Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Sự hiện hữu của một cuộc khủng hoảng giá trị nhân văn



Sự hỗn loạn của lễ hội thể hiện qua nhiều biểu hiện khác nhau. Nhưng theo tôi, đó là một bức tranh thể hiện cuộc khủng hoảng về các giá trị nhân văn trong xã hội.
Chia sẻ của TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).  V.V.Tuân ghi.
Đồng thời cũng là một cuộc khủng hoảng về niềm tin và các hệ giá trị của đời sống xã hội.
Lỗi ở phía từng cá thể người dân cũng có, lỗi tại nhà đền nhà chùa cũng có, lỗi tại các cơ quan quản lý cũng có, lỗi của hệ thống hành chính từ thượng tầng đến địa phương cũng có…
Một mặt ta vừa sử dụng các giá trị của quá khứ như những cơ hội tồn tại cho đời sống hiện tại (như những cơn khát các danh hiệu UNESCO); một mặt ta lại đồng thời làm biến dạng nó, hiện đại hóa nó và lợi nhuận hóa tất cả những gì có thể sinh lời, trong đó có cả văn hóa tâm linh!
Các loạn khai ấn không chỉ phản ánh “cơn hoảng loạn tâm hồn” mà còn cho thấy sự bơ vơ của không ít người đang ở trong hệ thống quan trường, hay hệ thống thương trường quá nhiều bất trắc và rủi ro.
Lễ hội và văn hóa tâm linh đã và đang trở thành một cơ hội cho những ai đang muốn “giải ngân tâm hồn mình”, cho những ai đang muốn “rửa tiền, rửa tâm” thông qua các hoạt động nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng.
Một đất nước của lễ hội như Việt Nam thì lễ hội đã trở thành một hiện tượng văn hóa mang nét hằng xuyên.
Về bản chất, lễ hội là một hệ thống biểu tượng mang những giá trị truyền thống, là một loại hình hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng, là nơi gìn giữ nhiều nét đẹp nhân văn của quá khứ.
Nhưng những biến tướng “xấu xí” của lễ hội trong hơn chục năm trở lại đây đã và đang trở thành những vấn đề thời sự nóng hổi.
Muốn ngăn chặn các mặt chưa tốt, những hiện tượng tiêu cực trong lễ hội thì cần phải có các nghiên cứu cơ bản có hệ thống, những nghiên cứu ấy cần sự hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu với các cơ quan quản lý văn hóa, với hệ thống báo chí truyền thông.
Chẳng hạn, cần phải đặt hành lang pháp lý và các biện pháp chế tài cụ thể để xử phạt các cá nhân, tổ chức đặt tiền vàng vào tay tượng Phật hay ban tam bảo… Để tránh tình trạng cướp lộc thì tạm thời có thể cấm việc phát lộc của các nhà đền, nhà chùa.
Chính cái tư duy “phát lộc” là nguyên nhân gây ra hiện tượng “cướp lộc”, tư duy “phát ấn” để cầu quan tước cũng góp phần tạo nên những kẻ mượn danh thánh thần để trục lợi.
Thực ra những nét đẹp của lễ hội thì có nhiều hơn những cái xấu xí, cái biến tướng kia. Nhưng để “khuyến thiện trừng ác”, thiết nghĩ cần nên có những cuốn sách kiểu như cẩm nang lễ hội, hay cẩm nang về việc đi lễ, đi chùa…
Ví dụ, vào chùa thì không đặt tiền tươi, không đặt tiền âm, không hóa vàng hóa mã ở ban tam bảo thờ Phật…
Tổ chức lễ hội thì không có cờ bạc, không có các trò chơi sát phạt, không ăn chia cá cược, không để những hoạt động lợi nhuận bất chính để lừa tiền khách thập phương.
Những cuộc thi ẩm thực, đua thuyền, vật truyền thống, các trò chơi dân gian… và hàng ngàn biểu hiện sống động khác của văn hóa truyền thống cần được khuyến khích.
Cuối cùng, để lễ hội mang đúng ý nghĩa vốn có của nó thì người dân địa phương - với tư cách là chủ thể văn hóa - phải trở thành những người duy trì và thực hành nét đẹp văn hóa.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: