Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

THẨN THẨN, THƠ THƠ..


Tranh biếm họa người Việt cưa bom!
 ( ảnh Internet )

Ngày mười bốn bạn hắn đến chơi. Hai thằng bù khú với nhau một chặp, mãi đến lúc điện thoại mới nhớ, có người mời ăn tết rằm tháng giêng. Câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ!

Rút kinh nghiệm các lần trước, chuyện nào “nhạy cảm” hắn làm thinh, tên bạn có khéo léo gợi ý như cách nào hắn cũng không hé môi. Hắn biết tên ấy chẳng thù ghét gì mình, nhưng không hiểu vì sao, câu chuyện hắn nói thế này, đến tai sếp lại ra thế khác. Sếp nhìn hắn như “có vấn đề”. Có lần sếp đặt vấn đề thông qua người khác tìm hiểu câu chuyện thực hư về hắn? May mà thời buổi bây giờ không như ngày trước. Nếu không chuyện lao lý vạ vịt rất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông cậu hắn ngày trước chỉ viết mấy bài thơ, bình luận chuyện tiêu cực ở làng xã bị người ta ghét, tù mất sáu, bảy năm mới về vì cái tội “gây nguy hại cho nền an ninh XHCN”. Một tội cho đến mãi sau này ông cũng chưa hiểu thực ra nó là tội gì? Đến lúc chết ông còn dặn con cái: “ Sống là phải biết giữ mồm, giữ miệng, bức vách lúc nào cũng là bức vách có tai”. Hôm ông cậu mất, hắn có mặt, tận mắt chứng kiến nỗi ám ảnh ấy to lớn, ghê gớm đến thế nào trong ánh mắt tiếc đời, tuyệt vọng của ông trước lúc ra đi..
Câu chuyện của của hai thằng xoay quanh chuyện hội thơ năm nay. ( Trong bụng thật sự hắn không hiểu tại sao một thằng như bạn hắn lại làm thơ? Như câu : “Cả đêm nằm nghĩ không ra, tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?” hắn đọc được ở đâu đó, không còn nhớ tên tác giả ). Hắn cứ nghĩ nhà thơ trước hết phải có cái “ Tâm”, cái “Hồn”. Sau rồi mới đến cái “Chí” cái “Khí”. Thiếu một trong bốn cái đó còn làm thơ nỗi gì? Nhà không thể ác tâm , tà tâm. Cũng không thể thiếu cái “Chính khí”, mang cái chí của kẻ tiểu nhân, hẹp hòi, ghen ghét, đố kỵ. Càng không thể là kẻ cơ hội, thu thời, lưu manh đầu cơ chính trị. Áp vào mấy thứ đó hình như điều nào y cũng vướng phải. Bởi thế hắn mới thấy làm lạ là bao lâu nay Y không viết được cái gì tử tế nên hồn, mặc dù chuyện thời sự văn chương Y luôn sốt sắng. Hình như Y cho rằng thơ cũng như nhiều sự việc trên đời, thiếu cơ hội không tồn tại được. Hắn rất sợ mỗi khi Y mang tập bản thảo đến nhà. Thơ của Y như cơm nấu chưa chín, lại tạp phí lù dùng đọc ở đám cưới, đám tang thì được chứ để  xuất bản xem ra còn phải đến khuya. Khen bốc thơm Y, hắn không đành, không nỡ làm thế. Chê thơ của Y dở sợ Y buồn. Có thể Y còn giận, thù dai là đằng khác!
Câu chuyện về thơ ca luôn là câu chuyện lớn, dài dòng, nhưng cũng rất dễ bị rơi vào nhạy cảm. Bởi xét cho cùng văn học nói chung và thơ ca nói riêng bao giờ cũng gắn liền với thời sự và thời cuộc. Thơ ca không là gì khác cái tâm thế, tinh hoa tư tưởng và tình cảm con người. Người ta không thể bàn đến thơ ca mà không nhắc đến  những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát. Không thể không nhắc đến  Nguyễn Bính, Phùng Quán, Trần Dần… Đã thế dễ lan man sang chuyện khác. Và thế là dễ sinh chuyện, nhất là người đối diện với mình lại là tên này.
Thực ra hai người chẳng thân thiết gì nhau. Cùng hội cùng thuyền, muốn tránh cũng không tránh được. Mà đã lâu lắm hai thằng không gặp nhau. Hắn biết tên này với mình cũng không thiện cảm. Hôm nay hắn đến là bởi  mấy hôm trước có mấy vị “văn sĩ” lâu ngày đến chơi. Cơm rượu xong cứ một mực đòi hắn đưa đến nhà tên này. Trước lúc đó theo đề nghị chung của mấy người bạn, hắn đã gọi cho Y. Tên này nói đang có lý do. Dạo này hắn nhận thêm việc bảo vệ cơ quan tài chính. Tết nhất cán bộ, nhân viên của họ về quê ăn tết chưa lên. Hắn phải trực hai bốn trên hai bốn, không có nhà! Đấy là Y lý do thế, chứ mồng tám tết là các cơ quan đâu đã vào đó rồi. Máy móc, công sở đã vận hành, làm gì có chuyện nghỉ tết lâu như thế? Cái chính là Y trốn khách, gần đây vợ Y làm thêm công việc mà Y không muốn người như hắn và mấy người bạn này chú ý tới. mặc dầu chả ai có ý  tò mò đến làm gì/
Hôm nay Y đến là có ý dò hỏi xem ý tứ mấy hôm trước có lời bình phẩm gì về Y và vợ Y không? Chuyện thơ phú chỉ là cái cớ. Tính Y đa nghi và hay thóc mách. Kiểu người ấy luôn tìm cách xê dịch nhân cách người khác và luôn sợ hãi người khác nói xấu mình.
Khi hắn bảo : “Từ thời ông Lê Duẩn cho người  thay đổi lịch ta chênh lệch với lịch Tàu, lịch cũng như thời tiết cứ loạn cả lên. Thời một đằng, tiết một nẻo. Đúng ra phải cỡ tháng nữa mới có tết. Sang năm lại nhuận mười hai tháng, chả dài cổ ra mà đón tết à?” Không thấy hắn nói gì, y lại chuyển sang chuyện khác : “ Không hiểu các bố nhà ta tính toán thế nào, lại chọn ngày thơ Việt Nam trùng với ngày tết treo đèn, kết hoa của người Trung Quốc?” Bấy giờ hắn mới bảo : “ Ngày ấy là để tưởng nhớ đến bài thơ Nguyên Tiêu của ông cụ”. Hắn không ngờ nét mặt Y tái dại đi, ( biểu cảm này không biết có thật không, hay Y cố tình làm ra thế? ) Y vội xua tay: “ Chết chết, đấy là bài thơ sống muôn đời của ông cụ. Hy sinh thế chó nào được mà bảo tưởng nhớ?” Hắn vội phải đính chính ngay: “Ừ thì tôi dùng từ chưa chính xác. Thơ phú mà ông bắt bẻ thế  bố thằng nào dám làm thơ và nói chuyện thơ nữa?”. Y cười nhen nhen, vẻ đắc ý lắm..
**
Như đã nói, đưa mấy người bạn đến chơi nhà Y, hắn không có ý gì. Mấy ông bà sính thơ đang muốn khuấy động phong trào, muốn hội thơ năm nay “Rôm” lên một chút, lờ tờ mờ như năm trước thì đếch có được! Chẳng nhẽ hội thơ lại không ý nghĩa gì hơn hội đua thuyền, hội chọi trâu, chọi gà? Nghe bảo mấy hội ấy được đầu tư cả tỷ bạc, hàng ngàn người tham gia, đông đến nỗi các bến sông tắc đò, đường tắc lối, cầu tắc nhịp, tham gia giao thông gặp vo vàn khó khăn..
Hội thơ là cái hội người ta tìm cái sướng tinh thần, không cần đầu tư lắm về tiền bạc, nhưng leo teo quá, nghe cũng tủi. Tôn chỉ, mục đích cả bọn chỉ có thế - Trừ hắn vì hắn là kẻ phụ động. Hơn nữa hắn rất ghét trò theo đuôi kẻ khác, dù kẻ ấy là ai, vai vế thế nào. Hắn không làm cái hắn không chủ động từ đầu.
Cả bọn đến nhà, ngồi chưa ấm chỗ, Y ở đâu tò tò về, nét mặt rất khó tả.Không ra cười, không ra thẹn, cũng không ra bối rối. Thấy hài hài, bi bi bi làm sao đâu? Vợ y vốn thường ngày da mặt đã tai tái như người uống nhiều ký ninh, giờ tối xẫm thêm. Vừa lấy bánh trái ra mời, vừa lẩm nhẩm cái gì trong miệng. Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau? Không biết đang xảy ra chuyện gì?  Trong bọn có thất thố gì chăng?
Với hắn, hắn không lạ. Mấy năm nay tự dưng vợ Y nổi “đồng”, nhiều người đến đặt lễ xem gia cảnh, tai họa sắp xảy ra, quan sự tốt xấu thế nào? Thậm trí người mất trộm gà, lạc trâu bò cũng đến nhờ “bà thầy” tìm kiếm!
Hắn đã từng góp ý với Y về chuyện này. Kẻ đọc sách “Thánh hiền” như Y sao lại đồng lòng với chuyện dị đoan?
Thời bây giờ, không ai còn hồ nghi niềm tin về thế giới tâm linh. Nhưng lòng tin là một chuyện, đồng bóng, bói toán lại là một chuyện. Vợ Y, đảng viên trẻ, theo “điều lệ” của đảng đâu được phép hành nghề này? Cho dù hành nghề trước mắt không nhận của ai một chinh, một đồng nào. Nhưng ai dám chắc đây không phải là cách dọn đường chờ khi nghỉ hưu non hay bị giãn việc mới “Hành” chính thức? Bấy giờ mới là lúc thu hoạch?
May mà lãnh đạo ban ngành các cấp, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên không hiểu tại sao nô nức “đi bầu”, “Hưởng ứng”, vào đền, xuống phủ, xin ấn, xin lộc, lễ lạy, xóc thẻ cầu may, xem tiền hậu vận.. Cho nên người ta cứ ngó ngơ như chưa xảy ra việc gì. Lãnh đạo trực tiếp vướng mắc điều gì còn đến dâng lễ, nhờ thầy cầu hộ, giải hộ cái nạn đứa bỏ mẹ nào ghen ăn, ghét ở, đặt điều tố giác mình tham ô, cửa quyền, trấn áp đồng sự, muốn gây chuyện lật đổ, tranh chiếm chỗ ngồi! Nếu kiểm điểm, khai trừ “bà thầy” lấy ai giúp mình “Tai qua nạn khỏi”?
Thôi thì nhân tâm tùy mạng mỡ. Ai thích cứ thích, ai theo cứ theo. Riêng hắn hắn chẳng tin chuyện vớ vẩn này. Thời bây giờ muốn xem tử vi, tướng số, xem phong thủy vv.. có thiếu gì sách? Nếu cần vào thằng Gu gờ gõ “xem tử vi” vài giây là có đủ cách xem. Vừa đỡ tốn tiền, không e thầy nói dựa theo ý mình. Từ lâu hắn không đến chỗ này, cho bớt khó xử của cả hai bên. Hắn biết tỏng vợ chồng Y không khoái hắn lắm. Mỗi lần có việc vạn đắc dĩ phải đến vì công việc, gặp ở nhà Y khách đến đâng lễ, vợ chồng Y có ý không được thoải mái vui vẻ. Chỉ chuyện đò đưa miễn cưỡng. Như vậy đến làm chi?
Hôm nay cũng vậy. Lúc đầu “bà thầy” còn lầm thầm trong miệng, về sau nói to dần “ Lạy thánh mớ bái, con xin xám hối, đây là ý riêng của người trần, con không được biết..Con xin xám hối, con xin xám hối..”
Mấy vị nhà thơ tái mặt. Điều gì mà chủ nhà phải cầu thánh xin xám hối? Trong bọn có ai đó khi đến đây vô tình phạm tội lỗi gì chăng?  Hình như là không có chuyện đó thì phải?
Có lẽ đến lúc này mới thông cảm cho hắn, vì sao mà hắn bàn lùi khi các vị muốn đi đến đây thăm?
Dĩ nhiên, hôm hội thơ Y bỏ cuộc. Mãi đến chiều hôm sau, hội qua rồi, Y mới gọi điện hỏi thăm : “ Ăn bao nhiêu mâm? Có những ai”.
Khốn nạn, đi hội thơ chứ có phải đi “ăn khoán” cô Mầu đâu mà hỏi kỹ thế? Tuy nhiên hắn cũng bung phèng “ Trăm mâm, có mấy ông gỉ ông gì to lắm, vế đùi bằng cột đình, đầu hói đến tận sau lưng, đọc thơ cứ sang sảng như tiếng sấm mùa xuân ấy. Hay cực kỳ!”. Chả biết Y cũng thích đùa hay, nói đểu : “ Thế hả? Chúc các bác đã ngon miệng!”
Ôi trời, nói chuyện thơ phú cứ như nói ở bãi vàng, sở “ba toa” về hát karaoke, hát “chầu văn” ấy!
**
Có vài cái không được trước và sau hội thơ, hắn định bỏ qua, không nhắc đến nữa. Cái gì lặp đi lặp lại mãi một kiểu đều đáng chán. Nhưng có vài suy nghĩ khiến hắn day dứt trong lòng, không nói không được. Dù rằng nó liên quan với hắn như “con cá dưới sông” dính dáng đến ông thuyền chài. Có thể tầm mức quan trọng còn lớn hơn cách so sánh ấy nhiều.
Mà ở đời bây giờ cái gì quan trọng? Cái gì không quan trọng?
Lúc đó cả hội trường lặng đi một phút.. Bắt đầu nổi lên tiếng rì rầm, rì rào rồi ồn ào. Không phải chuyện ở Iran xảy ra chiến tranh, không phải chuyện Tây Tạng đang có biến hay biển Đông tình hình nóng dần lên, chuyện ông Vươn, bà Sương nào đó.. Mà là chuyện về thơ. Diễn giả đang có bài nói trực tiếp về Tình cảnh và số phận của thơ. Điều mà nhiều người đã biết, nhưng chưa suy nghĩ thấu đáo và tư duy được sắp xếp có bài bản. Thường mỗi người chỉ quan tâm đến một khía cạnh nào đó.
Mọi năm những chuyện như thế chưa có ai đặt vấn đề, lại nói trong ngày hội về thơ như thế này?
Ông ta bảo “ Thời của thơ đã hết”! Thế giới quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học. Thơ ca ở những nước có nền kinh tế phát triển, ngay cả Trung Quốc, thơ cũng bị đưa ra ngoại vi, khỏi sự chú ý của trung tâm. Người ta không đầu tư nhiều cho văn học nói chung và thơ nói riêng! Với nhiều người ngồi hội trường này có thể bất ngờ. Mình lại khác..
Thực ra thơ chưa bao giờ có thời cả ( Nếu cách đặt vấn đề như trên). Kể từ thời Tần Thủy Hoàng đốt sách, tiếp đến bao nhiêu vụ án oan văn nghệ, đã có thời nào của thơ đâu? ( Trừ một thời gian ngắn, thơ được vận dụng vào tuyên truyền chính trị, được ưu ái hơn một chút). Những thứ đó chưa chắc đã phải là thơ? Thơ chưa bao giờ ra khỏi cái nhìn “Đối tượng” của nhà cầm quyền.
Thực sự thơ bao giờ gặp thời cả. Bởi thơ là nước mắt, là nỗi đau nhân loại. Là những gì chưa đạt được, là khát vọng ngàn đời của kiếp người. Khi nào còn những cái đó thơ còn tồn tại. Sự thực là thơ luôn tồn tại, thế giới chưa bao giờ vắng thơ cả. Cho dù có lúc người ta coi rẻ, chà đạp nó. Thơ chưa bao giờ được các ngài tổng thống, các vị thủ tưởng đón chào nồng nhiệt, mong gì được o bế trên tay?
Hôm ở hội thơ của Hải Phòng, thành phố đang run lên về chuyện đất đai, một nhà thơ nói rất hay là “ Thơ có thể chữa lành vết thương lòng, cũng có thể chữa khỏi những vết thương lịch sử”. Câu này nghe quen quen, nhưng chẳng sao, ông ta có lặp lại của ai đó chẳng hề hấn gì. Miễn là nhắc lại được niềm kiêu hãnh của thơ vào đúng lúc này là được rồi! Rất tiếc là suốt buổi nghe nói chuyện, bình thơ ở hội trường này không có lấy một lời nào tương tự như vậy. Liệu có phải đó là cái hạn chế mang tính khu vực hay không?
Rất hiếm có thể chế nào xử tốt với trí thức và văn nghệ sĩ. Lịch sử kim cổ, đông tây đã chứng minh điều đó. Trí thức và quan lại thời nào cũng như gái lấy chung chồng, ít khi hòa thuận.
Người làm thơ đừng nên chú ý quá đến chuyện này. Thơ cần gì thời? Cần gì cơ hội? Tự nhiên như con chim, thích thì hót, có bao giờ đặt câu hỏi vì cái gì và vì sao đâu? Những tác phẩm lớn, những bài thơ hay thường ra đời  trong bối cảnh lịch sử xã hội không thuận, nhiều bi kịch cá nhân và bi kịch dân tộc. Lúc lòng hơn hớn, vui tươi là lúc thơ dở nhất, nhạt nhẽo nhất. Là lúc thơ thù tạc, chúc mừng, tâng bốc, nịnh hót nhau đua nở như nấm sau mưa.
Hắn nghĩ, đây chính là thời của thơ. Miễn là người làm thơ một lòng một dạ, yêu thơ như chính mình. Đừng vì một mục đích nào khác. Thời ông Tố Hữu, ông Nguyễn Khoa điềm đã qua rồi. Thơ bây giờ chỉ đơn thuần chỉ là thơ thôi, không là gì khác. Và chắc chắn thơ còn một thời của nó dài lâu nữa..
**
Hắn định dừng bài viết này ở đây, viết dài dòng về thơ là một sự phí phạm. Đã có quá nhiều bài viết về chủ đề này. Viết nữa sẽ là sự tổn thất môi trường, nhiều cây cối sẽ bị đốn hạ để mang ra làm giấy. Rất mang chỉ đăng trên trang nhỏ của nhà, tốn thêm dăm ba ngàn tiền mạng, nên gõ thêm một lúc vì còn nhiều chuyện chưa ổn.
Bên quản lý thị trường có “ủy ban vật giá” thì bên văn học và thơ nói chung cũng có một “hội đồng lý luận” để cân nhắc và đánh giá về thơ. Công bằng và minh bạch thì không cần nói làm gì. Mặc dù thơ luôn là một thực thể vô cùng khó xác định, chỉ cảm được thôi chứ không cân, đong, đo, đếm được. Có khi chỉ vài ba câu người ta sẽ nhớ đời, không thì cả một trường ca dài lê thê lại không gây được ấn tượng nào. Không biết các bác ở cái hội đồng kia lấy loại thước nào để đo, mà vẫn còn có nhiều bàn cãi chưa nhất trí được về thơ đến thế?
Gần như trọn buổi nói chuyện về thơ vị diễn giả độc chiếm diễn đàn. Ông ta nói nhiều đến nỗi người nghe ù hết cả tai. Nhìn quanh thính phòng, rất nhiều hàng ghế bỏ trống. Sinh viên khoa văn mà xem ra thờ ơ với thơ quá thể, từ từ rút lui tự lúc nào. ( Mặc dù ngày nay thày dạy văn có nhiều thuận lợi hơn trước đây : Kiến thức sâu rộng hơn, tài liệu, phương tiện nhiều hơn..) Số ở lại hắn đoán là những người thật thà có dạ với thơ, yêu thơ thực lòng. Còn các vị trong ban tổ chức đương nhiên không thể bỏ về rồi. Các nhà thơ chuyên và không chuyên cũng ngồi lại vì câu chuyện của diễn giả ít nhiều động chạm đến chuyện mình quan tâm. Sợ rằng cứ kiểu tổ chức như thế này, hội thơ năm sau chẳng còn mấy người. Có lẽ ở những trung tâm người ta sáng tạo ra “ Trình diễn thơ”, “Thơ trình diễn” là để khắc phục tình trạng này chăng? Nghe thơ thì ít, dán tít mắt vào cảnh của nhà thơ “Vì nghèo” nên rất ít vải trên người!
Ông hội đồng cho rằng ngày nay có hai xu hướng. “ Những người trung thành với truyền thống” và những người “Cách tân, đổi mới thơ”. Trong nhóm “cách tân đổi mới” ông lại chia ra làm hai hạng, hạng nhẹ cân nhất là anh tìm cách “đổi mới hình thức”. Sự uốn éo nhào lộn của chữ nghĩa không mấy thành công, phần nhiều đi vào ngõ cụt. Khiến thơ trở thành thứ “Không thể hiểu được”! Hạng có giá hơn “Đổi mới về nội dung”, chú ý hơn tâm thế của người làm thơ, nâng tính triết lý, tính tư tưởng trong thơ.
Rồi ông than : “Chưa bao giờ có nhiều thơ dở như bây giờ, chưa bao giờ số người làm thơ đông như bây giờ ! Chỉ riêng câu lạc bộ thơ Việt Nam tính đến nay có hơn năm ngàn hội viên”. Rồi than: “ Một năm chỉ riêng thơ thôi một nước nghèo như nước ta, chưa đến chín mươi triệu dân mà ra đến sáu trăm tập thơ, chưa kể thơ in báo, thơ trên mạng”.
Sao một nhà thơ như ông lại than thở vì thơ ra quá nhiều? Chắc ông quên các hội từ trung ương đến địa phương mỗi năm đều có quỹ tài trợ sáng tạo văn học nghệ thuật, trong đó có thơ. Lại có quy định vài ba năm không in sách là vi phạm hợp đồng sẽ bị cắt luôn khoản tài trợ đó.
Nghĩ đến chuyện này hắn lại thấy tức cười. Có ai viết mà lại không muốn có người đọc, không muốn in sách bao giờ? Khổ nỗi số tài trợ ấy thường không đủ để đi in, dù là truyện hay thơ. In ra rồi cũng chẳng bao giờ bán được sách, trừ một số rất ít nhờ công nghệ PR. Vài ba đồng ấy, chẳng qua đủ tiền xăng xe, tiền mua sách báo tài liệu vv.
Nào có sung sướng gì mà nhà các bác nặng lời quá vậy? Thơ dở chẳng qua thời nó dở, nó loạn xà bần, tốt xấu lẫn lộn. Chưa biết chừng vài chục năm sau có không ít bản thảo còn nằm trong  hộc tủ của nhà thơ nào đó lúc ấy mới ra mắt thì sao?  Thời Tự Đức đã có mấy ai biết Truyện Kiều? Cũng như người đẹp đoan trang không muốn đứng cùng với đám phấn son, lẳng lơ, nhảm nhí chỗ ồn ào?
Điều này hắn nghĩ rất có thể?
Có trách là trách mấy ngài trọc phú dửng mỡ, lại háo danh thò tay vào. Đã đành văn chương giống như cái chùa, ai muốn vào thì vào, ra thì ra. Nhưng nhà chùa cũng phải có phép tắc của nhà chùa. Đến đó lòng phải ngay thẳng, chay tịnh, chớ có bỡn cợt mà họa có ngày!
Hắn định có đôi điều thắc mắc, muốn hỏi lại ông “Tiến sĩ” hội đồng.. Nhưng nghĩ lại, lại thôi. Thôi thì ăn cơm chúa, múa tối ngày. Không nói thế thì nói sao? Cái ông đi cùng ông ông ấy là nhà phê bình có tài, lại không thấy nói gì? Hắn từng đọc, từng nghe ông này nhiều lần và rất trọng ông ấy. Không hiểu tại sao sau tập “ Đi tìm NHT” thấy ông ít viết hẳn đi. Hôm nay đến chẳng nói câu nào, ai chào hỏi chỉ gật đầu, cười nhênh nhếch??

                                                          Viết sau hội thơ 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: