Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Tòa soạn


Truyện ngắn của Ái Nữ


      Việt Nam, một năm cuối của thế kỷ hai mươi.
       Một tòa soạn báo văn nghệ giống như mọi tòa soạn tương tự nằm đây đó khắp các tỉnh, một ngày như rất nhiều ngày. Nhà văn Biển Việt, một nhà văn nổi tiếng như rất nhiều nhà văn trong nước, đang bận rộn với công việc biên tập thì phải bỏ dở giữa chừng để tiếp khách. Không chỉ là khách của tòa soạn mà còn là khách của riêng ông. Không phải khách quen, không phải bạn văn cũng không phải cộng tác viên. Một bạn đọc tên là Ba Đào.
       Cả tòa soạn ngạc nhiên. Đã lâu rồi họ không còn biết đến niềm hạnh phúc vì sự hâm mộ của độc giả. Như mọi tờ báo được bao cấp khác, báo của họ in ra hầu như chỉ để phát, văn chương đăng trên đó không được mấy ai quan tâm ngoài những người sáng tác trong cùng hội văn học nghệ thuật địa phương. Vậy mà nay có độc giả đến đây vì niềm cảm mến sau khi đọc một tác phẩm đăng trên tờ báo của họ, truyện ngắn “Chú bé đi giày một chân”* của nhà văn Biển Việt.
       Biển Việt ngắm nhìn Ba Đào, nguyên mẫu lý tưởng cho một tác phẩm tương lai. Đó là chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, có đôi mắt sáng với ánh nhìn nồng nàn chứa đựng những điều sâu kín. Vóc người thanh, làn da sáng, gương mặt nghiêm nghị của một người nhiều suy nghĩ trước tuổi. Đôi mắt chàng trai rực lên như chiếu tỏa ngọn lửa từ bên trong.
       - Vậy là cậu thấy truyện đó hay ư? – Nhà văn hỏi sau khi rót cho bạn đọc một tách nước trà.
       - Vâng, câu chuyện ấy gợi lên nhiều tâm tư – Giọng Ba Đào xúc động – Hẳn là tác giả đã suy nghĩ rất nhiều…
       “Nhạy cảm quá!” Biển Việt thầm nghĩ.
       Những người không nghĩ nhiều thì tất nhiên không viết văn. Nhưng không phải cứ quẳng ý nghĩ lên mặt giấy là làm thành tác phẩm hay được. Những tư tưởng non trẻ hay già nua không giúp cho tác phẩm của nhà văn sống lâu. Cuộc đời của các tác phẩm văn chương không giống như cuộc đời của thân xác con người. Ở tuổi trung niên, Biển Việt không còn quá nhiều ảo tưởng. Kiếm sống bằng ngòi bút là việc nhọc nhằn. Có lẽ Ba Đào ít được đọc văn nên mới đánh giá cao truyện ngắn của ông đến thế. Trong câu chuyện ấy, dù lòng ông chân thật, nhưng ông độc đoán dùng quyền hư cấu của văn chương để nhồi nhét suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật đứa trẻ lang thang thất học một cách thô vụng. Mọi tình tiết trong truyện đều phi lý. Hai thằng bé bụi đời chung nhau đôi giày theo cách mỗi đứa chỉ đi giày bằng một chân thôi, chúng cho là thà cả hai đều được ấm một chân còn hơn để một đứa bị lạnh cả hai chân. Đôi giày vốn là sở hữu riêng của một thằng bé, nhưng nó đã chia cho bạn một nửa trong khi đấy là toàn bộ gia tài của nó. Và bạn nó, thằng bé nhân vật chính trong truyện, phê phán những người lớn rằng họ rất tồi tệ, họ không bao giờ dám chia cho bạn mình một nửa gia tài, nếu cuộc sống không tốt đẹp thì họ luôn đổ lỗi cho nhau, vì thế nó quyết định sẽ không trở thành người lớn. Một ngày mưa lũ, dòng sông chảy qua thành phố dâng nước lên cuồn cuộn, dưới sông có một người đang bị dòng nước hung dữ cuốn trôi, trên bờ có nhiều người lớn đứng nhìn hoảng hốt nhưng không ai dám nhảy xuống sông cứu người bị nạn. Thằng bé đi giày một chân đã dũng cảm nhảy xuống nhưng không cứu được ai và mãi mãi không trở về. Nó không bao giờ trở thành người lớn nữa.
       - Một tác phẩm văn chương làm xúc động lòng người, người đọc sẽ suy nghĩ và muốn sống tốt hơn – Giọng Ba Đào trầm xuống và nhỏ lại, nhưng đôi mắt chàng trai rực sáng hơn, nhìn thẳng vào Biển Việt– Vì điều ấy mà cháu muốn viết văn. Chú sẽ ủng hộ cháu chứ?
       “Đó là động cơ viết của một nhà văn chân chính”. Biển Việt mỉm cười nghĩ. “Nhưng cần phải có tài năng nữa. Phải xem trời có ủng hộ anh không đã, anh bạn trẻ ạ!” Ông khích lệ Ba Đào với giọng hân hoan:
       - Chúng tôi luôn mong chờ những cây bút mới. Cậu hãy viết và đem đến đây, nếu hay chúng tôi sẽ đăng, nếu chưa hay thì chúng tôi sẽ góp ý.
       Ba Đào ra về trong niềm vui pha lẫn chút phấn khích của Biển Việt. Chàng trai đã đem đến những cảm xúc tươi mới cho ông. Ông sẽ chứng kiến và nâng đỡ bước đi chập chững đầu tiên của một nhà văn trẻ. Còn ông, ông là nhà văn trẻ đã quá lâu rồi. Ở đất nước này, giới trí thức vẫn giữ gìn kỹ lưỡng phong tục “kính lão đắc thọ” của cha ông, các văn nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Chừng nào còn có người nhiều tuổi hơn họ, chừng nào còn có người cầm bút trước họ thì họ vẫn là “nhà văn trẻ” trong cách gọi hoặc trong ý thức của chính mình hay của người khác. Năm nay Biển Việt đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, ông biết cái mệnh của ông là còn làm “nhà văn trẻ” rất lâu, bởi các bậc cha chú, các bậc đàn anh của ông trong giới cầm bút cỡ tuổi “bát thập” vẫn khá đông đảo mà họ sẽ còn sống lâu hơn nữa. Tuổi tác và cách xưng hô đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vai vế trong xã hội Việt Nam và gây cho giới văn nghệ sĩ lắm phen bối rối. Ba Đào xưng hô lễ phép với Biển Việt theo một cách không thể khác. Nhiều nhà thơ khi đứng trước một cô gái đẹp đã than: “Em ơi, sao gọi anh bằng chú?” Họ không muốn từ bỏ vai trò cha chú, vai trò đàn anh của mình đồng thời khó chấp nhận sự thật là mình đã nhiều tuổi, vì ở Việt Nam “nhiều tuổi” thường được hiểu đồng nghĩa với “già”, còn “già” thì hay được hiểu là “cũ”. Mâu thuẫn ở chỗ là người ta tỏ ra kính trọng người “già” nhưng lại thích người “mới”. Cách xưng hô phân biệt tỉ mỉ của người Việt Nam không thể hiện được tính chất “vừa già vừa mới” mà những văn nghệ sĩ lãng mạn muốn được nhìn nhận. Nếu cứ như bên các nước phương Tây thì chuyện này chẳng thể là vấn đề, bởi vì họ thường chỉ dùng một từ ở ngôi thứ nhất số ít và một từ ở ngôi thứ hai số ít, không có chuyện phải băn khoăn “uốn lưỡi bẩy lần” trước khi quyết định xưng hô với một người chưa quen như thế nào. Các nhà phê bình cầu toàn hay phàn nàn về chuyện Việt Nam thiếu những nhà văn nhà thơ lớn, họ quên mất rằng người Việt Nam muốn được xem là “lớn” thì đầu tiên phải “già” trước đã. Cứ viết thường xuyên, anh sẽ được gọi là nhà văn nhà thơ, cứ in tác phẩm thật nhiều, anh sẽ được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”, “nhà thơ nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” rất sẵn, còn người “lớn” thì… Cụ Tản Đà, ấy là nhà thơ tài hoa thời trước mà người ta kính trọng nên hay gọi bằng “cụ” như thế, có câu thơ rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”. Thời nay số dân của Việt Nam đã tăng gấp mấy lần mà người ta vẫn trích dẫn câu thơ đó mãi. Những người “lớn” thật thì ai còn nghĩ đến tuổi tác của họ chứ! Nhiều nhà văn nhà thơ của thế giới không sống đến tuổi bốn mươi nhưng đã kịp để lại di sản lớn cho nhân loại. Họ trẻ mãi, bất diệt, không ai gọi họ bằng “cụ”.
       Ba Đào đã đem đến tòa soạn hai truyện ngắn đầu tiên. Biển Việt đọc xong thấy hài lòng vì bài viết của chàng trai không có lỗi chính tả, phần ngữ pháp cũng chuẩn mực, câu chuyện giàu cảm xúc. Sinh viên đại học y có khác, rất có triển vọng. Những truyện này của cậu ta đủ trình độ để được đăng trên những tờ báo dành cho tuổi ngây thơ như “Hoa Học Trò” hay “Áo Trắng”. Sau khi khen những ưu điểm để khích lệ, Biển Việt phân tích cho Ba Đào vài chỗ khờ khạo trong xây dựng cấu trúc truyện ngắn mà những người mới vào nghề viết thường mắc phải. Không chỉ người mới vào nghề, những nhà văn lâu năm như Biển Việt cũng vẫn dễ mắc sai lầm như thường, vì khi viết người ta không tỉnh táo được như lúc đọc tác phẩm của người khác, cho nên giới viết lách mới có câu “văn mình vợ người”. Chàng trai ngoan ngoãn lắng nghe một cách chăm chú, nhưng Biển Việt không tin là cậu ta tiếp thu ngay được. Muốn trở thành Lỗ Tấn đâu có dễ!
       Lần thứ hai, Ba Đào lại đem tác phẩm mới viết đến tòa soạn. Biển Việt đọc lướt nhanh rồi chững lại, mặt ông nghệt ra, điếu thuốc đang kẹp hờ giữa hai ngón tay suýt rớt xuống sàn. Ngoài sức tưởng tượng của ông, đây là truyện ngắn hết sức đĩnh đạc, văn phong khác hẳn những truyện lần trước. Không nghi ngờ gì nữa, ông đang đọc tác phẩm của một Sê-khốp trong tương lai. Câu chuyện nhỏ xảy ra trong bệnh viện, giản dị nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Biển Việt ngẩng lên, bỏ kính xuống, phấn chấn nói với Ba Đào:
       - Tốt lắm, cậu cứ như thế mà viết! Chúng tôi sẽ đăng trong số báo gần nhất. Cậu quả thật có năng khiếu, tôi xin chúc mừng!
       - Thật vậy ư? Cháu rất cảm ơn chú – Ba Đào thay đổi sắc mặt nhưng không có vẻ vui mừng – Còn những khuyết điểm của tác phẩm, chú sẽ nói chứ?
       - Ồ, tất nhiên - Biển Việt vui vẻ - Tất nhiên là còn phải sửa, vì đó là công việc của tôi, song cũng nhanh thôi. Cậu xem đoạn này nhé…
       Biển Việt chỉ cho Ba Đào một đoạn trong bản thảo:
       - Nhân vật này là một thằng cha khoác lác kiêu ngạo, hãy để anh ta cao giọng lên. Chúng ta sẽ sửa thành “anh ta cao giọng…” Còn chỗ này… chỗ này… - Biển Việt dùng bút khuyên vào từng chỗ trong bản thảo một cách thành thạo, mãn nguyện nhìn Ba Đào với vẻ không còn gì để bàn cãi – Cậu thống nhất thế chứ?
       - Vâng – giọng Ba Đào hơi có vẻ dè dặt – Cháu đồng ý.
       - Khi nào đăng chúng tôi sẽ gửi báo và nhuận bút cho cậu – Biển Việt bắt tay tạm biệt chàng trai, ông thấy vẻ mặt Ba Đào thoáng buồn nhưng không hiểu vì sao.
       Hôm sau, khi Biển Việt đến tòa soạn thì thấy Ba Đào đã chờ sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi vồn vã:
       - Cậu đã viết được truyện mới rồi à? Hãy để tôi xem!
       Ba Đào mở to mắt nhìn thẳng Biển Việt, nói chậm rãi nhưng chắc chắn:
       - Xin lỗi chú! Cháu đến để lấy lại bản thảo hôm qua. Cháu đã nghĩ kỹ và thấy là không thể đồng ý với những sửa chữa của chú.
       - Cậu ngồi xuống, ngồi xuống đã! – Biển Việt rút mấy trang bản thảo từ tập giấy trên bàn làm việc, tròn mắt nhìn chàng trai – Hôm qua cậu đã đồng ý…
       - Cháu muốn đồng ý với chú, nhưng nhân vật trong truyện không tầm thường như thế. Không thể như thế được! Chú sửa như vậy là làm tầm thường hóa nhân vật - Ba Đào đột nhiên lạc giọng đi một cách lạ lùng – Với những con người tầm thường thì không còn gì để nói. Nếu nhà văn nhìn thấy con người tầm thường thì còn có thể giúp gì cho họ nữa?
       Vẻ xúc động của chàng trai làm cho Biển Việt bối rối. Tình huống này khiến ông bất ngờ, ông không hiểu Ba Đào đang nói gì. Sao lại không có những nhân vật tầm thường? Các nhân vật phản diện vẫn thường xuyên xuất hiện trong văn học tự cổ chí kim. Cuộc sống không thể thiếu những kẻ xấu xa.
       - Thế này anh bạn ạ! – Biển Việt nhăn mặt nói – Nếu cậu không muốn người ta sửa truyện của mình thì khi gửi bài đến bất kỳ tòa soạn nào hãy ghi thêm bên lề mấy chữ: “Đề nghị không sửa bản thảo!” Ở nước ta đến lúc này mới chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Tuân làm như vậy thôi. Với tài năng của cậu, tôi tin rằng năm năm nữa cậu có thể xử sự như Nguyễn Tuân. Nhưng không phải bây giờ…
       Đến lượt Ba Đào không hiểu Biển Việt đang nói gì, chàng trai trân trân nhìn nhà văn trước mặt mình một cách kinh ngạc. Gương mặt đầy đặn của ông nhuộm màu mệt mỏi, dù thân hình nhỏ nhắn của ông thường di chuyển nhanh nhẹn. Tiếng nói của ông dường như không hoàn toàn thoát khỏi cuống họng, làm cho giọng nghe khàn khàn.
       Ba Đào im lặng. Biển Việt đã bình tĩnh hơn, ông bảo:
       - Thôi thế này, cậu đưa cho tôi đọc truyện khác. Có thể có truyện không cần sửa.
       Ba Đào mở chiếc cặp mang theo, rút một bản thảo khác đưa cho Biển Việt. Ông cầm lấy đọc tức khắc, chăm chú một mạch. Sau đó ông thở dài và bỗng đổi cách xưng hô:
       - Này cháu! Cháu thật sự có tài đấy, chú không nhầm đâu. Truyện rất hay. Với tư cách là bạn đọc thì chú muốn được đọc những tác phẩm như thế, nhưng với tư cách là người biên tập thì chú không thể cho xuất bản được. Truyện này “gai góc” quá, nó sẽ gây đụng chạm.
       Ba Đào không ngạc nhiên thêm nữa nhưng ra chiều suy nghĩ. Mọi học sinh trung học trên đất nước này đều được các giáo viên dạy văn nhắc cho nghe những “kỳ án” của giới văn nghệ sĩ mang chung cái tên “nhân văn giai phẩm”. Đó là lịch sử một thời đã qua, nhưng đến nay nỗi lo sợ bị “chụp mũ” vẫn ám ảnh nhiều thế hệ nhà văn, như chim phải tên sợ làn cây cong.
       - Nếu viết như thế mà sợ đụng chạm thì cháu còn biết viết gì? – Ba Đào thất vọng hỏi.
       - Thiếu gì chuyện để viết! Cứ viết về những thói xấu của dân đen, những bi kịch gia đình vì đạo đức suy đồi, những chuyện tình ái…
       - Nhưng những chuyện ấy đâu có xảy ra trên cung trăng? Ai trong chúng ta có thể vô can tuyệt đối trong các bi kịch? – Ba Đào mím môi bướng bỉnh – Nếu chỉ có thể viết những truyện “lá cải” thì cháu không viết nữa.
       - Không viết cũng không sao cháu ạ! Viết văn chỉ là việc nhỏ thôi – Biển Việt châm điếu thuốc rít một hơi dài – Nghề bác sĩ của cháu kiếm sống tốt hơn nhiều. Chú đâu có vui sướng gì, nhiều người cùng như chú, sách viết ra hầu như chỉ để “đắp chiếu” trong các thư viện hoặc đem tặng. Phải biết sống sao cho yên ổn, vì bây giờ đâu phải là thời “dùng bút làm đòn xoay chế độ”* nữa.
       Ba Đào đứng bật dậy, ánh mắt chàng trai nhìn Biển Việt đầy bi phẫn.
       - Yên ổn ư? Chú nghĩ rằng những tác phẩm của chú không đụng chạm đến ai ư? Nó đụng chạm đến cháu. Chú có hiểu tại sao thằng bé đi giày một chân nhảy xuống dòng nước lũ trong khi ai cũng biết là nó chưa đủ sức không? – Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.
       Cầm lên tất cả các bản thảo, Ba Đào bước ra khỏi tòa soạn.
       Điếu thuốc trên tay Biển Việt rơi xuống. “Vừa rời khỏi đây chính là Chú Bé Đi Giày Một Chân?” Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm. Tự tử là trò điên rồ của những kẻ ngốc yếu đuối hoặc của những nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi. Họ không viết vì niềm đam mê, họ viết do trời xô đẩy. Thế giới có được Mac-xim Gooc-ki là nhờ may mắn, lẽ ra ông ta đã chết rồi, vì một phát đạn xuyên thấu ngực – tự sát.
       Biển Việt đã năm mươi tuổi. Có chân trong tòa soạn này là điều may mắn với ông. Ông có thể yên tâm đau những niềm đau nho nhỏ, vui những niềm vui dịu dàng.
       Ba Đào không quay lại tòa soạn lần nào nữa. Biển Việt không biết cậu ta đi đâu. Dù sao, ông cũng không đủ sức để biết quá nhiều.

                                                                           Viết xong ngày 13 – 01 – 2014.

Chú thích:
* “Chú bé đi giày một chân” là một truyện ngắn có thật, tác giả là nhà văn Hồ Thủy Giang. 
* “Dùng bút làm đòn xoay chế độ”: Trong bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng có hai câu nguyên văn như sau:
                   “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
                     Mỗi vần thơ:  bom đạn phá cường quyền”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: