Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Cõi phúc


Truyện ngắn của Hồng Giang
Nhiều người bảo Thắm nên về. Bỏ hắn là nàng có tội. Đời này, kiếp này nợ ấy không trả hết..
Mấy kiếp nữa có thể cũng không hết.
Nàng thấy khó quá.
Nhớ những ngày đã qua..
Những việc hắn làm, có việc còn hằn sâu vết thương lòng, chưa biết đến bao giờ mới khỏi ?
Nhưng, để hắn sống như thế kia lòng Thắm không nỡ. Áy náy, day dứt như chiếc dằm vướng trong da thịt.
Mấy hôm nay trời mưa rét. Cuối tháng giêng, đầu tháng hai rồi mà cái rét chưa dứt. Tê tái người. Lại thêm mưa phùn, gió bấc làm bạn, cái rét càng đáo để.
Nàng áo trong áo ngoài, tất chân, tất tay vẫn không chịu được.
Thế mà hắn ngoài cái áo bludon rách nhặt được, cộc đến khỉu tay, chỉ thêm mỗi mảnh áo mưa nát, thủng lỗ chỗ. Hắn nhặt đâu được đôi bata cũ không cùng cỡ, thủng thò cả ngón chân ra ngoài. Cái quần bò lươm tươm hai ống không đều nhau. Trùm lên tất cả những thứ đó là cái áo bạt kiểu sĩ quan quân đội mục hết chỉ may, gió cứ thổi mỗi mảnh hướng về một nơi, chả khác gì con bù nhìn ở cánh đồng dưa ngoại thành..
Hai tay hắn khoanh trước ngực, mặt hất về phía trước. Đấy là dấu vết của thời oanh liệt còn sót lại. Mắt hắn nhìn trống rỗng như chẳng nhìn gì cả. Như thiên hạ chẳng còn ai. Có còn ai cũng không đáng nhìn.
Kiêu ngạo một cách hư đốn và bẩn thỉu.. Đấy là lúc hắn bình thường, không nổi cơn điên..
Chiều hôm trước, khi nàng đứng ở chỗ này nàng đã thấy tất cả. Hắn là thằng điên không giống bất cứ thằng điên nào ở trên đời.
Nhiều năm không gặp, khi nghe kể, nàng không nghĩ hắn phát điên như thế. Hắn bỏ đi đâu đó, bây giờ mới về..
Hắn nhìn khắp lượt kệ hàng xếp đủ thứ linh tinh một lượt. Ấm sứt vòi, tách đứt quai, lon nhựa, hộp thiếc, phích nước hỏng, chén đĩa..Chiếc bàn là hỏng đôi dép, mấy chiếc giày cũ đủ cỡ..Toàn những thứ hắn lượm không biết từ đâu về. Được cái thứ nào cũng lau chùi sáng bóng, nom còn đẹp hơn các thứ hắn đeo trên người.
Mớ hàng hoá lộn xộn ấy hắn xếp thật khéo léo, dựa vào góc tường phía ngoài chợ Tam Dân. Khéo đến nỗi lão thợ khâu giày phía bên kia đường lúc rảnh rỗi ngó sang, phải thán phục và có ý ghen tỵ.
Xếp đẹp thế mà cả ngày chả có ma nào hỏi mua hay hỏi bán bất cứ thứ gì.. Nhìn một lúc lâu, như thể bị hoa mắt, hắn ngồi thụp xuống. Hai tay ôm lấy mặt, hắn khóc. Nức lên như cha mẹ chết, vợ bị đi tù hay là con nhảy xuống sông tự vẫn..
Rồi tự nhiên hắn vùng dậy, như chợt nhớ ra, hắn gào lên “ Tiền của tôi đâu ? Tiền của tôi đâu ?”.
Hắn cuống cuồng lục chiếc cặp da đứt quai, lấy ra tập tiền.
Cũng đủ Việt Nam đồng, Đô la Mỹ, Nhân Dân Tệ.. Chỉ có khác đấy toàn là tiền âm phủ.
Đợt lũ từ bao giở, bao giờ hàng mã không chạy kịp, bị ướt, không bán được nữa người ta bỏ đi. Hắn nhặt về, vuốt lại ngay ngắn, thành từng tệp buộc dây thun đàng hoàng.
Hắn đếm.
Tiền mệnh giá nào theo mệnh giá ấy..
Lúc sau hắn ngẩn người lẩm bẩm : “ Mẹ nó, đúng là bị rút lõi rồi..”
Rồi quát vu vơ : “Đứa nào lấy của ông muốn sống mang trả ngay”. Hắn nhìn quanh như để tìm kiếm, doạ vu vơ : “Truyền đời cho chúng bay biết, của ăn không ăn hỏng là không có bền. Ông mà vớ được thằng nào cứ liệu thần hồn..Chưa biết mặt hàng này à? Hơ.. hơ.. ơ ơ”
Đột nhiên hắn co người, nhảy phắt ra đường như đồng vừa nhập vào hắn. Hắn hú hét, đi quyền. Vài đường “hổ quyền”, “hầu quyền”, cả “thần quyền” nữa. Chân tay múa may, miệng thổi phù phù như rắn thổi lửa.
Hắn như không còn là hắn nữa. Cái thân hình bệu xệu thường ngày biến mất nhường cho một dáng hình nhanh nhẹn, ma quái.
Múa võ chán, hắn chạy quanh khu đồ hàng quái dị của mình.
Ngồi thụp xuống. Lôi mớ mảnh chai, mảnh sành ra nhai rau ráu. mắt hắn sáng lên như đang ăn món khoái khẩu, hai mép máu nhờn nhợt màu hồng ứa ra..
Thắm trông thấy mà rùng mình.
Thấy sợ.
Không biết rồi hắn còn sống thêm được bao nhiêu ngày trong tình trạng này ?
Hắn chết, các con cô sẽ mồ côi cha.
Nhưng đón hắn về cuộc sống liệu sẽ như thế nào ?
Cô đang nghĩ ngợi thì xe đổ rác tới. Từ các ngả, xe thùng nườm nượp kéo ra. Gầu vét rác tự động dồn tất cả rác rều vào khoang, nén chặt như bó giò. Mùi tanh tưởi, hôi nồng toả ra không chịu nổi.
Hắn từ bên kia đường, như tỉnh giấc mơ nhảy cào cào, chen vào giữa tiếng quát mắng của đám công nhân môi trường. Hắn chỉ nhe răng cười, lại cười rất hiền nên chẳng ai làm gì hắn.
Người ta vẫn để hắn dùng cái móc sắt kều những gì hắn thích từ trong thùng xe, trước khi người ta đưa nó lại gần chiếc xe chuyên dùng.
Thắm sợ người nào đó nhận ra mình, cô len lén đi ra lối bờ sông.
Chiều hôm ấy trở giời. Đêm có mưa. Cả đêm Thắm không sao nhắm mắt được. Không biết lúc đó, hắn, người chồng cũ của cô đứng vào chỗ nào?
Cô lặng lẽ lấy áo mưa, đạp xe ra chỗ hắn.
Bốn bề vắng lặng. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy vội vã qua đường. Mưa gió thế này chỉ có người điên mới đi ra đường.
Đúng vào hôm cắt điện, góc chợ chỗ hắn ngồi tối om.
Thắm đột nhiên phát hiện chỗ hắn ngồi có thứ ánh sáng rất lạ. Không phải ánh điện, ánh đèn..
Ánh lân tinh từ các đồ đạc ẩm mốc lâu ngày, từ áo quần hắn phát ra thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo, xanh lè như ánh đuốc ma.
Thắm sợ.
Cô vội quay về.
Chao ôi cũng một kiếp người !
Mới ngày nào, hắn, chàng trai kiêu hãnh. Đẹp trai. Giỏi ăn nói nhất đất này. Chân cầu thủ có hạng của đội tuyển thành phố..
Nhất là gia đình cự phú, đại gia thời bấy giờ, có tiếng là cho vay nặng lãi, dính dáng xã hội đen. Nhiều nghi án.. Nhưng rồi lưng vốn tràn, chông gai nào nhà ấy cũng vượt qua, nhà ấy chả hề hấn gì.
Về làm dâu nhà ấy ai cũng bảo nàng có phúc, lấy được chồng giàu sang, hào hoa có tiếng đất này..
**
Thắm không phải người ở đây. Gốc gác cha mẹ nàng là dân vạn chài, cứ ở đâu có sông có nước, ở đấy là quê hương.
Bến Đền Hạ này cũng có thời bố mẹ nàng tá túc.
Ngày ông bà mới lấy nhau, cứ theo con nước, chiếc thuyền nan nhỏ của hai người đi mãi. Ngày thả lưới. Tối giăng câu. Tiện đâu, mệt thì nghỉ đấy.
Một cuộc gặp gỡ tình cờ với người đồng đội của bố làm thay đổi cách sống của gia đình cô. Ông ta đang có chân trong ban lãnh đạo thị trấn Vĩnh Lộc. Ông muốn thể hiện tình đồng chí đã từng vào sống ra chết có nhau, có ý tốt giúp bạn thay đổi cuộc sống lênh đênh, nay đây mai đó..
Bố mẹ Thắm lên bờ cất nhà nhờ vào sự may mắn bất ngờ này.
Người khác có tiền chưa chắc đã có được chỗ ở tốt như nhà Thắm bây giờ.
Hồi đó sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn không như ngày nay. Nông thôn miền núi chưa là đối tượng xoá đói giảm nghèo. Ở đó quản lý xã hội, đất đai còn lỏng lẻo tuy cũng làm ăn tập thể nhưng vẫn dễ xoay trở hơn nơi tập trung dân cư đông đúc, thiếu việc làm.
Người ở thị xã, thị trấn vẫn len lỏi nhờ vả, mượn đất người vùng sâu vùng xa để tăng gia.
Bố mẹ Thắm vẫn làm nghề chài lưới vì thị trấn ở sát mép sông. Chỉ có khác trước là có thêm mảnh vườn để trồng rau nuôi gà.
Người bạn đồng ngũ của bố Thắm chính là bố hắn.
Hai người ngay từ hồi Thắm còn bé, đã từng hứa hẹn sau này làm thông gia với nhau.
Mấy năm sau ông chuyển công tác về thành phố này, lúc đó vẫn còn là thị xã nghèo.
Gọi là thị xã, nhưng vẫn nhà cửa đơn sơ, thưa thớt chẳng khác thị trấn Vĩnh Lạc của nàng bao nhiêu.
Ngay cả lúc đó nàng cũng chưa gặp hắn lần nào.
Mãi sau này, bố Thắm bị bệnh thấp khớp, hai ông bà mới bỏ nghề chài lưới, mở sạp tạp hoá trong chợ Vĩnh Lạc.
Thỉnh thoảng Thắm theo mẹ về chợ thị xã cất hàng. Có hôm nhỡ tàu, phải nghỉ lại, mẹ đưa Thắm vào nhà hắn, là chỗ quen biết, tin tưởng.
Hắn đã học lên cấp ba, còn Thắm vì gia đình khó khăn đã nghỉ học được mấy năm.
Bữa cơm, bố hắn lại nửa đùa nửa thật nhắc lại câu chuyện cũ. Mẹ Thắm chỉ cười không nói gì. Còn thắm xấu hổ đỏ bừng cả mặt, ăn vội bát cơm rồi đứng dậy không dám ngồi lâu.
Hắn thì chả nói gì, chỉ nhìn nàng với cặp mắt tò mò. Có lẽ lúc đó hắn còn tính trẻ con, lúng túng chưa biết tán tỉnh , chuyện tình cảm trai gái vẫn là cái gì đó chưa quen.
Sau này buôn bán cởi mở hơn, hết cảnh cấm chợ ngăn sông. Hàng hoá người ta mang ô tô đem đến tận nhà, những nhà bán buôn không phải cất công đi lấy hàng như trước.
Thắm cũng ít có dịp về thị xã.
Bẵng đi vài năm, hai nhà không có dịp qua lại với nhau..
**
Có một lần, sau bữa cơm tối, bố nàng bảo:
- Nhà bác Lộc (Bố của hắn) bây giờ khác lắm. Nếu bác ấy không ra mở cửa tao không dám nghĩ đấy là nhà bác ấy. Không phải như hồi bố con mình về đâu. Nhà bây giờ xây năm tầng lầu. Bác ấy không còn làm ở cơ quan nhà nước nữa, mà mua hai chiếc xe khách chạy đường dài. “Mở cửa” rồi, không biết ngày xưa các ông, các bà ấy giấu diếm cách gì mà vừa mới bung ra đã lắm tiền như vậy? Lương cán bộ thời bao cấp ba cọc ba đồng. Ở trên này về mua đất bác ấy còn phải vay mượn tứ tung..Thế mà mới có ít năm, thay đổi một trời một vực..Hay là ở dưới đấy làm ăn dễ hơn ở trên này ?
Thắm nghe. Cô không nói gì. Việc chẳng liên quan đến mình. Để ý làm gì ? Thời buổi bao nhiêu cái không thể, bỗng dưng thành có thể. Nhiều chuyện có nghe cũng không dám tin là thật. Cứ như chuyện bịa mà có thật trăm phần trăm. Tốc độ sống quá nhanh khiến nhiều khi người trong cuộc còn bối rối, chưa hiểu, nói gì người ngoài ?
Dù có thế nào, cũng là chuyện của gia đình bác ấy.
Thắm không ngờ sự thay đổi ấy, sau này lại liên quan đến mình. Mình lại là người chịu hậu quả của sự may mắn bất ngờ của gia đình hắn.
Giá như bố mẹ hắn vẫn là công chức nhà nước. Có thể hai ông bà ấy vẫn nghèo, nhưng mà yên ổn, đầm ấm.
Thắm cũng chỉ cần có thế. Không cần hơn. Không cần leo lên chót vót lên đỉnh để rồi phút chốc lăn nhào xuống vực.
Tình cảm con người là thứ phức tạp. Cái gọi là kiên định, lập trường chẳng qua là thứ nói gặp may. Khi nó chưa áp vào đổi thay dữ dội.
Đứng trên bờ chỉ thấy dòng sông mùa thu xanh ngát. Ai biết đâu người ta có thể chết chìm dưới đó một khi sơ xuất, sa đà?
Đám cưới Thắm nổi tiếng một thời. Lúc đó cô hãnh diện với bạn bè. Thấy mình thật là hạnh phúc. Một đoàn xe con thuê từ Hà Nội lên để nhà trai đi đón dâu.
Tiệc cưới suốt ba ngày, vang lừng tiếng nhạc, rực rỡ mầu hoa..Chi phí mấy chục cây vàng!
Chú dể sánh bên cô dâu như ông hoàng đi cùng bà chúa .
Ai ngước nhìn cũng phải trầm trồ, ước muốn, tủi phận mình..
Sau đêm động phòng, hắn kể cho Thắm nghe câu chuyện mà cha cô từng thắc mắc.
Nhưng khi đấy Thắm không để ý lắm. Câu chuyện vì sao mà nhà hắn tự nhiên khá lên dù sao cũng là chuyện đã qua. Chú ý quá đến chuyện tiền bạc cô sợ chàng tân lang coi thường.
Tình yêu bao giờ cũng bắt đầu bằng sự cao thượng và thăng hoa như thế..
Thắm không nghĩ câu chuyện hắn kể đêm tân hôn lại là dữ kiện của số phận cô sau này..
**
Một đêm sáng trăng suông, đã khuya, có một bóng người men theo bờ suối lên núi Đúm. Ông ta đi một mình, không đèn đuốc, nai nịt gọn gàng. Trên vai người đàn ông là chiếc xà beng ngắn, tay cầm con dao phát lối mở đường.
Người đó đi rất nhanh, tránh xa những chỗ còn sáng đèn khu ngoại vi thị xã.
Đêm hôm thế này chắc chắn ông ta không đi đào củ mài.
Chưa phải thời thừa thãi gì, nhưng bây giờ cũng không ai đói phải mò vào rừng kiếm cái ăn đêm hôm như xưa nữa.
Từ lâu rồi củ mài ở núi Đúm cũng không còn. Người ta đã gọi nó là củ “Hoài sơn”, một vị thuốc.
Ngay ban ngày cũng khó tìm chứ đừng nói gì đêm tối.
Vậy ông ta đi đâu ?..
Đường lên Đát ( tên gọi thác nước của dân địa phương) dọc theo lòng suối. Hai bên bờ những phiến đá đủ hình thù kỳ dị, nằm ngổn ngang. Có chỗ đá chặn ngang dòng nước từ trên cao đổ xuống tạo thành làn thác dội ào ào. Cảnh tượng ban ngày hẳn rất đẹp. Nhưng ban đêm mang vẻ kỳ bí, ghê rợn. Tiếng nước chảy dội vào vách núi như tiếng quỷ thần đang vần xuay cối xay lúa khổng lồ. Như tiếng một trận bão lốc đang từ phía sườn núi bên kia sắp bất ngờ đổ xuống..
Thỉnh thoảng có những phiến đá rêu phủ trơn tuột, khiến ông ta lao đao, chúi về phía trước muốn ngã.
Những năm tháng băng rừng thủa vượt Trường Sơn có lẽ giúp ông vượt qua trở ngại bày ra trước mặt.
Ông đã qua đát thứ ba, chỉ còn một thác nước nhỏ nữa là lên tới đỉnh. Chỗ này hai bên vách núi dựng đứng, rất khó đặt chân. Có một khe nhỏ như một vết nứt của vách đá phía bờ bên phải. Không biết bằng cách nào đó có cây dâu da bám vào vách đá ngay trước mặt.
Ông ngồi xuống phiến đá nhẵn gần cạnh đấy.
Có lẽ dọc đường lên tới đây ông đã thấm mệt, cần nghỉ lấy sức.
Hai ống quần Gabađin còn khá tốt, giờ đá rách bươm.
Đôi giày vải cao cổ, hàng quân nhu thủng đâu đó, nước chui vào bên trong ướt nhóp nhép.
Nhưng hình như ông không chú ý đến chuyện đó. Hẳn là trước khi lên tới đây ông đã tiên liệu trước tất cả điều này.
Ngồi không lâu, ông đứng lên đi về phía cuối khe..
Có hòn đá tự nhiên hình thù giống hệt đầu chú chó nhìn xuống lối ông vừa leo lên.
Vất vả lắm, hì hụi mãi, ông mới dùng xà beng lật được nó sang bên cạnh.
Trước mắt ông là cái hố sâu, tối đen không nhìn thấy gì.
Ông cởi áo ngoài cho đỡ vướng, cúi xuống, nghiêng mình, thò tay lấy lên một vật nhỏ chỉ bằng con mèo.
Vật đó được gói bên ngoài bằng mấy lớp vải đũi.
Thứ vải ngày nay không còn ai biết dệt nó từ sợi tơ tằm.
Ông nhấc lên thử, nặng kinh người.
Không nói không rằng, ông ôm nó vào lòng, dò tìm đường xuống.
Có nói gì thì cũng chẳng có ai nghe lúc này. Hơn nữa đây không phải việc thường..
Lúc đó trời đã gần về sáng. Nếu chậm chút nữa sẽ không kịp..
Nghe tới đây, Thắm hỏi gã:
- Đó là vật gì hở anh ?
- Em thử đoán xem nào ?
- Chắc là ai dấu của ở đó phải không ? Vàng hay bạc ?
- Thôi mệt rồi, ngủ đi, em muốn nghe mai kể tiếp. Anh buồn ngủ lắm rồi.
Nàng nằn nì, hắn vẫn không chịu nói.
Mệt thì có mệt, nhưng không phải mệt đến mức không thể kể hết câu chuyện.
Hẳn là hắn còn đắn đo không biết có nên nói hết cho nàng nghe không?
Mẹ hắn đã dặn “Tuyệt đối không được hở ra chuyện này. Có khi nguy đến tính mạng chứ không phải chuyện chơi!”.
Những ngày sau nàng gặng hỏi chuyện hôm trước hắn lại đánh trống lảng. Bảo: “Anh bịa đấy mà, chẳng có chuyện gì đâu”.
Có lẽ đêm trước vui miệng hắn lỡ kể, giờ muốn đính chính lại.
Mãi sau này, khi nàng có con với hắn rồi, khi hắn đua đòi ăn chơi, lại chính mẹ hắn nói với nàng.
Khi ấy bà với nàng là đồng minh trong cuộc giành giật hắn trở về với nếp sống gia đình. Hắn thường vắng nhà nhiều ngày. Tiền bạc trong tay hắn chỉ như lá trên ngàn..
Bà kể :
Bố hắn là người không duy tâm.
Ông cực gét những chuyện ngồi đồng, bói toán.
Chuyện tin vào giấc mơ như một điềm báo trước lại càng là chuyện vớ vẩn, không đáng bận tâm.
Vậy mà không hiểu tại sao, bỗng dưng ông dở chứng.
Ông bảo ông phải đi một chuyến xem sao. Lại chỉ đi một mình, trong đêm tối, như đã kể ở phần trên.
Mới biết những câu cửa miệng, người ta thường hay nói, có khi không phải đều là suy nghĩ thật. Người ta cứ nói. Còn vì nhiều ý nghĩa và mục đích khác.
Đừng ngạc nhiên, khi bắt gặp một vị nào đó có cương vị xì xụp khấn vái, xin ấn tín, lộc thánh nơi cửa đền cửa phủ.
Tất nhiên ngày nay “Văn hoá tâm linh” được chú trọng, việc cấm kỵ không còn như cách đây mấy chục năm khi xảy ra câu chuyện này.
Thời mà ông một thân một mình lên núi Đúm, e ngại người ta nhìn thấy.
Cũng có thể ông sợ kẻ khác biết, đòi chia mối lợi.
Việc đã qua lâu rồi, mù mù mịt mịt, bây giờ có muốn tìm lại nguyên nhân, chẳng biết đâu mà lần.
Thiết nghĩ chẳng còn đáng bận tâm.
Bố hắn kể cho vợ nghe về giấc mơ của mình. Một giấc mơ khiến một gia đình công chức nghèo khổ, lương ba cọc ba đồng, bỗng nhiên đổi đời.
Ông đang phụ trách công trình cải tạo lại mạng lưới giao thông của thị xã này, chuẩn bị mai sau cho nó nâng cấp lên thành phố.
Con đường sẽ phải nắn lại. Nó sẽ xuyên qua khoảng tường phía bắc của khu thành cổ.
Chiếc máy xúc vừa mới ngoạm vào bờ tường để lật nó xuống bỗng dưng khựng lại. Máy chết. Người lái văng xuống mặt đường, mặt mũi tái xám, thở không ra hơi. Người ta phải cấp tốc đưa anh ta đi bệnh viện.
Mọi người xúm đông xúm đỏ. Người ta ta thán bạn lãnh đạo công trường không làm lễ động thổ.. Chưa ai nghĩ đến chuyện đang huỷ hoại một di sản văn hoá, hay xúc phạm đến tâm linh..
Không nhiều ý kiến như việc tu bổ khu di tích này như vừa qua công luận phàn nàn. Người ta đổ trách nhiệm cho tỉnh, nhưng thực ra vấn đề lại tự đâu đâu rơi xuống, tỉnh như người đổ vỏ, kẻ ăn vẫn như một ẩn số.
Đêm đó ông nằm mơ thấy một vị võ quan cưỡi con ngựa hồng. Ông ta để râu rậm cuộn vào bao râu may bằng vải xanh. Vị tướng đã già, râu tóc bạc trắng.
Ông tướng chỉ mặt cán bộ công trường mà nói rằng “Như thế..” “Như thế..”
Còn dặn thêm : “Đó là lộc giời, từ thời bọn Tàu sang đây giấu của. Ta biết mà không dám đụng vào. Nay ngươi dừng công việc, ta chỉ chỗ cho. Nhưng nhớ phải đem cúng đền, phủ một nửa. Nửa còn lại đem giúp người nghèo. Nhà ngươi chỉ nên giữ một chút làm lưng vốn. Như vậy, phúc lộc mới bền..”
Đó là con ngựa bằng vàng, nặng cả tám cân kilô, mà lúc đầu người viết bài này chưa tỏ, nói: “.. nó giống và bằng cỡ con mèo.”Vua chúa còn có khi nhầm.
Nếu người viết có nhầm cũng là lẽ thường, phải không ạ ?
**
Năm nàng về làm dâu, nhà hắn đã mở tiệm vàng. Đó là tiệm vàng cổ xưa nhất của thành phố này bây giờ.
Dấu vết còn lại bây giờ chỉ còn ngôi nhà ba tầng xây theo lối cổ. Trước nhà có biển hiệu theo kiểu ngày đó, đắp phù điêu bằng xi măng. Hai chữ “Tiến Đức” vẫn còn nguyên trên tường, nhưng chủ nhà đã thay người khác.
Rất ít thấy có người nào mở tiệm vàng lại không giàu có, mỗi ngày một khá thêm lên. Những người hành nghề này, vợ chồng không mấy khi bỏ nhau. No cơm ấm áo, làm gì có chuyện tan đàn xẻ né ?
Nhưng vợ chồng nàng lại là ngoại lệ.
Nàng vun vào bao nhiêu, hắn bới bỏ bấy nhiêu.
Thôi thì thượng vàng hạ cám chả thiếu chuyện gì về hắn.
Người ta giàu lên mới khó, chứ nghèo đi mấy nỗi ?
Con ngựa cưa đến chân cuối cùng, rồi cắt ra bán cả con cũng không thể cứu vãn cái cơ đồ đang lao xuống vực.
Đền phủ chẳng được chút nào. Người nghèo cũng không một vảy.
Tất cả chạy vào ống tẩu, vào chiếu bạc, vào các cuộc gái gú trăng hoa. Đến núi cũng lở chứ con ngựa có tám cân ki lô thì nhằm nhò gì ?
Hết tiền.
Thói chơi ngông chưa hết. Cha mẹ hắn lần lượt qua đời. Cả hai chết bởi những căn bệnh ái oăm, không thuốc nào khỏi.
Nếu kể tỷ mỷ thì rất dài dòng..
Chỉ biết sau đó nàng với hắn mỗi người một đường.
Hắn theo người ta làm nghề lơ xe, rồi đến với người đàn bà khác giàu có trên mạn ngược.
Hết tiền, thói trăng hoa, chơi bời chưa hết. Không người phụ nữ nào có thể gắn bó suốt đời với hắn được nữa rồi.
Hắn lang thang nay đây mai đó, xấu hổ không dám tìm về. Rồi thân tàn ma dại, không ai còn nhận ra hắn như ngày xưa.
Bây giờ chỉ còn nàng là nhớ hắn là ai. Hắn không hẳn là thằng điên. Hắn đã từng liệt oanh một thời.
Chứng điên khùng của hắn chưa chắc đã là thật. Con người ta cùng đường còn cách nào khác, ngoài giả điên ?
Những người biết chuyện, đều khuyên nàng mở lòng đón hắn về.
Giả như hắn có điên thực rồi bệnh dần sẽ khỏi ?
Mẹ nàng đi xem, thày cũng bảo nàng với hắn nợ duyên chưa dứt. Bỏ hắn lúc này nàng sẽ mang tội kiếp sau.
Chuyện đó có hay không, đối với nàng lúc này cũng không quan trọng nữa. Chỉ thấy để hắn ngày ngày như mình trông thấy, thật không đành lòng.
Hay là mình cứ thử một lần xem sao ?
Người ta nói : “Tha là cõi phúc” Kia mà ?
Nàng bước qua lòng đường.
Góc chợ bên kia hắn vẫn đang cười nhen nhen..
Hình như với người điên, người đời nghĩ thế nào cũng không quan trọng.
Leng keng tiếng đổ xe thùng..
Hình như đã bảy giờ chiều rồi thì phải !
*****

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: