Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Trâu bơi qua sông

Lê văn Thể

        Truyện ngắn                                   
   
       
                - Xin giới thiệu với anh tôi từ miền Bắc vào!                  
                - Có việc gì không anh?
                - Sao không! Lặn lội nữa ngàn cây số vào gặp “Đại văn hào” không nhẽ chỉ nói chuyện phiếm.
                - Anh vui tính nhỉ! Chẳng ai tôn vinh tôi tới tận mây xanh như anh vừa nói
                - Thì là tôi, chính tôi tôn vinh anh. 
                Sau một vài lời xã giao nhạt phèo của một kẻ ưa nịnh mà không biết cách nịnh, anh ta nói lời cầu cạnh:
               - Là thế này, chắc anh biết, chúng ta sắp tổ chức ngày hội thống nhất non sông
               - Đúng, cuối tháng sau.
               - Ấy đấy, tỉnh chúng tôi ra một tập san đặc biệt, góp phần tuyên truyền cho ngày hội thêm phần long trọng và thành công rực rỡ. Chúng tôi xin anh viết cho một truyện ngắn có dính tới đôi bờ Hiền Lương thời đất nước chia đôi. Có đấu tranh, có ta, có địch, có thắng, có bại, ở trong đó thì tuyệt. Truyện phải mới, nghĩa là chưa đăng ở báo chí nào, chưa đưa lên mạng Internet. Chúng tôi xin thù lao anh theo thỏa thuận. Anh viết, tôi đợi ngày mai lấy. Tối mai tôi mang về.
               - Anh làm khó cho tôi rồi. Viết văn phải có hứng, phải có ý tưởng, không như đi cuốc khoai, bổ cuốc xống vồng là bới lên được củ. Tôi lại là nhà văn không chuyên, viết khổ cực và nặng nề như đào hang đập đá, đãi vàng vụn. Ở tỉnh tôi có khá nhiều nhà văn bậc đàn anh, bậc thầy, sao anh không nhờ họ. Họ sẵn có lắm ý tưởng ở trong đầu, có lửa ở trong bụng, nhoáng cái có thể cho anh một truyện ngắn.
               - Không được, chúng tôi đã thống kê danh sách những nhà văn ở tỉnh anh và đã biết anh có nhiều hồi ký, bút ký, tùy bút, viết về dòng sông Hiền Lương và đôi bờ giới tuyến. Anh viết hay và là người trong cuộc. Chúng tôi đã có nghị quyết là phải có bài của nhà văn trong cuộc.
             - Tôi muốn nói với anh rằng những nhà văn  đàn anh của tôi cũng là người trong cuộc, rằng nghị quyết thì dứt khoát phải thực hiện nhưng đó là việc của các anh. Tôi không thuộc nhóm người phải thực hiện nghị quyết.
           - Anh cố gắng giúp cho. Vất vả lắm tôi mới vào được đây. Tiền xe, chúng chi cho tôi bốn trăm ngàn. Tuyến vào đã mất hai trăm tám. Vào, ra, tôi lỗ một trăm sáu chục ngàn. Tiền ăn một bữa, chúng chi cho tôi hai mươi ngàn. Cơm tù trên đường mỗi bữa ba lăm ngàn. Từ việc nhỏ đến việc lớn, chúng dồn tôi vào chỗ khó. Cuối năm, ông trưởng phòng về hưu. Phòng tôi có tới những ba phó…
          - Anh là một trong ba phó đó?
          - Đúng! Anh không giúp tôi cái truyện ngắn, không thực hiện được nghị quyết trong thời điểm này, hoàn toàn bất lợi cho tôi.
          Thấy tôi ngồi thừ ra, anh gợi ý:
          - Anh xem trong số bản thảo cũ có cái nào dùng được cho tôi không?               Ừ nhỉ!Tôi có cả đống bản thảo, đựng đầy một hòm gò bằng ống pháo sáng của máy bay Mỹ. Đó là sản phẩm tồn kho hơn bốn mươi năm cầm bút. Với đối tượng này, việc từ chối sẽ khó hơn lục tìm một cái gì đó cho anh ta mang về.
                                             
                                                   *
                     
             Anh dướn cổ qua vai tôi nhìn chăm chú vào các bản thảo một cách kiên nhẫn.
           - Đây là một truyện ngắn tôi viết khi đang học lớp bốn.
            - Anh cầm bút khi còn là trẻ con?
            - Vâng, dạo ấy tôi đang còn là trẻ con. Đọc truyện của các nhà văn, hứng lên rồi viết. Chú Cảnh biên tập và đăng báo cho tôi một số bài thơ, chính xác là hai bài. Tôi có hứng và viết mãi tới bây giờ nhưng bao giờ cũng là nhà văn không chuyên. Cái truyện ngắn này tôi viết rồi sửa, càng sửa càng thấy không ra gì và cho vào tồn kho. Nó nặng về kể lể, có cái tít rất thật:
                                  
                                      TRÂU BƠI QUA SÔNG

                Chúng tôi là lủ trẻ con chăn trâu ven sông Hiền Lương. Chúng tôi thích thả trâu sát bờ sông vì cỏ có hơi nước lên rất tốt. Chỗ này lại khá xa đồng khoai, đồng bắp của làng, nếu gần, sảnh một tý là trâu ăn hại hoa màu, chúng tôi sẽ bị ăn roi, cha mẹ chúng tôi sẽ bị trừ công điểm hợp tác xã. Nước sông Hiền Lương rất xanh và mát, chơi chán lại nhảy xuống tắm, giặt áo quần trải lên cỏ, lùa trâu về là có áo quần khô. Đó là những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Bấy giờ ở miền Nam mặt trận Dân tộc Giải phóng đã ra đời. Chiến sự ở miền Nam đã căng nhưng chưa lan ra miền Bắc. Giữa hai bờ Nam Bắc giới tuyến căng như mặt trống trận, bất kể lúc nào cũng có thể dội lên tiếng súng. Người lớn bảo rằng: Giữ sinh hoạt, làm ăn bình thường, bám đất, bám làng, sẵn sàng chiến đấu. Trẻ con chúng tôi không quan tâm điều đó. Học xong buổi sáng là về thả trâu, rồi ù mọi, đánh khăng, đánh trận giả, vật nhau…chán thì tắm. Tắm sướng lắm. Thi bơi, lặn xuống nắm chân nhau mà kéo, kì hộ lưng nhau, sục vào các gốc cây bắt cá nướng ăn. Thời đó chúng tôi tồ lắm, không khôn như lớp con nít bây giờ. Học lớp bốn rồi mà khi tắm con trai con gái đều trần truồng, tắm chung, thoải mái ôm nhau, xô đẩy nhau, hò hét.
                Đột nhiên con bé Him la lên:
                - Chết cha rồi, trâu bơi qua sông!
                Con trâu đực ghê gớm nhất, của thằng Hào, bất thần nhảy xuống nước xồm xồm nhắm bờ Nam bơi qua. Con trâu này là niềm tự hào của lủ trẻ con làng tôi. Nó to lớn đã đành, hai cái sừng nhọn như hai mũi giáo, xoắn ngược, chỉa về phía trước, nhìn đã thấy ớn. Mỗi lần vào trận chọi nhau, nó không thèm nghênh sừng, trợn mắt. Thái độ khinh khỉnh của nó như muốn nói: Không muốn chết thì cút hết đi, đối thủ của tao  chưa có mặt ở cái huyện này! Quả thật, địch thủ cúi đầu xốc tới. Nó né qua một bên, chọc sừng vào nách. Cú một! Bao giờ cũng cú một. Đối phương bỏ chạy, thân mang một vết toạc lớn, rớt lại những cục máu ở phía sau, không bao giờ dám đối sừng một lần nữa. Lũ trẻ chúng tôi luôn quan tâm tới con trâu chiến này, mỗi buổi đi trâu bao giờ cũng bứt thêm vài ôm cỏ non cho nó. Nó ăn cỏ gần bờ sông, bao giờ chúng tôi cũng đưa những con trâu cái đi ăn riêng ở những bãi xa. Người lớn nói, trâu đực rặp trâu cái nhiều sẽ mất sức. Nó mất sức sẽ không còn là trâu chiến vô địch. Chúng tôi sẽ không được hếch mũi vênh vang với lũ trẻ làng khác.
                Bây giờ nó ào xuống nước, hùng hổ bơi qua sông vì bên ấy có mấy con trâu cái đang ăn cỏ, những chiếc mông béo ngo ngoe. Chúng tôi hớt hải ọ! ọ! Hò lơ! Hò lơ! Gọi nó quay lại. Xem chừng kể cả súng bắn cũng không ngăn được. Dưới nước mà con trâu xốc xốc tới như đang phi nước đại trên cánh đồng hoang. Hu! Hu! Thằng Hào khóc. Hu! Hu! Con Him khóc. Hu! Hu! Chúng tôi òa khóc. Bên ấy là bờ Nam sông Hiền Lương, có ngụy quân, ngụy quyền, có Mỹ. Trong thâm tâm bọn trẻ con chúng tôi đó là bọn ác thú. Thầy giáo đã dạy chúng tôi như thế. Cán bộ nói như thế. Mọi người đều nói như thế. Sách báo viết như thế. Phen này trâu mất là cái chắc. Chúng tôi đứng dưới sông, nước ngập ngang ngực, nhìn qua bờ Nam mà khóc thảm thiết. Đứa nào cũng tưởng chính con trâu của mình bị mất.
             Phía sau lùm tre một ông già bước ra. Chúng tôi không nhìn rõ mặt nhưng thấy ông đội một chiếc mũ trắng rộng vành, mặc một bộ áo quần cộc màu trắng, tay cầm một chiếc roi chăn trâu. Có thể là ông già chăn trâu nhưng người chăn trâu không mặc áo quần trắng. Có thể là ông bụt. Ông bụt nghe tiếng khóc của chúng tôi vọng sang. Nhìn con trâu đực đang lập bập ở mép nước vì bậc lỡ cao không có lối lên. Như hiểu ra sự việc, ông đón đầu con trâu quất mạnh, đuổi nó trở về. Con trâu bơi tới chỗ khác, tìm lối lên. Ông lại chặn đầu , lại đánh. Nhiều lần như vậy con trâu đuối sức, không chịu được roi của ông bụt, nó quay đầu bơi về. Trẻ con vẫn là trẻ con. Đang khóc, thấy trâu quay đầu bơi về, chúng tôi vỗ tay hoan hô, đồng loạt nhảy loi choi dưới nước, cười.
                                                
                                                     *

              Chuyện chỉ có thế nhưng bố con Him nói:                     
              - Phúc nhà tôi lớn, chưa mất của. Nếu gặp bọn ngụy quân, ngụy quyền, con trâu của Việt cọng hơn tạ thịt, đời nào chúng chẳng sung công.
            Mẹ thằng Hào lại nói:
            - Nếu lúc đó bọn ngụy quân đi qua, con trâu sẽ bị moi tim ăn thịt tại chỗ. Cái bọn lính mà quần quân phục của đứa nào cũng có cái túi may ngoài to bự ở hai bên đùi để bắt gà, nhét vịt; cái bọn mà ổ trứng trong chuồng, quả ổi trên cây cũng không chừa, gặp con trâu bờ Bắc bơi qua chừa thế nào được.
           Ông trưởng thôn lại nói:
           - Ông già chăn trâu mặc áo trắng bên bờ Nam ấy, rất có thể là một cán bộ cách mạng nằm vùng hoặc là quần chúng cách mạng.
               Máu văn nghệ sĩ trong tôi bốc lên. Tối đó tôi chong đèn viết truyện ngắn:
                        
                                  TRÂU BƠI QUA SÔNG
            
                  …Con trâu đực vĩ đại của chúng tôi vừa bước lên bờ, rùng mình rủ nước, chưa khịp làm chuyện ve vãn mấy con trâu cái thì một tốp lính ngụy bủa vây. Chúng đã theo giỏi con trâu của chúng tôi từ lúc nó rẽ nước bơi qua. Một tràng súng nổ. Con trâu chưa kịp hiểu ra điều gì, có tội lỗi gì, nó trợn ngược mắt, lảo đảo rồi đổ ụp xuống. Những dòng máu đỏ phun ra từ đỉnh đầu. Đàn trâu nái ngơ ngác, thương cảm và hoảng sợ rơi nước mắt. Lũ trẻ con chúng tôi nhìn qua khóc thét lên, đau đớn như chính ruột mình bị đạn xuyên thủng. Bọn lính ngụy khoái trá cười hô hố. chúng giơ cao những cây súng lên đỉnh đầu huơ huơ, vui mừng như vừa đánh chiếm được một cao điểm của Việt cọng. Trong chốc lát, cái ngực trâu đã bị banh ra bỡi những mũi lê nhọn sắc. Một thằng ngụy chọc tay vào vùng máu giật đứt trái tim của con trâu. Chúng lật mũ đồng làm nồi luộc. Chúng ăn nhồm nhoàm như chó sói bắt được thỏ. Chúng xả thịt con trâu và bắt người qua đường phải mua với giá cắt cổ. Hai thằng lính ngụy cầm súng Mỹ lăm lăm trong tay. Mắt gườm gườm đe nẹt. Người mua không vì thịt mà vì mũi súng. Họ xót xa quẳng những đồng tiền nhàu nát lận trong cạp quần vào mũ sắt.
            Thằng Hào nhìn qua bờ Nam, căm tức quá , nó hét:
            - Đả đảo lính ngụy! Đả đảo lính ngụy!
            Tất cả chúng tôi cùng hô to:
            - Đả đảo lính ngụy! Đả đảo lính ngụy!
            Ông già chăn trâu đã dẩn dân làng kéo đến. Họ hô to:
           - Phản đối giết trâu của dân thường! Phản đối! Phản đối!
          Một cuộc xô xát diễn ra. Đội quân tóc dài ào lên, gạt phắt những họng súng hăm dọa. Bên bờ Bắc, nhân dân tràn ra bờ sông cùng thét vang:
          - Phản đối! Phản đối! Phản đối!
          Bọn lính ngụy bỏ chạy. Đồng bào khiêng xương trâu còn lại lên chi khu, bắt đền con trâu cho bên bờ Bắc.

                                                   *

                   - Mày tưởng tượng rất đúng tực tế ( Bố con Him nói). Nếu hôm đó con trâu gặp bọn lính ngụy, sự việc diễn ra tiếp theo sẽ y chang như vậy.
                  - Người chúng còn moi tim nữa là trâu (Mẹ thằng Hào nói).  Nhất định chúng sẽ bán đống thịt thừa. Xương, thịt, da, lòng, đều có tiền, có giá tuốt.
                   - Cái chuyện của mày có tính tư tưởng cao, rất chính trị (Ông thôn trưởng nói). Truyện này sẽ nhân lên lòng hận thù quân giặc bán nước đặng tăng thêm ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trẻ con mà viết được như thế, lớn lên chắc sẽ trở thành một nhà văn cách mạng. Gửi nhà báo in ngay cho cả nước đọc.
             Ông trưởng thôn nắm tay tôi kéo xệch tới ủy ban. Ông vẫy tay gọi tất cả những cán bộ có mặt quây lại:
           - Này, mình đọc cho tất cả cùng nghe cái truyện ngắn của thằng nhóc này viết. Quả là thiên tài. Mọi người có biết rằng ( Tất nhiên là họ biết cả rồi) là thằng nhóc này đã có bài đăng báo rồi he.
          Ông cao giọng rồi trầm giọng, đoạn đọc nhanh, đoạn đọc chậm, cố diễn tả tâm lý nhân vật. Đọc đến đoạn cuối, khi lủ nhỏ hô: “ Đã đảo lính ngụy!”, ông nắm chặt tay lồ lộ những đường gân xanh đưa lên ngang đầu:
         -  Hay chưa?
        Tất cả ồ lên:
        - Quá hay!
          Họ rôm rả bình luận rồi góp ý:
         - Cần phải viết thêm về bọn lính ngụy: Chúng đang ăn, có một người ăn mày bước đến ngữa tay xin. Chúng tỏ ra bực bội vì người ăn mày rách rưới, bẩn thỉu làm chúng lợm giọng, ăn mất ngon. Chúng đuổi người ăn mày nhưng vì quá đói, ăn mày vẫn dai dẳng ngữa tay. Một thằng lính ngụy bước đến đạp người ăn mày lộn cổ xuống sông.
           - Em viết thêm đoạn này nữa – Một người khác góp ý – thêm trong cái đoạn chúng bán thịt trâu. Vì không có tiền lẻ, có một chị đưa cho chúng một tờ tiền chẳn có mệnh giá lớn. Tên lính ngụy đút luôn vào túi, không thối tiền. Chị xách miếng thịt trâu vừa đi vừa lau nước mắt…
                   Tôi nỡ cả gan ruột, chắp cánh trong lòng bay đến nhà chú Cảnh. Cái cơ thành nhà văn mà là nhà văn lớn, đến rất gần. Tôi mới viết năm bài thơ đã được chú Cảnh cho lên báo hai bài. Dù chú có sửa khá nhiều nhưng mấy ai được như thế. Và bây giờ, mới viết một truyện ngắn đầu tay, đã được cả làng khen.
                  Chú Cảnh đọc rất chậm, có đoạn chú đọc đi đọc lại. Chú khen:
          - Văn lớp bốn mà viết được như thế này là giỏi lắm. Nhưng viết bất cứ cái gì cũng phải nhìn tận mắt, mình biết là đúng như vậy chứ không phải nghe người khác nói. Viết truyện được phép bịa, lý luận văn học gọi là hư cấu nhưng hư cấu phải trên cơ sở hiện thực, mình biết rõ. Nếu không sẽ bóp méo, xuyên tạc, vu khống, sẽ không có màu sắc riêng của mình. Tóm lại: Biết thì viết, không biết, không viết. Viết bằng cái đầu của mình, không viết bằng cái đầu người khác.

                                               *
                                     
             - Thưa bác, làng mình có bao giờ xẩy ra chuyện trâu bơi qua sông và bị mất không? (Tôi hỏi bố con Him)
            - Có! Đã hai lần. Làng mình phía ngoài, phía trong, đều có sông, có hói. Trâu bơi qua sông rồi bơi về là chuyyện thường. Có hai lần trâu động đực bơi qua sông và đi mất. Hoặc là nó đi quá xa, người ta bắt được nhưng không biết của ai để trả lại. Hoặc là trâu đã lên thượng nguồn chung sống với trâu nái thả rong của người bản. Con trâu ở một nét nào đó cũng giống con người, sống phải có đực có cái. Trâu đực không thích những con trâu cái gầy yếu, quá non. Chúng mày tách nó ra khỏi trâu nái, nó không bao giờ chịu, có cơ hội là bơi qua sông lần nữa. Con trâu cũng như con chó rất trung thành với chủ, nhưng trước hết nó phải sống cho nó, vì hạnh phúc của nó. Phần lớn trâu đực mất là do đi tìm trâu nái.
            Nếu con trâu của thằng Hào bơi qua sông và mất tiêu thì cả làng ta không ai nghĩ là trâu đi quá xa, nhất định sẽ cho là bọn ngụy giết thịt.
         -  Bọn ngụy ở đâu ra? (Tôi hỏi mẹ thằng Hào)
       - Thì là dân mình bị chúng bắt ép đi lính.
       - Dân Việt mình tức là cùng con rồng cháu tiên. Nhồi sọ kiểu chi mà tài. Tháng trước là rồng, tháng sau mặc áo lính là chó.
       Mẹ thằng Hào lúng túng cả vú lấp miệng em:
       - Con nít đừng hỏi, đừng nói lung tung, không khéo sa vào phản động.
       Tôi hỏi bác thôn trưởng: 
       - Hôm trước bác nói ở trong đó nó đang thi hành chính sách mị dân. Mỵ dân là làm những cái chi?
       - Thì chúng đưa gạo thịt cấp phát cho người nghèo. Chúng cho lính đến lợp nhà cho dân. Chúng cho bác sĩ khám bệnh và phát thuốc cho dân. Nghĩa là chúng làm mọi việc để người dân nhầm tưởng là chúng vì đân mà ủng hộ chúng.
       - Thế thì chúng sẽ không bắn trâu, sẽ không ăn thịt trâu.
       - Bậy nào, viết như cháu là chính trị lắm. Chúng mị dân, mình phải vạch mặt chúng ra.
       Hồi đó tôi đã đọc nhiều sách lắm. Nhờ đọc nhiều mới nghĩ được như vậy, mới hỏi được những câu đó, nhưng dù sao vẫn là những ý nghĩ con nít. Cái đầu tôi rối rắm, nghi ngờ cái truyện ngắn của tôi. Tốt nhất là nghe lời chú Cảnh, chỉ viết những gì mình hiểu, mình biết. Tôi hý hoáy viết lại tryuện ngắn
                                
                                  TRÂU BƠI QUA SÔNG
                      
                          …Chúng tôi khóc tức tưởi, khóc quặn thắt cả ruột. Một ông già chăn trâu tốt bụng xuất hiện. Ông quất túi bụi vào con trâu, không cho nó lên bờ. Con trâu không chịu nổi roi của ông già lại bơi về. Chúng tôi khóc rồi chúng tôi cười. Cái roi của ông già cũng chỉ quất vào đít, vào đầu con trâu vậy thôi.
            Đáng ra phải vo cả hai tập bản thảo ấy vứt ra bờ rào. Nhưng là tác phẩm tôi đẻ ra, tôi tiếc. Tôi gói lại và bây giờ nó còn trong đống bản thảo ngày một dày thêm của tôi. Đó là một đôi song sinh mà khuôn mặt và hình hài không giống nhau.
            Sau 30/4/1975, tôi được về phép thăm quê ở phía Nam sông Hiền Lương sau 21 năm xa cách. Ngồi trên thuyền gắn máy từ thị xã về quê miệt biển, có rất nhiều người bị ly tán trong chiến tranh tìm lại quê nhà. Thuyền cặp vào một bến phụ cho hai mẹ con một hành khách lên bờ. Tôi chợt nghĩ, người đàn bà này không học chính sách ba khoan như những người phụ nữ miền Bắc. Đứa con nhỏ của chị khoảng tuổi rưởi, mẹ đã có bầu, bụng tròn căng như quả bí.
              Cái bến phụ thoải dài. Thuyền chưa vào đến bờ đã mắc cạn. Người đàn ông có dáng vẻ phờ phạc ngồi trước mũi thuyền, nhảy xuống nước bồng đứa trẻ nhỏ lên bờ, lại lội xuống, một tay dìu người đàn bà có cái bụng chửa sắp đến ngày sinh, một tay cắp hộ hành lý lặc lè. Một chi tiết rất bình dị nhưng tôi có cảm xúc mạnh vì sự ân cần của người đàn ông thương vợ. Nhưng rồi anh ta đẩy thuyền ra, bám tay vào mạn thuyền nhảy lên, ngồi vào chổ cũ. Anh ta không phải là chồng của chị ấy? - “Chồng gì, thấy người thì giúp (anh lái đò nói nhỏ với tôi) lính ngụy thua trận, chính quyền đổ, được cách mạng cho về quê đó.”
             Quê hương tôi những ngày sau chiến tranh thật là xơ xác, bề bộn và thương tâm. Người ta nhặt nhạnh những mảnh tôn, những thanh sắt, những đoạn tre,  khúc gỗ, để mong dựng được túp lều che mưa nắng. Người anh họ xa của tôi là trung tá ngụy quân, đón tôi, anh nói:
           - Làng ta chỉ có ba người đi theo cách mạng, chỉ còn một là chú trở về. Một người đã chết trận. Một người là cán bộ nằm vùng bị bắt, sau đó chiêu hồi rồi mất tích. Thấy tôi đảo mắt nhìn những người đàn ông làm những việc khác nhau, xa gần quanh đó, anh nói:
          - Họ đều là lính trong lực lượng Việt Nam cọng hòa mà phía các chú gọi là ngụy quân.
          Tôi nhìn hai cha con một ngư dân kéo một tấm véc lưới mắt nhỏ ở đầm làng. Tôi biết ở cái đầm ấy chỉ có rạm và những con cá mài mại bằng ngón tay, vậy mà họ vẫn kéo suốt ngày này qua ngày khác. Sau mỗi lượt kéo, cả hai cha con lại rủ rong, nhặt từ con cá con tới con tép. Thím tôi nói:
          - Hai cha con ông ấy, cả nhà ấy nghèo. Trước khi đi lính ngụy chỉ làm nghề kéo tép, thua trận, cách mạng cho về, lại kéo tép.
          Mấy người nữa đang san đất làm nền. Khá nhiều người đàn ông khác đang cuốc đất trồng khoai, trồng rau. Tất cả họ trông lam lũ, hiền khô như những nông dân miền Bắc.
             Tôi chợt nghĩ đến cái truyện ngắn đầu tay “TRÂU BƠI QUA SÔNG”. May quá, chú Cảnh không đăng cái truyện đó của tôi lên báo.

                                              *

               Anh bạn miền Bắc đập tay lên vai tôi:
            - Hay quá! Cái truyện ngắn của ông hay quá! Chính nó, chúng tôi muốn tìm.
            Tôi đang nghĩ miên man bỗng bừng tỉnh:
            - Truyện nào?
            - Là cái truyện này: TRÂU BƠI QUA SÔNG. Chỉ một việc nho nhỏ ai thấy cũng thường, ông viết ra vấn đề, rất lập trường chính trị, địch, ta, rõ ràng.
          Trời đất! Tôi đã nghe những lời này từ mồm ông thôn trưởng của tôi hơn 40 năm trước. Bây giờ ông thôn trưởng đã chết già rồi. Chiến tranh đã đi qua hơn 35 năm vẫn có một người nói y chang ông thôn trưởng của tôi.
        - Tôi biết thế nào anh cũng có bài viết về sông Hiền Lương và đôi bờ giới tuyến. Chúng tôi không nhìn nhầm người. Anh là người trong cuộc mới viết được thế này. Thật là ghê gớm khi bọn ngụy moi tim con trâu, ăn nhồm nhoàm, kinh tởm và đáng khinh bỉ biết bao.
      Tôi giải thích với anh thì quá dài và cũng chưa chắc anh đã tán thành. Tôi không thích đăng truyện ngắn này ở bất cứ báo nào.
       - Anh cứ cho tôi đăng với bất cứ một bút danh nào đó.
       - Bút danh?
       - Vâng, bút danh, ví như “Chiến thắng”, “Tất thắng”, “Nhất định thắng”, “Tin tưởng”, “ Lạc quan”,  “Phấn khởi”.
       - Bút danh quái quỷ gì lạ?
       - Đại loại là thế, miễn rằng không phiền đến tên thật của anh. Tôi nghĩ không ra, một tác phẩm tuyệt vời như thế này mà anh không ghi tên thật quả là một thiệt thòi.
              Như sợ tôi đòi lại, anh gấp tập bản thảo làm bốn cho vào túi áo khoác của mình. Anh bắt tay tôi hồ hởi, cám ơn, chào tạm biệt, quên cả chuyện đài thọ cho tác giả, mừng vui như hoàn thành nghị quyết.
            
                                                         
                                                                      Hiền Lương 9.2.2011


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: