Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Có lẽ bà ta lấy một người thường, kết cục đã không xảy ra như vậy!


Bí ẩn xung quanh cái chết đầy tranh cãi của "kẻ tội đồ số 1" Trung Nam Hải
Xử lý ảnh: Mạnh Quân
 Giang Thanh, người vợ thứ ba của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, lựa chọn cách thức tự sát như thế nào luôn là câu hỏi gây tốn giấy mực của truyền thông Trung Quốc và thế giới.
Cái chết gây nhiều tranh cãi
25 năm kể từ khi bà Giang Thanh – vợ của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông tự sát qua đời đã có rất nhiều lời suy đoán khác nhau xung quanh cái chết bí ẩn này.
Rạng sáng ngày 14/5/1991 Giang Thanh đã tự sát qua đời tại "Phòng chữa bệnh tại ngoại" trong trại giam Tần Thành, Bắc Kinh, thọ 77 tuổi, kết thúc cuộc đời phong ba chính trị, nhất là thời kỳ làm vợ Mao Trạch Đông của bà.
Sau khi Giang Thanh chết được ba tuần lễ, ngày 4/6/1991, hãng Tân Hoa Xã đã đưa một tin ngắn: "Giang Thanh - thủ phạm đầu sỏ của Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu – Giang Thanh đã tự sát tại Phòng chữa bệnh tại ngoại ở Bắc Kinh ngày 14/5/1991".
Tuy nhiên, Tạp chí TIME (Mỹ) là cơ quan truyền thông đưa tin sớm nhất trước cả Tân Hoa Xã về cái chết của Giang Thanh.
Trong số ra ngày 1/6/1991, TIME viết: "Giang Thanh đã treo cổ tự sát tại Bắc Kinh…. Sở dĩ bà tự sát là do không chịu nổi sự dày vò của bệnh ung thư yết hầu".
Nhà văn Mỹ Ross Terrill trong tác phẩm "Giang Thanh toàn tập" cũng viết: "Giang Thanh khi bị giam tại Phòng chữa bệnh tại ngoại Tửu Tiên Kiều đã sốt cao liên tục nhiều ngày mà không thuyên giảm nên được đưa tới bệnh viện của Bộ công an.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/5/1991, thân hình đã rất yếu ớt nhưng bà vẫn cố gắng gượng bò vào nhà vệ sinh, dùng mấy chiếc khăn tay bện sẵn thành chiếc giây thừng có thòng lọng, treo một đầu lên chiếc giá sắt trong buồng tắm.
Bà dùng chăn, gối kê lên cao thành cái bệ, thò cổ vào thòng lọng, rồi lấy chân đá bỏ bệ treo cổ tự sát. Khoảng 3 giờ 30 phút sáng, nữ hộ sĩ vào buồng phát hiện bà đã tự sát trong nhà tắm, liền kêu lên, các hộ lý và bác sĩ chạy tới nhưng không kịp cứu, bà đã qua đời, thọ 77 tuổi".
Bí ẩn xung quanh cái chết đầy tranh cãi của kẻ tội đồ số 1 Trung Nam Hải - Ảnh 2.
Hình ảnh Giang Thanh hồi trẻ. (Ảnh: motie.com)
Nhưng tới ngày 13/1/2012, ông Hà Điện Khuê - nguyên Trưởng phòng quản giáo của nhà tù Tần Thành, Bắc Kinh trả lời tờ Tuần tin Trung Quốc đã phủ định thông tin của TIME và Ross Terrill.
"Giang Thanh chết không phải do treo cổ tự sát, thông tin treo cổ tự sát là hoàn toàn không đúng. Bà ấy chết là do uống thuốc ngủ", Hà Điện Khuê nói.
"Tối ngày 13/5/1991, Giang Thanh đi ngủ như mọi ngày bình thường. Sáng sớm hôm sau khi nhân viên trực ban vào phòng đã phát hiện bà ấy chết, người đã cứng đơ", ông Hà cho biết thêm.
Trước đó, tháng 1/1981 Giang Thanh bị Tòa án tối cao Trung Quốc kết án tử hình, hoãn thi hành án 2năm và hủy bỏ mọi quyền lợi chính trị.
Một năm sau, bà được giảm án xuống tù chung thân. Ngày 4/5/1984 do bệnh tình ngày càng nặng nên được chữa bệnh tại ngoại.
Gọi là chữa bệnh tại ngoại, thực chất Giang được đưa tới ở một căn phòng giam trước đây ở một góc trong nhà giam Tần Thành, nay được sửa sang lại tốt hơn.
Ngày 30/3/1989, bệnh tình của Giang Thanh thuyên giảm nên bị đưa trở lại nơi giam giữ cũ trong trại Tần Thành. Tuy nhiên, khi bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe, phát hiện thấy bệnh tình ung thư yết hầu của bà ngày càng trầm trọng và kiến nghị tiến hành phẫu thuật.
Nhưng Giang Thanh từ chối và nói rằng: "Cắt bỏ yết hầu thì làm sao còn nói được sự thật nữa".
Ông Hà Điện Khuê khẳng định: "Giang Thanh chết vẫn ở trong Nhà lao Tần Thành, chứ không phải bên ở bên ngoài".
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, vào tháng 12/1988 nhân kỉ niệm 95 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, Giang Thanh đề nghị với tổ chức cho phép gặp mặt gia đình nhưng không được chấp nhận.
Bí ẩn xung quanh cái chết đầy tranh cãi của kẻ tội đồ số 1 Trung Nam Hải - Ảnh 3.
Giang Thanh và Bè lũ bốn tên bị xét xử. (Ảnh: Internet)
Do đó, bà đã uống 50 viên thuốc ngủ để tự sát nhưng được cứu chữa kịp thời nên thoát chết. Kể từ đó, y bác sĩ không bao giờ phát thuốc ngủ cho Giang Thanh.
Bởi vậy, Giang Thanh tự sát bằng thuốc ngủ như ông Hà Điện Khuê nói chưa thể tin cậy, vì bà không được cấp thuốc ngủ như trước.
Truyền thông thế giới cho rằng, thông tin Giang Thanh tự sát bằng cách treo cổ cho thấy tính cách của bà mạnh mẽ hơn nhiều.
"Có vấn đề, hỏi Giang Thanh"
35 năm đã trôi qua kể từ khi Giang Thanh bị đưa ra Tòa xét xử (1/1981) và 25 năm sau khi bà qua đời (5/1991), tới nay đã xuất hiện không ít bài viết thanh minh cho người phụ nữ đặc biệt này.
Ngày 9/9/2016, nhân kỉ niệm 40 năm ngày mất Mao Trạch Đông (9/9/1976 –9/9/2016), tác giả Quan Lĩnh viết:
"Tình yêu của Mao Trạch Đông và Giang Thanh là điển hình của mô thức 'anh hùng – mỹ nhân'. Tình yêu này thực sự nồng thắm bất chấp sự phản đối của các cán bộ lão thành cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cho dù khi đó có nhiều người gièm pha với Mao Trạch Đông rằng Giang Thanh xuất thân là đào hát, trải qua nhiều cuộc hôn nhân, lai lịch không tốt nhưng lãnh tụ Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả để kết hôn".
Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc cũng cho biết trong những ngày đầu của cuộc Đại cách mạng văn hóa, Giang Thanh được cử làm Phó ban chỉ đạo, chỉ đứng sau Mao Trạch Đông.
Bí ẩn xung quanh cái chết đầy tranh cãi của kẻ tội đồ số 1 Trung Nam Hải - Ảnh 4.
Mao Trạch Đông và Giang Thanh được đánh giá với tình yêu đi theo mô thức: Anh hùng - mỹ nhân. (Ảnh: gscn.com.cn)
Tuy nhiên, Mao đã viết cho bà một bức thư có nội dung: "Sự vật thường diễn biến theo chiều ngược lại, tâng bốc, sùng bái càng cao thì ngã càng đau, Tôi đã chuẩn bị tâm lý là mình sẽ bị ngã đau, bị người ta vùi dập".
Báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo ngày 13/1/2012 cũng viết: "Khi còn ở khu căn cứ địaThiểm Bắc, Mao Trạch Đông từng nói với những người thân cận rằng: 'Sau khi tôi chết, người ta sẽ trù đập, đấu tố Giang Thanh tới chết, bởi vì bà ấy ăn nói đanh đá, chua ngoa làm mất lòng mọi người'."
Đúng như lời dự báo của Mao Trạch Đông, ngày 9/9/1976 Mao qua đời thì đến tháng 10/1976 Giang Thanh bị bắt. Tháng 1/1981 Giang Thanh bị đưa ra xét xử ở "phiên tòa thế kỷ" với 35 thẩm phán và 600 đại biểu được mời tới dự.
Tại phiên tòa, Giang Thanh từng phản biện: "Các vị đều rất rõ, lúc bấy giờ, ĐCSTQ làm nhữngviệc mà bị nhân dân và các ngài ai oán nhưng nay tất cả đều đổ tội lên đầu tôi... Tôi chỉ là một người lãnh đạo của đảng, đứng bên cạnh Mao Chủ tịch..."
Giang Thanh nói tiếp: "Các người có biết không? Tối hôm đó, Mao Chủ tịch viết cho Hoa Quốc Phong (người kế nhiệm Mao-PV) một bức thư, trong đó viết: ‘Anh làm việc, Tôi yên tâm’ nhưngtrong thư đó chí ít còn thêm 6 chữ nữa là: ‘Có vấn đề, hỏi Giang Thanh’. Vậy đấy, nhưng nay lại đổ hết tội lỗi lên đầu tôi."
Giang Thanh (1914 - 1991), tên thật Lý Vân Hạc, quê Sơn Đông, Trung Quốc, là người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông.
Bà được nhắc đến với danh xưng Mao phu nhân và cũng là người lãnh đạo của nhóm Bè lũ bốn tên nổi tiếng trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc (1966 - 1976).
Năm 1938, Giang Thanh kết hôn với Mao Trạch Đông tại Diên An, Thiểm Tây và sinh được một người con gái đặt tên Lý Nạp.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: