Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu và đánh giá tài liệu Hán Nôm về bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc”






Sáng ngày 26 tháng 3 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu và đánh giá tài liệu Hán Nôm về bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc” do PGS.TS. Đinh Khắc Thuân làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu






















Mục tiêu tổng quát của Đề tài đặt ra là điều tra, lập thư mục tài liệu Hán Nôm về bang giao Việt Nam và Trung Quốc, tiến hành khảo sát văn bản và biên dịch các tác phẩm Hán Nôm chuyên khảo về bang giao Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, khai thác nội dung, giá trị tư liệu để viết các chuyên đề nghiên cứu về hoạt động bang giao Việt Nam và Trung Quốc qua tài liệu Hán Nôm.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 5 chương. Theo đó, từ Chương I đến Chương III, các tác giả trình bày những nét tổng quát, tập trung vào điểm nổi bật của quan hệ bang giao trong từng giai đoạn, qua các thế kỷ (X-XIV, XV-XVIII, XIX-XX); Chương IV: Sứ thần và tác phẩm đi sứ; Chương 5: Tư liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu hoạt động bang giao và tư vấn chính sách.

Đề tài tập trung giới thiệu tài liệu Hán Nôm về quan hệ bang giao giữa các triều đại Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử. Đây là những tài liệu hết sức phong phú, không chỉ nằm trong các bộ chính sử, mà còn nằm rải rác trong các tác phẩm Hán Nôm khác (chiếu chỉ, chế sắc, thư từ, cùng các ghi chép trong các tác phẩm thi ca, gia phả, thần tích,...) Ngoài ra, là một số tư liệu trong kho lưu trữ của Pháp về Đông Dương.

Theo đó, tư liệu Hán Nôm về bang giao được sưu tập, chỉnh lý và phân loại thành các vấn đề sau: một là văn kiện bang giao (bao gồm chiếu, chiếu, dụ, thư từ trao đổi giữa các triều đại Việt Nam và Trung Quốc); hai là các tác phẩm Hán Nôm chuyên khảo về hoạt động bang giao; ba là các tác phẩm thơ, văn ứng đáp với triều đình phương Bắc.

Đề tài được nhóm tác giả thực hiện công phu và nghiêm túc, kết quả đạt được đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng. Đây là công trình có giá trị khoa học cao, đặc biệt là lần đầu tiên hệ thống hóa, sưu tập và dịch chú đầy đủ các tài liệu trực tiếp về hoạt động bang giao như Cổ kim giao thiệp sự nghi, Tống Lý bang giao tập lục, Tưởng Lê an Mạc tập, Tô Giang chí thủy, Bắc sứ thông lục, Bang giao chí, Bang giao văn tập, Bắc quốc lai phong khải, Ngoại quốc lai văn tập, Bang giao công quán đối liễn,... cùng với các văn kiện, thư từ, các tác phẩm thơ, văn tiêu biểu của các sứ thần trong các lần đi sứ phương Bắc liên quan đến hoạt động bang giao. Qua đó góp phần mô tả toàn cảnh tư liệu Hán Nôm về bang giao Việt Nam – Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có giá trị phục vụ nghiên cứu cho các nhà khoa học, nhà quản lý về các chuyên ngành Hán Nôm, Sử học, Văn hóa học… ; đồng thời là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích và quan trọng trong việc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến quan hệ bang giao giữa Việt Nam - Trung Quốc và các vấn đề chính trị khác.

Nguyễn Thu Trang


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: