Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Một tuần toàn những chuyện buồn


NGUYỄN CÔNG KHẾ
MTG - Đối với các nhà báo chúng ta, phẩm hạnh và đạo đức nghề nghiệp không thể dung thứ những sai phạm từ lương tâm nghề nghiệp và để đồng tiền dẵn dắt một cách bất lương.

Tuần qua, toàn những chuyện buồn.

Vụ Cao Toàn Mỹ - Phương Nga tốn nhiều giấy mực nhất. Chẳng đẹp mặt cho ai trong vụ này, nhưng có điều nó có thể là bài học cho những ai tin mình một khi đã là “đại gia”, “có tiền” là chinh phục được chân dài. Và có tiền là có tất cả. Kết cục của vụ này, người phụ nữ có tên Phương Nga được thả tại tòa (cho tại ngoại) là một giải pháp hợp lý và hợp đạo và, có lẽ như lần này, các “đại gia” và “chân dài” đều rút được bài học riêng cho chính mình.

“Có tiền là có tất cả”, “không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Mọi việc diễn ra ở cái xã hội mà chúng ta đang sống là như vậy. Nhưng tôi vẫn tin rằng điều này có thể không đúng ở một số người và một số trường hợp còn ít ỏi trong xã hội, nhưng nó vẫn còn tồn tại.

Một ông bác sĩ tranh chấp ly hôn với vợ. Điều ông mong ước là “thắng vợ mình” bằng mọi cách trở thành hiện thực, kể cả chạy chọt để biến những tình tiết trong tranh chấp dân sự thành ra hình sự. Và ông tuyên bố xanh rờn rằng: Có tiền là giải quyết được hết, kể cả bịt miệng được “đám” báo chí.

Trong cuộc hội thảo ở Đại học Văn Lang hôm qua về vai trò của báo chí, chị Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) nói rằng: Có những doanh nghiệp thành công, có thể trở thành những tấm gương tốt cho xã hội. Phóng viên về báo cáo tòa soạn. Lãnh đạo trả lời, trường hợp này để dành cho PR. Gương người tốt muốn được cổ xúy cũng phải có tiền.

Một trường hợp khác, một bãi rác ở thành phố Hồ Chí Minh, lâu nay tai tiếng về giá; về việc sử dụng đồng USD trong tính toán đơn giá dịch vụ, sai quy định Luật Đầu tư nước ngoài, dẫn đến thiệt hại ngân sách hàng trăm tỉ đồng Việt Nam; về mùi hôi thối diễn ra liên tục trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn dân cư; về công nghệ và xử lý rác không đúng với hợp đồng đã ký.

Thế nhưng nhiều tờ báo đã không hề đưa tin đúng sự thật mà lại bao che, thậm chí những công bố của Nhà nước và Chính phủ về bãi rác này cũng không được đưa tin. Và gần như, có tờ báo chỉ phản ảnh thông tin một chiều của doanh nghiệp này.

Vụ nhà báo Lê Duy Phong vừa qua ở Yên Bái làm chúng ta đau lòng. Chưa biết có sự gài bẫy hay không, sai phạm từ các giám đốc sở và chính quyền ở đó đến đâu. Ai sai, tài sản bất chính cũng phải được xử lý đúng luật pháp, không có vùng cấm.

Thế nhưng đối với các nhà báo chúng ta, phẩm hạnh và đạo đức nghề nghiệp không thể dung thứ những sai phạm từ lương tâm nghề nghiệp và để đồng tiền dẵn dắt một cách bất lương.

P\s: Có nhẽ ông Khế quên, hay vì lẽ nào đó không nhắc đến vụ "Mẹ Nấm", cũng là một tin không lấy gì làm vui!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: