Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

“Cơn mê” thủy điện

 nghèo?



Văn Công Hùng
(Dân Việt) Có cái gì phía trong việc xây dựng thủy điện ấy mà ai ai cũng muốn xông vào để làm, bất chấp tất cả. Như tỉnh Quảng Nam có 42 thủy điện mà vẫn muốn xây thêm.

Đến bây giờ, sau khi cả nước ta cơ bản đã phủ đầy nhà máy thủy điện ở chỗ nào có khả năng ngăn nước làm thủy điện, thì người ta mới phát hiện ra rằng, thủy điện không hay như nhiều người đã từng tưởng.

Thủy điện không thân thiện với môi trường mà hủy hoại môi trường rất ghê, nó không an toàn mà gây ra rất nhiều “tiềm năng nguy hiểm”, nó cũng không thân thiện mà đang bị dân kêu rất dữ, thậm chí là quyết liệt phản đối.

Chả cứ dân, nhiều hội đồng nhân dân các tỉnh, thậm chí cả trên diễn đàn Quốc hội, nhiều lần vấn đề thủy điện đã được mang ra mổ xẻ, và chủ yếu là, kêu về thủy điện, phản đối phát triển nóng thủy điện.

Có cảm giác bây giờ ai cũng có thể làm thủy điện, cứ có tiền là làm thủy điện. Cũng có người bảo, không nhất thiết người bỏ tiền làm thủy điện phải phân biệt thế nào là roto thế nào là stato, đâu là cửa nhận nước đâu là đập tràn, mà đã có đội ngũ kỹ thuật lo, mình chỉ việc bỏ tiền là xong.

Là xong, nên mới xảy ra những vụ như ở Đăk Mek, Đăk Glei, Kon Tum, người ta đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác thay cho bê tông cốt thép, kết quả là 109 mét tường ở đập thượng lưu bị vỡ, một người chết, đến mấy năm chưa xử lý xong hậu quả.

Hay như vụ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) vỡ không chỉ một lần mà đến 2 lần, tàn phá không biết bao nhiêu tài sản của dân.

Thủy điện An Khê Ka Nak thì liên tục lên diễn đàn hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai và cả Quốc hội, mà một đại biểu quốc hội của Gia Lai là ông Huỳnh Thành đã phải thống thiết mà rằng, đây là “sai lầm thế kỷ”.

Nó khiến con sông Ba hùng vĩ vắt ngang Tây Nguyên, sổ xuống sông Đà Rằng giờ cạn khô đáy, lòng sông trở thành nơi bò gặm cỏ và ô nhiễm khủng khiếp, khiến cả vùng hạ lưu, trong đó có thị xã An Khê giờ thành những vùng khô khát.

Nhưng không hẳn chỉ khô khát, bởi thi thoảng, “hứng chí” nửa đêm thủy điện lại xả nước phát, cả thị xã lại chìm trong “biển nước”...

Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà 2 cô giáo ở huyện K’bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô. Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy, và nước xả từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy thoát thân khi đang đi trên đường.

Ngoài 2 cô giáo chết tức tưởi trong vụ này thì rất nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước, không kể xiết gia súc, hoa màu, lúa má...

Tỉnh Quảng Nam, nghe nói giờ là địa phương có nhiều thủy điện nhất nước, thì năm nào đến mùa lũ là cả tỉnh lại thon thót vì đến mấy quả bom nước lơ lửng trên đầu, trong đấy “vĩ đại” nhất là 2 quả bom Phú Ninh và Sông Tranh.

Năm nào xong mùa lũ lại cũng có những bài báo ca ngợi sự thông minh can đảm của một đồng chí lãnh đạo nào đó đã bình tĩnh khôn khéo, trong những giờ khắc quyết định đưa ra những mệnh lệnh sáng suốt để cứu hàng vạn dân không bị nhấn chìm trong bom nước. Năm nào xong mùa lũ cũng có những tiếng thở hắt ra để reo lên: Thoát rồi...

Và cũng té ra, để làm thủy điện, rừng đã phải “hy sinh” rất nhiều, và theo đấy, môi trường văn hóa của khu vực ấy cũng bị biến đổi theo hướng tiêu cực rất ghê.

Chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Những ngôi làng tái dịnh cư thủy điện, đố ai nghĩ đấy là làng, và cho các ông bà làm nên những “ngôi làng” ấy vào ở, họ có dám ở không?

Tôi là người chứng kiến từ đầu quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Ia Ly. Hồi ấy người ta giao ban hàng ngày trên công trường, hội đồng nghiệm thu nhà nước làm việc thâu đêm, cãi nhau như mổ bò để cho ra hoặc thông qua những quyết định. Cỡ vậy mà còn lo. Giờ, ai cũng làm được, cứ lủi thủi trong rừng sâu, đến lúc té le ra, như vỡ đập chẳng hạn, tai nạn chẳng hạn... mới ngồi quy trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Đại biểu Quốc hội hai khóa XI và XII có lần phát biểu: “Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát. Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn.

Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn. Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi.

Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông...

Rõ ràng tính rủi ro của thủy điện rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện.

Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó...

Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy"…

Mới nhất, thấy có tờ báo thông tin, đã có 42 thủy điện, Quảng Nam vẫn muốn xây thêm”. Mới thấy, té ra cái sức hút của thủy điện nó vẫn ghê gớm đến như thế nào, tưởng “phong trào” ấy đã qua rồi, như xi măng lò đứng, như mía đường... một thời, nhưng không phải thế, vẫn còn nhiều người đam mê lắm...

Có lần thấy một vị lãnh đạo thắc mắc: Không biết có cái gì ngoài đường mà ai cũng muốn làm cảnh sát giao thông để ra ngoài đường làm việc cực khổ. Giờ thấy có thể áp cả câu hỏi ấy vào thủy điện: Có cái gì phía trong việc xây dựng thủy điện ấy mà ai ai cũng muốn xông vào để làm, bất chấp tất cả...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: