Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Chuyện cái la bàn



Truyện ngắn của Hồng Giang



Buổi tối.. Cả xóm Hoa đào chìm vào màn đêm tối như cách đây mấy mươi năm, khi chưa có điện lưới quốc gia. Làng xóm vắng lặng như chỗ không người, như người ta đã lại chuyển đi đâu đó hết cả rồi. Những đám lá cây hai bên đường đen thẫm lại, con đường rải đá cấp phối chỉ nhìn thấy vệt trắng lờ mờ chừng sải tay trước mặt. Phía rừng xa đom đóm đang mở hội hoa đăng chập chờn bay, những đám lân tinh lập lòe trên đám lá mục. Tiếng cú rúc vẳng về, đêm tối như chật chội, đông cứng lại.
Chỉ riêng nhà ông Giàng Chu vẫn lấp lóa ánh đèn, tiếng nhạc từ chiếc ti vi vẫn véo von.
Không phải ông là trưởng thôn, người ta ưu tiên gì cho ông. Đến chủ tịch bí thư xã cũng không hơn gì người dân ở đây, cũng “bình đẳng” cái khoản mất điện như mọi người dân ở đây thôi.
Nghe nói: Chả cứ vùng này, ngay các thành phố, thị xã dưới vùng xuôi điện cũng mất liên tục, có nơi mất mấy ngày liền. Mọi người truyền tai nhau câu ví :
“ Ngành điện thành ngành điên nặng mất rồi”!
Lại bảo : “Tại năm nay hạn hán nhiều, không đủ nước cho các hồ thủy điện, vì thế điện thiếu.” Có người còn nói: “Do nghành điện độc quyền, muốn chơi khó, để nâng giá điện, điện cũng biết leo thang rồi đấy!”. Cũng có người thì thào: “Tại nước ngoài phá hợp đồng bán điện, để gây sức ép gì đấy, chứ thực ra điện không đến mức khó như thế!..”. Người thêm: “ Người ta thâm lắm, họ đợi cho mình yên trí phát triển lưới điện rộng ra khắp nơi, hang cùng, ngõ hẻm nào dây điện cũng căng như mạng nhện, chờ cho dân mình quen điện rồi, đột nhiên cắt phăng ngay đi để bán máy phát nhỏ, bình, kích điện.. Chắc là họ có chủ ý từ trước cả rồi, dân mình khờ, giờ mới tranh nhau xếp hàng mua máy, mua bình của họ như ngày bao cấp xếp hàng mua gạo!” vv.. Có phải ai cũng có tiền để mua đâu? Xóm Hoa Đào này chưa thấy ai có cái bình, cái kích nào cả, lại thắp đèn dầu như mọi khi. Nhà nào không còn đèn thì đốt đống lửa to giữa nhà.
Tháng sáu nửa đêm trời mới mát trở lại, cả ngày nóng như ở trong lò nung, đốt lửa đâu phải để sưởi? Bần cùng thôi!
Đã là tin đồn thì có lắm chuyện. Người ở xóm này chỉ nghe qua thế thôi chứ không bàn tán nhiều, bản tính người H’Mông vốn dĩ thật thà, ít nghe chuyện rắc rối.
Đã bao nhiêu chuyện lôi thôi từ những tin đồn thất thiệt rồi, nghe thêm làm gì?
Chỉ khổ khi có điện quen rồi, như mắc nghiện, giờ không có, cứ như canh không có muối, khèn nghe không thành tiếng, khèn không “nổ”vậy..

Nhà ông Giàng Chu có điện là nhờ ông biết lo xa, tính cẩn thận, thấy cái gì hay của người ta biết học hỏi, làm theo, chứ có ai ưu đãi cho ông đâu?
Ông thấm thía câu chuyện về cái la bàn được nghe kể từ hồi còn nhỏ.
Chuyện rằng: “Ngày xưa.. Tổ tiên người H’Mông đã từng có một đất nước hùng mạnh, có vua cai quản, cát cứ cả một vùng được gọi là mái nhà thế giới. Vua của nước Jiuli (1) là ngài Xi Vưu. Bản tính nhà vua vốn hiền lành, tốt bụng, hay nhường nhịn, yêu quý người dân.. Hàng ngày ông ăn ở, làm việc như mọi người, không phân biệt vua tôi. Đức tính ấy của ông được tất cả người dân quý trọng.
Nhưng bản tính xuề xòa, dễ dãi không biết lo xa cũng có nhiều cái hại..
Nước láng giềng thời bấy giờ là Hoa Hạ của người Hán. Tộc người này luôn tìm cách lấn chiếm và thôn tính nước Jiuli, nhưng không nổi vì người Jiuli luôn đoàn kết, lại giỏi săn bắn, cưỡi ngựa, bắn tên, mũi lao người H’Mông rèn sắc bén, cứng hơn của người Hán. Họ bèn bàn với vua của người H’Mông giảng hòa, cắm mốc phân chia đất đai. Xi vưu là ông vua yêu chuộng hòa hiếu nên đồng ý ngay. Ông không ngờ khi lấy cây ngô làm mốc, người Hán đã sắp đặt âm mưu từ trước. Cây ngô ngắn ngày, họ bỏ thay bằng cây khác lấn sâu vào đất của vua XiVưu. Người dân Jiuli nổi giận, thế là nổ ra chiến tranh. Người Hán bị thua, vua của họ là Hoàng Đế liền liên minh với Viêm Đế để đánh lại người H’Mông. Chiến tranh kéo dài trong nhiều năm, không phân thắng bại..
Không may cho người H’Mông vào một năm, mùa đông nhiều sương mù, Quân của Jiuli bị lạc nhau, quân, tướng như rắn không đầu. Nhiều người bị đói, bị khát trong rừng, không tìm thấy đường, tinh thần suy sụp. Người Hán nhờ có cái la bàn nên vẫn giữ được phương hướng, bố trí mai phục, đánh bại được vua Xi Vưu, thôn tính nước Jiu li.
Họ thực hiện đồng hóa người H’Mông rất thâm độc. Hoạn hết đàn ông, đốt hết sách vở, lương thực của người H’Mông, chỉ một số chạy thoát được, nên đến ngày nay người H’Mông không còn chữ viết. Người Hán bắt người H’Mông làm thân trâu ngựa. Người H’Mông bản tính thích tự do, không cam chịu, nên mới rời bỏ quê hương, cứ đi mãi.. xuôi theo bờ sông Dương Tử tìm vùng đất mới..”
“Nếu như ngày đó người H’Mông cũng có cái la bàn, cái vật có khi chỉ bé bằng chiếc đồng hồ đeo tay, có kim chỉ hai đầu phương hướng, mọi chuyện sẽ khác”. Điều này cứ ăn sâu vào đầu óc ông Giàng Chu, ông nghĩ thày mo nào cũng có cái la bàn mang theo khi làm lễ cúng ma là vì thế.
Người H’Mông đã nhận ra thiếu sót của mình về cái la bàn, chỉ tiếc nhận ra muộn quá. Nếu không người H’Mông không phải lang thang, du canh, du cư hàng ngàn đời nay, qua không biết bao nhiêu ngọn núi, chịu không biết bao nhiêu khổ ải, gió sương, nắng giãi, mưa dầu.. Ở đâu cũng như ở nhờ, ở tạm ..
Có lẽ người H’Mông bây giờ không nên lấy câu “ Chi pâu”(2) làm câu cửa miệng.
Người H’Mông cần phải biết những gì nên biết, cần làm những việc nên làm.
Vậy mà vẫn còn nhiều người vội vàng, chưa biết lo xa.
Khi cả vùng mới có điện lưới, bao nhiêu củ điện chạy bằng sức nước đặt ngoài suối ai cũng bán cho hàng “Đồng nát” cả!
Riêng nhà ông thì không. Điện lưới ông cũng mua dây kéo về, chỉ khi nào dùng nhiều hơn mức bình thường ông mới dùng, còn đâu vẫn dùng điện của nhà. Cũng là điện 220v chứ có khác gì đâu ? Xem tivi, thắp sáng một nhà dùng vẫn đủ mà.
Chỉ khi có công việc, như họp thôn phải chạy thêm quạt, thắp thêm bóng đèn hay bơm nước tưới cây, ông mới dùng điện nhà nước.
Nhờ vậy mỗi tháng tiền điện bớt được cả trăm ngàn.
“Nước suối chảy ra sông, ra bể là nguồn lợi trời cho, chả tội gì bỏ phí”. Ông Chu nghĩ vậy và cái củ điện vẫn còn nguyên.
Ngày trước không biết, hà tiện không phải kiểu, cứ sáng ngày ra phải đi đóng củ điện không cho quay, sợ mòn vòng bi. Vì thế rất mất việc, có khi còn nguy hiểm những khi mưa gió, đã có người chết lúc sơ ý đi đóng củ điện rồi. Mà vòng bi đâu có bao nhiêu tiền ? Ông mua luôn cả xâu dài, chạy cả ngày, cả đêm, hàng tháng mới phải thay. Chả mất công đóng mở như mọi khi .
Nhiều người sau này thấy ông làm như vậy muốn làm theo thì đập đã phá bỏ mất rồi, củ điện cũng chẳng còn.
Mất điện như bây giờ mới thấy khổ quá, nóng nực mà không chạy được quat, nhà có ti vi mà không xem được, phải xem nhờ nhà ông!
Ba gian nhà đất, vách chình tường của ông Giàng Chu trở nên chật chội. Trong nhà lại lắm cột, kê bàn ghế, giường nằm nên khoảng nhìn tivi được rất hẹp. Chiếc tivi đặt ở ngăn tủ, kê gian giữa nhiều góc bị khuất nên chỉ số ít người xem được. Những người ngồi lệch với màn hình nom hình người trong tivi cứ dài ngoằng ra, rất tức con mắt..
Nghĩ mãi, ông bèn mang nó ra sân, cho nhiều người cùng xem, ích kỷ làm gì? cái tính ấy không phải tính của ông!
Cái sân kê bằng sạp lát bằng tre hóp trước nhà, ngày mùa dùng để phơi bắp, giờ thành ra được việc, ngồi được ối người. Mà cái xóm Hoa Đào này được bao nhiêu người đâu? Vẻn vẹn hơn chục nóc nhà, có thêm chừng ấy nữa, ngồi cũng đủ mà!
Bây giờ thì cả xóm học theo nhà ông, nhà nào cũng làm cái sạp trước nhà, không phơi bắp bằng sào như mọi khi, treo chẳng được bao nhiêu quả ngô, lại phải để cả bẹ nên khi phơi xong mất nhiều chỗ lắm, lại lồng cồng, đem cất cũng khó. Nhà cửa đã chẳng rộng rãi gì mà bắp để cả bẹ choán hết cả chỗ trong nhà. Làm cái sân kiểu này, bắp lột trần, phơi được nhiều, rất tiện lợi. Khi trời mưa, hoặc buổi tối sợ sương ướt chỉ việc phủ cái bạt lên là chẳng sợ gì cả. Hôm sau, trời nắng lại cuốn bạt lên phơi tiếp..
Cái này là ông học được hôm lên Mộc Châu, thăm người nhà. Cũng là người H’Mông cả, nhưng trên đó người ở đây còn khối người phải học. Cũng con người thôi, hai chân , hai tay như mình, nhưng người H’Mông trên đó khác lắm.

Ngay cái việc nhà ông có điện vào lúc này cũng là học được từ người anh em trên Mộc Châu cả đấy. Vùng ấy người H’Mông khá hơn dưới này. Có nhà còn lắp cả điện dùng ánh nắng mặt trời, tuy rằng vẫn có điện lưới. Số tiền dôi ra được từ việc tiết kiệm điện nhà nước hằng năm không phải ít. Cái đó thì ở đây còn lâu mới theo kịp.
Người ta cũng là người, hai chân hai tay như mình thôi, nhưng người ta khá là nhờ cái đầu. Dù khó đến mấy, vẫn có cách làm, như có lúc đi trong sương mù đã có cái la bàn ấy!
Cái tình, cái lý của người H’Mông dù qua bao nhiêu núi cao, sông dài, ở đâu cũng giống nhau mà. Cũng thắm, cũng bền như những sợi lanh rực rỡ, đan kết vào nhau. Nhờ vậy người H’Mông dẫu trải qua bao nhiêu thử thách, vẫn quần túm lấy nhau, không rời. Hỏi cái hay không ai dấu làm của riêng. Cái gì hay của anh em, mình phải học, như thế mới ra con người..

**
Có ánh đèn pin lấp lóa bên kia suối, tiếng nói chuyện tíu tít có vẻ như đông người lắm.
Ngày trước đi đêm người ta thường đốt đuốc. Những cây nứa khô nỏ, lửa cháy phần phật như reo, như hát. Bây giờ phải đi xa lắm mới kiếm được những bó đuốc như thế. Rừng bây giờ có còn bao nhiêu nứa nữa đâu ?
May mà có điện, lại lắm kiểu đèn pin, toàn hàng Tàu, điện yếu lại nạp thêm vào. Tiện thì có tiện, chỉ mỗi tội nó không được bền, như thể người ta cố ý làm như thế để mau bán được hàng. Nếu mua một lần dùng mãi, hàng làm ra có nước đem ra biển đông mà đổ!
Sao người ta không làm cho nó kỹ càng dùng được lâu lâu chút nhỉ? Chả cứ cái đèn pin, nhiều thứ hàng Trung quốc đều như thế cả. Mỗi lúc xuống chợ, ông nhìn chợ mà thấy buồn. Ngoài rau gạo ra, toàn là hàng Trung Quốc cả. Làm như mở chợ để bán hàng cho họ! Rẻ thì có rẻ nhưng là thứ tạm bợ, không được lâu. Có thứ nghe nói còn có độc nữa. Người mình đi đâu cả mà không làm? Ông ở vùng sâu vùng xa thật, nhưng không đến nỗi lạc hậu, chẳng biết gì.
Là trưởng thôn ông cũng được phổ biến rồi chứ? Đâu cứ phải chiếm đất chiếm người mới gọi là “xâm lăng”? Đành rằng giao lưu, hội nhập gì gì, cũng đừng để người mình mất thị trường, mất chợ ngay trên đất mình, trong lúc người mình còn thiếu việc làm, còn phải “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài !

Người đến mỗi lúc một đông, có cả người Dao bên Lản Tỷ bên kia núi cũng sang. Trong số những người đến đây, không phải ai cũng mê bóng đá cả, có người đi để tranh thủ nạp đèn pin nhờ ổ điện nhà ông. Thành ra cái sạp trước nhà trở nên chật.
Nhiều no, ít đủ, nhường nhịn nhau mà ngồi.
Ông cũng nhường chỗ cho người đến sau, vào trong nhà lấy hũ rượu rót ra bát.. Lan man nghĩ một mình. Ý nghĩ không đầu, không cuối, chập chùng như những ngọn núi một đời ông đã từng qua.
Cả thôn có ba xóm, có mỗi mình nhà ông có điện, thôi thì giúp người ta lúc khó khăn. Mà mình có mất thêm gì đâu mà hẹp hòi?
Chỉ bực nhất là đám trẻ, mỗi đứa một cái điện thoại. Bọn trẻ đua nhau mà! Sóng điện thoại chưa vào được đến đây, muốn gọi được phải ra ngoài xã cách cả chục cây số, vậy mà đứa nào cũng thích.
Chúng sắm chủ yếu là để nghe nhạc. Đi thả trâu, đi lên nương cũng mang theo, cứ hát eo éo, chẳng bài nào ra bài nào. Chẳng có gì hay mà chúng mê thế kia chứ?
Có đứa nhà không có tiền, cặm cụi đi đào củ ba mươi, hái quả sẹ hàng tuần, sáng đi tối mới về, bán lấy tiền mua cho bằng được mới chịu!
Cái ổ cắm điện ông dành riêng ở góc nhà không lúc nào dứt được cái rắc căm điện thoại. Hết đứa này đến đứa kia chờ đến lượt để nạp điện thoại của mình.
Bọn trẻ bây giờ không như lúc ông còn trẻ.
Không phải người quen, không biết chúng là người H’Mông. Chúng nói tiếng phổ thông, đi xe máy, ăn mặc chả khác gì người Kinh. Váy áo dân tộc chỉ mặc khi diễn văn nghệ, khi làm đám cưới. Xong rồi lại cất kỹ vào tủ.
Kể ra cũng phải, chúng cất để dùng được lâu, người biết làm thổ cẩm bây giờ ít lắm. Một bộ váy áo nếu mua phải mất sáu bảy triệu mới nên, chúng giữ là phải. Chúng khác thời xưa nhiều lắm. Có đứa lém lỉnh ngay cả người Kinh cũng không bằng. Trên Mộc Châu, có nơi trẻ con người H’Mông còn nói tiếng Anh nhanh như gió để hướng dẫn khách du lịch nước ngoài. Ông nghe mà cứ ngẩn cả người, phục chúng nó quá!
Nhiều lúc ông cứ nghĩ bọn trẻ hay tò mò, ham tìm hiểu là điều rất tốt. Ai chả mong măng cao hơn tre ?
Nhưng lại lo liệu rồi đây cái gọi là “ bản sắc văn hóa” của dân tộc mình có còn nữa hay không? Cái nước Tam Miêu của người H’Mông ngày xưa do không chống lại được sự đồng hóa của người Hán mà quốc gia tan dã, con cháu lưu lạc khắp bốn phương trời. May mà còn giữ lại chút phong tục, tập quán qua cách ăn mặc, tiếng nói . Còn có cây Khèn, cái trống làm bè làm bạn..
Bây giờ nếu những cái đó mất nốt, hỏi người H’Mông có còn là người H’Mông nữa không?
Nghĩ đi, nghĩ về, lại chuyện cái “La bàn”!
Nếu không có phương hướng thì sự tinh khôn, nhanh nhạy của bọn trẻ sẽ chẳng ích lợi gì. Chúng sẽ chỉ là những cây đu đủ đực mà thôi. Tươi tốt đấy, nhưng chẳng bao giờ có quả to, ngon ngọt, mà chỉ ra những đùm quả dúm dó, đắng chát.

Ông Chu dừng ý nghĩ miên man trong đầu mình, như dừng con ngựa trước một khúc quanh, thói quen một vài năm trở lại đây, hình như là chứng hay mắc phải của người già. Tiếng ồn ào bên ngoài làm ông chú ý.
Hôm nay là trận Wol Cup chung kết. Đội Hà Lan gặp đội chủ nhà Pháp đang đến hồi căng thẳng..
Ngoài sạp tiếng trầm trồ hò reo mỗi lúc một ầm ĩ. Có đứa hứng chí sút cả vào lưng nhau, cãi vã một lúc rồi thôi. Nhưng ông để ý được lâu, đầu óc ông lại bận nghĩ về chuyện khác..
Chuyện thằng Thào Sinh làm ông khó xử ..
**
Phía sau nhà ông Giàng Chu là khe Khấu Lấu. Hai bên lòng khe vách đá dựng đứng chạy tuốt lên đầu nguồn, nơi có ba ngọn núi đất tạo thành hình cái lòng chảo. Mùa mưa nước từ trên cao dội ào ào tạo thành thác nước trắng xóa, nhìn lóa cả mắt.
Nước dồn xuống lòng suối hẹp sôi ùng ục, cuộn trào, quyét sạch những gì có trên mặt đất dọc hai bên bờ, cây cối đổ ngổn ngang. Có năm lũ to, trâu còn bị lũ lôi đi như lôi đám cỏ rác. Nó gắng sức rẽ vào bờ mà không sao cưỡng lại được sức nước như con bạch tuộc khổng lồ giữ chặt lấy nó. Đến chỗ nước thôi chảy xiết, con trâu dạt được vào bờ thì không ai nhận ra hình dạng của nó nữa. Con trâu va vào đá sừng gãy toác, da bị phanh ra từng mảng, chiếc đuôi cụt lủn không biết đã dắt vào khe đá, hay bụi cây nào.
Nhưng mùa khô khe nước chỉ còn thoi thóp chảy như người đái dắt, không đủ làm nước lần dẫn nước về bản. Từ ngày rừng bị phá hầu như mùa khô nước cạn hẳn, không còn giọt nào.
Cái khe là lối thoát nước duy nhất của thung lũng lòng chảo đầu nguồn, nó như cái phễu chảy xuống không thiếu giọt nào. Ngày trước nước có quanh năm, bây giờ chỉ dồn vào mùa lũ. Thành ra “Lúc chết giá, lúc quá lửa”.
Khi cần nước làm mạ, lòng khe khô như rang. Lúc lúa trổ đòng thì nước như thác đổ. Nước tràn qua cánh đồng làm lúa đổ rạp, gãy xơ xác. Cả cánh đồng lúa trước cửa nhà ông Chu lúc bấy giờ, thỉnh thoảng mới được một vụ lúa, còn thì mất trắng.
Khi thì hạn hán kéo dài, lúc nước về tàn phá..
Mơ ước đắp con đập trị thủy giữ nước trên khe để chống lũ và lấy nước làm ruộng là mơ ước bao đời nay. Tưởng chừng không sao làm nổi. Đã có lần cả thôn cùng nhau xây đập chắn nước, nhưng chỉ được mùa lũ thứ hai đập đã không chịu được. Nó vỡ toác ra từng mảng, gạch đá trôi dạt xuống tận cánh đồng. Từ đó không ai nghĩ đến chuyện xây đập nữa.
Cho đến một ngày, Thào Sinh đến nhà tìm ông. Ông tưởng nó đến tìm con Lanh, nhưng không phải.
Nó nói hôm con Lanh xuống trường sư phạm học là nó đưa đi. ( Lúc ấy chưa có con đường to như bây giờ, nó phải đưa con lanh đi bằng ngựa ). Con Lanh ngồi phía trước, nó ngồi sau, đi mất một ngày mới tới trường con Lanh học. Vậy mà ông đâu có biết, tưởng nó còn đến đây tìm?
Ông hỏi nó: “ Mày không xin đi học ở đâu à?” nó bảo “ Nhà cháu không có tiền, các em còn nhỏ, ở nhà làm đỡ “strí”(3) thôi!” Ông biết hoàn cảnh nhà nó khó khăn, “nỉa”(4) chết rồi, nên thôi không hỏi nữa.
Nó ngồi chơi một lúc rồi lúng túng hỏi ông: “ Giể lầu” có biết vì sao cái đập trên Khấu Lấu vỡ không?” Ông bảo: “ Cái đó ai mà không biết? Nước nặng quá mà! Nhưng mày hỏi để làm gì chứ?”
Nó bảo: “ Nước từ trên cao dồn xuống đương nhiên là mạnh rồi, nhưng cháu nghĩ người ta xây đập không có chân tựa, như thế nó mới vỡ”.
Ông nói: “ Người ta thuê cả kỹ sư thiết kế đấy, nhưng nước nặng quá, chỉ có giời mới ngăn được thôi!”
Nó không nói gì lẳng lặng chào ông rồi về.

Tưởng chuyện về cái đập đến đấy là thôi. Ai ngờ mấy ngày sau ông đi tìm trâu thấy nó với mấy thằng nữa đang làm gì lúi húi trong khe. Ông tò mò lần vào thì thấy chúng đang buộc những cái giọ sắt vào nhau. Chẳng biết như thế để làm gì? Trên đám đất gần đấy ông thấy có đống lửa, có cả cái nồi nấu cơm ăn, cái bình đựng nước..Một cái lán mới làm ngay bên cạnh, lá lợp hãy còn tươi. Hình như chúng ăn ngủ tại chỗ lâu lâu rồi.
Ông hỏi chúng nó chỉ bảo: “ Rồi sau “giể lầu”(5) sẽ biết mà!” Hình như chúng muốn giấu ông chuyện gì, ông cứ ngờ ngợ như thế.
Ít lâu sau, cả thôn đồn ầm lên là thằng Tào Sinh to gan. Ông mò lên khe thì cái đập đã gần xong rồi. Hàng trăm chiếc giọ sắt lèn đầy đá hộc buộc giằng vào nhau xếp lại thành cái đập chắn ngang lòng khe. Phía trên được đan bằng những tấm phên dày, đổ đất lèn như khi người ta chình tường. Chỉ có đất với đá mà nom cái đập vững chãi vì có chân thoải rộng ra hai bên. Nước đang từ từ dâng lên chừng phân nửa con đập, ít ngày nữa là đầy.
Có người bàn ra tán vào, cười cợt: “ Đúng là che người lá khoai”. Người ta chưa tin mà!
Thào Sinh không nói gì, mặt nó đanh lại. Nó bực lắm nhưng chưa cãi lại vì chưa biết kết quả thế nào? Nó đã phải bán cả con ngựa của nhà để mua dây thép về đan giọ, mưu cầu ích lợi cho cả thôn mà người ta còn cười nó, không bực sao được?
Con ngựa của người H’Mông có khác gì “Con trâu làm đầu cơ nghiệp” của người Kinh đâu? Ngay cả thằng A Thoan, bí thư chi đoàn của thôn còn chưa được nhiệt tình như nó, nói đến làm đập còn e dè, giờ cười cái nỗi gì?
Qua mấy vụ lũ, con đập chẳng hề suy chuyển.
Thực ra thì cũng bị sạt lở vài chỗ, nhưng Thào sinh cùng mấy đứa bạn hàn khẩu được ngay. Nếu không vá kịp thời chỗ rò sẽ phá rộng ra, đập dễ bị vỡ. Bên này đập và trên mặt Thào Sinh cho trồng cây sậy, chân đập trồng kín tre gai. Con đập ngày càng vững chắc nhờ các bụi tre mỗi năm mỗi dày.
Bây giờ khe Khấu lấu đã thành cái hồ chứa nước quanh năm. Có một con mương nhỏ thoát nước khi hồ đầy.
Cả thôn không còn lo nước làm mạ, không còn lo mùa lũ tràn về. Củ điện nhà ông Giàng Chu cũng nhờ sức nước từ con mương của bọn Thào Sinh dẫn về.
Ngoài cái lợi cho cả thôn, Thào Sinh và đám bạn còn có cái lợi riêng. Mỗi năm chúng thả cá cũng thu được hàng chục triệu đồng. Nó trở thành ông chủ tuổi trẻ nhất cả vùng.
Không cứ cái việc đắp đập, nó còn giỏi nhiều việc khác. Dám nhận hàng hecta đất rừng để trồng cây trong lúc trong thôn vận động mãi không ai nhận làm. Người ta sợ trồng cây lâu ngày lấy cái gì để ăn trước mắt ? Liệu sau này cây trồng rồi mình có được hưởng lợi không ? Hay như một vài nơi, nhà nước khuyến khích trồng rồi thu lại, chỉ trả công cho đủ mua gạo ăn?
Nó không nghĩ thế. Dám nghĩ dám làm, chỉ vài năm nữa là có tiền tỷ trong tay!
Mấy hecta trồng keo, trồng mỡ giờ cây khép tán, đường vanh trung bình sáu mươi phân trở lên. Nó cứ lấy ngắn nuôi dài, đồng tiền trong tay nó chỉ việc sinh sôi nảy nở.
Tuy có chút vốn liếng, nó vẫn cặm cụi như ngày trước không dính vào cờ bạc, hút sách. Nói nămg vẫn phép tắc, không cậy có tiền, ăn chơi đua đòi. Chính vì vậy mà ông ngày càng quý nó.
Con Lanh học xong sư phạm, chưa xin được việc phải tạm thời về nhà, có khi phải chờ lâu lâu mới xin được việc.
Ngày ngày hai đứa quấn lấy nhau, nó càng ngày càng tươi như hoa pặc piềng đỏ thắm. Ông lấy làm mừng. Thào Sinh mua về cái máy phát cỏ. Hai đứa theo nhau đi làm rừng như đôi chim gâu. Nếu không xảy ra chuyện gì, cuối năm nay ông sẽ cho chúng thành vợ chồng. Cái ăn cái tiêu không còn phải lo.
Nhưng ông trời thường éo le, con đường không mấy khi thẳng, thường có những khúc cong.
Cái chính cũng bởi con Lanh tiếc mấy năm trời ăn học, nó chưa muốn ở nhà gắn bó với ruộng nương. Có người rủ về thành phố làm việc, hứa trả công cao, nó đã vội nhận lời. Nó định làm tới cuối năm gom một ít tiền để chạy việc, nên bằng lòng theo người ta.
Thằng Thào Sinh không đồng ý, hai đứa khúc mắc với nhau, ông Giàng Chu thấy thật khó xử.
Thào Sinh nghe người ta nói Lanh về làm tiếp viên nhà hàng, nó buồn lắm. Nó chưa từng đặt chân đến những nơi ấy, nhưng qua báo đài, tivi nó biết những nơi như thế chẳng hay gì . Nó chán. Suốt ngày nằm trên cái chòi canh cá trên khe, không muốn về nhà. Nó giận mình bất lực không biết làm thế nào để giữ chân được Lanh ở nhà. Sợi lanh óng ánh, đẹp thế nhưng cũng khó nắm chặt trong tay mãi.
Lanh đi ra bên ngoài, lòng người như cây gỗ thơm, ngoài nắng mưa nhiều, chắc gì đã giữ được lời hẹn với mình? Nếu chỉ vì ít tiền để lo việc, sao Lanh không nói với nó? Nó có thể lo được mà. Hay là vì lẽ nào khác mà Lanh không nói? Xét cho cùng, làm gì cũng là để có cuộc sống, cứ gì phải đi dạy học mà Lanh phải khổ sở như thế?
Ngay mấy cô giáo trong xã này cũng có hơn gì người ta đâu? Cô nào cũng kêu căng thẳng thời gian, chuyện phức tạp trong nhà trường, bao nhiêu cái phải đau đầu. Làm gì cũng có cái khó, cái khổ của nó, chẳng việc gì thuận lợi hoàn toàn.
Hai đứa khỏe mạnh, cứ đà như hiện nay, Thào Sinh tin chắc mình sẽ không để Lanh phải khổ. Còn được tự do, thoải mái, tự mình làm chủ lấy mình. Vậy mà nỡ lòng nào Lanh lại cầm lòng đi cho bằng được? Thào Sinh nói thế nào Lanh cũng không chịu nghe!

Chuyện hai đứa làm ông Giàng Chu đau đầu. Khách đến chơi nhà đông chật, không đủ chỗ ngồi, mà ông chẳng muốn bắt chuyện với ai. Có ai hỏi ông chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Cuối cùng buổi tường thuật bóng đá cũng hết. Phát thanh viên nói lời cảm ơn khán giả. Mọi người lục tục ra về, vừa đi vừa bàn tán trận đấu bóng, xôn xao sang đến tận bên kia con suối.
Còn ông đầu óc ông vẫn để đâu đâu. Thậm chí đến đội nào thắng, đội nào thua ông cũng không để ý nữa.
Thôi được rồi, ngày mai việc đâu cũng tạm để đấy đã. Ông phải xuống chỗ con Lanh làm xem hư thực thế nào. Nếu đúng như người ta đồn đại, ông phải bắt con Lanh về cho bằng được. Ông còn sống ngày nào không thể để con gái mình đi vào con đường cụt, vào bụi rậm mà không cứu được .

Ông định tắt đèn đi ngủ thì thấy bà vợ ông từ trong buồng chạy ra nói có tiếng gì sột soạt sau nhà? Vùng này lâu nay trộm cắp không có, vì mấy thằng nghiện đã đi cai cả rồi. Thú rừng lâu lâu cũng không gặp, mà nếu có, con chó của nhà đã sủa lên rồi chứ ? Giống chó của người H’Mông được tiếng là tinh khôn, biết được ý chủ. Lúc chủ có khách, trong nhà có người, nó không hề cắn ai. Nhưng nếu chủ nhà đi vắng, khó lòng người nào vào được trong nhà. Có con rắn hay con cầy mò về nó đuổi cho kỳ được, khó lòng thoát khỏi hàm răng sắc nhọn của nó.
Vậy thì cái gì nhỉ ?
Ông cầm đèn pin ra soi sau nhà, trời ơi! Ông không tin ở mắt mình nữa: Con gái ông đang nấp sau bó gianh xếp ở hiên nhà chỗ gần cửa sổ của buồng của “nỉa” nó.
Đầu tóc nó rối bù, áo quần lem luốc, chân không giày dép. Sao nó lại ra nông nỗi này kia chứ? Ông hỏi nó: “ Sao về không vào nhà, lại đứng đây?” Nó bảo nó sợ.
Nó theo ông vào nhà. Bà Giàng Chu ôm chầm lấy con gái, hai “nỉa” con khóc không ra tiếng. Có thể con ông bị người ta lừa bán ra nước ngoài, may mắn nó trốn về được.. Cũng có thể nó bị người ta ép buộc làm chuyện gì xấu xa, nó không chịu, nên mới ra nông nỗi này. Nếu không thế sao nó lại sợ hãi cả strí, nỉa của mình?
Ông vừa giận lại vừa thương con. Tốt nhất là không nên hỏi gì nó vào lúc này. Nó đang đau lòng. Biết đâu lại quẫn chí như đứa con gái ở thôn Khuổi Triển, làm mấy lá ngón cho xong đời, xong một kiếp nhục nhã, có sống cũng không thiết gì nữa. Khác nào hòn cuội lăn lóc dưới làn nước, bám đầy rêu!

Cứ để nó bình tĩnh lại, ông tin con ông không đến nỗi nào. Ít ra nó cũng được ăn học để biết cái hay, cái dở, cái gì nên hay không nên. “ Mày đã chót đánh rơi cái la bàn rồi “scứ”(6) à, muốn nên người phải tìm lại thôi, nó ở ngay trong cái đầu của mày ấy!” ông lầm thầm như thế về đứa con gái của mình và tin là nó sẽ tìm lại được.
Người H’Mông không có cái la bàn trong đầu, có khác gì bị lạc giữa rừng già?
Sẽ đói khổ vì lang thang như ngày trước thôi. Mày có giỏi, khôn mấy cũng không nghĩ được nhiều như người già. Tỉnh lại đi con à!
Ông tin là nó sẽ tìm lại được cái la bàn cho đời mình, vấp gốc cây rồi nó sẽ biết đứng dậy, sẽ đến được nơi nó muốn. Vì nó không phải chỉ có một mình, nó còn có strí, có nỉa, có mọi người..
Chỉ lo không biết thằng Thào Sinh nghĩ gì về chuyện này ? Có nên báo cho nó biết con Lanh đã về rồi không ? Nó là thằng con trai sáng ý, giỏi ăn, giỏi làm, nhưng liệu cái bụng nó có đủ rộng để bỏ qua chuyện không ? Đành là có chuyện, mới hiểu được lòng người, dù sao chuyện cũng đã rồi. Ngựa đã mắc cương, đi hay ở là tùy mày thôi Thào Sinh à..

Tiếng gà đã sang canh. Xóm hoa đào ran lên tiếng gà. Cái giống đến lạ, một con cất tiếng là y như rằng có bao nhiêu con đua nhau gáy theo. Cứ như thể nếu không gáy sẽ bị mất phần vậy !
*****


Ghi chú : 1: Còn gọi là Tam Miêu
2: Không biết
3: Bố
4: Mẹ
5: Bác
6: Con ( Tiếng H’Mông)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: