Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Hiện hữu nguy cơ biến tài sản nhà nước thành của riêng


NHÓM PHÓNG VIÊN
LĐO - Cổ phần hoá kiểu “khép kín”, mua bán nội bộ âm thầm hoặc ra chiêu để định giá thấp… là các chiêu “phù phép” đúng quy trình để có thể biến tài sản nhà nước thành của riêng cho một số người trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được các chuyên gia kinh tế chỉ ra. 

Bí ẩn “công ty gia đình” của nhiều lãnh đạo cấp bộ

Liên quan đến khối tài sản mà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ có nguồn gốc từ cổ phần của Công ty CP Điện Quang, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi và muốn Thứ trưởng Thoa phải tường minh số tài sản này. Ngày 14.2, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nhưng không nhận được hồi âm. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định: Số cổ phần của Công ty bóng đèn Điện Quang mà bà Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm thứ trưởng. Vậy vì sao Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vẫn im lặng?

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, ngày 15.9.2014, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ra thông báo đã bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang với số tiền 179 tỉ đồng và hoàn tất việc thoái vốn tại Cty này. Đáng chú ý, một trong hai cá nhân đã mua lại 1,17 triệu cổ phiếu Điện Quang (DQC) từ SCIC chính là ông Hồ Đức Dũng, con trai ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT Cty CP nhựa Rạng Đông (ông Lam cũng là anh ruột của ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Điện Quang tại thời điểm đó và cho đến nay). Tại thời điểm SCIC thực hiện thoái vốn, ông Hưng (là em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa) là đại diện vốn của SCIC tại DQC đồng thời giữ 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng GĐ Điện Quang.

Cá nhân ông Hưng thời điểm đó nắm giữ tổng cộng 597.972 cổ phiếu DQC. Đúng một năm sau, ngày 15.9.2015, ông Hồ Đức Dũng bán ra 1,5 triệu cổ phiếu Điện Quang với tổng số tiền 83,25 tỉ đồng. Cùng thời điểm, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng đăng ký mua vào theo hình thức thỏa thuận cũng chính 1,5 triệu cổ phiếu trên. Sau cú giao dịch này, tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu DQC của ông Hưng nâng lên 2.289.085 cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 7,17%.

Nhận xét về việc thoái vốn nhà nước tại Cty CP Điện Quang, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) - cho biết, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thông qua hai cách là đấu giá và giao dịch thỏa thuận. Với giao dịch thỏa thuận thường được áp dụng với các đối tác chiến lược lớn, các quỹ đầu tư nhằm tăng cường vốn, hoặc thu hút chất xám quản lý. Tuy nhiên với trường hợp giao dịch thỏa thuận cổ phiếu nhà nước tại DQC, khi ông Dũng là người có quan hệ với ông Hưng (và sau này 1 năm ông Hưng lại mua lại đúng 1,5 triệu cổ phiếu mà ông Dũng bán) đặt ra nhiều nghi vấn về việc hưởng lợi trong đợt bán vốn này. “Tại sao không đấu giá công khai vốn nhà nước tại DQC. Tôi nghĩ nếu đấu giá công khai thì số tiền Nhà nước thu về sẽ cao hơn. Điều này đặt ra nghi vấn tiêu cực trong việc thoái vốn nhà nước tại DQC của SCIC”, ông Hải nói.

Theo Phó Chủ tịch Vafi, khi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Thoa được phân công quản lý mảng công nghiệp nhẹ, là lĩnh vực kinh doanh của Cty CP Điện Quang. Bởi vậy, theo ông Hải, phải làm rõ từ khi giữ chức thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì có ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

Từ trường hợp thâu tóm cổ phần tại Cty CP Điện Quang, Phó Chủ tịch Vafi cho rằng, cần xem xét, xây dựng lại quy trình thoái vốn doanh nghiệp tại các Cty nhà nước nắm cổ phần. “Việc này nhằm tránh việc lãnh đạo bộ, ngành quản lý có tác động trong việc bán vốn nhà nước, nhằm ngăn ngừa tiêu cực, thậm chí trục lợi có thể xảy ra”, ông Hải nói.


Câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vẫn cần cơ quan chức năng trả lời dư luận một cách thấu đáo.

Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi khác chưa có kết luận thỏa đáng. Ngày 16.11.2016, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH tỉnh Bến Tre) đã đặt câu hỏi về những sai phạm về chuyển vốn và điều hành tại Công ty cổ phần BOT QL 51 đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đại biểu Nhưỡng báo chí, dư luận đã thông tin một đồng chí thứ trưởng đã dùng ảnh hưởng của mình để chuyển vốn dự án cho công ty của người nhà, có trụ sở tại nhà mình.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Trong thời gian tới làm thế nào để nâng cao tính liêm chính và kỷ luật công vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Hai là trong những vụ việc thế này, vai trò của Bộ Nội vụ thế nào? Có phối hợp với các bộ ngành khác để đôn đốc xử lý hay không?”. ĐB Bình Nhưỡng cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Nhân dịp này tôi cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Vụ việc này đã được báo chí nêu rất nhiều và được thanh tra vào cuộc thì việc xử lý đối với cán bộ sai phạm đến đâu, đề nghị cho cử tri và nhân dân cả nước biết?”. Thế nhưng cho đến nay, những sai phạm liên quan đến dự án BOT QL 51 cũng như việc làm rõ liệu có chuyện “công ty gia đình thứ trưởng” đã “tay không” để thao túng và thâu tóm cả một dự án có tổng vốn lên tới gần 4.000 tỉ đồng hay không vẫn chưa có câu trả lời từ chính Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng.

Bịt những lỗ hổng về quản lý

Hai câu chuyện trên cho thấy những lỗ hổng lớn về mặt quản lý. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lỗ hổng lớn nhất khiến tài sản nhà nước “rơi rớt” trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nằm ở tính minh bạch bởi nhiều DNNN đã và đang được “cổ phần hoá theo kiểu khép kín, bán nội bộ là chính, chứ không bán ra thị trường kiểu đấu thầu công khai”. Bà Lan cho rằng dù đã có quy trình cổ phần hoá DNNN nhưng trên thực tế nhiều DNNN bán cổ phần một cách lặng lẽ, chỉ có một số đối tượng mua và lại là những người trực tiếp nắm thông tin hoặc công cụ để giành phần mua, còn người ngoài không biết được để mà tham gia.

Do đó, những người trong cuộc, những người nắm thông tin hoàn toàn có thể thao túng để mua với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thực của thị trường.

Chuyên gia này cũng chỉ ra vấn đề trong quy trình định giá tài sản cũng như định giá DNNN khi “cái giấu đi nhiều nhất là đất đai”.

Tài sản lớn nhất của nhiều DNNN chính là đất đai nhưng khi định giá DN lại theo hoạt động của công ty và đất đó bị nhập nhằng giữa việc đất được Nhà nước giao trước đây với giá rất thấp hoặc cho thuê dài hạn với giá nhà nước nhưng khi cổ phần hóa, lại không được đem ra định giá công khai theo giá thị trường.

“Không ít DNNN đã không minh bạch và trở thành quá trình mặc cả chia chác giữa những người quyết định trong quá trình CPH. Đây có thể trở thành cơ chế tạo cơ hội tham nhũng cho những người tham gia vào ban bệ quyết định quá trình CPH hoặc định giá DN” chuyên gia này thẳng thắn chỉ ra.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc thả cho doanh nghiệp thua lỗ trước khi cổ phần hóa cũng là một chiêu để “hạ giá” tài sản nhà nước trong DNNN. Chuyên gia này cho rằng việc một số DN trước khi cổ phần hóa thua lỗ triền miên rồi sau cổ phần hóa cũng với những lãnh đạo cũ lại biến thành DN có lời cao như Công ty CP Điện Quang là một hiện tượng “có vấn đề” cần làm rõ.

Để bịt lỗ hổng trong quy trình cổ phần hoá DNNN, hạn chế thất thoát, các chuyên gia đều cho rằng cần tăng tính minh bạch thông qua việc công khai quá trình mua bán cổ phần, đưa ra đấu thầu công khai thay vì “sang tay nội bộ”. Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, hội đồng giám sát quá trình định giá DNNN và cổ phần hóa cần có sự tham gia của các cơ quan tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập để đảm bảo tính minh bạch đồng thời thanh tra và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để giám sát quá trình cổ phần hóa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: