Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

YẾU TỐ PHI THIÊNG (GIẢI THIÊNG) TRONG TT "NGƯỜI RỪNG" CỦA VŨ XUÂN TỬU


Phạm Văn Bình


Kết quả hình ảnh cho Tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu



Văn học hậu hiện đại là một khuynh hướng sáng tác văn học mới của phương Tây nói riêng và là khuynh hướng chung của toàn thế giới. Nền văn minh nhân loại phát triển vượt bậc về mọi mặt, đòi hỏi văn học cùng phát triển để kịp thời phản ánh cuộc sống, phục vụ cuộc sống.
Văn minh nhân loại đã bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn, đặc biệt về tính dân chủ. Vì vậy nhu cầu nhìn nhận lại, đánh giá lại những tri thức trước đây lại được thế giới rất quan tâm. Văn học vì thế cũng đồng hành với tâm thức “đối thoại” với những giá trị, những tri thức đã ăn rễ trong nền văn hóa nhân loại.
Văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của văn học thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền văn học nước nhà với sự tiếp thu nhạy bén và quan trọng nhất là bằng nội lực của chính mình đã đưa văn học nước ta sang một bước tiến mới, bắt kịp với nền văn học nhân loại.
Kết quả là trên văn đàn văn học đã xuất hiện một hàng ngũ các cây bút trẻ với một loạt các tác phẩm mang dấu ấn văn học “Hậu hiện đại”. Trong đó có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp với các tác phẩm Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu… Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và một tác giả rất mới trên văn đàn cũng với một ngòi bút đậm màu sắc của hậu hiện đại, đó là nhà văn Vũ Xuân Tửu với một loạt tác phẩm tiểu thuyết Chuyện làng, Cõi mê, Hình bóng đàn bà, Người rừng… Những dấu ấn hậu hiện đại như tính đối thoại, liên văn bản, phi trung tâm, giễu nhại,…thể hiện rất rõ trong các sáng tác của ông. Với bài viết này, chúng tôi không có tham vọng làm sáng tỏ tất cả những yếu tố hậu hiện đại trong các sáng tác của tác giả mà chỉ giới hạn làm rõ “yếu tố phi thiêng trong tiểu thuyết Người rừng của Vũ Xuân Tửu”. Bài viết sẽ góp thêm một khía cạnh về mặt thi pháp trong nghiên cứu và giới thiệu về ngòi bút còn rất mới này đến bạn đọc xa gần.
Chủ nghĩa hậu hiện đại là một xu hướng trong nền văn học đương đại được đặc trưng bởi sự chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, những quan hệ quyền lực, động cơ thúc đẩy; đặc biệt nó tấn công việc sử dụng những sự phân loại rõ ràng như nam với nữ, bình thường với đồng tính, trắng với đen, đế quốc với thực dân. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả phê bình văn học, xã hội học, ngôn ngữ học, kiến trúc, hội họa,…
Tư tưởng hậu hiện đại là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó. Thuật ngữ "hậu hiện đại" bắt nguồn từ sự phê phán tư tưởng khoa học về tính khách quan và tiến bộ gắn liền với sự khai sáng của chủ nghĩa hiện đại.
Không nằm ngoài khuynh hướng phát triển của văn học thế giới, văn học Việt Nam hôm nay đã tiêp thu những nét hiện đại trong phương pháp sáng tác, kĩ thuật trần thuật… đặc biệt là ảnh hưởng rất sâu sắc tâm thức hậu hiện đại.
Chúng tôi chỉ liệt kê những yếu tố mang dấu ấn hậu hiện đại, nó đã được rất nhiều nhà nghiên cứu khẳng định và đã được xác lập bằng những phân tích thuyết phục. Những yếu tố đó có thể kể đến như liên văn bản, phi đại tự sự, phi trung tâm, giễu nhại, đối thoại, phi thiêng,…mỗi yếu tố thể hiện trong tác phẩm văn học một cách khác nhau và mang một vai trò nhất định trong tác phẩm đó.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu sinh 1955 tại tỉnh Ninh Bình, nhưng sống và làm việc chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang.
Ông là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang (1998); Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2001); Hội Nhà văn Việt Nam (2006). Vũ Xuân Tửu đến với nghiệp viết từ bút ký Đường xuyên cao nguyên đăng trên Văn Nghệ Tuyên Quang năm 1980. Trong số các nhà văn đi tiên phong thời kỳ đổi mới, nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đã bắt kịp xu hướng, đưa vào tiểu thuyết yếu tố kỳ ảo với số lượng tác phẩm phong phú, được dư luận chú ý. (Tác giả đã được xuất bản 26 cuốn sách; ngoài ra, in chung 40 cuốn và có 10 vạn lượt người xem tác phẩm trên mạng in-tơ-net).
Vũ Xuân Tửu đoạt Giải nhất Cuộc thi Truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2005-2006).
(Tiểu thuyết Người rừng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013).
Làng Cây Da có đôi vợ chồng tiều phu. Cô vợ tên là Gái, có chút nhan sắc, nên bị các thần nhòm ngó, đến cả chú Cuội cũng mê, bởi thế mà sinh họa. Anh chồng tên là Mạc, hiền lành, chất phác (về sau được Ngọc Hoàng thương tình phong cho làm thần Thật Thà, để có bổng lộc sinh sống). Một hôm, họ mang con nhỏ tên là Mậm vào rừng đốn củi. Không may, người chồng bị thần Mây Mưa làm lũ suối cuốn trôi, đứa con bị lạc vào bầy khỉ, vợ bị khỉ độc hành hạ.
Thế rồi, Gái sinh ra một đứa con gái lai khỉ, đặt tên là Gái Con. Bị dân làng xa lánh, bà ngoại phải nuôi dưỡng, nhưng oái oăm, bà lại biến thành gà. Bà ngoại mất, Gái Con hiếu thảo đã làm lều canh mộ. Khi bốc mộ, thấy toàn xương gà, bèn bỏ vào lọ, giấu kín.
Cu Mậm được một con khỉ cái nuôi dưỡng như người mẹ chăm con. Mậm lớn lên, trở thành người rừng, nhưng không nguôi nỗi nhớ loài người. Khi trưởng thành, cùng bầy đàn đi kiếm ăn, vô tình đã gặp Gái Con. Nhưng hai anh em không nhận ra nhau và yêu nhau. Kết quả, Gái Con sinh đôi, đặt tên con trai là Kim Đồng, con gái là Ngọc Nữ.
Giặc xâm lăng tràn sang bờ cõi, Gái Con bị đồn trưởng chiếm đoạt làm người tình. Thấy Kim Đồng thông minh, đồn trưởng đã trả nghĩa người tình bằng cách cho Kim Đồng du học. Thiên Lôi phải lòng Ngọc Nữ. Ngọc Nữ sinh ra năm đứa con, đặt tên theo con vật cho dễ nuôi, là Gà, Vịt, Ngan, Ngỗng, Le Le. Nhưng chúng cũng có tên chữ là theo ngũ hành là Kim. Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Cả năm đứa đều mang họ Thânk, tuy khôi ngô, nhưng mông lại tấy đỏ như khỉ. Thiên Lôi ngỡ là con mình, nên xuống hạ giới chăm nom.
Mậm nhớ người tình, toan trốn, bị bọn khỉ phát hiện, bắt phải theo đàn di chuyển sang vùng núi khác. Mẹ khỉ ngầm báo cho biết, khi đến nơi ở mới, khỉ đầu đàn sẽ giết Mậm. Nhưng Mậm không nỡ bỏ mẹ nuôi mà trốn đi. Khỉ mẹ nhận biết điều đó đã nhảy xuống suối tự tử.
Mậm trở về với đồng loại, được Ngọc Hoàng ngầm giúp xây luỹ, dựng thành. Khi thấy Gái Con đã bị đồn trưởng chiếm đoạt, người rừng đã trả thù bằng cách bắt trộm bọn lính trong đồn. Chúng đã bố trí mai phục, bắn chết Mậm và ném xác vào rừng. Chỗ ấy, đùn lên thành đống mối, dân làng khấn thấy linh thiêng, lập miếu thờ.
Thời kỳ biến động, có một người bị bọn lính xử bắn ở gốc da, hòng khủng bố tinh thần, nhưng lại gây mầm phản loạn trong dân chúng. Nhiều đời đồn trưởng thay nhau đóng đồn Cây Da, mang theo nhiều loại phương tiện đi lại khác nhau, nào xe đạp, xe máy, mô-tô ba bánh… Kim Đồng cũng gửi về làng những thứ như vậy. Thế là hai bên gầm ghè nhau. Ngọc Nữ lập kế chiếm đồn. Được trời báo điềm lành, bèn mở lọ xương gà, thấy có bộ long bào dành cho Ngọc Nữ, nhân đà lập nước tự trị, gọi là Vương quốc Cây Da. Có quyền hành trong tay, Ngọc Nữ lại trị dân hà khắc, gây oán hận. Một nửa làng và mấy đứa con bỏ vào rừng, sửa sang thành cũ, cát cứ một vùng, gọi là Cộng hoà Thành Cổ. Vùng này lại thả lỏng cho dân mặc sức tự tung tự tác, nên bệnh dịch hoành hoành, không sao dập được.
Ngọc Hoàng và các thần cảnh báo, nhưng hai nước kia không thuận theo, nên bị giáng hoạ, làm mưa như đổ cây nước, xoá sạch.
Khi Ngọc Hoàng nhìn xuống hạ giới, thấy còn xót lại bầy khỉ và một đứa bé trai. Ngọc Hoàng cảm kích, bèn cho nước rút, lại ngầm sai chị Hằng tìm người tác hợp cho.
Một cuộc sống mới giữa người và vật lại bắt đầu trên thế gian.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: