Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Lòng tham và những bản án lệch lạc


>> Luật sư phản ứng phát ngôn của viện trưởng
>> Đà Nẵng không dựng trạm thu phí cầu vượt ngã ba Huế
>> Thành ủy Đà Nẵng "cầm đèn chạy trước ô tô" trong điều động cán bộ?


ĐÀO TUẤN
LĐO - Đã lại có thêm một vụ “lừa đảo chạy án” gây bức xúc dư luận. Gạt bỏ chuyện một kẻ mang danh “nhà báo” thì việc một cá nhân - công dân chi hàng trăm triệu để “chạy án”, để thay đổi quyết định cả một vụ án với 3 cơ quan tư pháp, về nguyên tắc là độc lập (trong đó có những bản án quan trọng) cho thấy tệ nạn giải quyết tất cả bằng tiền đang diễn ra không ít trong xã hội.

Có một phản xạ dần trở thành tự nhiên: Mang phong bì đến cửa công để được việc - như một thứ lệ. Cái “lệ” - đúng hơn là tệ nạn ấy đang phần nào phản ánh sự thiếu hụt niềm tin công lý. Dẫu phải nói cho công bằng, niềm tin ấy phái sinh từ những vấn đề không ít nghiêm trọng trong việc thực thi pháp luật.

Chỉ vừa tuần trước, đã có rất nhiều ý kiến thẳng thắn, rất nhiều sự thừa nhận từ chính các quan chức tư pháp về những “vấn đề” của tư pháp trong một hội thảo chính thống do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.

Đó là “nguy cơ tiêu cực, tham nhũng phát sinh từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện” với những thẩm phán gây khó dễ để “vòi vĩnh”!

Đó là bình luận của GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH: “Hoạt động tư pháp có quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ... có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau mà người ta vẫn còn chạy được thì không cái gì là không thể chạy được”! Và GS Đường chỉ ra nguyên nhân “Người dân chưa thực sự tin tưởng vào bản án”!

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ hôm ấy có một câu nguyên văn thế này “Lương thẩm phán 4-5 triệu đồng/tháng, nộp tiền học cho con đã hết. Gặp đương sự vân vê nhẫn kim cương thì sao kìm lòng nổi”!

Giữa mức lương 4-5 triệu đồng và chiếc nhẫn kim cương là một khoảng cách, một sự tương phản, là sự hấp dẫn rất lớn, rất khó cưỡng, nhấn mạnh trong trường hợp nếu người ta dám, và có thể biến lòng tham thành những bản án lệch lạc. Và vấn đề ở đây, vì thế, không phải là việc tăng lương để lấp dần khoảng cách, cũng không là việc kêu gọi sự tự trọng, liêm chính trong mỗi một pháp quan. Vấn đề đúng là phải có một cơ chế, một sự giám sát đủ mạnh để “có muốn người ta cũng không thể tham nhũng” không chỉ trong lĩnh vực tư pháp.

Có lẽ, chỉ có điều đó mới trả lại niềm tin công lý cho dân. Chỉ có điều đó mới ngăn trừ tận gốc nạn “chạy chọt” và phái sinh của nó là những vụ lừa đảo chạy án.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: