Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

BÃO VŨ - “NHÀ VĂN TRẺ” CỦA HẢI PHÒNG THÀNH DANH.


Nhà thơ Vương Tâm





(Tổ Quốc) - Có lẽ Bão Vũ cũng bất ngờ với chính mình khi ban đầu không lấy nghiệp văn chương làm trọng, là cứu cánh thì lại đạt những điều mà nhiều nhà văn ước muốn không được. 
Có người ví nhà văn Bão Vũ là “Chùm hoa phượng nở muộn”; hay còn gọi đích thị là “Nhà văn trẻ” của Hải Phòng thành danh, được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1999, khi đã ở tuổi 57. Ấn tượng đó vẫn còn vương đến tận bây giờ, cho dù hơn 15 năm trôi qua, và anh đã có 15 đầu sách và 15 giải thưởng các loại khác nhau. Anh sinh tuổi Nhâm Ngọ (1942), với sự lao động miệt mài không biết mệt mỏi, và đã thành công trong cả hai lĩnh vực Kiến trúc và Văn chương…

( Ảnh nhà văn Bão Vũ và bức chân dung do nhà thơ Trần Nhương vẽ trên báo điện tử Tổ Quốc)
Cỗ xe ngựa trên thảo nguyên
Tôi hình dung con đường đến với văn chương của Bão Vũ bị kéo dài bởi anh cùng cỗ xe của mình lận đận trên cánh đồng cỏ xanh, để chiêm nghiệm, suy tư và lần mò tìm ra dấu vết của con đường đi riêng của mình. Thực ra anh viết văn rất sớm. Truyện ngắn đầu tiên anh viết từ năm 19 tuổi (1961), với tiêu đề “Những đám mây”, và đã bị các tòa soạn vất sọt rác mấy lần. Ấy thế rồi, 50 năm sau cũng với truyện ngắn ấy được sửa thêm, đổi tên thành “Truyện ngắn đầu tiên”, lại được in trên báo Văn nghệ. Thậm chí sau đó truyện này còn được tặng thưởng. Và nếu tính sự xuất hiện truyện ngắn đầu tiên của Bão Vũ vào năm 1991, trên báo Văn nghệ thì ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, anh được đánh giá là có dấu hiệu của một tài năng “trẻ”. Quả là thú vị!
Dường như đó là sự khởi đầu cho một hiện tượng đúng với nghĩa “Bão Vũ”. Dồn dập trong những năm sau, cái tên Bão Vũ trở thành “Hot” trên các trang truyện ngắn của các tờ báo văn chương hạng sang nhất, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người nói vui về anh là mắn đẻ, cũng có người cho là anh viết để chết hay để sống, thậm chí có người nói anh tham, viết nhiều quá. Nhưng có biết đâu, Bão Vũ đã cặm cụi viết suốt 30 năm, trong âm thầm lặng lẽ. Anh cứ lần mò con đường riêng của mình không giống bất cứ ai. Viết xong anh cất vào kho lưu trữ, cùng với những phác thảo bản vẽ kiến trúc, cái nghề để kiếm miếng ăn của mình.
Ba mươi năm, từng con chữ được ấp ủ theo một lộ trình kiến trúc văn chương đầy chất thơ, mà anh theo đuổi. Vẻ đẹp của những tòa biệt thự văn chương ấy đậm chất trữ tình của kiến trúc sư Bão Vũ. Sinh thời nhà văn nổi tiếng Vũ Bão, người có bút danh trùng với tên cúng cơm của Bão Vũ, đã nhận xét về đàn em hết sức cảm kích và tỏ ý thán phục. Ông còn nhấn mạnh những truyện ngắn của Bão Vũ luôn có những điều gì đó để người đọc nghĩ ngợi. Sau đó, ông khẳng định Bão Vũ viết văn hay và tỏ ra có học. Sự công nhận ấy thêm một lần, nói lên sự nhẫn nại và tràn đầy niềm tin của Bão Vũ, khi suốt ba mươi năm chuẩn bị cho một đời văn.
Có dịp tâm sự về sự “im lặng” trong hàng chục năm, Bão Vũ cho biết những câu chuyện cứ tuôn trào như một nhu cầu tự thân. Khi truyện gửi đi đâu có được in, nhưng thích viết là viết, mê mải sống trong hoài bão văn chương. Chính cái tên cúng cơm là Vũ Bá Bão, mà nhà văn được ông nội đặt cho cũng với ý tưởng đó, vì cậu bé được sinh ra trong đêm gió bão ở Hải Phòng. Theo nghĩa của chữ Hán, ông nội muốn cho cháu đích tôn của mình luôn luôn được no đủ và có hoài bão trong cuộc đời. Cho dù sau này bố mất sớm, mẹ lại đi bước nữa, mới 9 tuổi Vũ Bão đã nuôi mộng ước văn chương. Say mê viết văn, sáng tác thơ và truyện ngắn, nhưng lại phải học kiến trúc để kiếm ăn. Tuy vậy, mặc sự mưu sinh làm cho cuộc sống đầy lo toan vất vả, nhưng anh chàng kiến trúc sư Vũ Bão không hề lơi là ước nguyện sáng tác. Đọc như điên. Viết cũng như lên đồng. Ngày đi làm đêm viết. Hết trang này đến trang khác. Truyện ngắn này vừa xong đã lại có một đề cương mới. Tác phẩm viết xong xếp đấy. Chẳng ai lại sáng tác kiểu như chàng kiến trúc sư này. Nhiều người cho là anh bị “điên” chữ.
Nhưng phải nói vốn sống, trong những ngày tháng lao động trên các công trình ở thành phố Hải Phòng, đã giúp cho nhà văn tích lũy được nhiều. Hàng chục nhân vật đều được nhà văn sáng tạo từ những mẫu thật ở ngoài đời. Đó là những hình tượng văn học vô cùng sống động. Và sau hàng chục năm, cái tên kiến trúc sư Vũ Bão nổi tiếng với những công trình thành phố như Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp, Cung Văn hóa Thiếu nhi Thành phố, Thư viện Hải Phòng… Thì đến nay cái tên Bão Vũ (anh phải đổi để khỏi trùng với bút danh đã chọn từ lâu của nhà văn Vũ Bão) lại nổi như cồn với những tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết trong suốt 20 năm qua.
Hành trang trên lưng ngựa
Giờ đây cái tên ‘nhà văn trẻ’ đã lui vào quá khứ đối với Bão Vũ. Bởi lẽ đã hơn 20 năm, hành trang trong cỗ xe ngựa của mình không chỉ còn là những bản thảo đang viết dở mà đó còn là những gánh nặng của những số phận đã được gửi trao. Ngoảnh lại, có lẽ Bão Vũ cũng bất ngờ với chính mình khi ban đầu không lấy nghiệp văn chương làm trọng, là cứu cánh thì lại đạt những điều mà nhiều nhà văn ước muốn không được.
Kiểm lại hành trang của mình chắc anh không thể quên được những tác phẩm liên tục ra đời của mình, trong cả hai lĩnh vực văn chương và điện ảnh. Nhưng có lẽ ít người hình dung ra, nhà văn Bão Vũ lại bắt đẩu sự nghiệp của mình là thơ. Từ sáng tác đầu tiên được in là một bài thơ, mà đến cuốn sách in đầu tiên của anh cũng là tập thơ in chung ba tác giả, do NXB Hải Phòng in năm 1997. Chưa hết duyên nợ với thơ của Bão Vũ dường như không dứt, khi trong không ít truyện ngắn, nếu có cảm xúc dâng trào là thể nào anh cũng đưa được mấy câu thơ vào. Tỉ như truyện ngắn “Cô đầu”, in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vào dịp đầu xuân 2013, cuối cùng nhà văn Bão Vũ cũng xen được mấy câu thơ hay, vào loại tuyệt cú của mình: “Hát cho đến cạn dòng sông/ Cho non phải lở cho lòng phải đau/ Hát cho nét nguyệt thôi chau/ Cho long lanh nước cho màu phải tươi”.
Về chuyện này, có lần nhà thơ Mai Văn Phấn đã viết, có người không biết hỏi Bão Vũ chép thơ ở đâu vậy?. Nhà văn Bão Vũ đáp một cách hóm hỉnh rằng, có câu thì nhặt được, có câu thì... tự nấu lấy cho nó lành. Nói một cách khiêm tốn vậy thôi, chứ không ít khổ thơ ngẫu cảm ấy của Bão Vũ cũng làm giật mình khối anh trong giới làm thơ. Chính nhà thơ Mai Văn Phấn cũng đã từng bày tỏ với Bão Vũ, thèm được ký tên dưới những câu thơ ấy. Thật đúng là tri âm tri kỷ giữa hai tài năng văn chương của đất cảng Hải Phòng.
Vậy là tính đến nay, anh đã in tới hơn chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Ấy là còn chưa kể đến những bộ phim được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và truyền hình. Riêng cuốn “Mây núi Thái Hàng”, do NXB Hội Nhà văn in năm 1999, đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam ngay năm sau.
Thậm chí tập truyện ngắn này có được đề cử dự giải Văn học ASEAN năm 2000. Liên tiếp nhà văn Bão Vũ còn được nhận nhiều giải thưởng khác ở các thể tài, từ Hội Văn nghệ địa phương và Trung ương, qua những tập truyện ngắn và tiểu thuyết sau đó.
Nhắc đến giải thưởng, nhà văn Bão Vũ có lần nhớ đến giải nhất truyện ngắn “Trầu têm cánh phượng” của mình, được báo Người Hà Nội trao năm 1996. Đó cũng là giải nhất văn chương đầu tiên, nhưng vì phải đi công trình xa, Bão Vũ không thể về nhận giải thưởng được. Khi đến lễ trao giải không có người đến nhận, Ban tổ chức đã bố trí một người đóng thế Bão Vũ để nhận hộ. Nhưng ban tổ chức công khai thông báo cho toàn thể mọi người biết rõ rằng người lĩnh hộ giải đây không phải là nhà văn trẻ Bão Vũ. Nghe thông báo mọi người cười rộ rất vui và đều nghĩ là đóng thế (Cascardeur) nhà văn lên nhận giải rất dễ, chứ không phải bay nhảy hay nhào lộn gì như trong phim hành động. Quả là kỷ niệm vui khó quên đối với nhà văn Bão Vũ, khi được trao giải nhất truyện ngắn trên tờ báo Văn nghệ thủ đô.
Đồng thời, mới đây trong luận văn thạc sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương ở Đại học Sư phạm Vinh, về nghiệp văn Bão Vũ, cũng đã nhắc đến truyện ngắn được trao giải nhất này. Nó hiện lên như một đại diện cho một phong cách viết lãng mạn hoài vọng, hòa trộn thủ pháp giữa ảo và thực đã hình thành về nghệ thuật viết truyện ngắn của Bão Vũ, cùng với những truyện ngắn hay khác như “Mối tình cỏ non”, “Ván bài tỷ điểm tử”, “Đào nương”, “Trương Chi của tôi”… Đúng như nhà văn Trung Trung Đỉnh, trong tiểu luận phê bình mang tiều đề “Bão Vũ, nhà văn của cái có thể”, đã viết: “Cái chấp chới giữa hiện thực đời sống và hiện thực ảo do cái có thể tạo nên ở các nhân vật của Bão Vũ cũng hồn nhiên như khát vọng không nguôi của tác giả, và chính nó làm nên giọng văn hồn hậu của ông”
Nhìn lại hành trang văn học trên cỗ xe ngựa vạn dặm đường dài của mình, nhà văn Bão Vũ đã tự bạch một cách tự nhiên, mình đến với văn chương không phải để lập danh, hay vì sự ham muốn nhất thời, mà là định mệnh.
Ngựa hý vang đường xa
Nghe anh nói đến định mệnh, tôi chợt nhớ trong bài hát “Đóa hoa vô thường” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có câu: “Từ đó trong hồn ta ơi tiếng chuông não nề, ngựa hý vang đường xa, vọng suốt đất trời kia”, tiếng nhạc ngựa nghe da diết làm sao. Tôi lại liên tưởng tới cỗ xe ngựa của Bão Vũ cũng đang tiếp tục cuộc hành trình mới của mình khi vượt qua thảo nguyên văn chương. Lối đi đã thành đường. Chân trời còn xa.
Quả nhiên, sau đó tôi nghe bạn bè dưới Hải Phòng đồn, nhà văn Bão Vũ đi ở ẩn. Có lẽ anh đã đóng cửa để viết tiểu thuyết. Trước đây tôi biết anh ít tiếp xúc với mọi người, không thích sự ồn ào, và chỉ thầm lặng viết. Nhưng nay, những dấu vết của cỗ xe ngựa Bão Vũ lại hối hả lăn mê ly trên con đường vạn dặm, đúng như nhà văn nói, đó là định mệnh.
Nhà thơ Vương Tâm
(Trích tập “Nước mắt thời gian”) –


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: