Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Đọc được một câu thơ


Tôi chấp nhận, trong một buổi chiều vô nghĩa, đọc một tập thơ, công việc tôi rất không thường làm. Nhưng đôi khi, ta phải chấp nhận.

Vả lại, buổi chiều nào mà chẳng vô nghĩa, buổi chiều nào chẳng có những giờ hoang vu cần phải đi qua (cũng có thể là bơi qua).

Làm thơ là chấp nhận trưng bày tâm hồnThơ tạo ra một cái hang, đọc thơ là đi vào cái hang ấy.

Một cái hang, dẫu có mênh mông đến mấy, khúc khuỷu đến mấy, nếu có nhiều người vào, mọi ngóc ngách đều sẽ bị nhìn thấy. Đến như hang Sơn Đoòng cũng sẽ sớm đầy những dòng chữ viết bậy, khắc bậy lên vách mà thôi. Các thạch nhũ rồi sẽ hết lung linh, mùi bên trong sẽ dần chuyển từ mùi của đá mốc sang mùi người, đấy là còn chưa nói rất có thể bỗng một ngày nó sụp đổ và biến mất, sau một phun trào núi lửa.

Tôi từng có dự định đi khắp nơi chép lại những dòng chữ viết bậy, tuyển tập lại thành một tác phẩm. Một tác phẩm tuyệt đối vô nghĩa.

Nhưng, sự vô nghĩa, kiểu gì ta chẳng phải đương đầu: ta đẩy nó đi, ta đẩy nó đi mãi, đi mãi và đi mãi, ta đặt hết ý chí mà ta có vào việc ấy, ta đẩy nó đi hết sự vô tận của nó; biết đâu, sự vô nghĩa sẽ phải cười ngượng mà đầu hàng. Ta banh sự vô nghĩa ra, ta bắt nó phải giạng háng. Đó là Sade. Nếu không đủ sức bắt nó giạng háng, ta cũng có thể bằng cách năn nỉ bảo nó làm thế. Và đây là phía của Sacher-Masoch (nếu đọc Sacher-Masoch nghiêu khê quá, chỉ cần xem tranh Bruno Schulz vẽ là hiểu: ai cónăng lực nhìn, xem tranh Bruno Schulz là sẽ hiểu).

Sống nghĩa là đi. Đi tức là để lại dấu vết. Nhưng, sống một cách đích thực, à mà thôi, không nên nói thế, sửa lại: sống một cách khác là đi mà không để lại dấu vết.

Nghĩ là nhìn. Hiểu là nhìn thấy. Người ta nhìn thấy hoặc không nhìn thấy, người ta không "sắp nhìn thấy", "nhìn thấy một chút" etc. thế cho nên không bao giờ tồn tại phạm trù "sắp hiểu", "gần hiểu". Hiểu hoặc không hiểu, có mỗi vậy thôi. Và giống trong trò chơi trốn tìm, ti hí mắt là ăn gian. Biển lận và vô ơn được giành sẵn chỗ dưới địa ngục của Dante.

Tôi đọc một tập thơ. Tôi ghét đọc thơ là vì đọc câu thứ nhất tôi biết câu thứ hai sẽ nói gì, lắm lúc là biết năm mươi câu tiếp theo là gì. Nhiều người nghĩ thơ là tâm sự. Không, mặc dù làm thơ là trưng bày tâm hồn, thơnghĩa là caoTrên cao này, đó là tên một tập thơ của Marina Tsvetaeva, đó cũng là "mật khẩu".

Tôi ghét đọc các tập thơ cũng vì một chuyện nữa. Tập thơ tôi đọc trong buổi chiều hôm nay, đúng như tôi nghĩ, cứ một đoạn tôi lại phải chào: chào Thanh Tâm Tuyền, chào Lưu Quang Vũ, chào Trần Dần, chào Bùi Giáng. Toàn người quen, không chào thì bị dở hơi. Thậm chí có lúc tôi chột dạ, nếu mà nghĩ kỹ, có khi tôi còn phải tự chào chính tôi - thế cho nên tôi đã không nghĩ kỹ. Nhiều dấu vết, quá nhiều dấu vết. Nhưng tôi chấp nhận. Có một ranh giới rất bấp bênh, giữa thực hành pastiche, haygửi homage, hoặc nháy mắt, và rất nhiều thứ khác rất khác về bản chất.

Thật ra, tôi chấp nhận nhưng là một sự chấp nhận khôn, vì tôi biết ngay từ đầu, rồi sẽ đến một chỗ, cái hang không thể che giấu tâm điểm của nó, trung tâm của nó nữa.

Cuối cùng tôi đã tìm ra, đó là câu thơ này:

"anh đứng đầu Hồ Đắc Di
ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em"

Một câu đủ sức làm ta quên đi toàn bộ sự chấp nhận và cả sự vô nghĩa. Quên được cả chuyện đã mỏi miệng chào biết bao nhiêu người thân quen.

Đừng làm thơ khi chưa lên được trạng thái viết câu này. Đừng sản xuất những thứ nhìn rõ ngay xuất xứ hàng, đừng để lại dấu vết. Đừng bao giờ viết những câu như thế này:

"anh chẳng trách gì em, anh nói thật
ai trách rừng không hiểu chuyện sông sâu?"

À, nếu nhưng mà chấp nhận vô nghĩa và vô nghĩa và vô nghĩa thì lại là chuyện khác.

Tập thơ ấy, lẽ ra cần bỏ đi khoảng ba phần tư. Xin lỗi, tôi nói lại, để đúng đắn hơn: chín phần mười.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: