Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Hành động công vụ cần thượng tôn pháp luật


>> Báo Đời sống&Pháp luật cách chức Phó trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam
>> Cách chức nhà báo gửi "văn bản trái quy định" cho ông Đoàn Ngọc Hải
>> Hình phạt của Hà Văn Thắm giống “bầu” Kiên hay Giang Kim Đạt?
>> Tại sao các bị cáo vụ Giang Kim Đạt bị tuyên án cao hơn đề nghị?


Võ Đức Phúc


















(NTD) - Sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) chỉ đạo lực lượng trật tư đô thị quận 1 tháo dỡ vọng gác trước cửa tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tối hôm qua (27/2) để rồi ngay sau đó buộc phải trả lại chỗ cũ đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Người này ủng hộ, người kia thì không ! Nhưng dường như trong câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP.HCM mấy ngày qua, người ta đã vì sự nhiệt tình mà lãng quên quy định pháp luật.

Thượng tôn pháp luật là tiêu chí đầu tiên mà bất cứ người dân nào, đặc biệt là công chức khi thi hành công vụ cần phải tuân thủ. Mấy ngày qua, TP.HCM đang nóng lên vì "chiến dịch" ra quân của lãnh đạo UBND Quận 1 quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ trong bối cảnh không ít người dân đang sinh sống nhờ vỉa hè. Sự nhiệt tình hăng hái của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - được nhiều người ủng hộ. Bởi lâu nay, người dân đã quá chán với một số cán bộ ngồi bàn giấy, hô hào hứa hẹn hoặc nói suông mà không thấy làm. Giờ có một ông Phó Chủ tịch quận lại xông pha, tả xung hữu đột đi dẹp chướng ngại lấn chiếm vỉa hè, đập phá bất cứ thứ gì được cho là lấn chiếm vỉa hè với mục tiêu trả lại vỉa hè cho người đi bộ, thử hỏi ai mà không khoái?

Phải nhìn nhận rằng, sự xông xáo nhiệt tình của ông Đoàn Ngọc Hải cùng lực lượng chức năng quận 1 xuống đường dẹp hành vi lấn chiếm vỉa hè, bất kể ngày đêm đã cho thấy hình ảnh người cán bộ trong bộ máy công quyền hết lòng vì dân, vì xã hội và chắc chắn ở đâu đó trong bộ máy này vẫn còn nhiều cán bộ có cái tâm với xã hội. Khi ông Hải xuống đường, bất kể ai lấn chiếm vỉa hè, từ chị bán mắt kính cũng buộc phải dọn dẹp hành vi lấn chiếm dù bức xúc khóc cạn nước mắt cho đến hàng loạt nhà hàng, quán sá phải chấp hành. Nhiều xe ô tô đậu vỉa hè biển xanh, biển trắng đều bị cẩu đi, ngay cả trụ sở khu phố cũng bị phá khóa, đập bỏ, điều mà từ trước đến nay chưa có công chức lãnh đạo nào dám làm. Đông đảo người dân như "cuồng nhiệt" hoan ngênh hành động quyết liệt của ông Hải.

Nhưng giải quyết vấn đề theo cách của ông Hải, dù được lãnh đạo thành phố và nhiều người dân đồng tình ủng hộ, đang dần phát sinh một số phản ứng trái chiều nhất định. Bởi cái gốc vấn đề không phải ở chỗ cưỡng chế tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè, đó chỉ là phần ngọn. Giải quyết phần ngọn thì cái gốc vẫn còn. Dẹp hành vi lấn chiếm vỉa hè để kỳ vọng quận 1 trở thành một Singapore thu nhỏ, điều đó thật tốt, nhưng cách thức giải quyết vấn đề phải tuân thủ mọi quy định pháp luật. Không thể rầm rộ ra quân, đập phá, tháo dỡ tất cả công trình mà chẳng cần biết lịch sử hình thành, lý do các công trình này được xây dựng như thế nào, luật pháp quy định về việc tháo dỡ công trình như thế nào ?.... Đó mới là sự tiến bộ cần thiết, đừng nhân danh sự tiến bộ này để làm thụt lùi một sự tiến bộ khác, lớn hơn - đó chính là tính thượng tôn pháp luật. Xin đừng thờ ơ hoặc hô hào để tỏ ra văn minh cộng với truyền thông, báo chí đang biến hình ảnh của một vị Phó Chủ tịch Quận thành "hiện tượng" giữa dòng chảy của xã hội, gây ra hàng loạt tranh luận trái chiều...

Sự nhiệt tình và hăng hái của ông Hải đã "vấp phải chướng ngại" khi chỉ đạo bứng luôn cái vọng gác trước tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để rồi buộc phải trả lại ngay lập tức vì xâm phạm quy định của pháp luật đối với hoạt động bảo vệ an toàn của tổ chức tín dụng, điều đó thể hiện dấu hiệu kém hiểu biết và bất chấp pháp luật trong hành động, mà lẽ ra, hơn ai hết người công chức đó phải làm gương cho công dân của mình. Nếu vẫn tiếp tục cách làm như thế, không ít người tỏ ra lo lắng liệu ông sắp phải đối mặt thế nào với các phản ứng trái chiều về thông tin lẫn các hành động phản kháng mang tính pháp lý ?

Hành động nhiệt tình nhưng nếu không tuân thủ mọi quy định pháp luật, không được đồng thuận bởi các cấp, ngành, thì khó có thể làm cho xã hội tiến bộ hơn, như kỳ vọng !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: