Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Hai thang thuốc quý của vua Gia Long, Minh Mạng

 Vua Minh Mạng

Hai thang thuốc quý của vua Gia Long, Minh Mạng


     ngo-minh Ngô Minh

Mỗi ông vua đều có những thầy thuốc riêng của mình. Cơ quan y tế của triều đình gọi là Thái Y Viện. Vua muốn  bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh , Thái Y Viện phải cử các Ngự Y giỏi nhất nước bắt mạch, kê đơn, sau đó trình vua phê duyệt  rồi mới bốc thuốc. Trong gần 150 năm triều Nguyễn, hiện còn  lưu truyền 2 thang thuốc quý mà các Ngự Y đã  bốc cho vua Gia Long và Minh Mạng .Cả hai thang thuốc đều là thuốc đại bổ.
minh-mangVua Minh Mạng
Theo  Châu bản triều Nguyễn ( Châu bản là những văn bản viết tay do các quan dâng lên cho vua phê duyệt ý kiến  để  thi hành) thì thang thuốc bổ của vua Gia Long do Ngự y phó Viện Thái Y là Đoàn Văn Hòa tâu vua về án mạch và cắt đơn thuốc  . Sau lời thưa trình, Ngự Y viết :” Sau khi xem mạch Hoàng thương, chúng thần nghiệm thấy các mạch lục bộ đều hơi trầm và yếu, chỉ có mạch của thận là tương đối được . Ba mạch bên phải cũng hơi trầm và yếu, nhưng mạch của tỳ thì trở nên yên lành và hơi khá hơn là ngày mùng bốn vừa rồi.
Theo như chúng thần nghiệm thấy được , chúng thần kinh dâng lên hoàng thượng thang thuốc thất vị có gia giảm dùng vào buổi sáng và buối chiều, để làm cho khí thận mạnh lên , và thang thuốc thọ tỳ có gia giảm, dùng trong ngày để tăng sức cho tỳ”. ( Nhà nghiên cứu Phan Thuận An dịch) .Sau đây là hai thang thuốc của vua Gia Long:
Thang thuốc thất ( chín) vị có gia giảm, dùng vào buổi sáng và buổi chiều : 1- Thục địa 2 chỉ; 2- Hoài sơn  3 chỉ; 3- Du nhục 7 phân; 5- Phục linh  5 phân; 6- Nhục quế  3 phân; 7- Ngũ vụ 1 phân ; 8- Liên nhục 5 phân; 9- Tố ty tử 3 phân.
Cách sắc : Nước 1 chén 5 phân, sắc còn 6 phân, thuốc uống lúc bụng đói.
Thang thuốc thất vị có gia giảm dùng trong ngày :1- Sa sâm 2 chỉ; 2- Bạch truật 1 chỉ 5 phân ;3- Hoàng kỳ 1 chỉ; 4-  Hoài sơn 2 chỉ; 5- Chích thảo chút ít ; 6- Toan tảo 3 phân; 7 – Viễn chí 2 phân; 8- Bào khương 2 phân; Liên nhục 3 phân ; còn thêm 2 vị phụ : ô mai 2 quả; Thăng ma sao 1 phân.
Cách sắc : Nước 1 chén 5 phân, sắc còn 6 phân, uống xa bữa ăn ( nghĩa là khi bụng đói);
Sau khi uống hai hang thuốc  thất vị này, vua Gia Long phê :” Đến ngày đông chí, dương khí ( của Trời Đất ) đã trở lại, chính nhờ thuốc này mà thu được công hiệu. Ta vui mừng khôn xiết “( Ngày 6-11- năm Gia Long thứ 18 (1820)
Nổi tiếng hơn là thang thuốc của vua Minh Mạng. Tương truyền, đây là thang thuốc vua uống vào “ nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử
Vua Minh Mạng rất khỏe mạnh, ông  người to béo, vạm vỡ. Vậy vua cần thuốc bổ để làm gì ? Vua Minh Mạng không ai thống kê chính xác có mấy trăm vợ, nhưng ông là người có nhiều hoàng tử và công chúa nhất trong số các vua Nguyễn: 142 người! Ông lại là người trí tuệ sáng suốt nhất trong các vua Nguyễn. Nhà vua đã lãnh đạo công cuộc chấn hưng và phát triển đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX trên nhiều lĩnh vực. Nhà vua  còn là một nhà thơ để lại một di sản đồ sộ với bảy mươi ba quyển với ba nghìn rưỡi bài thơ ! Để làm được tất cả những việc lớn lao đó nhà vua phải có một sức khỏe phi thường, một trí tuệ anh minh sáng suốt và mẫn cảm. Có lẽ toa thuốc quý Vua Minh Mạng dùng đã giúp ông trí tuệ và sức khỏe để làm nhiều việc phi thường nói trên. Còn chuyện “ ngũ giao sinh ngũ tử” có lẽ chỉ là tiếng đồn vì thấy vua nhiều con quá, nhưng  không sách sử nào chép.
Theo Sách của Lương y Lê Văn Sơn chep lại toa “ nhất dạ ngũ giao” 22 vị , mà Tạp chí Sông Hương đã có lần công bố , thang thuốc Minh Mạng có 22 vị như sau : 1- Sa sâm 5 chỉ ; 2- Độc hoạt 2 chỉ ; 3- Câu kỳ tử   2 chỉ ; 4- Bạch thược 3 chỉ ; 5- Bạch truật 3 chỉ ; 6- Trần bì          3 chỉ ; 7-Đào nhân 5 chỉ; 8-  Khương hoạt 2 chỉ ; 9- Đương quy  3 chỉ ; 10 -Phục linh 3 chỉ ; 11- Mộc qua 2 chỉ; 12 – Đại hồi 2 chỉ ; 13-Thục địa 2 chỉ         ; 14- Cam thảo 3 chỉ ;15- Tục đoạn 2 chỉ ; 16-  Đại táo   2 chỉ ; 17-Phòng phong 3 chỉ   ; 18- Xuyên khung         3 chỉ ; 19- Nhục quế  1 chỉ ; 20 – Đỗ trọng 2 chỉ ; 21 -Tần giao 2 chỉ ; 22- Thương truật 2 chỉ .
Thang thuốc Minh Mạng của Lương y Lê Văn Sơn còn bày cách chế thuốc bằng chưng rượu và ngâm rượu. Chưng thì cho thuốc và rượu vào chiếc bình bằng sành, dán kín không cho hơi thoát ra, cho vào nồi đun cách thủy hai nước. Nước nhất cho vào  thuốc hai lít rượu nếp ngon đun hai giờ, nước nhì cho một lít rượu đun một giờ. Hai nước rượu thuốc chưng được trộn vào nhau, cho thêm dung dịch đường phèn 300 gam trong nửa lít nước. Còn ngâm thì một thang hai lít rượu ngâm trong năm ngày đêm. Chắt rượu ra pha thêm dung dịch đường ( 300 gam  trong nửa lít nước). Nước hai cũng cho hai lít rượu vào nhưng ngâm tới một tháng, xong cũng cho dung dịch đường như trên vào. Rượu thuốc Minh Mạng uống một ly nhỏ trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ mới có công hiệu.
Đơn thuốc thì như vậy ,  nhưng hiệu quả của thuốc lại khác nhau vì trong pha chế cụ thể dâng Vua uống hàng ngaỳ, các Ngự y đều có bí quyết riêng, thông qua bắt mạch, xem thể tạng  của Vua mà gia giảm lượng các vị thuốc, gọi là phương pháp “ Đối chứng lập phương”. Dù vậy, tìm được trong sử sách , nhân ngày Xuân , chúng tôi xin chép giới thiệu  để các lương y ,cũng bạn đọc tham khảo. Cầu mong cho mọi người luôn mạnh khỏe, cường tráng.

( Nguồn :Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng
                                          ở Việt Nam, TTBTDTCĐH xuất bản năm 2002)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: