Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Sự “yêu tiền” của người Trung Quốc


Nếu như trước đây người Trung Quốc lấy cốt cách, tâm tính và đạo đức làm thước đo con người, lấy “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm tiêu chuẩn để đánh giá, thì những năm trở lại đây, xu thế này đã thay đổi. Bài viết “Nỗi xót xa phía sau sự “yêu tiền” của người Trung Quốc” trên blog của Nhan Đan dưới đây đã mô tả rõ điều này.
(Ảnh minh họa)
Theo bảng “Điều tra xu thế toàn cầu” do Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Ipsos Mori tiến hành khảo sát ở 23 quốc gia trên thế giới vào mùa thu năm 2016 cho thấy, tại Trung Quốc có tới 70% người được hỏi đồng tình với việc “đánh giá thành công của cá nhân qua vật chất và sự giàu có”, trong khi mức bình quân ở tất cả các quốc gia khảo sát chỉ là 37%.

Điều đáng nói là, câu nói “đánh giá thành công của cá nhân qua vật chất và sự giàu có” của người Trung Quốc đã có từ lâu. Năm 2013, một cuộc khảo sát có tên “Chủ nghĩa vật chất toàn cầu, quản lý tiền bạc và thái độ gia đình” cũng cho kết quả tương tự: “Mức độ ham muốn vật chất của người Trung Quốc cao hơn so với các nước khác, đứng đầu bảng xếp hạng”. 71% người Trung Quốc cho biết, họ sẽ căn cứ vào độ nhiều ít của những thứ mình có để đo lường thành công cá nhân; còn “từ góc độ toàn thế giới, chỉ có 31% người đồng ý quan điểm này”.
Cũng theo điều tra năm 2016 của tổ chức Hoa kiều tại Mỹ (Committee of 100) cho thấy, “người của hai nước Trung – Mỹ có mục tiêu sống khác nhau”. Cụ thể, 48,6% người Trung Quốc coi việc ‘trở nên giàu có’ là mục tiêu của cuộc đời (tỷ lệ này tăng 7% so với năm 2007), và tiền bạc trở thành mục tiêu theo đuổi hàng đầu của họ. Trái lại, “thái độ của người Mỹ lại hoàn toàn tương phản, chỉ có 8% người được phỏng vấn coi tiền là mục tiêu theo đuổi của cuộc đời”.
Qua ba cuộc điều tra này có thể thấy, người Trung Quốc khao khát tiền bạc mãnh liệt. Nếu như người xưa “coi tiền bạc là thứ cặn bã”, so với những văn nhân với phẩm chất không nhiễm mùi tiền, thì người Trung Quốc hiện nay trong bối cảnh đạo đức suy đồi, phẩm cách hạ thấp, rất nhiều người đam mê tiền bạc, mờ mắt vì tiền. Chỉ xét riêng từ góc độ “sùng bái kim tiền”, một người chìm đắm mê mờ trong ham muốn vật chất hoặc ham muốn nhục dục do kim tiền mang đến, thì có thể là do thiếu hụt về mặt đạo đức hoặc giả mê mờ về mặt tinh thần.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, đối với người dân phổ thông tại Trung Quốc mà nói, có bao nhiêu người thực sự có điều kiện, bao nhiêu người thực sự có cơ hội chìm đắm trong hưởng thụ vật chất?
Nói thẳng ra, người Trung Quốc yêu tiền là bởi họ khát vọng “hưởng thụ” vật chất, hay nói cách khác thì là để thỏa mãn nhu cầu vật chất cơ bản mà thôi. Theo một thống kê năm 2012 về chi tiêu bình quân của người dân 84 nước cho thấy, mức chi tiêu bình quân của người Trung Quốc cho ăn uống xếp thứ 76, không đến 600 USD. Nhưng nếu xét về tỷ lệ trong tổng mức chi tiêu nói chung, thì khoản này chiếm 26,9% tổng chi tiêu, xếp thứ 26 trên toàn thế giới. Còn với những nước phát triển, mặc dù người dân bỏ ra nhiều tiền để chi tiêu vào ăn uống, nhưng tỷ lệ trên tổng số tiền chi tiêu lại thấp hơn 15%. Lấy nước Mỹ làm ví dụ, bình quân chi tiêu cho ăn uống là 2.273 USD, nhưng con số chỉ chiếm 6,6% tổng mức chi tiêu, đây là tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.
Khi so sánh khoản chi tiêu cho ăn uống của người dân ở nước phát triển như Mỹ với Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rõ được sự khác biệt. Người Trung Quốc cơ bản mới chỉ dừng lại ở mức độ ăn no, chứ chưa đáng để nói đến hưởng thụ vật chất, gần 1/3 số tiền chi tiêu chỉ để dành cho ăn no mặc ấm, khoản tiền này rõ ràng là không hề nhỏ.
Cùng với đó, một cuộc điều tra lại cho thấy, người Trung Quốc không có chút khái niệm nào về hưởng thụ cuộc sống. Thay vì tiêu tiền vào những mục ích khác như nghỉ ngơi, du lịch hay giải trí, thì người Trung Quốc lại thích gửi tiền tiết kiệm. Số liệu thể hiện rằng, của cải tiết kiệm của người dân Trung Quốc từ những năm 70 của thế kỷ 20 đến nay luôn đứng đầu thế giới trong thời gian dài. Khoản tiền lãi của người Trung Quốc là 10 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2003, đến năm 2013 đã tăng lên 43 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tính theo đầu người, với dân số khoảng 1,3 tỷ, mỗi năm bình quân mỗi người là 31,7 nghìn nhân dân tệ.
Đáng nói là người Trung Quốc không sử dụng số tiền lãi đó để “hưởng thụ cuộc sống”. Có người tiết lộ rằng: Đối với phần lớn người Trung Quốc, khoản tiết kiệm của họ đều là “khoản tiền gửi mang tính dự phòng” được dùng đến trong trường hợp như kết hôn, sinh con, mua nhà, đi học. Bất cứ lý do gì cũng đều có thể lấy hết số tiền bạn đã gửi chỉ trong một đêm; lại còn vấn đề ốm đau, thất nghiệp hay những sự việc ngoài ý muốn. Với người Trung Quốc, có rất nhiều chỗ cần tiêu đến tiền đang đợi họ. Những khoản chi tiêu phát sinh mà họ không lường trước được này cũng phù hợp với cuộc điều tra mà trong đó, có tới 76% người Trung Quốc cho rằng họ “chịu áp lực vì phải kiếm tiền”. Chính vì vậy mà xã hội hiện nay, không chỉ cố hết sức kiếm tiền, cất giữ tiền, người Trung Quốc còn tận dụng đủ mánh khóe thủ đoạn dùng để kiếm tiền. 
Có lẽ có một ngày, khi người Trung Quốc không còn phiền muộn vì tiền nữa, thì khát vọng và dựa dẫm vào tiền của họ mới giảm bớt. Đối với những người chỉ luôn biết vùng vẫy để ăn no mặc ấm thậm chí là những người nghèo khó, thì cái gọi là đạo đức có lẽ chỉ như những thứ đồ xa xỉ mà người ta không theo kịp. Đây là nguyên nhân quan trọng làm kinh tế đất nước suy thoái, đất nước hủ bại, người dân nghèo khổ, khi mà an sinh xã hội lại không phát huy tác dụng, chắc chắn sẽ xuất hiện hiện tượng đạo đức suy đồi như trộm cắp lộng hành, cờ bạc hút hít v.v..
Nếu như nói, những người dân Trung Quốc “ăn một bữa, phiền muộn một bữa”, lấy kiếm tiền là nguyện vọng cả đời của mình là cách sống làm cho người ta coi thường, vậy thì những hành vi sưu cao thuế nặng, tận lực thu lợi và cướp bóc của chính quyền nhà nước đối với người dân lại không khác gì đặt dao lên cổ họ, ép buộc người dân coi tiền như mạng sống, nhìn thấy tiền là quên mất bản thân, thậm chí ép người ta trộm cướp, ép người tốt trở thành kẻ xấu. Giữa xã hội bị quản lý theo kiểu như vậy, người dân còn có thể thoát ra sao được?
Theo Blog Nhan Đan
http://trithucvn.net/trung-quoc/su-yeu-tien-cua-nguoi-trung-quoc.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: