Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Một Châu Á Đang Chờ Donald


Tác giả: David Brown
Dịch giả: Trần Văn Minh
13-1-201Một khu vực tự quyết định hướng đi của riêng mình, không dựa vào lãnh đạoWashington
Khi Donald J. Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng Giêng, chúng ta sẽ vẫn còn phải phỏng đoán tweet nào của ông báo hiệu ý định thực sự và tweet nào chỉ đơn giản là chiến thuật, san bằng sân chơi trước khi tiến tới thỏa thuận, rõ ràng là phương cách ưa thích của Trump trong kinh doanh.
Dựa trên những bằng chứng cho đến nay, các nhà quan sát chỉ có thể hy vọng rằng Tổng thống đắc cử và tùy tùng của ông ta sẽ thực thi cách tiếp cận chính sách chặt chẽ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Rõ ràng đội ngũ mới ở Washington có ý định thay đổi hành vi của Bắc Kinh. Chắc chắn Trung Quốc đã chú ý tới, đến nỗi đưa tàu sân bay Liêu Ninh mới vào eo biển Đài Loan.
Tổng thống đắc cử đã nói chuyện về việc xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ và ông đã gọi điện thoại cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Và, cũng trong thời gian đó còn một đám đông tranh nhau để được sự đề cử của đảng Cộng hòa, Trump đã khẳng định rằng Trung Quốc “đang xây dựng một pháo đài, loại mà thế giới có lẽ chưa từng nhìn thấy” ở Biển Đông “bởi vì họ không tôn trọng tổng thống (Obama) của chúng ta”.
Thật kinh ngạc khi vào ngày 11 tháng Giêng mới đây, Rex Tillerson, được Trump chọn vào chức Bộ trưởng Ngoại giao, nói với các nghị sĩ rằng “chúng ta phải gửi Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước hết, việc xây dựng đảo phải ngưng lại, và thứ hai, quyền sử dụng đường đi đến các đảo này cũng sẽ không được cho phép.”
Tillerson, Giám đốc điều hành lâu năm của công ty dầu khí khổng lồ Exxon-Mobil, đã không giải thích làm cách nào để thực hiện điều này. Phản ứng tức thời từ Trung Quốc có vẻ thách thức, như thường thấy.
(Gần như đơn độc trong số các công ty dầu khí đa quốc gia, Exxon đã bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc sẽ loại trừ họ ra khỏi các công trình trong hoặc ngoài khơi Trung Quốc nếu vẫn cố làm việc với Việt Nam trong vùng ‘Biển Nam của Trung Hoa (tức là Biển Đông’). Conoco-Phillips, Chevron và BP thoái vốn khỏi các dự án khoan dầu ở VN vài năm trước đây, nhưng Exxon, trong sự hợp tác với PetroVietnam, tiếp tục thăm dò những lô dầu khí ngoài khơi bờ biển miền trung của Việt Nam.)
Các nhà quan sát Mỹ ở Trung Quốc có thể hy vọng rằng, lời hứa của Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề thương mại chỉ cùng lắm là lời hô hào trong chiến dịch tranh cử. Thật vậy, nếu phản bác Trung Quốc là ý định thực sự của tổng thống mới, họ chắc phải thắc mắc tại sao ông cũng cam kết sẽ “rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”, một “hiệp ước thương mại của thế kỷ 21”  loại trừ Trung Quốc, được cho là nước thiên về chủ nghĩa trọng thương mại.
Chúng ta biết rằng Donald Trump không kiêng nể những tiền lệ. Đặc biệt, ông ta sẽ phá rào trong chính sách ngoại giao thương mại. Trong sự cam kết nghiêm túc sẽ trừng phạt Trung Quốc do “ăn cắp công ăn việc làm của Mỹ”, chúng ta hy vọng tổng thống mới sẽ hành xử cứng rắn. Điểm số năm trong kế hoạch cải cách chính sách thương mại bảy điểm của Trump là sử dụng thuế quan và các biện pháp trừng phạt để buộc Trung Quốc phải để cho đồng nhân dân tệ tăng lên theo giá thị trường. Điểm số sáu tố cáo Trung Quốc trợ cấp cho các công ty nhà nước khổng lồ của họ tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Có thể nào một kết quả tốt đến từ tất cả các điều này? Phải chăng sự chú trọng ngây thơ của tân tổng thống về cán cân thương mại song phương bất quân bình với Trung Quốc chính là bằng chứng rằng ông ta không hiểu kinh tế thế giới hoạt động trong thế kỷ 21 như thế nào? Hay phải chăng sự chú trọng ngây thơ đó chứng tỏ nhận thức của ông rằng nhiều, nếu không phải là đa số, người Mỹ xem “Trung Quốc” như một biểu tượng cho một nền kinh tế toàn cầu hóa không ngừng nghỉ? Phải chăng Trump thắng cử vì ông giỏi hơn so với tất cả các đối thủ, hiểu rằng mặc dù những người ủng hộ ông có thể có khái niệm mơ hồ về ‘toàn cầu hóa,’ nhưng họ khá chắc chắn rằng sự toàn cầu hóa ấy đang hủy hoại cuộc sống của họ?
Tôi đã lập luận trong một bài báo đăng trên Asia Sentinel trước đây rằng một khi đảm nhận trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia, ông Trump có thể, và không ngượng ngùng, sẽ đạo diễn một cuộc tái thương lượng mang tính thẩm mỹ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. “Sửa đổi” TPP, là sản phẩm của 6 năm đàm phán khó khăn, sẽ đỡ gây tranh cãi hơn, thay thế với một loạt ít nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương. Thủ tướng Abe của Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ. Thành viên nào trong số 11 nước “dám nói xấu nhà vua” nếu ông ta đi vào con đường cứu vớt hiệp ước mang tính cột mốc?
Một chiến lược táo bạo hơn cho đội ngũ của Trump có thể là thương lượng được một thoả thuận to lớn với Trung Quốc về quỹ đạo chính trị-kinh tế của Châu Á. Đây là một vấn đề mà họ nên tìm kiếm. Bằng cách lấy lại một số lời lăng mạ vô cớ Bắc Kinh của chính quyền Obama, rất có thể là Tổng thống Trump và đội ngũ có thể thiết lập lại mối quan hệ Washington-Bắc Kinh theo chiều hướng tích cực.
Giống như tất cả những người tiền nhiệm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chính quyền Obama muốn lãnh đạo, không phải tham gia vào một cuộc diễu hành. Quốc gia đã thiết kế cấu trúc toàn cầu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã tỏ ra ít quan tâm đến các sáng kiến đa phương của những nước khác. Không kém gì những người tiền nhiệm, các nhà đàm phán của Tổng thống Barack Obama vẫn thiên về hội chứng “không được làm ở đây”. Sự xấu xa này có ảnh hưởng đến lập trường của họ vào ba sáng kiến hiện nay. Hai là của Trung Quốc và thứ ba bắt nguồn với nhóm 10 quốc gia ASEAN.
OBOR – Một vành đai, Một con đường – là kế hoạch 4 nghìn tỷ Mỹ kim của Trung Quốc để cải thiện đường biển và đất liền giữa Đông Á và Châu Âu và tất cả những địa điểm liên quan. AIIB là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á – một sự bổ sung ‘sản xuất ở Bắc Kinh’ cho hàng loạt các các tổ chức đa phương từng cứu xét và tài trợ cho những dự án phát triển kinh tế. RCEP, Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, là chương trình cắt giảm thuế thông thường mà ASEAN đã đề cập tới vào cuối năm 2012. Gần đây, hiệp ước này nổi lên như hiệp định thương mại đa quốc gia, gồm Trung Quốc. Khi Trump và sau đó là đối thủ đảng Dân chủ của ông, Hillary Clinton, càng muốn quăng TPP vào thùng rác, RCEP càng trở nên giống như một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà thương mại tự do khu vực.
Mười sáu nước – 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ – đã đàm phán RCEP từ năm 2012. Hiệp ước bắt đầu như một đề xuất để mang lại trật tự cho một mớ hỗn độn các hiệp định thương mại tự do song phương chồng chéo, nhưng dần phát triển trở nên có tầm vóc và tham vọng. Từ đầu đến cuối, Mỹ đã hạ mình về bữa tiệc mà họ không được mời. Các viên chức về chính sách thương mại của Tổng thống Obama cho rằng, kế hoạch RCEP “không thực sự là một thỏa  thuận thương mại”, vì hạn chót được đưa ra về vấn đề tuân thủ là bất định. Họ còn cho rằng RCEP không ngăn cản sự thiên vị phía chính quyền đối với các doanh nghiệp nhà nước, cũng chẳng đáp ứng tiêu chuẩn của thế kỷ 21 về quyền lao động và việc bảo vệ môi trường. Có lẽ thế, nhưng nếu TPP chết, RCEP trở thành trò chơi duy nhất còn lại trong khu vực.
Nếu chính quyền Trump thể hiện sự quan tâm thân thiện trong việc đàm phán RCEP, họ có thể tiếp sức cho những nỗ lực của một số đối tác đàm phán RCEP nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn về sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiến trình giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Họ có thể trợ giúp cho những nỗ lực để hình thành các quy định chung về vấn đề xuất xứ, sẽ giúp việc hợp nhất những chuỗi cung ứng (supply chains) xuyên biển giới của các thành viên.
Phải rồi! – Tổng thống Trump không thích các hiệp định thương mại đa phương. Phải chăng sẽ giúp thức tỉnh ông ấy nếu RCEP được hiểu như là một viên gạch nền tảng trong một nỗ lực lớn hơn nhiều, sự hợp nhất kinh tế của Âu Á?
OBOR và AIIB nhắm xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, chuyển tải điện lực và thông tin liên lạc của cả vùng Âu Á. Trên nguyên tắc, có gì không thích về ý tưởng này? Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp nhà nước có kỹ năng cao trong việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường ống, bến cảng, trạm điện lực và đường dây cáp quang. Các công ty Mỹ có cùng nhiều kỹ năng tương tự, cũng như những kỹ năng khác. Một số doanh nghiệp xây dựng thuộc các nước thứ ba cũng vậy. Phải chăng cùng làm việc với nhau để kết nối các dấu chấm xuyên Âu Á có thể là một thắng lợi cho tất cả các bên liên quan?
Mặc dù vậy, các viên chức chính quyền Obama vẫn gạt bỏ những đề án của Trung Quốc về “Con đường tơ lụa mới” (OBOR) và Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Á Châu của họ. Theo họ, Trung Quốc không thực sự có đủ năng lực để dẫn đầu các đề án như vậy, ngụ ý với ngôn ngữ cử chỉ rằng Bắc Kinh vẫn không đủ nhân ái, không có tư tưởng đủ rộng rãi, và không đủ nhạy cảm về văn hóa. Lập luận của Mỹ lần này rơi vào khoảng không. Những người bạn và đồng minh của Mỹ đã không xếp hàng theo sau; ngược lại, tất cả, ngoại trừ Nhật Bản, đã vội vã tham gia vào AIIB.
Đúng vậy, kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối do thặng dư lớn trong các ngành công nghiệp trọng yếu như thép và xi măng. Trung Quốc có một kho dự trữ khổng lồ về ngoại tệ. Bắc Kinh thiết kế AIIB và OBOR để tạo ra lối thoát cho cả hai vấn đề. Họ xem các sáng kiến này như chìa khóa để mở nguồn cung ứng tài nguyên thiên nhiên (chính là dầu khí) mà kinh tế phải có để tiếp tục phát triển. Và, tất nhiên, Trung Quốc muốn chứng tỏ khả năng của mình, xây dựng tầm vóc và mở rộng ảnh hưởng. Kẻ ham muốn quyền lực nào không muốn vậy?
Gal Luft viết trên tờ Foreign Policy tuần này rằng “sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng của thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, là đáng báo động. Đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, một phần ba nhân loại vẫn còn thiếu điện thường trực và vệ sinh cơ bản; hơn một tỉ người không có dịch vụ điện thoại đáng tin cậy”. Nói cách khác, còn rất nhiều việc để nhiều nước làm.
Vậy thì tại sao chính quyền Trump không nghĩ tới ý tưởng hỗ trợ chương trình OBOR của Trung Quốc và tham gia AIIB? Hội nhập các nền kinh tế của Âu Á và đưa họ vào thế kỷ 21 không cần phải là trò chơi kẻ được người mất và Hoa Kỳ không cần phải là người đứng đầu đội bóng. Thực hiện đúng, OBOR có thể triệt để cải thiện phúc lợi của rất nhiều người trong khu vực trung tâm rộng lớn của đại lục. Đây là một công việc khổng lồ, quá lớn cho một mình Trung Quốc, có hoặc không có sự giúp đỡ từ bàn tay vô hình của thị trường. Thách thức trước mắt là để Bắc Kinh, với sự giúp đỡ của Washington và Moscow, xây dựng một cái lều lớn – đủ lớn để phục vụ cho các tham vọng kinh tế của tất cả, bao gồm công ty của Ấn Độ và Nhật Bản, Australia và Âu Châu nữa.
Từ quan điểm chiến lược, kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc rõ ràng là mối quan tâm lớn của Nga và Ấn Độ. Tầm nhìn OBOR cũng có vấn đề từ khía cạnh phát triển, trừ phi Bắc Kinh cải tiến trò chơi của họ. Các công ty nhà nước của họ dường như điếc trong sự tôn trọng văn hóa địa phương, quyền lao động và bảo vệ môi trường. Trong rất nhiều dự án kinh doanh ở nước ngoài, họ hối lộ nhiều, kêu giá thầu thấp và làm việc kém chất lượng.
Có thể hình dung, Trung Quốc sẽ học từ từ, và dần trở nên bức tường thành của hiệp hội toàn cầu. Mọi nước khác, và đặc biệt là Mỹ, có lý do để hỗ trợ sự tiến hóa như vậy.
Cũng không phải là quá xa vời. Cách đây không lâu, công nhân ngành xe hơi của Mỹ đã sử dụng búa tạ đối với Toyota. Khi đó, các nhà đàm phán thương mại Mỹ lên lớp với đối tác Nhật Bản, một mặt, về sự ngoan cố của Nhật trong chuyện chú tâm vào xuất khẩu các sản phẩm được cho là có chất lượng cao, và, mặt khác, ngăn chặn hàng hóa nước ngoài nhập vào.
Giống như những hô hào của GS Peter Navarro, cố vấn của Trump, gần đây về Trung Quốc, diều hâu thương mại thời đó đã cảnh báo Tổng thống (Reagan, và sau đó là Bush cha) rằng Nhật Bản đang giành phần ăn trưa của Mỹ. Đang ở trên cao của “kinh tế bong bóng”, Tokyo không có tâm trạng để lắng nghe lời khuyên nhủ của người Mỹ về cải cách cơ cấu, cho đến khi, vào năm 1992, bong bóng nổ tung.
Cần phải mất một phần tư thế kỷ với nhiều nỗ lực để hồi sinh và tái cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản. Trớ trêu thay, bây giờ chính Tokyo là nước sẵn sàng nhất để hợp tác với Mỹ nếu Washington lôi kéo Bắc Kinh vào cuộc đối thoại về mục đích và tiêu chuẩn phát triển. Có lẽ cả những người của Trump và đối tác Nhật Bản có thể bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu dạo nầy có khuynh hướng giảng thuyết nhiều hơn cho vay tiền xây dựng.
Nếu Tổng thống Trump quan tâm đến ảnh hưởng cách làm việc của Trung Quốc, Washington phải đặt lên bàn một số năng lực sáng tạo, triển khai theo cách thức khuyến khích sự tưởng tượng của Trung Quốc và làm giảm bớt sự nghi ngờ về động cơ của Mỹ. Bắc Kinh có thể phản ứng bằng cách nhìn nhận rằng viễn tượng hội nhập Á-Âu là quá rộng lớn và quá táo bạo, đúng vậy, họ thực sự cần đối tác nước ngoài và kỹ năng của họ góp phần vào kế hoạch. Sau đó, bầu trời là giới hạn.
Sẽ không dễ dàng để có được sự “đồng ý” trong cuộc đối thoại với Bắc Kinh về các vấn đề sẽ xác định phần còn lại của thế kỷ. Tuy nhiên, việc ông Trump nhậm chức Tổng Thống làm cho điều này có khả năng xảy ra. Mục tiêu của các nhà đàm phán của Mỹ nên có tính cách thực dụng và hợp tác trong tinh thần xây dựng, được hình thành bởi những quy tắc tạo nên một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước tham gia vào sáng kiến OBOR.
Đó là một kết cuộc khả dĩ vì Trump và những người cố vấn cho ông về Châu Á đã xé rách kịch bản cũ. Hầu như bất cứ điều gì cũng có thể trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Trump. Được dẫn đầu bởi Đại diện Thương mại Mỹ Bob Lighthizer, người với vai trò phó đại diện đàm phán thương mại Mỹ trước đây 25 năm đã dàn dựng một cấu trúc đối thoại tương tự với đối tác Nhật Bản, đội ngũ mới sẽ cố gắng làm cho hình tròn thành vuông trở lại. Họ sẽ nhắm bảo vệ lợi ích của Mỹ trong vùng Âu, Á ngày càng hợp nhất và năng động khuyếch trương, trong khi vẫn giữ cam kết của tổng thống mới trong việc cứng rắn với Trung Quốc.
Có lẽ Washington có thể thực hiện được điều này, nếu Bắc Kinh thấy kết quả – đối tác kinh tế tôn trọng lẫn nhau – thật hấp dẫn đến nỗi việc bán phá giá các sản phẩm dư thừa, thống trị các tuyến đường biển hay bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn trở thành một sự chuyển hướng tương đối nhàm chán, đối với Bắc Kinh.
David Brown, cựu viên chức ngoại giao, viết thường xuyên về Việt Nam và những chủ đề khác cho báo điện tử Asia Sentinel.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: