. Trời cũng chợt đổ mưa, một cơn mưa rào tưới mát cho giàn dây leo trên tường rào và tưới mát cho cả tuổi thanh xuân của tôi nữa. Lần này, tôi đã có một góc lữ hành thật đẹp, được tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên và thấy mình căng tràn nhựa sống. Hẹn với Tây Hồ một lần nữa, để thêm một lần hạnh ngộ với món quà của mùa thu.

Lữ Hồng

http://baogialai.com.vn/channel/12400/201709/ngam-tay-ho-giua-long-cao-nguyen-5550032/

Giao Blog

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: