Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Nguyễn Nhật Ánh


[Nguyễn Nhật Ánh và CS] Nếu bạn là một người hâm mộ truyện Nguyễn Nhật Ánh thì bạn sẽ ít nhiều nhận ra vài thông điệp đằng sau những câu chuyện nửa thật nửa tiểu thuyết. Có bao giờ bạn hỏi tác giả lấy cảm hứng từ đâu để viết ra những tác phẩm đó không? Có thể là ông ta tưởng tượng và viết lách giỏi. Nhưng một phần quan trọng là trải nghiệm cá nhân của thời trước 1975, thời Bao Cấp rồi thời kinh tế phát triển. Tôi không phải là ông ta nên không biết đâu là sự thật.
Hôm bữa có một bạn nói trong cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh. Tôi coi lại thì đúng là vậy. Tôi đã đọc Bên Thắng Cuộc nhưng nhắc thì tôi mới nhớ. Giờ tôi mới biết ông ta lấy cảm hứng cho các câu truyện của ông ta từ đâu. Ví dụ như trong Còn Chút Gì Để Nhớ, cuộc chia ly vì lý lịch là lấy từ câu chuyện tình thật của ông ta. Nên tôi sẽ tóm tắt lại, nếu bạn muốn đọc thêm thì hãy tìm phiên bản điện tử của Bên Thắng Cuộc của Huy Đức rồi gõ “nguyễn nhật ánh.” Sau đây là những gì bạn cần biết.
  1. Gia đình Nguyễn Nhật Ánh trước đây làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
  2. Cha của Nguyễn Nhật Ánh phải đi cải tạo từ năm 1975 đến 1982.
  3. Nguyễn Nhật Ánh đã từng đi Thanh Niên Xung Phong để tẩy bớt cái gọi là “lý lịch ngụy” của mình. Ông ta kể lại: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng các làng kinh tế mới để đón đồng bào. Cũng là những thanh niên mới từ thành phố xuống, chúng tôi chặt cây, cắt tranh dựng cấp tốc hàng loạt… Nhưng, làm xong nhìn lại, thấy đến thanh niên xung phong cũng khó lòng mà ở trong những túp lều như thế”. Nhiều người trở lại thành phố ngay, nhiều người tạm dừng lại ít bữa để nghe ngóng. Ít lâu sau, các nhà tư sản, đặc biệt là tư sản người Hoa, được móc nối, kêu nộp vàng để được ra đi “bán hợp pháp”.
  4. Nguyễn Nhật Ánh vì lý lịch “ngụy” của mình đã phải học thêm 8 tháng chính trị để có thể tốt nghiệp theo “tinh thần chỉ thị 222.” Ông ta được cứu vớt bởi cha của một cô gái, ông đó sau này làm chủ tịch phường Nhật Tảo.
  5. Cô gái Nguyễn Nhật Ánh dạy kèm trước đó sau này trở thành bí thư Phường Đoàn. Mỗi khi có phong trào thì gọi ông ta vác loa đi đi vòng vòng kể chuyện về sự ưu việt của CNXH.
  6. Năm 1977, Nguyễn Nhật Ánh đang tham gia đào kênh Ba Gia ở Hố Bò, Phú Hòa. Lúc đó ông đã có nhiều tác phẩm được xuất bản trên Báo Tuổi Trẻ. Nhưng vì lý lịch ngụy của mình nên không được kết nạp vào Đoàn.
  7. Năm 1982, Đảng Ủy Thanh Niên Xung Phong đã ngăn cản cuộc hôn nhân của Nguyễn Nhật Ánh với và Trận Thị Tiếng Thu. Tiếng Thu lúc đó là phó phòng Chính Trị Lực Lượng Thanh Niên Xung Phong. Vì yêu ông ta nên cô bị đuổi ra khỏi Đảng. Đảng ủy đã nhiều lần thuyết phục cô chấm dứt mối quan hệ với Nguyễn Nhật Ánh nhưng cô ta từ chối.
  8. Vào tháng 10 năm 1983, cô ta đã giả xin một lá đơn xác nhận hộ khẩu để đăng ký “xe.” Sau đó cô ta và Nguyễn Nhật Ánh đã chỉnh sửa chữ “xe” thành “đăng ký kết hôn.” Sau đám cưới ngày 30/5/1984, Trần Thị Tiếng Thu đã bị Phó Bí Thư Thành Ủy cảnh cáo.
Và còn nhiều ký ức đau lòng nữa mà tôi chắc rằng bạn sẽ không bao giờ nghe được. Chuyện tình bị ngăn cản bởi lý lịch trong Còn Chút Gì Để Nhớ là điển hình cho những mối tình thời “phân biệt giai cấp.” Còn nhiều chuyện đau thương nữa. Nhưng tôi chỉ biết nhiêu đó. Cho nên lần sau bạn đọc các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh và tò mò ông ta đã lấy ý tưởng từ đâu, thì hãy biết rằng ông ta lấy ý tưởng từ trải nghiệm cá nhân của mình.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: