Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Có hay không một hiệp ước thương mại Mỹ- Việt bị bỏ lỡ


Untitled.png
Tôn Thất Thọ
Cách đây khá lâu, nhân kỷ niệm sự kiện 170 năm phái đoàn thương mại Mỹ đến Việt Nam xin tiếp kiến vua Minh Mạng (1820-1840) để bàn về việc giao thương, trên tạp chí Xưa &Nay( Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử ) số 95, tháng 7/2001 có đăng bài viết của tác giả Phạm Xanh với tiêu để “Hơn 170 năm trước một dự thảo Hiệp ước thương mại Hoa Kỳ- Việt Nam bị bỏ lỡ”. Sau khi thuật lại quá trình đến Việt Nam hai lần (vào năm 1832 và 1836) của Edmund Robert ; đặc phái viên của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tác giả bài viết đã nhận định:
Như vậy, sự thất bại của hai chuyến đi của E.Robert không thuộc về ông và chính phủ Hoa Kỳ mà thuộc về phía triều đình Huế. Một cơ hội thiết lập quan hệ thương mại với Hoa Kỳ đã bị triều đình Huế dưới thời Minh Mạng khước từ, bỏ qua bởi các chính sách “Bế quan tỏa cảng”, “ức thương” thiển cận của triều đình…”
Từ đó, tác giả kết luận:
Vậy là đã rõ, Một phía, dù có nỗ lực đến đâu mà phía bên kia không đáp lại, hoặc đáp lại không có thiện chí, đều là vô ích.Nỗ lực của Hoa Kỳ trong nhiều năm nhằm thương lượng và ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam đã không dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Nhà Nguyễn, từ Minh Mạng trở đi, với sự đố kỵ, khư khư ôm lấy chính sách đóng cửa, đã cự tuyệt buôn bán với các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ. Mọi cơ hội làm giàu đất nước đã bị bỏ qua. Chính sách đó đã góp phần làm nghèo đất nước, đã đẩy đất nước tới họa xâm lăng, và khi bị xâm lăng thì mất nước.” (X&N số 95)
 Sự thật có phải đúng như nhận định trên không ?
 Về việc Edmund Robert (Âm Hán là :Nghĩa Đức Môn La Bách) đến Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng, các sách sử do Quốc sử quán biên soạn đều chép ông ta đã đến Việt Nam 2 lần. Lần thứ nhất vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ 13 (tháng 12-1832) cùng với đại úy George Thompson (Đức Giai Tâm Gia) đến Vũng Lấm. Khi hay tin, vua Minh Mạng liền sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức hội cùng quan tỉnh Phú Yên lên thuyền thết tiệc và hỏi thăm lý do họ đến Việt Nam. Phíá Mỹ đã trình thư của Tổng thống A. Jackson gởi cho vua Việt Nam nhưng không ghi Vương hiệu, cũng không ghi Quốc hiệu, khi dịch thư , vua Minh Mạng đã nói “cập dịch kỳ thơ đa bất hiệp thức” (thư có nhiều chỗ không hợp thể thức) nên vua có dụ “bất tất đầu đệ” (không cần đệ trình). Sự kiện này có chép trong sách Minh Mệnh chính yếu (quyển 25) và Đại Nam thực lục (quyển 86) .
        Sách Minh Mệnh chính yếu chép: “Quốc gia Nhã-Di-Lý sai sứ thần tới dâng quốc thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam. Thuyền của sứ bộ bị sóng dạt ghé vào vùng duyên hải tỉnh Phú Yên. Nhà vua hay tin, liền sai quan Viên ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi cật vấn. Sứ bộ trả lời là nước họ chỉ muốn giao hiếu thông thương mà thôi.
       Về việc này, nhà vua dụ các quan Nội các rằng:
– Người ta từ xa tìm tới, bản ý là cung thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu, chưa được am tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết, nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải tuân theo những hiến định đã có từ trước tới nay.
Từ nay nếu có thương thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà-Sơn-úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bộ. Đó là ý cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậý (MMCY T3, sđd, tr 2          393-394 )
Sách Đại Nam thực lục chép: .“Quốc trưởng nước Nhã-Di-Lý (nước này ở Tây dương, hoặc gọi là Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma-Ly-Căn, hoặc gọi là Anh-cát-lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) Sai bọn bề tôi là Nghĩa-Đức-Môn La Bách Đại, Uý-Đức-Giai-Tâm-Gia (tên hai người (5) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa Vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, tự vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc, và hỏi lý do đến đây làm gì. Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương”. Nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức.
Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi“. (ĐNTL T3, sđd, tr 412 )
Lần thứ hai đến Việt Nam của E. Robert là vào tháng 4 năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân- tháng 5-1836) cũng trên chiếc thuyền Peacock do đại úy E.P. Kennedy làm chỉ huy trưởng, đến vũng Trà Sơn. Nhà vua liền sai Hộ bộ thị lang Đào Trí Phú, Lại bộ thị lang Lê Bá Tú cùng các thuộc viên Thương bạc đến nơi để ủy lạo, hỏi han. Phái đoàn Việt Nam đến thì E. Robert cáo bệnh không tiếp.Phái đoàn đưa thông ngôn đến thăm, họ cũng đưa người đáp tạ.Rồi ngày 21-5-1836, họ ra đi. Việc này cũng được chép trong Đại Nam thực lục như sau:
Tháng 4 năm Bính Dần niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836)..
Tỉnh thần Quảng Nam tâu: Có sứ thuyền nước Ma-Ly-Căn đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua hỏi thị lang Bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: “Xem tình ý lời lẽ của họ tỏ ra cung thuận, vậy có nên nhận hay không? Trí Phú thưa: “Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò ý họ đến.
Thị lang Nội các Hoàng Quýnh tâu nói: Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau. Người xưa đóng cửa ải Ngọc quan tạ tuyệt Tây vực, thực là chước hay chống cự Nhung địch.
Vua nói:
– Họ xa cách trùng dương trên 4 vạn dặm, sao lại cự tuyệt, chẳng hóa ra tỏ cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?
(Vua) liền sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương bạc, đến tận nơi ủy lạo thăm hỏi. Khi đến nơi, viên thuyền trưởng nói là bị ốm, không tiếp kiến được. Ta sai thông ngôn đến thăm: họ cũng sai người đáp lễ. Rồi ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi. Bọn Trí Phú đem việc tâu lên và nói:
– Chợt đến chợt đi thật không có lễ nghĩa.
Vua phê bảo rằng:
– Họ đến, ta không ngăn. Họ đi, ta không đuổi theo. Lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài » (ĐNTL T4, sđd, tr 916).
 Qua đó ta thấy lần trở lại Việt Nam của E. Robert với nhiệm vụ là thông đạt hiệp ước dự thảo viết tay gồm 8 điều lên vua Việt Nam (qua quan tỉnh Quảng Nam). Triều đình nhóm họp và cử phái bộ đến thì E. Roert cáo bệnh không tiếp, hai bên trao đổi thông ngôn và họ « ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi ».
Như vậy hai bên chưa thảo luận gì về hiệp ước thương mại. Trong cuốn Đất Việt trời Nam, tác giả Thái Văn Kiểm cho biết thêm :
        «Về sau tra cứu sử  sách Tây phương chúng ta mới tìm ra nguyên cớ rõ ràng vì sao chiến thuyền Peacock phải nhổ neo thình lình như vậy. E. Robert đang khi còn ở bên Xiêm để thương thuyết, đã mắc bệnh nặng, theo một bản cáo trình chỉ huy trưởng  Kennedy gởi từ Canton về Bộ trưởng Hải quân cho biết rằng Robert đã chết ngày 12-6-1836 tại Ma Cao, một hải phố Trung Hoa thuộc Bồ Đào Nha : « Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng, nhưng vì chứng bệnh quá nặng của ông Robert, chúng tôi không làm được gì ở đây cả, và chúng tôi phải rời hải cảng ấy ngày 21-5 » (ĐVTN, sđd, tr 432).
Từ những tư liệu ghi chép đó, ta thấy tác giả Phạm Xanh chỉ sử dụng tư liệu nước ngoài mà không tra cứu thêm về sử Việt Nam, từ đó đã có cái nhìn khiếm diện dẫn đến sự phê phán thiếu chính xác.
Cũng trên tạp chí Xưa & Nay, trước đó trên số báo 81 (tháng 11/2000) khi bàn về hai chuyến đi trên, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã có nhận định khá chuẩn xác, xin phép được ghi lại như sau:
Việc quan hệ Việt – Mỹ lần thứ hai không thành vì trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh và phải rời Đà Nẵng gấp chứ không phải vì bất cứ một lý do nào về phía vua Minh Mạng. Nếu lúc đó nhà vua biết được tin trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh nặng và đã mất sau đó (ngày 12 – 6 – 1836) có lẽ nhà vua không khỏi nhỏ một giọt lệ tiếc thương. Việc tàu Peacock phải đưa phái bộ Edmund Roberts rời Đà Nẵng ngay đã được đại uý trưởng tàu E.P. Kennedy nói rõ trong một cáo trình gởi cho Bộ trưởng Hải quân Pháp sau đây: Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng, nhưng vì chứng bệnh quá nặng của ông Roberts, chúng tôi không làm gì được ở đây cả, và chúng tôi phải rời hải cảng ấy vào ngày 21 – 5.
Quan hệ Việt – Mỹ là một công tác hoàn toàn mới. Về chủ  trương chung không có điều gì có thể chê trách được vua Minh Mạng. Sở dĩ việc ấy không thành là vì cấp thực hiện. Cuộc tiếp xúc lần đầu (1832), do khả năng ngoại giao hạn chế của Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức. Lần gặp gỡ thứ hai (1836) gặp phải sự “bàn lui” của Hoàng Quýnh nhưng vua Minh Mạng đã vượt qua bằng cách sai Đào Trí Phú và Lê Bá Tú thay thế. Việc không thành chính vì bệnh tình đột ngột của người cầm đầu phái bộ Hoa Kỳ. Nếu Edmund Roberts không ngã bệnh thì Hiệp ước thương mại Mỹ – Việt đã có thể ra đời cách đây 164 (1836 – 2000) năm. Nếu Hiệp ước thương mại đó đã được ký kết, qua quan hệ buôn bán trên một thế kỷ, hai dân tộc Việt – Mỹ chắc hẳn đã hiểu nhau hơn.”(X&N số 81).
        Chính sách ngoại giao hòa hiếu, làm bạn với các nước của Tổ tiên ta từ xưa đến nay luôn là chuẩn mực của mọi triều đại, nó trở thành truyền thống ngời sáng của người Việt qua bao biến động của lịch sử. Vì thế, việc nhận định, phê phán sự  thành bại nếu chỉ căn cứ vào một hướng là điều thiếu khách quan .

Tài liệu tham khảo:
– Minh Mệnh chính yếu T3, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa 1994.
– Đại Nam thưc lục T3- T4, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Giáo Dục, 2007.
– Đất Việt trời Nam, Thái Văn Kiểm, Nxb Nguồn Sống SG, 1960.
– Tạp chí Xưa &Nay số 95 (tháng 7- 2001) và số 81(tháng 11-2000).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: