Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

!

Ảnh: họa sỹ LAP 

Lịch sử không thể xóa bỏ, 
sự thật không thể chối bỏ! 

FB Hồ Hữu Hoành
18-2-2017 

Có một bức tranh của họa sỹ LAP, nói về cuộc chiến Việt – Trung, đại ý của nó lý giải toàn bộ cho câu chuyện vì sao Facebookers hừng hực nhắc lại sự kiện này, bởi 40 năm qua, rất nhiều thế hệ (kể cả tôi) còn không biết đến câu chuyện đó, lý do: sách giáo khoa không hề nhắc đến. 

Năm 1986, tôi học lớp 3, và tôi rất căm ghét đế quốc Mỹ, tôi mơ Bác Hồ còn sống, để tôi được cơ hội gặp Bác. Tất cả những điều mà tôi có được là kể từ lúc được đi học, đọc truyện tranh của nhà xuất bản Kim Đồng. Nhưng có biết đâu, trong gia đình tôi, một nửa tham gia phụng sự chế độ Mỹ – Ngụy “ác ôn”, một nửa là cách mạng, chủ thể giải phóng dân tộc thoát khỏi “những nỗi đau dằng dặc”. 

Hôm qua, khi thấy những người bạn đổi avatar hình hoa sim, share nhau những câu chuyện về chiến tranh Trung-Việt, biết niềm hân hoan của họ khi thấy báo chí năm nay đăng nhiều bài kỷ niệm, tôi thấy tội nghiệp cho họ và cho cả chính mình, và thấy rằng thái cảm đó chẳng có gì thái quá. Bởi, 42 năm qua, không cần đợi đến 30.4, thì mở tivi lên, bất kể ngày nào, cũng có đài nhắc đến đế quốc Mỹ, bọn Ngụy quyền, và đến dịp lễ lạc, tiền bạc được tung ra tổ chức trọng đại lắm. 

Nếu như cuộc chiến biên giới Tây Bắc, nó nằm trong sách giáo khoa, nó có ngày kỷ niệm, thì thái cảm của đa số người dân cũng sẽ giống như câu chuyện 1.000 năm chống Bắc thuộc, 100 năm chống Phú Lang Sa, 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nó sẽ rất bình thường, 17.2 cũng sẽ như 30.4, như 2.9, như 7.5… 

Nhưng, phía sau cuộc chiến đó là muôn vạn điều bất thường: 

– Bởi cuộc chiến đó kéo dài những 10 năm từ 1979 cho đến 1989, 

– Từ khi ông Lê Duẩn không còn là Tổng Bí thư, mọi thứ đi vào quên lãng, kể cả lúc cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, 

– Không có lấy bất cứ một bài học, một nội dung về nó trong sách giáo khoa, từ tiểu học cho đến đại học, 

– Đã có thời, nhắc đến nó cứ như nói chuyện húy kỵ, đụng đến nhà vua.
… 

Ngày hôm qua, tôi đọc hàng trăm status về chiến tranh Việt – Trung, tôi chả thấy bất kỳ sự kích động thù hằn, chỉ toàn là những câu chuyện bi thương, những dữ kiện chưa từng được nhà nước giải mật. 

Sự ẩn ức trong lòng, nó giống cảm giác thái quá khi được bộc lộ, nhưng, chính những giải bày bằng con chữ, bằng những động thái tôn trọng quá khứ, là một điều tốt để vết thương của dân tộc sớm lành. 

Người ta sẵn sàng giáo dục những điều dối trá cho hằng bao thế hệ, người ta sẵn sàng tìm môi trường sống mới ở một quốc gia mà họ từng tuyên là kẻ thù, và ở đó, họ quay lại khuyên bảo nhân dân quốc nội: đừng thái quá, chiến tranh là đau thương. 

Vâng, không dân tộc nào đau thương và đầy kinh nghiệm với chiến tranh như Việt tộc. Nhưng không có dân tộc nào, mà những kẻ ở thượng tầng sẵn sàng xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác, như ở dân tộc này. 

17.2 rồi cũng sẽ qua, con người ta lại tiếp tục với cơm áo gạo tiền, đối đầu với những bất cập, bất công mà hệ thống hiện hữu đã, đang tạo ra, hoặc tạo điều kiện để nó phát sinh. 

Nhìn cách người dân tưởng nhớ, kỷ niệm quá khứ, chỉ là thấy thương họ hơn, tội nghiệp họ hơn, chứ không phải là ngồi đâu đó cách nửa vòng trái đất để rồi thấy họ thái quá hay húng chó. 

Có cơ hội để nhìn lại lịch sử, nhìn lại sự thật, là có cơ hội để trưởng thành hơn. Quốc gia và dân tộc, bắt đầu từ những con người cụ thể.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: