Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Hạn chế báo chí nhìn từ nhu cầu giám sát Quốc hội của cử tri



Sa Nam
MTG - Việc các phóng viên chỉ được tham gia đưa tin trong 5 phút đầu tiên trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang gây ra những quan ngại, không chỉ trong nội bộ phóng viên báo chí ‘theo quốc hội’, mà cả trong dư luận.

Phân tích từ góc độ chức năng của Quốc hội, lẫn nhìn từ các quy định hiện hành về tổ chức và quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc hạn chế quyền thông tin của báo chí – và qua đó, hạn chế khả năng giám sát của cử tri với đại biểu của mình, là điều bất hợp lý và cần xem xét lại.

Việc Ủy ban Thường vụ đóng cửa ‘họp kín’, trong khi các phiên họp trong kỳ họp của Quốc hội công khai là không hợp lý, xét từ khía cạnh bản chất của quyền lực đại biểu. Khác với các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp, hoạt động theo mô hình cấp bậc – có cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới, trong quốc hội, vị trí của các đại biểu Quốc hội là bình đẳng với nhau. Điều này xuất phát ở chỗ mọi cử tri đều có vị trí bình đẳng như nhau và mọi phiếu bầu đều có giá trị như nhau.

Không có chuyện đơn vị cử tri này ‘quan trọng hơn’ hay ‘có quyền cao hơn’ đơn vị khác. Và do đó, giữa các đại biểu - là người đại diện của đơn vị cử tri – bình đẳng với nhau về vai trò. Trong mọi quyết nghị tập thể, lá phiếu của đại biểu là có giá trị như nhau, dù là Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên thường vụ, hay Chủ nhiệm Ủy ban nào đó trong Quốc hội. 

Xuất phát từ đặc tính bình đẳng giữa các đại biểu, việc phân chia đại biểu vào các nhóm làm việc trong Quốc hội là phân chia theo chức năng chứ không phải là phân chia theo thứ bậc quyền lực – như trong hệ thống hành chính. Thường vụ quốc hội, - cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội, đóng vai trò thường trực cho Quốc hội, bởi Quốc hội không hoạt động theo hình thức hành chính toàn thời gian như các cơ quan hành chính Nhà nước khác. Thường vụ - vì vậy, về mặt chức năng không đóng vai trò lãnh đạo hay là ‘cấp trên’ của các đại biểu khác. Đó là lý do khiến Hiến pháp ghi rõ: Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội là công khai để cử tri giám sát.

Tương tự như vậy, hoạt động của Thường vụ Quốc hội cũng là công khai. Điều này được quy định rõ ràng trong quy chế làm việc của UBTVQH, theo đó: Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí. Vì vậy, không có lý do hợp lý nào để UBTVQH hạn chế quyền tác nghiệp của phóng viên. Bởi suy cho cùng, hạn chế báo chí cũng là hạn chế quyền được tiếp cận thông tin của cử tri, hạn chế khả năng giám sát của cử tri lên đại biểu. 

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, UBTVQH, cũng như Quốc hội có thể họp kín trong các trường hợp cần thiết, chẳng hạn, thảo luận các vấn đề thuộc về bí mật quốc gia. Các thủ tục thực hiện đã được nêu rõ, đó là “theo đề nghị của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng CP hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”. Như vậy, pháp luật đã dự liệu và quy định thủ tục cho những trường hợp cần họp kín, và UBTVQH, khi cần họp kín cần theo các thủ tục này chứ không thể tùy tiện hạn chế báo chí bằng một quy định hành chính do Văn phòng Quốc hội đặt ra.

Không phủ nhận rằng gần đây có những phát biểu của Đại biểu gây ra tranh cãi trái chiều trong dư luận. Nhưng những tranh luận xã hội sẽ mang lại tác dụng tích cực hơn hơn là tiêu cực. Tranh luận và va chạm ý kiến là điều bình thường trong sinh hoạt nghị trường, giúp đại biểu có thêm thông tin và nắm sâu hơn vấn đề. Cử tri, qua những tranh luận công khai, có cơ hội để đánh giá và quyết định thái độ của mình với đại biểu do mình bầu ra.

Xét ở khía cạnh thực thi công việc của từng cá nhân đại biểu, ‘nghề đại biểu’, cũng như mọi công việc khác, đều luôn cần sự cầu thị, học hỏi để trở nên hoàn thiện hơn. Những phát biểu, dù là ‘lỡ lời’ là chuyện hoàn toàn bình thường. Đại biểu hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm để thực thi công việc tốt hơn. Làm được điều đó cũng đồng nghĩa với đại biểu đang ‘ghi điểm’ với cử tri của mình. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều đại biểu tham vấn ý kiến các chuyên gia trước khi phát biểu công khai ở nghị trường. Đó là xu hướng tích cực và đáng hoan nghênh, khởi nguồn từ việc công khai tranh luận và khẳng định vị trí của các cá nhân đại biểu.

Từ những phân tích kể trên, có thể nói các quy định hạn chế báo chí tham gia các phiên họp UBTVQH cần được xem xét và điều chỉnh lại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: