Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Trả giá đắt vì dốc quốc khố, vét sức dân xây dựng các công trình xa hoa

Anh Tú 


MTG - Trong lịch sử nước ta, có khá nhiều triều đại thời gian đầu thì cùng dân chịu khổ vì mục đích chung. Nhưng đến đời sau thì sống xa hoa dẫn đến cái họa mất nước vong thân. Điển hình là chuyện "Vua lợn".

"Vua lợn" mà chúng ta nói đến chính là Lê Tương Dực, là vị hoàng đế thứ 9 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Lê Tương Dực, tên húy là Lê Oanh, trị vì từ năm 1509 đến năm 1516, tổng cộng 7 năm.

Thực ra Lê Tương Dực không phải dòng đích. Tuy là là cháu nội của Lê Thánh Tông nhưng ông chỉ là con trai thứ hai của Kiến Vương Lê Tân (con thứ của vua Lê Thánh Tông). Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong làm Giản Tu công, tức là không đủ tư cách để được phong vương. Nhưng nhờ biến cố lịch sử mà ông chớp thời cơ lên ngôi.

Năm 1505, Lê Uy Mục lên ngôi và thi hành chính sách vô cùng tàn bạo. Không chỉ bóc lột dân chúng mà Lê Uy Mục còn đối xử tàn tệ với anh em trong hoàng tộc. Sử chép: "Các quan người nào ngày trước không ủng hộ mình lên ngôi, thì Lê Uy Mục thường giết đi. Lại ngầm sai nội nhân Nguyễn Đình Khoa dò xét cả 26 thân vương là các chú và anh em của ông. Do vậy, mọi người đều cảm thấy nguy đến thân mình, càng nghĩ đến việc nổi loạn. Chính Giản Tu công (tức Lê Tương Dực sau này) cũng bị giam vào ngục nhưng trốn thoát được".

Sau khi Giản Tu Công  trốn khỏi ngục về Tây Đô (Thanh Hoá), thì được một công thần bị đuổi là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ nổi dậy chống lại Uy Mục đế. Trong hịch chống Uy Mục thì phe của Lê Tương Dực viết:

"Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".

Như vậy có thể thấy ngay từ lúc đó, Lê Tương Dực đã thấy được mặt trái của Uy Mục là việc xây đắp hủy hoại quốc khố và tiêu tốn sức dân nên nêu rõ tội để thiên hạ cùng thấy. Tháng 11.1509, Giản Tu công đưa quân về Đông Kinh (Hà Nội). Giản Tu công vào chiếm kinh thành bắt được và bức Uy Mục tự tử ngày 1.12.1509 rồi lên ngôi. Ban đầu Lê Tương Dực cũng sửa sang việc học, khôi phục văn miếu, chăm lo ngân khố. Thậm chí, Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc đã soạn bài ký ở Quốc Tử giám ca ngợi công đức của Tương Dực Đế:

"Hoàng đế thông minh xứng đáng bậc chí tôn, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ Cao Hoàng, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông Thuần Hoàng. Sáng vầng sao Khuê, ngang trời dọc đất thì có tập Bảo thiên thanh hạ; mở gương trị giáo mẫu mực xưa nay thì có tập Quang thiên thanh hạ. Thánh học ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần tuý. Hơn nữa, đến nhà Thái Học hỏi về đạo trị nước, ra nơi điện đình thi chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!"

Thế nhưng, khi quốc khố sung túc, Tương Dực lại xa hoa vô độ. Ông sai Vũ Như Tô xây dựng điện 100 nóc, lại xây công trình quy mô lớn là Cửu Trùng Đài, làm nhiều cung điện quy mô hơn xung quanh. Riêng Cửu Trùng Đài thôi đã cực kỳ xa xỉ, công trình kiến trúc được xây dựng bên bờ Hồ Tây vào năm 1512. Lê Tương Dực còn ra lệnh trước điện Cửu Trùng đài phải đào hồ thông thiên với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, hồ đấy phải quanh co khúc khuỷu, lúc mở cửa ống có thể chở thuyền nhẹ ra vào để vua cùng tì nữ thả thuyền Thiên Quang du ngoạn. Việc xây dựng đài khiến dân chúng lâm vào cảnh lầm than.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: "Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười."

Binh lính và dân chúng đói khổ, các đại thần cũng nhiều người bất mãn. Nhân cơ hội, Trịnh Duy Sản giả mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng ngày 7.4 âm lịch năm 1516, đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực.

Lúc đó, Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, được tin Duy Sản giết vua, liền đem quân qua sông, đốt hết phố xá trong kinh thành. Điện, đài đều thành tro. Giá như Tương Dực không xa xỉ, sa đà việc xây dựng các công trình xa hoa, hoành tráng làm hao sức dân thì ông đã trở thành minh quân, làm nhà Lê "vĩ đại lại một lần nữa". Ôi, tiếc thay, tiếc thay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: