Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Cô giáo quốc tế vũ


Cố vấn chính trị, chính uỷ họ Vương, vẫn đang nói trên bục giảng. Đối tượng rao giảng của ông là tiểu đoàn học viên số 5 của trường Lục quân Trần quốc Tuấn gồm 3 đại đội : Thông tin, Công binh và Quản lí-Hành chính. Ngày ấy, cuối năm 1950, để tránh máy bay Pháp dò tìm và đánh phá, trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đã sang học nhờ trên đất Vân Nam. Trường mang một cái tên Trung Quốc: "Tây Nam Quân Khu Đặc Khoa Học Hiệu" và các giáo viên, nhất là giáo viên chính trị, đều là sĩ quan và chính uỷ của Hồng quân.
Tất cả ba bốn trăm người ngồi đầy một đại giảng đường. Từ trong đám đông, Hải chăm chú nhìn Vương chính uỷ. Phiên dịch Thịnh dịch lại từng lời ông nói. Nhưng Hải nhìn ông mà không nghe, tâm hồn Hải đang bay bổng tận đâu đâu.
Ngồi bên Hải là Trịnh Thế. Thế cũng chăm chú nhìn ông Vương, cuốn sổ ghi chép mở rộng đặt trên đùi. Một vẻ chăm chú rất lơ đãng: có lẽ tâm hồn Thế cũng đang phiêu du.
Hải viết vào sổ của Hải một câu hỏi rồi lấy cùi tay hích vào sườn Thế:
- Ông Vương nói gì vậy? Có gì khác ông Chu?
Đợi cho Thế đọc xong, Hải quay ngược cây bút chì được phát cho lính Thông tin viết điện báo, lấy đầu tẩy tẩy câu hỏi cho mất dấu.
Mấy lần Thế định đặt bút xuống rồi lại thôi. Hải biết Thế không muốn trả lời câu hỏi này. Động đến lời ông Vương là động đến những vấn đề chính trị cơ bản. Quan điểm mà ông, cũng như các ông Chu, ông Lí, ông Trương, ông Triệu, ông Tần...trong đoàn cố vấn, rao giảng lâu nay vẫn là quan điểm giai cấp không thoả hiệp và thâu tóm độc quyền lãnh đạo. Trong khi đó, phần đông Hải và bè bạn, những học sinh mới rời các trường văn hoá tự nguyện nhập ngũ, chỉ là những học sinh yêu nước, chỉ muốn một Việt Nam độc lập và hoà bình.
Trịnh Thế là đảng viên. Còn hơn thế, Trịnh Thế có chân trong chi uỷ. Rất có học vấn, lại nhiều tài năng, đủ cả thơ ca nhạc hoạ nên Trịnh Thế đựoc phân công làm chủ nhiệm câu lạc bộ đại đội. Dù vậy, Trịnh Thế luôn luôn là một người bạn độ lượng và chân thành. Một người bạn mà ta có thể hoàn toàn tin cậy. Không bao giờ Thế báo cáo ngầm tư tưởng của bạn bè cho chi bộ. Nhưng hãy tránh cho Thế những hoàn cảnh khó xử: đừng bao giờ công khai để lộ quan điểm chính trị, nhất là trước đông người, để Thế khỏi phải bắt buộc chấn chỉnh theo quan điểm chính thống. Những lúc ấy, ở cương vị của Thế, Thế không thể im lặng hoặc làm gì khác.
Hải chuyển đề tài:
- Có gì mới không?
Mọi việc trong đơn vị, Thế đều biết trước anh em ngoài đảng. Thế viết:
- Có một tin vui!
- Gì vậy?
- Một diễn viên múa đoàn Văn công quân khu Tây Nam của Trung Quốc, cô Pao Li Yun ( Bảo Lệ Vân ) sẽ xuống tiểu đoàn mình dạy quốc tế vũ.
- Cái gì? Quốc tế vũ??? Nhảy đầm???
- Ừ! Nhảy đầm! Nhưng từ nay gọi là Quốc tế vũ! Đại loại valse, boston, tango, rumba...
- Không còn là điều cấm kị, là tiểu tư sản?
- Bảo là tiểu tư sản thì là tiểu tư sản. Bảo là cách mệnh thì là cách mệnh...
Hải bâng khuâng hỏi tiếp:
- Đẹp không?
- Cái gì?
- Bảo Lệ Vân ấy...
- Chẳng biết nữa! Đã được gặp đâu, chỉ mới nghe tên...
Rồi Trịnh Thế viết tiếp:
- Nhưng chắc là đẹp. Bảo Lệ Vân, tên đẹp thế cơ mà! Lại là diễn viên múa!
Cứ thế Hải và Trịnh Thế bí mật nói chuyện. Nhiều người khác có lẽ cũng đã làm như họ. Mắt nhìn ông Vương nhưng tay viết và tẩy xoá rất nhanh những câu hỏi đáp, giống như ghi chép những lời rao giảng của ông, cuối buổi lên lớp toàn tiểu đoàn đã biết: một ngày nào đó, Bảo Lệ Vân, cô giáo dạy quốc tế vũ, sẽ đến với tiểu đoàn.
*
Khoá học đã kết thúc sau những ngày"phản tỉnh" đầy bão táp, nhằm đánh phá tư tưởng cũ và xây dựng tư tưởng mới của giai cấp vô sản. Họ chuẩn bị trở về chiến trường.
Đó là một ngày đầu thu Vân Nam. Chiều còn ửng nắng. Các vòm cây trên những triền núi bao quanh doanh trại đã ngả vàng. Giữa trời mênh mang, những đàn thiên nga đầu tiên từ phương Bắc tìm về phương Nam nắng ấm, thấy ánh nước hồ Dương Tung Hải, đã liệng vòng và kêu lên những tiếng thiết tha.
Trong tĩnh lặng, trực ban tiểu đoàn bỗng nổi một hồi còi rộn rã. Anh không hô "nghiêm", cũng không hô tập họp, chỉ thông báo sau khi dứt tiếng còi:
- Bảo Lệ Vân đã đến! Bảo Lệ Vân đã đến!
Giữa những lo âu tư tưởng, Bảo Lệ Vân đến như một niềm an ủi bất ngờ. Lập tức mọi người chạy lại.
- Chào đồng chí Bảo Lệ Vân!
- Chào cô giáo quốc tế vũ!
- Chúng tôi chờ đồng chí Bảo Lệ Vân từ lâu!
- Sao mãi bây giờ đồng chí mới đến?
Ngày ấy họ còn rất trẻ. Nhưng Bảo Lệ Vân nhìn còn trẻ hơn cả những người trẻ nhất trong bọn họ: Chu Minh, Phạm Mạnh Dung, Bùi Xuân Kiều, Nguyễn Tất Thắng... năm đó mới vừa tròn mười tám tuổi.
Như Trịnh Thế đã từng đoán trước, Bảo Lệ Vân xinh đẹp. Từ lâu, chỉ thấy những bà già lam lũ, chân bó chặt trong những nùi vải bẩn thỉu, hoặc ngồi bán vài chén hạt"hướng dương" và hạt"đậu răng ngựa" rang trong dầu, hoặc còng lưng dưới bó củi trĩu nặng, nên Hải ngỡ ngàng nhìn em. Dù mặc quân phục, từ em vẫn toát ra cái cốt cách của một tiểu thư Trung Hoa khuê các. Mắt em rợp bóng hàng mi. Trời vừa đủ lạnh để má em hồng. Trong bộ quân phục chưa bị thay thế của mùa hè, mỏng và nhẹ, thấp thoáng một thân hình thanh mảnh. Dưới chiếc mũ mềm gắn quân hiệu, mớ tóc đen nhánh tết thành bím dày, thả sau lưng. Cặp chân dài và thon, để chuẩn bị cho sàn nhảy, không mang giày da nặng nề của lính mà lồng trong một đôi giày vải mỏng.
Đi cùng với Bảo Lệ Vân là phiên dịch Thịnh. So với Hải và bè bạn, những chàng học trò mà thao trường đã nhanh chóng rèn luyện thành những chàng trai gân guốc, phiên dịch Thịnh vẫn mang vẻ thư sinh và nhiều người vẫn gọi anh là "Thịnh con gái". Anh có nhiệm vụ dịch lại mọi lời của cô giáo quốc tế vũ.
Bảo Lệ Vân gửi đến các học viên của tiểu đoàn lời chào hữu nghị của đoàn Văn công quân khu Tây Nam. Rất khiêm tốn, em bảo: em không dám dùng từ "dạy" mà chỉ cùng họ nghiên cứu quốc tế vũ và mong họ sẽ mang bộ môn nghệ thuật này về phổ biến trong các đơn vị mà họ sẽ phục vụ. Người chiến sĩ cần niềm vui và niềm vui mà quốc tế vũ mang lại sẽ nuôi dưỡng thêm trong họ ý chí chiến đấu.
- Các đồng chí Việt Nam biết không – em hân hoan nói – Mao Chủ tịch vĩ đại của chúng tôi rất khoan dung với quốc tế vũ. Người không coi đó là một hình thức nghệ thuật tư sản sa đoạ. Quốc tế vũ là tài sản của nhân dân lao động. Ngày cách mệnh Trung Quốc chưa thành công, chiến tranh đang ác liệt, mọi việc còn bề bộn, vậy mà Người đã cho tổ chức những đêm hội quốc tế vũ ở biên khu Diên An. Người đã nhiều lần cùng các đại nguyên soái cùa Hồng quân nhảy quốc tế vũ với nữ diễn viên các đoàn Văn công, đem vinh quang đến cho họ.
Em còn nói đến một viễn cảnh mà em dự đoán là sẽ rất huy hoàng. Với sự khoan dung của Mao Chủ tịch, Trung Quốc sẽ là một sân nhảy vĩ đại, ở đó những ngày hội hè, người ta sẽ vừa nhảy Quốc tế vũ vừa nhảy Ương ca
Buổi học thứ nhất diễn ra trên sân thể thao của tiểu đoàn. Cặp nhảy làm mẫu đầu tiên là Bảo Lệ Vân và phiên dịch Thịnh. Ngày ấy, cách đây đã 60 năm, chưa có dàn Hifi, máy cátxét để có thể phát nhạc bất cứ lúc nào, các học viên phải nhảy theo nhịp trống mà người giữ nhịp là quản ca tiểu đoàn Nguyễn Đại và Đỗ Lện, một chàng trai Hà nội đã biết đôi chút về quốc tế vũ trước mọi người.
Nhưng chỉ đến buổi học thứ hai, Bảo Lệ Vân đã rất vui lòng: em đã có một đội nhạc công do đại đội Thông tin cung cấp. Đại đội nổi tiếng tài hoa này của nhà trường đã một lần đưa lên sân khấu gần một nửa đại đội trong tiết mục hoà tấu sáo trúc và "khẩu cầm" (kèn Acmônica) - những chiếc khẩu cầm sáng loáng mua ở chợ Minh Hồ kề bên doanh trại - với những cây sáo tài ba Trịnh Thế, Phạm Ngọc Trác, Nguyễn Bắc Đản... và những cây khẩu cầm điêu luyện Nguyễn Quang Cưòng, Ngô Xuân Chín, Phạm Tình, Phạm Đẩu, Nguyễn Anh Thanh, Trịnh Tuấn...
Khúc điệu dùng trong các buổi tập cũng do Bảo Lệ Vân chọn lựa. Em lấy hai bài hát nhịp 3/4 của hai học viên Trịnh Đức Khang và Lê Ngát vừa sáng tác trong dịp kết thúc khoá học, mà em khen là "được lắm", để làm nhạc cho điệu Valse. Theo đề nghị của Đỗ Lệnh Vân, Bảo Lệ Vân dùng biến tấu của bài "Hà nhật quân tái lai" *một sáng tác của Trung Quốc từ hồi chiến tranh kháng Nhật và đã một thời rất thịnh hành ở Hànội dưới cái tên "Bài Tango Trung Hoa", làm nhạc cho điệu Tango.
Đại đội Thông tin có bốn nữ báo vụ: Kim Nguyệt, Minh Nguyệt, Thanh Thuỷ và Việt Lê. Cùng với Châu Ái Liên, một cô gái Thượng Hải giữ thư viện của đoàn cố vấn, họ chia nhau nhảy với các bạn nam. Có bạn nhảy nữ, mọi người vui vẻ tham gia các buổi tập. Cả những cấp chỉ huy của đại đội Thông tin ngày ấy: đại đội trưởng Phan Tài Truyền; các trung đội trưởng Nguyễn Hữu Toàn, Lê Sơn, Lê Khanh; các trung đội phó Lê Dung, Phạm Duy Tín, Phạm Phan Duệ, Phạm Tế Mỹ cũng không buổi nào vắng mặt.
Một buổi chiều, chính trị viên Nguyễn Minh Hoà, sau hội nghị, trở về vào giữa buổi tập. Mọi người đều đã thành cặp, lẻ đôi chỉ một mình anh. Anh ôm một chiếc ghế, vào sân, bước nhịp nhàng theo nhạc.
Bảo Lệ Vân đã kịp thời nhìn thấy. Khi dứt tiếng nhạc, em chạy lại.
- Đồng chí Minh Hoà thân mến! Đồng chí làm tôi rất xúc động. Xin đồng chí hãy bỏ ghế xuống và nhảy với tôi một bài!
Em gọi to:
- Dàn nhạc! Bài valse "Ngày trở về" của đồng chí Trịnh Đức Khang. Nào! Xin nổi nhạc lên!
Theo bước Bảo Lệ Vân, nhịp sống yêu đời dần dần trở lại, làm giảm bớt những kinh hoàng của thời gian "phản tỉnh". Chiều chiều, sân nhảy tưng bừng. Sau buổi tập, niềm vui vẫn chưa hết, một chút gì rộn ràng còn vương vấn dưới chân...
*
Hai tuần sau, Bảo Lệ Vân trở về Côn Minh, nơi đóng quân của đoàn Văn công quân khu Tây Nam.
Buổi cuối cùng, một chiều chủ nhật, em không đi bộ như thường lệ mà đến tiểu đoàn trong một chiếc xe nhỏ, kéo bởi một con lừa núi. Bữa ấy em mặc thường phục. Một chiếc áo Thượng Hải xẻ tà, cổ cao, trang trí những hoa văn. Một đôi giày dạ hội thêu chim phượng... Trang phục giản dị nhưng trông em cứ nhẹ lâng, tưởng như em đang sắp sửa bay lên. Hải tự hỏi: chẳng biết Triệu Phi Yến, hoàng hậu của vua Hán (Lưu Ngao), người mà thơ ca Trung quốc ca ngợi có tấm thân nhẹ như cánh én khi múa hát, so với em liệu có nhẹ nhàng hơn?
Trước lúc từ biệt tiểu đoàn, một lần nữa em dặn lại: "Hãy đem quốc tế vũ về phổ biến rộng rãi ở Việt Nam!"
Sau ngày em đi, Châu Ái Liên và các cô nữ báo vụ của đại đội xa dần sân nhảy. Vắng bóng các bạn nữ, ban nhạc đã hết hào hứng phục vụ. Chỉ còn lại lũ con trai nhảy với nhau theo nhịp trống của quản ca Nguyễn Đại.
Chẳng bao lâu, lớp học đã tan, nhưng lời dặn của Bảo Lệ Vân thì mọi người vẫn nhớ: "Hãy đem quốc tế vũ về phổ biến rộng rãi ở Việt Nam!"
*
Ngay sau ngày trở về Việt Nam, một biến cố quan trọng đã xảy ra: toàn quân bước vào chỉnh huấn cải cách ruộng đất, theo kinh nghiệm của Trung Quốc. Hải và bè bạn phải chỉnh huấn và "phản tỉnh" lại, đợt này là đợt thứ hai, không kém phần gay go, trước khi được phân công về các đơn vị.
Gió đã đổi chiều ở Bắc Kinh và đời đã đổi dòng ở Việt Nam. Nguyễn Anh Thanh, cây "khẩu cầm" tài hoa của dàn nhạc nhảy, qua được phản tỉnh ở nhà trường nhưng đã mắc nạn trong đợt này: Thanh đã tự sát vì bị truy bức và bị quy sai thành phần.
Vì Thanh bị coi là kẻ thù giai cấp nên không một bè bạn nào trong lớp được đi đưa. Người duy nhất biết việc chôn cất Thanh là Phạm Tình. Hôm ấy Phạm Tình trực ban. Người ta đã gọi anh tới vì một việc gì đó liên quan. Trở về, Phạm Tình không nói và cũng không ai trong lớp dám hỏi. Nỗi kinh hoàng đang lơ lửng trên đầu. Phải hơn 50 năm sau, năm 2005, trong một buổi họp anh em cùng khoá, khi nhắc tới những vui buồn và những vinh nhục thời trai trẻ, Phạm Tình mới kể lại: "Vệ binh kéo xác Thanh đi chôn như kéo xác một con vật!"
Thời thế đã hoàn toàn thay đổi. Lòng thù hận mọi biểu hiện của nền văn hoá phi vô sản được khuyến khích và nâng cao đến tột đỉnh. Đâu đâu cũng chỉ thấy những cái nhìn ngờ vực và một thái độ không khoan dung. Chẳng ai trong bọn Hải còn dám nghĩ đến việc phổ biến cho đơn vị những điệu quốc tế vũ đã học được. Ý nguyện của Bảo Lệ Vân sớm chìm vào quên lãng.
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Cuộc kháng chiến chống Pháp chấm dứt chưa bao lâu thì đã bùng nổ cuộc chiến tranh thứ hai. Nhiều người trong lớp Hải đã hi sinh: Trần Kim Luyện, Trần Trúc Bảo, Vũ Duy Chính...
Nhân gian vốn đã hiếm những cuộc đời tron vẹn,sau chiến tranh càng hiếm hơn.
Mỗi người một thân phận: Trịnh Đức Khang chết vì tai biến mạch máu não. Trịnh Thế chết vì ung thư. Ngô Xuân Chín, Phạm Đẩu sống trong bệnh tật và nghèo khó. Phiên dịch Thịnh thì sa sút, nhưng chưa nhụt ý chí, bày một chiếc chõng, bán chè chén trên hè phố Cát Linh, ngay gần cổng ra vào Bộ tư lệnh Thông tin.
Còn em, Bảo Lệ Vân? Em may mắn hay bất hạnh hơn họ?
Trong các buổi họp mặt hàng năm tại Hànội, bạn bè còn sót lại của khoá học ngày ấy vẫn nhắc tới em. Và lo lắng cho em!
Vào những năm đã gần hết đời, giữa thập kỉ 60 của thế kỉ 20, Mao vẫn còn phát động cuộc Đại Cách Mệnh Văn Hoá Vô Sản, đem ra đấu tố trước quần chúng và đưa đi lưu đày cải tạo hàng triệu con người bị nghi ngờ tôn sùng nền văn hoá tư sản phương Tây. Sau tai hoạ Đại nhảy vọt, Trung Quốc lại chìm vào một cuộc biến động kinh hoàng. Bảo Lệ Vân có qua được những ngày khủng khiếp và thê thảm đó? Hay em đã gặp nạn vì niềm đam mê của em? Vì những bước nhảy nhịp nhàng? Vì niềm tin thơ ngây vào lòng khoan dung giả dối của Mao? Nhiều người trong các vị đại nguyên soái mưu lược đầy mình còn mắc nạn, nói chi những người bình thường khờ dại!
Vào buổi cuối đời, tâm tưởng của Hải luôn hướng về những ngày xa xôi, khi Hải gặp Bảo Lệ Vân. Những chiều ửng nắng, trời Hà nội dịu dàng như trời thu Vân Nam, mỗi khi đi qua phố nhỏ, nghe một điệu valse vẳng đến từ ngôi nhà nào xa khuất, Hải lại thấy như quãng đời trẻ trung tươi sáng cùng Bảo Lệ Vân, Nguyễn Anh Thanh, Trịnh Đức Khang, Trịnh Thế... hiện về.
Hình bóng của họ mờ ảo, mong manh, như chỉ đợi một tiếng động mạnh là tan...


Vũ Hùng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: