Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Xuyên tạc và đạo văn trong "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" Tác phẩm đạt giải Hội nhà văn Việt Nam của Lê Xuân Đức




Hoàng Tuấn Công








“Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, là sách được giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sách đề tên tác giả: “Lê Xuân Đức Dạy văn, Viết văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa VIII”.


“Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” có hai phần. Phần I “Thơ tiếng Việt” và phần II “Thư chữ Hán”. Những gì Lê Xuân Đức viết trong phần I rất khó xác minh đúng sai, kiểm chứng thông tin. Vì nhiều đoạn, Lê Xuân Đức kể giống như chính mình là người chứng kiến mà không hề chú thích theo nguồn tài liệu nào. Bởi vậy, chúng tôi không thể lại “đi tìm xuất xứ” những dòng Lê Xuân Đức viết. Tuy nhiên, phần thơ chữ Hán số lượng hơn 30 bài, nhác qua đã thấy tới nửa số bài có vấn đề. Và “vấn đề” ở đây cũng không có gì mới. Tức cái sai vẫn mang dấu ấn của Lê Xuân Đức: “chữ tác đánh chữ tộ”, phá hỏng nguyên tác thơ Hồ Chí Minh, và đạo văn.
I.CHỮ TÁC ĐÁNH CHỮ TỘ:
1. Bài “Tặng Bùi công”:
Câu "Khán thư sơn điểu thê song hãn" (Lúc xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ).
Chữ "hãn" 杆 trong “song hãn” nghĩa là cái song cửa, một âm đọc khác là “can” trong từ “lan can”-hàng chấn song cửa (chữ hãn có bộ mộc 木chỉ nghĩa và bộ can 干ghi âm) bị viết thành chữ “hãn” 扞 (chữ hãn có bộ thủ扌chỉ nghĩa và bộ can 干ghi âm) nghĩa là: “Chống giữ ② Chống cự, như hãn cách 扞格 chống cự”. (Hán -Việt từ điển-Thiều Chửu). Như vậy, Nguyên tác thơ Hồ Chí Minh: 看書山鳥棲窗杆 (Xem sách chim rừng vào đậu ở cửa sổ) qua tay Lê Xuân Đức bị biến thành: 看書山鳥棲窗 扞 và bắt buộc phải hiểu là: Xem sách, chim rừng vào đậu cửa ở sổ nhưng bị ngăn lại (!)
2.Bài “Vô đề”:
Câu "Quân cơ quốc kế thương đàm liễu" (Việc quân việc nước đã bàn xong). Chữ liễu 了 trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh nghĩa là xong, rồi, bị viết thành chữ liệu 瞭 (có bộ mục) có nghĩa là: mắt sáng, hiểu rõ. Căn cứ "nguyên tác" của Lê Xuân Đức, ý nghĩa của câu thơ sẽ thành: Mắt vẫn sáng để bàn chuyện quân cơ quốc kế, hoặc: Khi bàn việc quân việc nước vẫn hiểu rõ (!?)
3.Bài “Tư chiến sĩ”:
Câu "Dương quang hòa noãn báo tân xuân" (Ánh mặt trời ấm áp báo mùa xuân mới đã sang). Chữ "báo" 報trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh có nghĩa là báo tin, bảo cho biết (động từ) bị Lê Xuân Đức viết thành chữ "báo" 豹 có nghĩa là con báo (danh từ chỉ động vật): 陽光和暖豹新春 Như thế, nguyên tác thơ bị biến thành: Ánh mặt trời ấm áp mùa xuân đến cùng...con báo (!)
4.Bài “Gửi đồng chí Trần Canh”:
Câu "Hùng sư bách vạn tất thính lệnh" (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh) chữ "tất" nghĩa là đều, hết, tất cả, bị phiên âm thành "đất"-một từ không hề có trong Hán tự.
5. Bài “Ngọ quá thiên giang”:
Câu "Thiên giang, giang ngạn mãn xuân tương" (Bên bờ sông Thiên, sương xuân đã phủ đầy). Nguyên tác chữ Hán "Thiên giang, giang ngạn" 遷江江岸 (Bên bờ con sông Thiên) bị Lê Xuân Đức viết thành "Thiên giang, thiên ngạn"遷江遷岸. Chữ “thiên” 遷có nghĩa là dời đổi, “Thiên ngạn” nghĩa là Bờ con sông Thiên đã bị dời đi nơi khác phủ đầy sương xuân (!).
Đáng chú ý, trong sách "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức (NXB Văn học-2010) câu "Thiên Giang, giang ngạn" lại bị ông đánh hỏng đi kiểu khác. Đó là ông phân tích: "Thiên Giang giang" là sông Thiên Giang (sông Thiên)". Thế là Lê Xuân Đức chẳng hiểu gì về ngữ pháp Hán văn, chẳng hiểu gì về con sông Thiên. Bởi "Thiên giang" đã có nghĩa là sông Thiên rồi. Chữ "giang" thứ hai phải gắn với chữ "ngạn": "giang ngạn" thành nghĩa "bờ sông": Thiên Giang, giang ngạn" là bờ con sông Thiên. Nếu cắt chữ "giang" sang thành cụm từ "Thiên Giang giang" như Lê Xuân Đức thì bỏ chữ "ngạn" đi đâu ?
6.Bài "Đến gần Long Châu":
Câu "Viễn cách long châu tam thập lý" (Cách xa Long Châu ba mươi cây số). Chữ “cách” 隔trong "Viễn cách" nghĩa là cách xa, bị phiên âm thành "Viễn cảnh": “Viễn cảnh Long Châu tam thập lý”. Phiên âm của Lê Xuân Đức chỉ có thể hiểu là: Cảnh xa Long Châu ba mươi dặm (!).
7.Bài "Tặng đồng chí Trần Canh"(tại Việt Bắc)
Câu "Hương tân, mỹ tửu dạ quang bôi" (Rượu ngọt "sâm banh" trong chén ngọc dạ quang) Chữ "quang" trong "dạ quang bôi" (chén bằng ngọc quý) Lê Xuân Đức phiên âm thành "dạ kim bôi" (chén bằng vàng). Phần nguyên tác chữ Hán thấy rõ là "dạ quang bôi" 夜光杯, bị phiên âm là "dạ kim bôi", thế nhưng phần dịch nghĩa lại thấy Lê Xuân Đức dịch là "ngọc dạ quang" (!) Điều đáng chú ý: chữ "dạ kim bôi" Lê Xuân Đức nhất quán nhắc lại ba lần trong bài (lần 1 ở trang 368, lần 2 và lần 3 ở trang 370).)
Vậy, Lê Xuân Đức sai ở phần nguyên tác thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, hay sai ở phần phiên âm ? Và "dạ quang bôi" đúng hay "dạ kim bôi đúng" ? Theo chúng tôi, "dạ quang bôi" đúng, Lê Xuân Đức đọc sai, phiên âm sai. Vì:
1.Bài “Tại Việt Bắc tặng Trần Canh đồng chí” (Tại Việt Bắc tặng đồng chí Trần Canh) Bác Hồ đã mượn bài Lương Châu từ 凉州詞 của Vương Hàn đời Đường. Nguyên tác chữ Hán:
葡萄美酒夜光杯
欲飲琵琶馬上催
醉臥沙場君莫笑
古來征戰幾人回?
Phiên âm:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi;
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ?
Trần Quang Trân dịch:
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly,
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi.
Say khướt sa trường anh chớ mỉa,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?
(Thơ Đường tập I-NXB Văn học-1987)
Bác chỉ thay hai chữ “bồ đào” (rượu nho) ở câu đầu thành “hương tân” (rượu sâm banh); thay câu cuối “Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chính chiến mấy người về) thành “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi” (Chớ để cho một tên địch nào trở về), qua đó, biến chén rượu quan hà bi thương trong bài thơ của Vương Hàn thành chén rượu của niềm khí thế quyết tâm, tin tưởng vào chiến thắng. (Đáng nói là Lê Xuân Đức trích dẫn và xuyên tạc luôn thơ của Vương Hàn. “Dạ quang bôi” trong nguyên tác cũng thành “dạ kim bôi”)
2. Đối chiếu với sách "Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích - thư pháp" của GS Hoàng Tranh, nguyên tác chữ Hán Bác dùng "dạ quang bôi" chứ không phải "dạ kim bôi".
3.Về mặt ngữ nghĩa "dạ kim bôi" là vô lý. Bởi chỉ có loại ngọc quý mới phát sáng trong đêm, gọi là ngọc dạ quang. Nếu "kim bôi" - chén vàng, thì vàng đâu có phát sáng trong đêm mà gọi là "dạ kim bôi"? Cũng không thấy hình ảnh nào trong văn chương gọi là "vàng dạ quang".
Có lẽ Lê Xuân Đức không phân biệt được vàng và ngọc khác nhau thế nào nên mới tùy tiện biến "dạ quang bôi" thành "dạ kim bôi" như vậy.
Đọc thêm: Câu chuyện về ngọc dạ quang ở Thanh Hóa. “Tương truyền dưới núi Liên Xá, huyện Kết Thuế (nay thuộc huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa-HTC chú thích) trong huyện hạt có một hòn đá tròn mà rộng, chìm nổi ở cửa biển Trầm Mông, tức cửa Bạng. Có nhà buôn ngoại quốc đang đêm thấy ánh sáng của ngọc rạng chiếu trên hòn đá, cho rằng trong đá có ngọc tốt. Người này mới lấy viên ngọc quý đang cất trong người đưa ra để mưu tính nhử ngọc trong đá. Thế nhưng ngọc trong đá chẳng lấy được mà ngọc đeo bên mình lại bị hút luôn vào đó. Về sau đêm đêm, người trong thôn thường thấy có đôi ngọc dạ quang đuôi đỏ, hình dạng như đôi chim đang bay, thường thường tự sườn núi bay ra Mi Sơn ngoài biển, đến sáng lại quay về. Vì thế nên gọi là núi Cưu Ngọc. Đời Lê, niên hiệu Quang Thuận, Thuần Hoàng đế nam chinh đánh Chiêm Thành. Khi đến nơi này liền lệnh cho người đục đá, lại lấy lửa đốt để lấy ngọc nhưng vẫn không sao lấy nổi.Vua cho rằng trong đá có linh khí chung đúc mà thành, mới đổi tên đất làm Ngọc Sơn” (Trích: Thanh Hóa kỷ thắng-Vương Duy Trinh-nguyên tác chữ Hán -Bản dịch của Hoàng Tuấn Công, chưa công bố).
8.Bài "Hai chớ":
Câu "Dị sử thi nhân hóa tục nhân" (Dễ khiến thi nhân hóa người phàm tục) Cụm từ "Dị sử thi nhân" 易使詩人 (dễ khiến thi nhân) trong nguyên tác thơ Hồ Chí Minh bị viết thành "Dị sử sử nhân" 易使使人 (dễ khiến, khiến người). Đã thừa chữ lại thiếu nghĩa.
9.Bài "Vô đề":
Câu "Nhất niên tứ quý đô xuân thiên" (Một năm cả bốn mùa đều là xuân) Chữ "đô" 都 nghĩa là đều, "đô xuân thiên" nghĩa là đều là ngày xuân, bị phiên âm thành "đổ xuân thiên”. Nếu căn cứ vào bản phiên âm của Lê Xuân Đức mà "đoán chữ" thì sẽ có hai trường hợp chữ “đổ” có nghĩa:
-Nếu "đổ"賭 (có bộ bối) nghĩa là "đánh bạc" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, chỉ đánh đánh bạc vào ngày xuân (!)
-Nếu "đổ" 堵 (có bộ thổ) nghĩa là "chắn, chặn lại" thì "Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên" có nghĩa: Một năm bốn mùa, mùa xuân bị chặn lại không đến được (!)
10. Bài "Tết xuân Mậu Thân":
Câu "Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ" (Trên trời mây đến rồi đi) chữ "lai hựu khứ" bị phiên thành "lại hựu khứ". Thế là Hán-Nôm lẫn lộn, phiên âm lẫn với dịch nghĩa.
11.Bài "Tặng Sơn đệ":
Bạn đọc còn nhớ trong bài “Nhật ký trong tù và lời bình hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức”, chúng tôi có nhắc đến cái sai của Lê Xuân Đức trong bài viết của Trần Thư Trung trên Báo Hậu Giang. Khi ấy, chúng tôi chưa có trong tay sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Nay xem lại mới thấy, Lê Xuân Đức sai nhiều hơn Trần Thư Trung và chúng tôi tưởng. Xin nói lại từ đầu:
1/Đầu đề thiếp thư thấy nguyên văn chữ Hán là "Tống Sơn đệ", 送山弟nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm thành "Tặng Sơn đệ" (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
2/Chữ "đệ" 弟trong "Sơn đệ" 山弟 nghĩa là em bị viết thành chữ "đệ" 第 (có bộ trúc đầu) nghĩa là thứ bậc (như Trần Thư Trung đã từng nêu).
3/Câu "Trí dục viên nhi hạnh dục phương". Chữ “trí” 智 trong từ trí tuệ, giỏi giang, lại viết thành chữ “chí” 志 trong ý chí, chí hướng. Viết là “chí” 志, nhưng Lê Xuân Đức lại phiên âm là "trí". Thật chẳng biết đường nào mà lần!
4/Giới thiệu nguồn gốc 12 chữ: "Đảm dục đại, Tâm dục tế, Trí dục viên, Hạnh dục phương" Bác Hồ gửi Nguyễn Sơn, Lê Xuân Đức viết: "Những câu này, chữ này Bác lấy từ một bài thơ của bậc danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc), nguyên văn như sau: "Đảm dục đại, nhi tâm dục, Trí dục viên, nhi hạnh dục phương..." Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa"
Chỉ một đoạn văn ngắn này thôi, nhưng Lê Xuân Đức viết sai lung tung cả. Chúng tôi xin có mấy ý kiến:
1/Lê Xuân Đức nói là “nguyên văn như sau”, nhưng lại chẳng nguyên văn tí nào. Đó là cụm từ “nhi tâm dục tế” Lê Xuân Đức viết thiếu mất chữ “tế”, thành “nhi tâm dục”, không biết là “dục” gì?
2/Bậc danh y mà Lê Xuân Đức nói là Tôn Tư Mạc chứ không phải Khổng Tử Mạc. Từ điển Nho-Phật - Đạo (Lao Tử-Thịnh Lệ-NXB Văn học) chép rõ: "Tôn Tư Mạc孫思邈 (581-682) đạo sĩ trứ danh, nhà y học, nhà dược học thời Đường".
Vậy, tại sao tên của Danh y Tôn Tư Mạc lại biến thành “Khổng Tử Mạc”? Có lẽ là bởi chữ "Tôn" và chữ "Khổng", tuy quốc ngữ hoàn toàn khác nhau, nhưng trong Hán tự, chữ Tôn 孫, giản thể viết là 孙 (gồm bộ tử孑 thiên bàng và chữ tiểu) lại gần giống với chữ khổng孔 (cũng có bộ tử 孑thiên bàng) nên Lê Xuân Đức mới nhìn “chữ tác thành chữ tộ” rồi “mạnh dạn” đổi họ Tôn của Danh y Tôn Tư Mạc thành họ Khổng ! Lại nữa, có lẽ Lê Xuân Đức nghĩ: đã là "Khổng" thì phải đi kèm với "Tử" mới hợp lý. Thế là Tôn Tư Mạc-"Đạo sĩ trứ danh, tinh thông thuyết của bách gia, sùng chuộng Lão Trang, hiểu biết Phật điển, tinh y học, sở trường âm dương, suy đoán, diệu giải thuật số, nghiên cứu cả các phương thuật Đạo giáo như Luyện đan, Phục thực để cầu trường sinh thành tiên", chẳng may gặp phải ông thầy cao tay hơn, "đạo", "sĩ" gồm tài, nên Tôn Tư Mạc mới bỗng chốc bị hóa thành "Khổng Tử Mạc" (!) Thương thay!
Đáng chú ý: kiểu chữ tác thành chữ tộ của Lê Xuân Đức diễn ra không ít. Ví như trong "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh" bài Học đánh cờ (bài 1) câu mở đầu: "Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ", chữ "nhàn" bị Lê Xuân Đức đọc thành chữ "bế". Nguyên do: chữ "nhàn" 閑 hơi giống chữ "bế" 閉, vì cả hai chữ đều có bộ môn 門 . Chữ "nhàn", phía trong bộ môn có bộ mộc木, còn chữ bế phía trong bộ môn có chữ tài才. Chữ "tài" giống như chữ mộc bớt đi một nét phía phải. Thế là Lê Xuân Đức giảng sai luôn nghĩa của câu thơ: "Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ" (Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi) thành "Bế tọa vô liêu học dịch kỳ", ông viết: "Bế tọa vô liêu: ngồi trong giam cấm buồn tênh" (!).
Chữ "nhàn" trong nhàn rỗi, bị Lê Xuân Đức biến thành chữ "bế" nghĩa là đóng. Nhàn tọa = ngồi rỗi, thành "bế tọa" nghĩa "ngồi trong giam cấm" (!) Lê Xuân Đức quả là giỏi xuyên tạc!


3/ Lê Xuân Đức viết: "danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là Tôn Tử Mạc)". Thế là Lê Xuân Đức không chỉ biến Danh y Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc nào đó, mà còn tiếp tục mượn tay một người khác theo kiểu “có sách nói” để hòng biến bạn của Tôn Tư Mạc là Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc ở tận đẩu tận đâu (!) Nguyên nhân những sai sót này có vẻ như tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” trong khi “tìm” quanh quẩn ở đâu đó rồi nghe loáng thoáng, đọc loáng thoáng, câu được câu chăng, nhìn gà hóa cuốc nên rốt cuộc nhầm lẫn lung tung cả. Tuy nhiên cụm từ “có sách nói” lại có vẻ Lê Xuân Đức đã làm một việc phi khoa học, đó là cố tình nguỵ tạo chứng cứ trong trường hợp này. Bởi “có sách” là sách nào ? Sao ông không nói ? Danh y Tôn Tư Mạc chính là xuất xứ của 12 chữ trong thư thiếp của Bác Hồ. Chúng tôi không nghĩ Lê Xuân Đức có thể tuỳ tiện “đi tìm xuất xứ” thơ Bác đến vậy ! Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu "xuất xứ" mấy chữ trong thiếp thư của Bác Hồ mà lại mua sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” về đọc, chẳng phải đã bị Lê Xuân Đức chơi khăm cho một vố thật đau hay sao ? Đúng là “Tiền mất, tật mang”. Ông cha ta nói chẳng có sai!
Nói thêm: 7 cái sai lớn nhỏ chúng tôi vừa nêu trên đây đều có đầy đủ trong sách "Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức-NXB Văn học-2010, xuất bản trước sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" 2 năm. Như thế, yếu tố "chẳng may sai sót, nhầm lẫn" có thể hoàn toàn được loại trừ.
Xin được tiếp tục với những cái sai trong bài “Tặng Sơn đệ”:
4/Lê Xuân Đức phân tích: “Bác lấy 12 chữ ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ "tiểu" thay bằng chữ "tế" là tinh tế, tế nhị. Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa”.
Chẳng qua không hiểu gì về chữ nghĩa nên Lê Xuân Đức mới tán nhăng, tán cuội như vậy. Chữ “tiểu” 小 và chữ “tế” 細 trong Hán tự đều có nghĩa là nhỏ, bé.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “Tế tâm 細心: Nghĩ ngợi kỹ càng; Tiểu tâm小心: Cẩn thận, chú ý; Đảm đại, tâm tế 膽大心細: Mật thì to, tâm thì nhỏ, nghĩa là làm việc dõng cảm mà cẩn thận từng chút”.
-Từ điển Việt - Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): “Cẩn thận: Tiểu tâm 小心”.
-Ở bên Tàu câu “Đảm đại, tâm tế” hoặc “Đảm dục đại, tâm dục tế (tiểu) được dùng như một thành ngữ. Chữ “tiểu” 小và chữ “tế” 小 đồng nghĩa trong “tế tâm” và “tiểu tâm” nên câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu” còn có một dị bản là “Đảm dục đại nhi tâm dục tế”. Bởi vậy khi Bác Hồ dùng “Đảm dục đại, Tâm dục tế” thì chữ “tế” ở đây là một cách dùng từ có nghĩa tương đương với chữ “tiểu”. Dùng “tâm dục tiểu” hay “tâm dục tế” đều có nghĩa là phải cẩn thận, chín chắn trong hành động, suy nghĩ, giảm bớt lòng dục chứ không phải “Bỏ chữ "tiểu" là bỏ cái nhỏ, người nhận thiếp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo tế nhị hơn nữa” như Lê Xuân Đức giảng giải.
Đọc thêm: Về câu “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, Trí dục viên nhi hạnh dục phương” của Danh y Tôn Tư Mạc gửi bạn Lưu Chiếu Lâm, giới nghiên cứu y học Trung Quốc cho rằng đó chính là Tổng kết phương pháp chẩn bệnh của họ Tôn:
“-Đảm đại: Phải hùng dũng, tự tin như khí chất của bậc võ phu. (Đảm đại: Thị yêu hữu như củ củ võ phu, bàn tự tín nhi hữu khí chất).
-Tiểu tâm: Trong công việc phải thận trọng từng tí như đang đi bên bờ vực thẳm, như dẫm chân lên băng mỏng. Tức đi trên băng mỏng thì dễ bị vỡ, đứng ở bờ vực núi cao thì dễ bị sẩy chân, nên lúc nào cũng phải thận trọng từng ly. (Tiểu tâm: Thị yêu như lâm thâm uyên, như lý bạc băng. Tức như đồng tại bạc băng thượng hành tẩu, tại tiêu bích biên lạc túc, nhất dạng thời thời tiểu tâm, cẩn thận)
-Trí viên: Khi gặp việc phải viên hoạt (tức không để lộ thái độ) và phải biết quyền biến (theo việc xảy ra bất thường mà ứng biến cho nhanh). Không được câu nệ. (Trí viên: Thị chỉ ngộ sự viên hoạt, quyền biến, bất đắc câu nệ).
-Hạnh phương: Tức chỉ việc không tham danh vọng, không tranh giành lợi lộc. Được như thế trong lòng không vướng bận, tựa như được uống thang thuốc thần diệu của trời đất vậy (Hạnh phương: thị chỉ bất tham danh, bất đoạt lợi, tâm trung tự hữu thản thang thiên địa).
Đó là lời của Tôn Tư Mạc đối với các bậc lương y. Kỳ thực, những lời nói ấy không chỉ có ý nghĩa đối với những người thầy thuốc”. (HTC tham khảo, trích dịch từ tài liệu qua một số trang mạng củaTrung Quốc).
Chúng ta đều biết, nguyên nhân Bác Hồ gửi thiếp thư cho Tướng Nguyễn Sơn là do Nguyễn Sơn không hài lòng về việc thụ phong hàm Thiếu tướng. Bởi vậy, để hiểu đúng thư thiếp của Bác Hồ cần tìm hiểu nguồn gốc “đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” trong triết lý của Tôn Tư Mạc. Mặt khác phải tiếp cận được bản chụp, hoặc bản gốc của thiếp thư. Không nên ngồi đoán già đoán non rồi tán nhăng như cách làm của Lê Xuân Đức.
5. Lê Xuân Đức không chỉ truyền bá cái sai của ông, mà còn “dĩ hư truyền hư”, lấy cái sai của người khác để đem ra trích dùng, tiếp tục quảng bá tới đông đảo bạn đọc. Ví như Lê Xuân Đức trích lời kể của Nguyễn Thạch Kim, “một cộng sự đắc lực” của tướng Nguyễn Sơn: “Tôi (tức Nguyễn Thạch Kim-HTC chú thích) mở ngay ra xem, một tấm thiếp xinh xắn giản dị như mọi cái khác, mặt trước in rõ ba chữ Hồ Chí Minh, mặt sau viết nắn nót, ngay ngắn: Đàm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hành dục phương (...) Hành dục phương là hành động phải ngay thẳng, đúng đắn, chân chính, phân minh, đàng hoàng”.
Đáng lẽ với một tư liệu có vấn đề như vậy Lê Xuân Đức phải biết phân biệt sai đúng để phân tích định hướng cho độc giả hoặc không sử dụng làm tư liệu. Đằng này Lê Xuân Đức lại chú thích nửa vời, gây hoang mang cho bạn đọc: “Về chữ Đàm hay chữ Đảm, Hành hay Hạnh cần được tra cứu, sưu tầm tấm thiếp của Bác Hồ gửi tướng Nguyễn Sơn”. Chú thích nghe có vẻ khoa học và thận trọng. Tuy nhiên nó lại “lòi” cái sự không biết chữ của tác giả “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”. Bởi chỉ cần với trình độ Hán học nhập môn tự học đã có thể không cần “sưu tầm thiếp của Bác Hồ” mà vẫn có thể khẳng định: chỉ có “Đảm dục đại chứ” không có “Đàm dục đại”. Vì sao ? Vì chữ “đảm” 膽 ở đây chỉ có nghĩa là cái mật chứ không thể là “đàm” 痰 (nghĩa là đờm trong cổ họng) “đàm” 談 (nói chuyện bàn bạc); “đàm” 潭 (cái đầm) “đàm” 壜 (cái vò rượu) “đàm” 譫 (nói mê sảng)...hay là một chữ “đàm” nào khác của Lê Xuân Đức ghép vào:
-Thiều Chửu giải thích: “Đảm膽: Mật, ở nép trong lá gan thường rỉ nước đắng ra để tiêu chất mỡ. ② Ngày xưa bảo người ta có gan góc là vì cái mật, cho nên người không e sợ gì gọi là đại đảm大膽, người có lòng sốt sắng vì nghĩa quên mình gọi là can đảm 肝膽”.
-Đào Duy Anh giải thích: “Đảm đại: mật lớn lắm = dõng cảm. Đảm đại như đẩu: Mật to bằng cái đẩu
Đời Hán, Khương Duy chín lần đánh Ngụy, khi Thục mất nước, Khương Duy không chịu hàng, quân giặc mổ bụng Khương Duy thấy mật to hơn trứng gà, người ta nói đảm đại như đẩu”. (tức mật to bằng cái chén-HTC chú).
Về chữ “hành” hay chữ “hạnh”. Lê Xuân Đức dẫu có tận mắt nhìn thấy thiếp thư của Bác Hồ cũng thế. Bởi vì chữ hành 行 hay hạnh trong trường hợp này đều viết giống nhau. Thế nên đọc là hành hay hạnh , hiểu là hành hay hạnh phụ thuộc vào kiến thức của mỗi người. Vì đây là phép “Giả tá” trong trong “Lục thư” (6 phép cấu tạo chữ Hán) Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Chữ hành行khi đọc là hành có nghĩa là đi, người ta mượn nguyên chữ này, đọc là hạnh để chỉ nghĩa đức hạnh. Bởi vậy, nếu giải thích “hành” là “hành động” là không đúng.
Nói thêm: bốn chữ "Công dung ngôn hạnh", chữ "hạnh" là đức hạnh ở đây cũng được viết giống chữ "hành". Nhưng không ai đọc là "Công dung ngôn hành")
Những cái sai của Lê Xuân Đức không phải chỉ có vậy. Tuy nhiên chúng tôi không muốn mất thêm thời gian của bạn đọc và của chính mình nên xin dừng tại đây.Chỉ xin nói thêm, Lê Xuân Đức có 10 cuốn sách viết về thơ Bác. Hiện chúng tôi có trong tay 3 cuốn và thấy rằng: rất nhiều trường hợp cái sai kiểu "chữ tác đánh chữ tộ" của Lê Xuân Đức giống nhau, "nhất quán" trong cả 2, hoặc 3 cuốn sách: (1) Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (XB 2010); (2) Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" (XB 2012) (3) Nhật ký trong tù và lời bình (XB 2013).
Ví dụ các bài:
- Bài "Qua Thiên Giang" (sách (1) và (2) đều sai chữ giang thành chữ thiên).
-Bài về chữ “đệ” (sách (1) (2) và (3) đều sai chữ đệ (em) thành đệ (thứ) và ngược lại.
- Bài “Tặng Sơn đệ”: Sách (1) và (2) sai chữ trí thành chữ chí; sai Tôn Tư Mạc thành Khổng Tử Mạc; Lưu Chiếu Lâm thành Tôn Tử Mạc, sai chữ “tống” thành chữ “tặng”. (Trong "Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (NXB Văn học - 2010) " bài "Đảm, tâm, trí, hạnh" Lê Xuân Đức lại một lần nữa bê nguyên những sai lầm này vào sách, tr.196)
- Bài “Hai chớ” (sách (1) và (2) đều sai chữ thi thành chữ sử.
- Bài “Tặng đồng chí Trần Canh” (sách (1) và (2) đều sai chữ "quang bôi" thành "kim bôi" v,v...(Ngoài ra trong cách sách chúng tôi mới tham khảo: Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh (NXB Văn học-2010), Đọc thơ Bác (NXB Thanh Niên-2005) cũng thấy Lê Xuân Đức viết "dạ kim bôi"
-Bài "Tân xuất ngục học đăng sơn" sách (1) Câu "Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh", chữ phong 峰 trong nguyên tác có nghĩa là ngọn núi, bị viết sai thành chữ phong 風 nghĩa là gió rất vô nghĩa.
Chúng tôi có cảm giác, cứ đụng đến chữ nghĩa là Lê Xuân Đức lại sai, lại lầm lẫn. Đúng là "Vào rừng không biết lối ra, Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm".


Tại sao những cái sai của Lê Xuân Đức lại giống nhau và xuất hiện trong cả 3 hoặc 2 cuốn sách ở 3 thời điểm khác nhau? Theo chúng tôi: đó là sai do kiến thức, rất ít trường hợp sai do nhầm lẫn hoặc lỗi văn bản. Thứ hai, ngoài giỏi "xào xáo" văn của người khác thành văn của mình, Lê Xuân Đức còn giỏi "xào xáo" văn của chính ông. Nghĩa là cũng những bài thơ đó, nhưng Lê Xuân Đức thay đổi, thêm bớt tí chút "lời bình", hoặc thêm một số bài mới, tập hợp lại, đặt cho sách một cái tên khác. Thế là có thêm một "tác phẩm mới", làm dày thêm thành tích 40 năm nghiên cứu "thẩm bình" thơ Bác mà không cần biết những trang viết ấy sai sót những gì, có cần sửa chữa, bổ sung để lần sau tránh được sai lầm của lần trước. Với cách làm này Lê Xuân Đức đã đánh lừa được nhiều Nhà xuất bản, các Báo, Tạp chí, moi tiền của bạn đọc. Thậm chí qua mặt được cả Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
II. ĐẠO VĂN.
Độc giả từng đọc bài “Nhật ký trong tù và lời bình” hay trò đùa của Nhà phê bình Lê Xuân Đức” đã biết, Lê Xuân Đức đạo chú thích của GS Hoàng Tranh (Trung Quốc) trong sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” để làm nên “Nhật ký trong tù và lời bình” như thế nào. Trong sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”, Lê Xuân Đức vẫn tiếp tục “đạo” chú thích của GS Hoàng Tranh ở những bài thơ chữ Hán không thuộc “Nhật ký trong tù”. Khi tinh vi, lúc trắng trợn:
1.Bài “Tặng đồng chí Trần Canh tại Nam Ninh”.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đế phần Đông Bắc của tỉnh là đất của Điền Quốc nên Vân Nam còn có tên gọi Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Điền là tên gọi tắt của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ thời Xuân Thu đến trước thời Hán Vũ đế phần Đông Bắc của tỉnh này là đất của Điền quốc nên Vân Nam còn có tên gọi là Điền. Điền biên tức là biên cương của tỉnh Vân Nam”.
Ở đây Lê Xuân Đức chỉ thêm dấu phẩy (,) sau địa danh “Vân Nam”, thêm chữ “này” và chữ “là” mà chúng tôi gạch chân.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Người đọc mấy câu thơ trên đây bằng tiếng Trung Quốc tặng đồng chí Trần Canh. Nguyên văn bài thơ năm ấy không còn lưu lại. Năm 1990, Báo Văn nghệ của Việt Nam đăng lại bài thơ trên bằng tiếng Việt là căn cứ vào lời kể của một đồng chí tháp tùng Hồ Chí Minh trong chuyến đi ấy. Chúng tôi đã căn cứ vào bài thơ tiếng Việt để chuyển thành bài thơ chữ Hán”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Bác đã làm bài thơ Tặng đồng chí Trần Canh bằng chữ Hán. Rất tiếc bản chữ Hán bài thơ này chúng ta không có, Bác đã tặng đồng chí Trần Canh trong bữa tiệc hôm đó, đến nay vẫn chưa sưu tầm được. May thay, Bác cũng đã tự dịch bài thơ chữ Hán ra tiếng Việt, đọc cho mọi người đi với Bác cùng nghe (…) Sau này, căn cứ vào bài thơ tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Tranh-Phó viện trưởng Viện Đông Dương, Viện Trưởng viện sử, Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội Quảng Tây chuyển thành bài thơ chữ Hán như sau”
Với cách làm này, Lê Xuân Đức gây nhầm tưởng cho bạn đọc là ông đã có công “tìm được xuất xứ” bài thơ “Tặng đồng chí Trần Canh”. Sự thực là ông chép lại chú thích, lời kể của GS Hoàng Tranh mà không một lời chú thích nguồn gốc tư liệu, Hoàng Tranh nói trong sách nào. Bởi, nếu ông chú thích trích dẫn cụ thể từ sách “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh-chú thích-thư pháp” khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này” ! Dường như Lê Xuân Đức muốn độc giả quên đi rằng, trên đời này có tồn tại một cuốn sách có tên như vậy.
2.Bài “Qua Trường Sa”:
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Chỉ riêng trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 1 năm 1942, quân đội Trung Quốc đã ba lần giao chiến ác liệt với quân xâm lược Nhật Bản tại khu vực Trường Sa. Những năm đó, Trung Quốc kháng chiến chống Nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh Bác hoạt động cách mạng ở miền Hoa Nam Trung Quốc, Người còn nhớ rất rõ về những sự kiện đó. Bác biết rất kỹ về những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.
Ở phần này, Lê Xuân Đức thêm, bớt, diễn đạt lại một số từ ngữ, nhưng không che được chú thích bản quyền của GS Hoàng Tranh. Ví dụ: “Người biết rất rõ” ông diễn đạt thành “Bác biết rất kỹ”; “những sự kiện đó” thành “những sự kiện xảy ra ở Trường Sa”.
3.Bài Buổi trưa qua Thiên Giang:
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Trấn Nam quan nằm trên biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Bằng Tường của Quảng Tây. Năm 1953, sau ngày nước Trung Hoa mới thành lập được đổi tên là Mục Nam quan, năm 1965 đổi tên là Hữu Nghị quan”.
Chú thích này bị Lê Xuân Đức đánh cắp nguyên xi. Có lẽ ông ngại diễn đạt lại hoặc cũng không còn cách diễn đạt nào hơn.
-GS Hoàng Tranh chú thích: “Khi viết bài thơ này Hồ Chí Minh nghĩ tới hình ảnh Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến về phương Nam quét sạch tàn quân Quốc dân Đảng, đánh chiếm Trấn Nam Quan, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Tây”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “quân giải phóng Trung Quốc đã lập một chiến công xuất sắc (...) quét sạch toàn quân Quốc dân đảng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Tây. Cảnh vật và sự kiện Thiên Giang khiến Bác cảm tác thành thơ”.
Ở đây Lê Xuân Đức cố ý xào xáo, đạo văn rất tinh vi, nhưng độc giả không khó nhận ra ông ăn cắp những gì, bản thân Lê Xuân Đức có gì.
4.Bài Thăm Khúc Phụ:
- GS Hoàng Tranh chú thích: “Khúc Phụ là tên một thành phố nhỏ cách núi Thái Sơn của tỉnh Sơn Đông 80 km về phía nam, là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phố văn hóa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây đời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ. Năm 1986, được nâng lên cấp Thành phố. Trong thành phố còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng lâm. Ngày 19 tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm Khúc Phụ đã làm bài thơ này”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Khúc Phụ nằm trên bờ nam sông Tứ, miền tây tỉnh Sơn Đông. Nơi đây đời nhà Thời nhà Chu là kinh đô của nước Lỗ, đời Tần là huyện Lỗ, đời Tùy đổi tên là Khúc Phụ, năm 1986, là thành phố Khúc Phụ. Đây là quê hương của Khổng tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo, là một thành phố địa danh văn hóa lâu đời nổi tiếng trọng lịch sử Trung Quốc. Hiện nay trong thành phố Khúc Phụ còn có di tích cổ của nước Lỗ và các di tích như Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng Lâm”.
Ở đây, Lê Xuân Đức cũng chỉ bỏ ra chút “công sức” sửa chữa, diễn đạt lại tí chút là ung dung biến của GS Hoàng Tranh thành của mình.
5.Bài “Vịnh Thái Hồ”:
-GS Hoàng Tranh Chú thích: “Các hồ trên đất Trung Quốc mang tên Tây Hồ có rất nhiều. Tây Hồ trong bài thơ trên là Tây Hồ ở Hàng Châu tỉnh Chiết Giang”.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Trung Quốc có nhiều hồ mang tên Tây Hồ. Tây Hồ trong bài thơ “Vịnh Thái Hồ” là Tây Hồ nằm ở phía Tây thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang”.
6.Bài “Ký Mao chủ tịch”:
-GS Hoàng Tranh chú thích: (1)“Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã bơi qua sông Trường Giang ở Vũ Hán. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Nguyên bài thơ không có đầu đề, trong tập “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài được đặt là “Ký Mao Chủ tịch”.
(1). Bài Ký Mao Chủ tịch” đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9 tháng 8 năm 1966.
-“Đi tìm xuất xứ” của Lê Xuân Đức: “Ngày 16 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Mao Trạch Đông 73 tuổi đã tổ chức một cuộc bơi trên qua sông Trường Giang ở Vũ Hán (...) Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng khi nghe tin đó, người đã làm bài thơ trên gửi tặng Mao Chủ tịch. Được tin Mao Chủ tịch có cuộc bơi hiếm có, Hồ Chủ tịch đã gửi tặng Mao Chủ tịch bốn câu thơ chúc mừng. Bốn câu thơ chúc mừng đã được các bạn Trung Quốc đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 9/8/1966. Nguyên bài thơ bốn câu thơ không có đầu đề, sau này khi xuất bản trong tập Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh” của Nhà xuất bản NXB Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990, đầu đề bài thơ được đặt là “Ký Mao Chủ tịch” (Gửi Mao Chủ tịch).
Như thế Lê Xuân Đức đã đạo trọn hai chú thích của GS Hoàng Tranh “xào xáo” lại tí chút thành ‘đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” của ông. Thật đáng sợ!
Trên đây chỉ là một số ví dụ về cái sự đạo văn của Lê Xuân Đức. Trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” còn có nhiều bài Lê Xuân Đức sử dụng tư liệu của GS Hoàng Tranh nhưng không chú thích theo tài liệu nào và rất khó để “bắt lỗi” do ông chỉ lấy ý, diễn đạt lại hoàn toàn theo hành văn của mình.
Mang một cái tên rất khoa học "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" nhưng cách làm của Lê Xuân Đức lại rất phi khoa học. Đó là không trích dẫn đến nơi đến chốn nguồn tài liệu tham khảo, "lập lờ đánh lận con đen". Thậm chí Thư mục sách tham khảo ở phần cuối sách cũng không có tên một đầu sách nào khiến bạn đọc không biết nguồn tài liệu ấy ở đâu ra, có đáng tin cậy hay không. Thậm chí là nguỵ tạo như đoạn viết “có sách nói” Lưu Chiếu Lâm chính là Tôn Tử Mạc. Bởi vậy, có thể nói, "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" là một công trình phi khoa học.
Trong bài phỏng vấn của VOH (Đài tiếng nói của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) về nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Xuân Đức nói: “Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng lần này. Đây là một sự ghi nhận và đánh giá tác phẩm tôi viết "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh". Đó cũng là kết quả của 40 năm tôi nghiên cứu về thơ Bác”.
Sách "Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" có 438 trang khổ 14,5 x 20,5, chúng tôi chỉ mới lướt qua 188/438 trang cuối sách mà đã thấy đầy rẫy những sai lầm, cẩu thả và lưu manh trong văn chương không thể chấp nhận. Kết quả 40 năm nghiên cứu về thơ Bác của Lê Xuân Đức là như vậy sao?
Chúng tôi nghĩ rằng, không ai có thể xác minh hết nguồn gốc những tư liệu Lê Xuân Đức sử dụng trong “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” đúng hay sai, khoa học hay nguỵ tạo, minh bạch hay mờ ám. Có lẽ chỉ duy nhất tác giả của nó mới có thể trả lời những câu hỏi đó.
Với tư cách độc giả, chúng tôi xin gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức cuộc “vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí viết về chủ đề “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" câu hỏi:
-Với những sai lầm, hành vi đạo văn mà chúng tôi đã chỉ ra trong sách “"Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh" của Lê Xuân Đức, việc Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức trao giải cao nhất cho tác phẩm này là đúng hay sai ?
- Nếu là sai, Hội Nhà văn Việt Nam và Ban tổ chức có thu hồi lại giải thưởng đã trao cho tác giả sách “Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh” hay không ?
-Ai phải chịu trách nhiệm về việc trao giải cho một cuốn sách có nhiều sai lầm, phi khoa học, thiếu minh bạch và vi phạm bản quyền trắng trợn như vậy ?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: