Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Rex Tillerson, biển Đông và cơ hội cho Việt Nam


Cựu chủ tịch ExxonMobil , ông Rex Tillerson, tại phiên điều trần. Ảnh: Getty


Hồi thăm Trường Sa (4-2016), một người đi cùng biết tôi ở Mỹ hỏi đi hỏi lại, sao Mỹ không đưa các giàn khoan vào thăm dò dầu ở biển Đông, ý nói Mỹ vào thì Trung Quốc sẽ chùn bước.

Tôi có nói, chính phủ Mỹ không thể “sai” các công ty được. Tuy nhiên, nếu Mỹ có chiến lược dài hơi tại biển Đông thì các công ty sẽ quay lại. Tôi không biết Exxon Mobil có mặt từ năm 2008.
Tỷ phú Trump lên ngôi, mọi chuyện đã thay đổi. Các chức vị quan trọng được giao cho những người biết làm ăn.
Mấy hôm trước, theo dõi phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng Mỹ, thấy ông Rex Tillerson, ứng viên chức này, bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ khi được John McCain hỏi về biển Đông.
Ông nói, Trung Quốc phải bị chặn đường tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ xây lên ở Biển Đông có tranh chấp khi so sánh hoạt động này như việc Nga cưỡng đoạt Crimea của Ukraine.
Khi được hỏi liệu có ủng hộ một cách tiếp cận mạnh hơn với Trung Quốc, ông Tillerson trả lời: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, việc xây đảo phải dừng lại, và thứ nhì là việc quý vị tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép”.
Nghe ông trả lời, xem vẻ mặt, Tillerson giông như chính khách ngoại giao chuyên nghiệp đã nhiều năm, cho dù ông chuyên về khai thác dầu. Thông thạo các điểm nóng, hiểu vấn đề, nói đâu vào đấy.
Cùng ngày trong buổi điều trần, tướng hải quân về hưu là James Mattis (nick mad dog – chó điên), ứng viên cho chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng có những lời lẽ không kém mạnh mẽ về biển Đông.
Phát biểu của cựu chủ tịch kiêm TGĐ điều hành của hãng Exxon Mobil làm Trung Quốc rất tức giận. Tờ Hoàn Cầu thời báo đã nói về cuộc chiến.
Tờ Foreign Policy cho hay, năm 2008, công ty này từng bị Trung Quốc dọa với những hậu quả nghiêm trọng nếu không rút khỏi dự án khai thác dầu đối tại thềm lục địa của Việt Nam mà Trung Quốc nói nằm trong đường chín đoạn (lưỡi bò) thuộc Trung Quốc.
Các công ty nổi tiếng khác như BP, Chevron, ConocoPhillips…vội vã chuồn nhưng riêng Exxon Mobil vẫn ở lại cho đến hôm nay.
Như vậy quyền lợi của Mỹ tại biển Đông không chỉ có lưu thông hàng hải mà còn là chiến lược bao vây Trung Quốc và cả dầu hỏa mà chính Rex Tillerson từng phải đương đầu với nước tham lam này.
Trong cương vị Ngoại trưởng cùng với “mad dog” James Mattis, chắc chắn Rex Tillerson sẽ khuấy động biển Đông. Trump cũng đánh tiếng để đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius tiếp tục nhiệm kỳ mà không phải về nước như các đại sứ khác.
Rex Tillerson ngồi ghế ngoại trưởng chắc chắn sẽ giúp Exxon nhiều hơn tại biển Đông vì ông “ngửi mùi tiền” nhanh hơn bất kỳ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp khác.
Năm 2008 ông đã để giàn khoan của Exxon Mobil đối đầu với Trung Quốc thì lần này ông sẽ ra tay nặng hơn.
Đó chính là tín hiệu và thời cơ tốt cho Việt Nam.
Trong bối cảnh chính quyền Trump đang bận với nhân sự, chuyển giao quyền lực, tổng thống mới đang bị “ném đá”, việc TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc tại thời điểm này được coi là nhậy cảm.
Vì chuyến công du của TBT tới Bắc Kinh nên Ngoại trưởng John Kerry sang Hà Nội không được người đương nhiệm của Việt Nam là Bộ trưởng Phạm Bình Minh đón cũng là một điều đáng tiếc khác.
Những người hết lòng với Việt Nam như John McCain, John Kerry, là kho báu cho quan hệ hai nước. Trump có thể dựa vào những người mới nhưng tiếng nói của các vị này vẫn còn nguyên giá trị.
Nước nhỏ phải đi dây trong ngoại giao nhưng đi dây cũng tùy thời điểm nhất là lúc gió chưa lặng dễ bị ngả nghiêng.
HM. 14-1-2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: