Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

BẠN BA CHI KHƯƠN


H.G

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh châm biếm bạn văn nghệ?

Hắn mới về đất này, nơi mà hắn có lúc nghĩ chẳng bao giờ sống lâu dài ở đây cả . Ba mặt núi, một mặt sông, đi cả cây số mới có một nóc nhà, đến những làng đông dân cư gần nhất cũng hàng cây số. Không có chủ ý mà cứ như người đi ở ẩn . Lúc đầu không quen, hắn buồn đến phát khóc vì xung quanh quá vắng vẻ. Nhất là những lúc chiều buông, hoàng hôn như bị ma đuổi vội vã chìm vào khe núi . Đêm đến lại càng nản, chỉ có tiếng cú rúc trên rừng, tiếng mèo động đực rên rỉ thảm thiết . Cả tháng mới có tuần trăng, nhưng trăng ở nơi thiếu hình bóng con người cũng lạnh lẽo vô duyên ..
Vì thế gặp người, hắn mừng lắm, bất luận người đó thế nào hắn cũng quý lắm..
Một gã sơn tràng cần chỗ trọ, hắn chẳng đắn đo gì mà không nhận lời, có khi còn mất công đi hàng cây số mua rượu về cùng uống cho vui. Bọn buôn lậu, hay đám cờ bạc, hay một ả gái điếm hết thời son phấn, lánh mặt lên rừng, hắn cũng chẳng nề hà, miễn là trong nhà có thêm tiếng nói, tiếng cười của con người . Như thể đấy là cách xua đuổi tâm trạng mình bị xã hội loài người bỏ rơi ở một nơi bất đắc dĩ như thế này.
Người đời thèm ăn, thèm chơi, thèm tiền và thèm mọi thứ trên đời, còn hắn, hắn thèm người lắm lắm ..
Khi đó, là lúc ở đây chưa thành thị trấn như bây giờ, người với người còn quý, còn thương nhau, không như bây giờ!
Một hôm hắn đang sửa lại bộ bàn ghế cũ thì có khách đến nhà. Hắn mừng như bắt được của, như khách là sứ giả đến báo một việc tốt lành. Con chó nằm đầu hồi nhà cũng ve vẩy đuôi, không cắn một tiếng. Hình như nó cũng biết phụ họa với chủ, chả cắn ai bao giờ, như sợ người ta mất lòng. Hay con chó cũng biết phận hắn nghèo, chả có của nả gì để mà dữ tợn, hung hãn với ai. Chỉ về đêm, có con chuột chạy qua hay con mèo lạ, nó mới sủa lên vài tiếng. Chó nhà nghèo thường vẫn lười, không hăng hái như chó của người khá giả.
Khách cười cười như thể đã từng quen nhau rồi, mà hắn chịu chẳng nhớ anh ta là ai? Đã gặp nhau ở đâu, bao giờ và ở nơi nào nhỉ?
Đời hắn lang bạt kỳ hồ, chẳng thiếu đâu, quen không biết bao nhiêu người, bao nhiêu cảnh ngộ.. Làm sao một chốc có thể nhớ ngay ra được?
Nhưng rõ ràng anh chàng đứng trước mặt hắn đây, hắn chưa gặp bao giờ. Khổ người anh ta đậm, béo tốt lại để hàng ria mép. Thêm cái mũ hàng phở màu trắng đội trên đầu, rất khó đoán thuộc hạng người nào. Kiểu người này tuy hắn trước đây quảng giao, nhưng rất ít va chạm. Nom nửa như con buôn, nửa như anh giáo làng, lại có phần giống bọn buôn bè ..
Khách đưa tay :
- Ông có còn nhớ tôi không ?
Hắn định nói mình thực sự không nhớ anh ta là ai, nhưng nghĩ lại, hắn yên lặng. Ai lại bảo như thế, vô tình quá!
Anh ta lại cười cười, nói tiếp :
- Tiến ở phòng văn hóa đây mà, hôm ông gặp tôi ở nhà ông già, quên rồi sao?
Bây giờ thì hắn nhớ ra rồi. Hắn mời anh ta vào nhà. Đúng là cách đây hai tháng hắn có gặp người này, ở nhà bố đẻ anh ta. Ông Quyết già trước làm trưởng phòng văn hóa huyện, về hưu giờ chụp ảnh, cải thiện thêm.
Ông có cái máy ảnh cũ, Jido hay bị hóc thường nhờ hắn đến sửa hộ. Vài lần anh ta về qua nhà một lúc rồi đi ngay. Có lần nói chuyện với hắn vài câu, hắn đang sửa máy nên cũng không để ý, bây giờ làm sao nhớ được?
Còn hôm nay thì vì duyên cớ gì mà anh ta tới đây? ( Mãi sau này hắn mới biết lý do của buổi gặp mặt lần đầu ấy. Có một người nhờ Tiến tiếp xúc để tìm hiểu hắn là người thế nào, vì người ấy không tiện gặp hắn, nhằm đảm bảo an ninh xã hội ). Khi hiểu ra đã là cả một quá trình dài, hai người trở thành thân mật, thật khó biểu lộ sự bất bình vì động cơ chả lấy gì làm hay ho lúc đó nữa ).
Tiến lại vác cái máy đến nhờ hắn sửa. Cái máy Ca non quá đát, đáng lẽ có thể quẳng đi rồi, nhưng ở nơi khỉ ho, cò gáy này nó vẫn còn giá trị, vẫn là chiếc cần câu cơm, hắn có muốn cũng chẳng được!
Chuyện trò thế nào lại tòi ra câu chuyện văn chương giữa hai người. Tiến khoe anh ta là tay “cầm cọ” chắc tay ở tỉnh này, vừa chuyển ở vùng cao về, tạm thời coi thư viện của huyện nhà. Nói đến sách, mắt hắn sáng lên, hai người thân nhau từ đó.
Lâu lâu Tiến mang đến cho hắn vài cuốn sách, tất nhiên đọc xong phải gửi trả, vì đó là sách của thư viện. Ở một nơi như thế này thế là quý lắm rồi, trong thâm tâm, hắn coi Tiến như người tri kỷ, như một ân nhân. Nó làm cho cuộc sống của hắn bớt ngột ngạt, tối tăm, thêm giá trị, chút ánh sáng tinh thần.
Làm sao hắn không cảm động cho được?
**
Bẵng đi mấy năm, hắn không gặp Tiến. Hắn cứ nghĩ anh ta đã thuyên chuyển công tác đến một nơi khác. Thời mà xã hội phát triển chủ yếu bằng tuyên truyền, công việc vẽ panô, áp phích của Tiến rất được coi trọng, anh ta bận cũng phải thôi.
Hắn hoàn toàn không biết chuyện lúc bấy giờ người ta đã biết thực ra hắn chẳng có “vấn đề” gì như người ta tưởng, và đã được đặt ra ngoài “vòng ngắm”. Những tình nguyện viên an ninh kiểu như Tiến không cần phải có nữa.
Sự “quan tâm” ngấm ngầm đã đến kỳ kết thúc.
Bấy giờ hắn chỉ cho là không gặp, là do Tiến bận công việc, hoặc hoàn cảnh của hai người quá khác nhau.
Tiến không đến với mình, cũng dễ hiểu, xưa nay người ta phù thịnh, làm gì có ai phù suy? Người ta tìm đến nơi khá giả để được nhờ cậy, chứ ít cũng không bị phiền hà bởi sự nhờ vả. Nghèo khó như mình ai tìm đến làm gì ? Tiến đến hay không là quyền của y, trách sao được?
Hắn thấy cũng không cần day dứt quá về chuyện này. Xét cho cùng, y cũng chỉ là người dưng, như bao người mình đã từng gặp trong đời, có kỷ niệm nào gắn bó với nhau đâu?
Mình không phải bạn học một thời, không cùng làm một cơ quan, thậm chí không ở gần nhau thời gian nào lấy một, hai ngày. Chẳng nên bận tâm quá về chuyện này, vì thực ra y không là gì đối với hắn.
Hắn còn bao việc phải lo toan trước mặt.
Bảo là hỏng hẳn thì chưa phải, nhưng đời hắn kể như mọi chuyện đã kết thúc sau cái “tai nạn” mà hắn chỉ là kẻ liên quan. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi tính xuê xoa, dễ dãi trong nhiều mối quan hệ. Đúng như người ta nói : “Tính cách tạo nên số phận”. Cả trong tình bạn, tình yêu và sau nữa hạnh phúc gia đình.
Cái sảy nảy cái ung, ban đầu chỉ là “Tai nạn hôn nhân”, dẫn đến định kiến xã hội, rồi những mối nghi ngờ vớ vẩn. Mà ở đời không khi nào thiếu kẻ vô công rồi nghề, luôn dòm ngó, soi mói đầy ác ý. Những con kền kền không cánh, chuyên đi bằng đầu gối, luôn soi mói, tìm nỗi bất hạnh của kẻ khác, chả khác nào loài có cánh tìm xác chết!
Hắn không nợ, nhưng phải trả giá. Sự khốn nạn, éo le, phi lý của cuộc đời phải đâu chỉ mình hắn chịu?
Bao nhiêu người có đức, có tài, có tâm còn phải chịu đắng cay, oan khuất. Hắn đã là cái gì mà than thân, trách phận? Chỉ là hạt cát nơi thế gian này, là con ong, cái kiến trong cuộc sinh tồn khốc liệt mà thôi!
Thì thôi, “liệu đường ăn ở”, để làm một người thường như bao người khác, tự nuôi sống mình và tròn bổn phận không thể nào thoái thác.
Ai thông cảm đến với mình thì chơi, ai không hiểu hoặc có ý này khác, hắn bất cần .
Hắn lao vào cuộc mưu sinh để quên đi mọi chuyện.
Hắn không ngờ mình lại làm được những công việc mà trước đây tưởng chừng không thể làm.
Hắn hiểu ra khả năng tiềm ẩn ở mỗi con thật là vô cùng. Đó là lẽ hiếu sinh của tạo hóa dành cho những kẻ kém may mắn.
Quan hệ giữa hắn với Tiến mờ đi dần, như thể chưa hề có những lần gặp gỡ, trò chuyện trước đây.
Thôi thì ai lo phận ấy, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, bận tâm đến nhau làm gì cho mất công?
Đã có lúc hắn nghĩ như thế, không phải hắn là kẻ vô tình, chóng quên, mà cái chính bởi sự mặc cảm, tự ái pha chút phẫn uất trong lòng.
Nhưng chuyện đời đâu có giản đơn như người ta tưởng . Hình như luôn có sự sắp đặt vô hình, con người ta vốn có một cái “Duyên”, đã gặp nhau ở đâu, lúc nào đấy rồi, thế nào cũng còn có sự liên quan, như một “món nợ” với nhau .
***
Một buổi sáng, có người lạ ở đâu tới, lom khom chụp ảnh ở bến sông trước nhà.
Bề ngoài ông này chẳng có dáng vẻ gì của những tay thợ ảnh xưa nay hắn từng gặp, dáng điệu bệ vệ kiểu công chức của ông ta khiến hắn tò mò. Bắt gặp cái nhìn của hắn, ông này bắt tay cười nói thân thiện. Ông tự giới thiệu là người của hội văn nghệ tỉnh.
Hắn mời ông khách vào nhà uống nước.
Hắn có nghe tỉnh này cũng có một hội văn nghệ, nhưng từ lâu, hắn chẳng quan tâm.
Văn nghệ, văn nghẽo với hắn là câu chuyện buồn, hắn đã muốn quên đi cho lòng thanh thản. Hắn cứ nghĩ theo chủ quan của hắn như vậy, chỉ coi đó là một tổ chức tuyên truyền hơn là một cơ quan học thuật. Lợi lộc chẳng đáng là bao lại quá nhiều phức tạp.
Ý nghĩ sai lầm ấy khiến gã bấy lâu khi buồn vẫn viết, cốt giải tỏa tâm trạng chứ không bao giờ gửi bài đi đăng hay có ý nghĩ tham gia vào một cái hội nào đấy.
Buổi gặp mặt nghệ sĩ nhiếp ảnh có tuổi đời và tuổi nghề, tình cờ đã làm hắn thay đổi định kiến bấy lâu.
Khách quý đến nhà không có hẹn, nên hắn chẳng chuẩn bị trước, chỉ đón tiếp sơ sài. Cuộc rượu ngoài món lạc rang ra, chẳng có gì, thế mà vui. Lâu lắm rồi, hắn mới lại gặp được người để nói những câu chuyện đã lâu chỉ giữ kín trong lòng. Nhiếp ảnh gia cũng tỏ vẻ quý mến hắn.
Ông bảo người ta đang cần người như hắn, anh em mất nhiều công sức mà lâu nay chưa tìm được đối tượng để phát triển hội.
Tìm một anh kỹ sư, một bác sĩ, hay cán bộ bất cứ ngành nào cũng không khó lắm. Nhưng tìm một người viết có năng lực thật không dễ chút nào.
Ngoài những thứ người ta gọi là “trình độ” ra còn cần có chút năng khiếu, vốn sống và hiểu biết nhất định. Người như hắn sao lại bị quên lãng ở một nơi như thế này?
Hắn tin là ông nói thực, cho dù trong lời nói có phần hơi quá lên một chút, chẳng qua cũng để khích lệ hắn, hắn thầm nghĩ như vậy!
Trước lúc ra về, ông bảo hắn chép lại mấy bài thơ lúc cao hứng vừa rồi hắn đọc cho ông nghe, nói là làm kỷ niệm.
Chuyện chỉ đến thế, rồi hắn cũng lại quên đi bởi công việc thường ngày.
Cũng chẳng phải là chuyện lạ lùng gì bây giờ hắn mới gặp.
Phần nhiều những câu chuyện của văn nhân, nghệ sĩ là chuyện trời ơi, nói cho vui là chính, bận tâm mà làm gì?
Hắn không ngờ nửa tháng sau, có chiếc xe con đến đỗ ngay trước cổng nhà. Ông chủ tịch hội và mấy ông trong ban chấp hành có việc ngang qua ghé vào chơi. Họ đưa cho hắn số báo mới có đăng bài của gã. Đã lâu lắm rồi cảm giác hồi hộp ngày nào khi hắn còn cặm cụi viết lách lại trở về..
Người ta cho hắn biết: Sắp tới có cuộc thi “viết về nông nghiệp nông thôn” và mời hắn tham gia.
Hắn viết mà không ngờ lại được giải khá cao.
Hắn trở thành hội viên từ đấy, rồi hội ở cấp cao hơn ..
**
Nói, nhanh hơn làm, nhanh hơn mọi diễn biến của đời người.
Để đến ngày hôm nay, hắn mất gần mười năm trời. Nếu con sông chảy ngang qua nhà nước được giữ lại không chảy, tích cả lại, nước đã thành biển khơi. Đã bao vật đổi sao rời kể từ đận hắn đến ở gần khúc sông này..
Gã trưởng công an ngày nào cho người bí mật theo dõi gã giờ đã chỉ còn là chủ nhân của túp lều, sống vất vưởng bên con đường heo hút ít người qua lại vì đã mất tất cả. Gã lại không có khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới. Gã quá quen với việc ngày ngày cắp cặp lên chầu chực văn phòng. Cầm con dao, cái cuốc gã không quen. Chỉ biết ăn tiêu, gã đâu biết bán mua, hay làm bất cứ việc gì? Mọi việc bây giờ trông cả vào cô vợ mới lấy sau này, đã yếu lại hậu đậu không hơn gì mình, thêm bệnh thấp khớp, đang kỳ biến chứng.
Gã khổ cũng là phải thôi, dù chẳng ai làm hại gã cả.
Chính thói hách dịch, cửa quyền cộng thói trăng hoa, giả dối của gã đã thay đổi gã.
Từ một cán bộ năng nổ, gia đình khá giả, vợ con đề huề gã trở thành trắng tay, chấp nhận cuộc sống chồng vợ với một cô ả từng làm thư ký văn phòng cho gã trước đây, để rồi mất tất cả.
Tiến, cái anh chàng được tin cậy, chỗ thân tín của gã công an cũng mấy cuộc ba đào.
Y đã thôi làm ở phòng văn hóa về đuổi gà cho vợ. May mà cô vợ gia đình khá giả, lại là cô giáo nên cuộc sống không đến nỗi nào. Cô nhiều năm dạy học vùng cao, khi chuyển vùng đã quá lứa nhỡ thì. Gặp được anh “họa sĩ”
nửa mùa, thế đã là may mắn lắm rồi.
Nhiều cô trẻ đẹp hơn cô còn phải chấp nhận lấy một anh người Mông, người Dao suốt ngày lúi húi trên nương, chữ nghĩa, học hành thua kém không bằng vợ. Với lại lấy vợ cô giáo thời buổi ấy cũng là lẽ rất thường. Cuộc sống giáo viên nào có hơn gì người nông dân mưa nắng trên đồng? Còn có câu: “Đầu giáo, áo ướt”, lương ba cọc ba đồng, mỗi tháng vài chục ngàn không đủ mua gạo ăn!
Nói ra như thế để biết Tiến có vợ làm cô giáo chả có gì là ghê gớm cả. Ngay như hắn, vợ cũng là giáo viên. Hai người dạy cùng trường, hắn và Tiến thêm một cái cớ để gần gũi nhau ..
Sống lâu mới biết đêm dài.
Hiểu một con người không phải ngày một ngày hai mà hiểu. Chả cần nói, tự Tiến cũng cảm thấy ái ngại việc trước đây mình đối với hắn thế nào. Y có vẻ ngượng mỗi khi hai người gặp nhau. Cho dù hồi đó Y chủ quan cho rằng mình đang được người ta nhờ làm một việc tốt, có ý nghĩa phục vụ xã hội, chống lại các “Phần tử khả nghi” !
Vẫn là lối nói ụ ợ trong miệng, không dứt khoát. Trước đây hắn cho rằng
“ Phàm những anh làm việc bằng trí óc, nhất là việc sáng tạo, do tập trung tinh thần cao, nên nói năng thiếu lưu loát. Có thể họ vẽ giỏi, viết hay, nhưng lại nói rất dở. Có anh còn nói cà lăm, nói ngọng. Vì rằng họ không làm việc bằng mồm, được cái này phải thôi cái khác chứ, mấy ai được cả đôi đường?”
Gần gụi sau này, hắn mới hiểu, hoàn toàn không phải như vậy. Nó là kiểu mà người ta vẫn bảo là : "Ú ớ Việt gian, ngậm miêng ăn tiền", cách “giả chết bắt quạ” của bọn đá cá lăn dưa, đâm bị thóc, chọc bị gạo và nhất là hay “Ôm váy, nịnh thần” !
Nếu không vì vợ cùng dạy chung trường, có lẽ hắn đã tránh, chả bao giờ gần gụi con người này.
Hắn đã bỏ qua chuyện cũ, giúp Tiến vài việc làm ăn. Va chạm đồng tiền bát gạo, mới càng hiểu thêm tính cách con người.
Ngày bố Tiến mất, anh em trong hội tổ chức đi thăm viếng, lúc đó hắn mới ngã ngửa người ra là y đã là hội viên từ bao giở bao giờ rồi!
Hắn không ngờ y giữ kín tiếng đến thế! Dù không vẽ vời nữa, quay sang viết thì y việc gì phải dấu kín đến thế chứ? Hình như cả vùng này chả ai biết y là “nhà văn” của tỉnh, cứ y như là hoạt động bí mật!
Y giữ như thế để làm gì, viết thế nào chứ? Chả lẽ công việc sáng tạo văn chương chữ nghĩa cần phải thận trọng, bí mật đến thế sao?
Ngay đến như hắn cùng ở thị trấn này với nhau còn không hay, vậy bạn đọc xa gần có bao nhiêu người biết đến y với tư cách là người cầm bút, nói lên khát vọng của những con người đang cùng sống với y trên mảnh đất này?
Chưa nói đến cái cao xa hơn của người “Thư ký thời đại”, “ Tiếng nói lương tri”, hay“Nhạy cảm của tiến bộ xã hội”!
Hắn thật bất ngờ khi nhận ra rằng thời buổi bây giờ lại có những người cầm bút như vậy!
Cũng có thể bảo rằng đó là “Đức khiêm tốn, tự dấu mình, nuôi chí lớn, không muốn huyênh hoang, không khoác lác. Lấy hiệu quả sáng tác làm đầu chứ không cần ồn ào, khoe mẽ”!
Ôi là miệng lưỡi của người đời!
Thế mới có chuyện một ông nhà văn chả nhớ nước trong, nước ngoài nào, nói:
“ Con người ta có mấy cái lưỡi. Một cái thường xuyên ngậm trong miệng và mấy cái nữa cất kín trong tủ lạnh!”.
Nghe mà buốt hết cả chân tay!
***
Thời buổi tan vỡ lòng người, muốn tìm người kết bạn thật chẳng dễ gì.
Nhất là bạn văn chương, chữ nghĩa.
Ba bề bốn bên đang sôi sục không khí kim tiền, chuyện thế sự mỗi người một phách. Càng nói, càng không hiểu nhau.
Phần lớn theo kế sách “ngậm miệng ăn tiền”. Tìm bạn lúc này khác gì tìm nguồn nước trên sa mạc người?
Khốn nạn, trò viết lách không có bạn tâm giao chả khác nào cờ không có gió, đũa không đủ đôi? Một mình độc diễn mãi rồi tự chán!
Nhà hắn đã từng nuôi một chú gà trống chuồng, khi cả khu thị trấn gà bị dịch, gà trống chết không còn con nào, nó cũng quên luôn, thôi không gáy nữa.
Giống vật đã vậy, huống chi con người ?
Anh có tài giỏi ra mười, ở nơi không thầy, không bạn rồi anh cũng thành người vô dụng! Cũng thành kẻ ẩm ương mà thôi!
Viết là cuộc Maraton với chính mình, học hỏi không ngừng là cái không thể thiếu. Có người bạn như Tiến còn hơn chẳng có ai. Mặc dù tính cách hai bên hoàn toàn khác biệt.
Một hôm hắn đến, thấy Y đang hí húi bên bàn. Hắn nghĩ bụng có lẽ y sửa soạn đồ nghề đi vẽ ở đâu chăng?
Lâu rồi y có còn nhớ đến cây cọ đâu ? Vẽ mãi panô, áp phích không khá lên được, từ lâu y đã bỏ không cầm cọ nữa.
Không có nghề nào thờ ơ với nó, chểnh mảng với nó mà thành công quả, nếu không chí thiết một lòng, khó mà đi được tới nơi. Chưa nói thành giỏi, thành tài!
Tiếng là nhà văn của tỉnh, y cũng phải kiếm ăn, kiếm sống như bao người khác. Ngoài vợ y ra có ai nuôi y đâu? Cho dù bất đắc dĩ thì cũng vẫn phải làm. Đấy là cái lý do sau này hắn mới được biết vì sao y dấu kín nhẹm việc viết lách của mình. Không nuôi nổi bản thân và gia đình ắt là việc chẳng ra gì, cho dù sang trọng đến đâu, cũng là chuyện hão huyền, vô bổ, có lẽ y nghĩ như vậy nên chả muốn nói cùng ai!
Từ ngày thôi làm lá mai, hai người ít gặp nhau. Hắn bỏ trò mua bán này vì ác cảm với nó.
Tuy kiếm được tiền, nhưng nó cứ như trò lừa đảo, lá mặt lá trái, chẳng có gì làm chuẩn. Không thế chỉ làm mướn không công cho chủ ở mãi bên Đài Loan. Có kiếm được đồng nào cũng chỉ “béo hàng đò, no hàng nước”.
Chẳng thà làm cái khác bền bỉ, thảnh thơi hơn. Còn có thời gian đọc hay viết cái gì đó.
Suốt ngày suốt đêm chạy rong trên đường, rủ rê, gạ gẫm như phường bạc giả của cái nghề buôn lá này hắn ớn đến tận cổ rồi.
Hắn bỏ thì y cũng bỏ, vì ngoài hắn ra y còn có mối nào khác đâu? Chả có ma dại nào rủ y làm cái việc đó ngoài hắn. Tính cách chậm chạp, ụ ợ, cò kè của y không hợp với nghề này. Hắn mời y tham gia với hảo ý muốn giúp bạn. Muốn y đỡ khó lúc chưa tìm được việc thích hợp. Đỡ bị vợ con khinh rẻ vì vô công rồi nghề.
Cũng chỉ có hắn mới chịu đựng được tính nết của y. Ai đời bạn hàng với nhau, sáng đòi thêm một giá, chiều lại thêm một giá, cứ như tiền bằng lá cây. Chung quy là bởi y không hiểu, cứ nghĩ nghề lá mai này hái ra tiền như người ta đồn thổi.Tưởng đâu thứ “hàng xuất khẩu” này ăn dày, ăn đậm lắm! Làm ăn với người nước nào không nói, chứ với người Trung Hoa, “Quốc đảo” hay “Đại lục” cũng là bọn keo kiệt chả khác gì nhau. Những năm hắn sống trong Chợ Lớn, hay chạy chợ qua Bằng Tường hắn không lạ việc này.
Người Mỹ còn phải mắc nợ người Trung Quốc bởi tính hà tiện, tiết kiệm, dành dụm suốt đời của họ.
Từ “ăn chơi phóng khoáng” không có trong đầu óc người Trung Hoa. Họ bòn mót, nhặt nhiệm còn hơn cả người Việt keo kiệt nhất. Chỉ được mỗi nết là ưa sòng phẳng mà thôi !
Điều đó thì y không hiểu, không gặp nhau thì thôi, hễ gặp là nằn nì thêm một vài giá. Hắn bỏ làm lá mai cũng một phần vì những chuyện này. Nếu còn làm nữa, quan hệ giữa hai người khó lòng tồn tại. Nhiều lúc hắn thất vọng vì bạn, tính cách như thế liệu y viết lách ra sao, bởi văn là người, là cách ứng xử của người cầm bút ?
Hắn thì đã xoay ra việc khác, nhân sinh bách nghệ, đâu có thiếu gì nghề? Hắn chỉ áy náy, bỏ công việc vừa rồi không hiểu y quay sang làm gì? Chính vì thế hắn mới đến đây.
Vẻ mặt y có vẻ khó chịu, đăm chiêu hơn ngày thường . Thấy hắn vào y định cất tờ giấy khổ rộng đang trải trên bàn, nhưng không kịp. Thì ra đây là bản sơ đồ của một công trình nào đấy, hắn chưa biết nó là cái gì?
Chả lẽ y xuay ra làm thiết kế công trình xây dựng?
Y có học ngày nào ở các trường người ta dạy cho nghề ấy đâu? Mấy năm học trung cấp văn hóa, nghề y được học là hội họa cơ mà?
Nhưng cũng chẳng biết đâu được chuyện đời, thời nay thiếu gì kẻ học hành không đâu vào đâu, thâm chí bằng cấp rởm, vẫn cứ làm hết công trình này đến công trình khác cơ mà.
Công trình có hỏng, đổ gãy thì làm làm lại, tốn tiền nhà nước, đã thấy ai ngồi tù hay chết thằng tây nào đâu?
Để ý kỹ một chút, hắn thấy tấm kính tủ nhà y vỡ một miếng, đồ đạc để lộn xộn một đống nơi góc nhà.
Hình như vừa có cuộc “cách mạng”, cuộc xô xát xảy ra trong ngôi nhà này, nên nét mặt y mới đăm chiêu như thế.
Hắn chú ý đến tờ giấy khổ rộng, thì ra đấy là sơ đồ thiết kế làm vườn rau của Tiến!
Thật khổ, vườn nhà y có rộng rãi gì đâu? Chưa được nửa sào đất, làm thì cứ làm, định sẵn trong đầu, vẽ vời ra làm chi cho tốn giấy?
Tiến than thở hôm qua vợ y đoảng quá. Bản vẽ đã hoàn chỉnh rồi, cô nàng không biết lại đem ra lót, nhấc nồi cám lợn. Vì thế y đã dồn cho một trận, sáng nay y phải làm lại từ đầu. Bực ơi là bực!
Hắn xem bản vẽ y đang vẽ dở, thấy đường đi lối lại, các liếp trồng rau, chỗ xây bể nước tưới..
Chỗ nào trồng thứ gì, y ghi chú bằng các màu khác nhau. Cũngkhông có gì đặc biệt lắm. Với người khác, không cần phải tỷ mỷ đến thế, cũng có thể làm được vì nó vốn chẳng có gì phức tạp.
Tính Tiến thế, làm bất cứ việc gì y đều ghi ra giấy. Ngay viết một bài báo y cũng cẩn thận làm dàn bài, đâu vào đấy rồi mới viết.
Hai người ngồi uống trà, vẻ mặt Tiến thư thái trở lại, bớt căng thẳng hơn lúc hắn vừa đến.
Thấy Tiến đang mải lo làm vườn, hắn thôi ý định rủ y cùng làm một việc hắn vừa tìm được mối.
Có lẽ chăn nuôi, trồng trọt hợp với tạng của y hơn là làm việc khác. Mặc dù y chưa có kinh nghiệm gì, nhưng việc nhà nông học không mấy nỗi, cái chính cần phải chịu khó, kiên trì.
Hắn có nghe người ta nói một chuyện, tiện đây muốn hỏi Tiến xem hư thực thế nào? Lúc đầu Tiến còn lúng búng chưa muốn nhận ngay, sau rồi mới bảo:
- Ừ thì cũng có, vợ mình chỉ xem hộ người ta làm phúc chứ chưa lấy tiền của ai. Nhưng chuyện này ông đừng nói chuyện với ai kẻo ảnh hưởng!
Hắn thực lòng khuyên bạn :
- Mê tín dị đoan là việc không nên, tôi không coi thường tâm linh, nhưng làm việc này không hợp với vợ chồng cậu đâu. Dù sao cô ấy cũng là cô giáo, cậu không sợ nhà trường phê bình sao?
Tiến cười :
- Cái đấy cậu không cần phải lo. Các cô giáo ở trường này còn tin hơn cả bọn mình ấy chứ. Ngày rằm mồng một nào cũng bảo vợ mình ra thắp hương ở văn phòng nhà trường đấy. Có việc gì hệ trọng, cô hiệu trưởng lại nhờ vợ mình hầu đồng hỏi kỹ rồi mới làm. Cũng nhờ thế cô ấy rất nể vợ mình. Tuy chuyên môn yếu nhưng năm nào cũng được xếp loại “Giáo viên dạy giỏi”, không bị sài sẻ như các cô khác, dù trình độ các cô ấy khá hơn!
Giờ thì hắn hiểu những thắc mắc của vợ mình về những công việc ở trường. Hóa ra trường học bây giờ lại có cả thứ “văn hóa tâm linh” lạ lùng như vậy.
Vợ hắn còn bảo trường của cô được bình xét là “trường chuẩn của tỉnh”, một phần là nhờ công lao của “Bà thầy” cô giáo là vợ Tiến. Thật đáng kinh ngạc!
Đã vậy hắn còn cần khuyên can gì nữa? Hắn ngại cho bạn hàng ngày vợ cứ gọi “vong”, “quan binh đường âm” về, sau rồi họ ở lỳ không chịu đi, sẽ bất lợi, nếu thực sự có một thế giới vô hình như vợ chồng Tiến đang tin cậy. Nghe nói vậy, tiến nói việc này vợ y đã tính đến rồi, cô ấy chu đáo lắm, lễ lạt đầy đủ, tháng mấy ngày ăn chay, lại kiêng khem rất kỹ.
Nói thì nói vậy, xem ra y có vẻ không hài lòng.
Nếu sự việc chỉ có thế, giữa hai người sẽ chẳng có chuyện gì. Cho đến một lần xảy ra một vài việc hắn thấy không sao chịu nổi ..
**
Không biết Tiến có nói lại điều gì với vợ y hay không, nhưng thấy vợ y thái độ khác hẳn.
Trước thì thi thoảng thị vẫn ra nhà, trò chuyện với vợ hắn bài vở, công việc nhà trường. Cả những chuyện chả dính dáng gì đến công việc ấy.. Từ sau đận hắn góp ý với Tiến, cả vợ lẫn chồng hình như có ý xa lánh, không tới chơi nhà.
Hắn có đến vợ chồng Tiến cũng không vồn vã như xưa. Hắn không hiểu mình đã sai ở chỗ nào mà vợ chồng y lạnh nhạt ra mặt như thế? Chẳng lẽ y nghĩ mình có ác ý với việc làm gần đây của vợ y?
Hắn chỉ nói thế thôi đâu có để bụng? Đã vậy mình chỉ khi nào thật cần thiết việc gì mới đến, kẻo y lại suy bụng ta ra bụng người, cho mình soi mói để ý như y từng làm đối với mình. Mình ghét nhất thói dò la, tăm tia để hại người khác, nhưng y không hiểu thì thôi, cũng không cần bận tâm.
Quan hệ giữa hai người tưởng chừng đóng băng từ đấy.
Đột nhiên ông chủ tịch hội nảy ra sáng kiến thăm hỏi hội viên. Cùng đi với ông còn vài ba người nữa. Cơm rượu xong, ông bảo hắn cùng tới nhà Tiến chơi trước lúc đoàn về. Hắn đã định từ chối. Thứ nhất hôm đó là ngày chủ nhật, ngày mà cô giáo vợ Tiến bảo là “các quan cho làm”. Nghĩ cũng lạ nhỉ, hóa ra “các quan”cũng làm theo ngày giờ hành chính như ở cõi trần sao? Chắc cô nói vậy cho tiện mọi bề để không ảnh hưởng đến công việc nhà trường. Nên ngày chủ nhật nhà Tiến rất đông khách xa gần đến đặt lễ, cầu vong, xem chỗ ở, hay việc đang làm lành dữ ra sao? Đến vào lúc này cũng không tiện. Thứ hai trong đoàn còn có một ông nhà thơ hiện đang tại vị “phòng điều tra” công an tỉnh. Biết đâu con người đa nghi và hay để ý vặt như y sẽ cho là mình sắp đặt để chơi xỏ y? Muốn phơi bày những việc y không muốn ai để mắt tới, nhất là anh em trong hội.
Nhưng không đi cũng dở, mọi người sẽ cho hắn và y có khúc mắc với nhau. Anh em văn nghệ cả tỉnh có một dúm người, không chơi được với nhau còn nói gì nữa? Mỗi người rủ thêm vài câu, hắn tặc lưỡi lên xe.
Tới nơi, người từ đâu đến vòng trong vòng ngoài. Vợ tiến đang nhập đồng, khua chân múa tay phán lời của “vong” mới được gọi về.
Mấy anh em đứng cả ngoài sân vì trong nhà không còn chỗ ngồi. Anh chàng công an nổi hứng lôi cái máy ảnh ra chụp cây cọ bị đốt cháy đang hồi sinh ra những tàu lá quăn queo rất lạ.
Ông chủ tịch hội là người nhạy cảm, hình như ông đánh hơi thấy có điều bất tiện, nháy anh em ra về. Đến lúc đó Tiến mới biết anh em trong hội đến chơi, y chạy trong nhà ra, mọi người đã lên xe rồi.
Hôm Tiến có việc về hội, có anh thóc mách, đã hỏi soi móc thì chớ, lại có ý cười cợt vì anh ta không tin chuyện đồng cốt khi nào.
Tiến càng tức!
Từ bữa ấy Tiến giận hắn ra mặt. Vợ y còn bắn tin là hắn xấu chơi, có ý không tốt với bạn, nên mới đưa người đến không đúng lúc, chủ ý muốn phơi bày việc vợ chồng Tiến chưa muốn công khai vào lúc này. Bây giờ mới chỉ là bước dẹp đường cho ngày sau, khi cô đã nghỉ hưu. Giờ rất nên kín đáo!
Từ đó y tuyệt nhiên không đến nhà. Gặp từ xa y đã có ý lảng tránh. Dự hội nghị cùng có mặt, cũng tìm chỗ ngồi thật xa, như thể hai người chưa từng quen nhau.
Y đã không thích thì hắn cũng chẳng cần. Bạn bè cần ở nhau ở chỗ cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ nhau những khi có thể. Bạn cho có, nắm mớ, vô bổ, cốt tào lao chi khươn thì cần cái cóc gì?
Hắn nghĩ như thế mặc dầu trong lòng hắn rất buồn !
**
Nỗi buồn nào rồi cũng qua đi, sự đời nó thế, buồn lâu làm gì ?
Hắn cặm cụi viết những gì lâu nay ấp ủ trong lòng, thờ ơ với tất cả mọi sự đang diễn ra hàng ngày ở xung quanh. Hắn định thế nhưng không được..
Có một cuộc thi viết về giáo dục. Hắn biết tỏng đây là chủ ý của những người nắm trọng trách trong ngành này.
Tác phẩm hay hay không, không quan trọng bằng qua đó phát hiện ra ý tưởng khả dĩ hiến kế có thể cứu nguy nền giáo dục đang sa đà vào chỗ bế tắc. Chứ không phải tô vẽ như bấy lâu nay người ta quen làm. Cải cách mãi rồi mà không khá lên được.
Đụng đến nó là đụng đến cả mớ bùng nhùng, khen cũng dở mà chê cũng rất khó.
Không khéo đụng chạm đến người này người khác, trong lúc vợ mình còn đang theo nghề.
Người ta không nói là bắt buộc phải tham gia, nhưng không viết chắc chắn là có người sẽ không bằng lòng. Trách nhiệm của hội viên là phải tham gia đóng góp với hội, không thể thờ ơ.
Hắn chọn thể loại “Bút ký văn học” là loại dễ đề cập đến vấn đè gai góc, nhạy cảm này. Nó khác ký sự ở chỗ, ngoài sự thể hiện sự thật khách quan, người viết có thể hư cấu thêm và đưa ý tưởng của mình vào trang viết, gần với tùy bút, gợi trí tưởng tượng.
Bài của hắn được đăng trang nhất, có dư luận nó sẽ được vào giải. Hắn chỉ coi như xong phận sự của mình. Được giải hay không, không quan trọng. Gần đây có nhiều ý kiến và dư luận cho rằng các loại giải thưởng, nhiều khi không nói lên được điều gì. Không đánh giá đúng chất lượng hay giá trị đúng của tác phẩm.
Tự mình hắn chỉ coi đó là bài báo đơn thuần ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, cảm nghĩ và những ý tưởng của hắn về sự kiện này. Đã là bút ký văn học không nhất thiết phải ghi rõ tên người, tên việc cụ thể..
Đã giữ gìn như thế mà còn xảy ra chuyện !
Hắn được điện gọi về tòa soạn để hỏi về bài báo của mình.
Tổng biên tập hỏi hắn có bịa đặt, vu không hay bài xích một người nào không? Ông kể cách đây mấy hôm có người đến hỏi mua toàn bộ số báo mới phát hành vừa rồi. Một điều xưa nay chưa từng có của tờ báo “Văn” bé nhỏ của tỉnh nhà, vốn tia ra rất hạn chế, thường chỉ “biếu” chứ bán được mấy khi?
Hôm qua ban tuyên giáo vừa gọi ông đến và thông báo là có đơn kiện về bài báo của hắn: “Đã phản ánh sai sự thật, có ý xúc phạm đến tập thể giáo viên nhà trường, mang dụng ý xấu, gây mất đoàn kết, sự ổn định và uy tín của trường”
Hắn trả lời ông là không có chuyện đó. Hắn không phản ảnh một trường hợp, một trường học cụ thể nào, càng không có ý nói xấu, đả kích bất kỳ ai. Hắn chỉ nêu những hiện tượng phổ biến có tính bao quát chung những tiêu cực, tồn tại của ngành này mà thôi.
Mượn chữ nghĩa để chửi bới, moi móc người này, người khác một cách hèn hạ là điều hắn không bao giờ làm. Dù khả năng, trình độ kém đến đâu, hắn cũng biết đó là điều người có lòng tự trọng không nên làm . Hắn chỉ viết những gì hắn cảm thấy, hắn suy nghĩ một cách thành tâm, thành ý.
Ông ta bảo: “ Vậy thì được rồi, tớ sẽ bảo vệ cậu, chỉ sợ cậu xuyên tạc sai sự thật, hoặc có ý đả kích vì mâu thuẫn cá nhân. Chứ đả phá cái sai, cái xấu thì không vấn đề gì. Còn biểu dương cậu lần đầu đã có công trong sự kiện “Cháy” báo đấy !”
Hắn về vắt óc suy nghĩ do đâu lại có chuyện này ?
Nói: “ Văn học phục vụ quần chúng nhân dân..” là để mà nói. Thực ra có mấy ai đọc sách báo bây giờ đâu?
“ Quần chúng công, nông, binh” lại càng ít đọc. Một là họ đang phải đánh vật với cuộc mưu sinh hàng ngày. Hai là giá điện, giá xăng, vật giá leo thang không cho đầu óc con người rảnh rỗi. Ngay những thành phần khá giả trong xã hội còn phải than trời. Huống chi “Quần chúng công, nông, binh” thường ở tầng lớp nghèo, ít thời gian và tiền bạc đầu tư cho loại sản phẩm “tinh thần” này. Ba là cuộc chạy đua của lối sống đề cao vật chất càng ngày càng ô nhiễm nặng bầu không khí xã hội. Chưa kể đến sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn hiện nay. Tóm lại, văn hóa đọc với họ như một cái gì xa lạ!
Sách báo xuất bản, quanh đi quẩn lại mấy ông nhà văn, hội viên đọc với nhau. Một số ít gửi tới các phòng ban chủ yếu để theo dõi, nắm tình hình.. Vậy thì tại sao cô hiệu trưởng trường vợ hắn dạy học lại có được số báo đăng bài của hắn?
Một buổi sáng chủ nhật có hai cô đèo nhau đến nhà Tiến. Chuyện ấy cũng bình thường vì họ là đồng nghiệp đến chơi nhà nhau. Chỉ không bình thường ở chỗ còn có một mâm lễ, đủ vàng, tiền, hoa quả. Cô hiệu trưởng nhờ vợ Tiến kêu các quan triệu vong bà nội cô về, vì bố mẹ cô còn sống cả chưa ai quy tiên. ( Nghe nói khi còn ở dương gian, cụ hợp và yêu cháu gái lắm ). Cô muốn hỏi cụ sắp tới đây trên phòng ban khi nào xuống kiểm tra và họ quan tâm đến những chuyện gì?
Ý nguyện của người lãnh đạo với công việc chung chẳng có gì phải bàn nhiều .. Chuyện này lâu nay đã thành quen lệ chẳng ai bận tâm xem nó hay, dở, đúng, sai thế nào. Xin không kể lại nữa, vì nó không phải nội dung chính của câu chuyện này.
Khi xong việc đáng lý hai cô “trở ra về” vui vẻ như mọi khi. Ngồi lan man một lát, thấy Tiến lấy ra tờ báo, làm như vô tình đưa cô hiệu trưởng. Lần đầu cô thấy có tờ báo văn nghệ này ( Mặc dù nó ra đời cũng khá lâu ). Y bảo :
- Trong đây có bài viết về giáo dục hay lắm, hình như tác giả muốn nhắm vào trường ta thì phải, chị đọc xem có thấy thế không?
Cô hiệu trưởng giở ra đọc, đến đâu nét mặt cô thay đổi đến đấy, từ đỏ lên rồi tái dần đi.. Cô hỏi:
- Anh có biết tác giả bài này là ai không?
Tiến cười, bong bóng sùi li ti hai bên mép, ấy là khi đắc chí lắm, y bảo:
- Người ta ký bút danh nên tôi chịu, không biết là ai. ( Điều này thì y nói dối), nhưng phải là người trong cuộc mới biết rành rẽ thế được. Công nhận bài viết hơi ác, nêu cả những việc nhạy cảm, lẽ ra chỉ nên đóng cửa bảo nhau..
Cô không nói gì thêm, chỉ mượn tờ báo mang về, sáng hôm sau cô cho người đến tòa soạn, như ông tổng biên tập vừa nói ..
Thực ra bài báo chỉ nêu lên ở số trường thiếu thực thi dân chủ. Hiệu trưởng có quá nhiều quyền, thậm chí chuyên quyền, mạt sát, mắng mỏ giáo viên như người ăn, kẻ ở trong nhà. Giáo viên cứ nem nép như rắn mồng năm, chẳng ai dám ó é lên tiếng. Lợi dụng trường có các phân hiệu xa, đi lại khó khăn, hiệu trưởng thường phân cho những ai không ăn cánh và không cung phụng mình.
Chuyện tài chính không minh bạch khi mua sắm trang thiết bị cho trường. Các buổi tập huấn mang tính hình thức, bắt giáo viên đóng góp cho những chuyện không rõ ràng.. Nêu các vấn đề này hắn đã có ý tránh không nói cụ thể là ai và ở đâu ? Chỉ muốn nêu một vấn đề mà người ta chưa nói, là “quan hệ giữa thày với thày” thiếu trong sáng, vậy thì các thày cô yêu thương học trò sao được?
Ngày xưa hắn đi học các thày kính trọng, yêu thương và giúp đỡ nhau, cao quý lắm. Đó là tấm gương để trò noi theo, sao bây giờ các thày cô lại cư xử với nhau như vậy? Làm sao môi trường giáo dục “ Thân thiện” cho được? Các vấn đề khác người ta nói nhiều rồi, y chỉ nêu ở khía cạnh này trong khuôn khổ quy định số chữ của cuộc thi.
Nếu không có sự gợi ý của Tiến, dù cô có đọc, chưa chắc cô hiệu trưởng có phản ứng gì, mặc dù những biểu hiện nêu ra có phần “giông giống” trường cô. Tờ báo cũng không phải tài liệu mật “lưu hành nội bộ”cần hạn chế độc giả, Tiến có tặng cô cũng là việc nên làm, thêm phần quảng bá cho hội!
Ôi là lời nói đọi máu! Hắn nghĩ đến cuộc thăm viếng tình cờ của mấy người bạn tới nhà Tiến trước đây mà hắn là kẻ vô tình, biết đâu đây chả là việc “ăn miếng, trả miếng” của ông bạn vàng này?
May mà sau đó mọi chuyện cũng êm ả. Khi xét giải thưởng, bài của hắn được cho sang bên cạnh. Không phải vì thế mà hắn giận y đến bây giờ. Với hắn giải chẳng là gì cả, ngoài cuộc bia bọt với bạn bè, vinh quang nào có đáng là bao để mà khổ tâm về nó?
Hắn buồn ở nỗi mình chê người không biết thương yêu đùm bọc nhau, mà chính mình lại rơi vào vòng luẩn quẩn của sự đố kỵ, ghen ghét tầm thường.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là câu châm ngôn không còn thích hợp với ngày nay nữa. Hình như mọi khái niệm xưa cũ đã dần thay đổi. Người ta đổ lỗi cho “kỳ gian” Song Ngư chuyển giao cho Bảo Bình, nên mọi chuẩn mực đều thay đổi, kể cả những giá trị thuần khiết nhất.. Chả biết có đúng thế không?
Chỉ biết, về sau mỗi lần hắn gửi bài, tổng biên tập thường soi đi soi lại, (cẩn thận không bao giờ thừa ). Ông làm vậy là đúng, chỉ có hắn là ái ngại vô cùng!
Có lẽ hắn phải gặp Tiến để nói rõ chuyện này mới được!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: