Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ ( 20 ) TT - HG


 Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh cô đơn?

20.
 
 

T
rong cuộc đời trôi dạt, cơ cực và cay đắng của mình, Khải qua nhiều xứ sở, gặp không ít cảnh đời, những con người khác nhau với vô vàn cảnh ngộ.
Nhưng, những người như ông là Võ quả hiếm thấy.
Ông vừa là tín đồ, vừa là nạn nhân của thuyết không tưởng, lại vừa có óc lãng mạn của một nhà thơ.
Chỉ có ông lúc đó mới mua và gọi miếng đất đang ở là trang trại. Nó cách xa đường, phải đi qua một sân bay dã chiến bỏ hoang, qua một con sông cạn, một xóm người Bắc “năm tư” một khoảng khá xa nữa mới tới.
Từ đường lộ đi vào quãng đường cũng không gần hơn khu lò hầm than trước đây, khi Khải còn làm. Tên gọi đúng của nó là một cái “rẫy” trồng củ mì bỏ hoang.
Một túp lều lợp cỏ lụp xụp, mối xông đã gần hết chân cột. Có một cái giếng nông choèn choèn cỏ mọc loà xoà, Múc thùng nước đầu còn trong, thùng thứ hai đã đục. Xung quanh đám đất thỉnh thoảng còn xót vài ba cây điều chưa bị cỏ vùi lấp. Tất cả chúng đều chứng tỏ mảnh đất này đã bị con người quên đi trong nhiều năm. Con đường đi gần như mất hết dấu tích.
            Chỉ có điều đáng kể duy nhất là nó kề bên một hồ nước rất rộng. Nó đuợc đào bằng cơ giới, bờ đắp xung quang rộng rãi, chắc chắn. Quanh hồ cũng chẳng thấy trồng cây cối gì,  duy vài ba cây dừa.
Nước hồ trong xanh và gợn sóng như ngày biển lặng.
Ông võ nói nó là công trình của nhà “Tư sản dân tộc” được làm trước ngày Nhật đảo chính Pháp. Thế rồi chiến sự xảy ra liên miên. Vùng này hai bên cài răng lược. Không ai nghĩ đến trồng trọt hay sinh sống trên vùng đất hoang, rải rác xác người chết sau mỗi trận giao tranh.
Sau ngày giải phóng, người ở thành phố lên làm kinh tế một thời gian, lại bỏ vắng. Người trở về thành, người lên cao nguyên, hoặc đi những đâu nữa, cũng không ai tính hết. Đất đai lại giữ phận cô đơn goá bụa, ngút ngát cỏ rậm với từng đàn thỏ hoang. Cây cối cỏ mọc dày từng đám, với thứ gai sắc nhọn, cào vào da thịt không thương tiếc. Được cái đất tương đối bằng phẳng. Nếu có máy cày thì đây là nơi khai hoang lý tưởng…
            Một thằng cha người Huế có tính cà trớn, đang kẹt tiền nào đó, đã gạ bán cho ông Võ miếng đất y nhận là của y. Thậm chí ông Võ chỉ biết tên họ của y trong giấy khai nhận, chứ không hề biết y lai lịch, gốc gác ra sao ? Nhận được tiền là y rong thẳng không lần gặp lại !
            Có thể hai chục năm sau, đây sẽ là khu nhà vườn lý tưởng. Một trang trại hiếm có giữa vùng khô khan, thiếu nguồn nước này. Vì nó ở gần một tài nguyên vô giá là nước ngọt. Một hồ nước mà thế hệ mai sau ở vùng này chỉ gặp trong mơ.
            Nhưng lúc này với hai con người như Khải và Tư Nghĩa nó chưa là gì cả. ông Võ sắp cho hai người một ba lô: Vừa sách, vừa gạo, vừa muối, một túi ni lông đựng những thứ lặt vặt: Dầu chiên, hũ chao. Một gói kim chỉ, hộp quẹt. Cứ như thể hai người sắp ra đảo ngày xưa An Tiêm ở. Ngoài các thứ ấy ra là mấy con dao, cái cuốc hoen rỉ từ bao giờ. Dao cuốc có lẽ ông mượn hoặc xin một gia đình nào đó, đã lâu người ta không còn dùng đến. Thứ quan trọng nhất ông xếp riêng trong hai cái hộp đựng thuốc tiêm được gói buộc cẩn thận. Bên trong đó là hạt giống Điều và đậu giống.
            Cùng với tất cả những thứ đó là cái xe gắn máy đen như một con quỷ Chiếc xe có cái bình xăng tròn chạy xăng pha nhớt nhãn hiệu: Sáp. Nó đuợc sản xuất tại Tây Đức, đầu những năm sáu mươi, trông nó giống xe tránh đạn vì yếm, chắn bùn đều làm bằng lá thép dày. Khi chạy khói đen mù mịt, tiếng động cơ như máy cày, đinh tai nhức óc. Giống xe cà cộ này càng chạy càng bốc, chỉ mỗi tội hay bị chết BuRi. Được một quãng lại phải tháo BuRi ra lau lại. Nếu không mồi xăng không sao nổ đựơc máy. Dù sao có còn hơn không. Nó đỡ cho hai anh em phải cuốc bộ. Khi cần thiết là phương tiện chạy đi chạy về tiếp ứng gạo, mắm. Nó làm cho hai người yên tâm hơn, khỏi có cảm giác bị cắt đứt với xã hội bên ngoài.
            Tới nơi, Tư Nghĩa ngơ ngác một hồi mới nói:
            - Như vầy tụi mình ăn ở ra sao đây chú Hai?
            - Yên tâm đi anh Tư. Lòng hiếu sinh của ông trời lớn lắm. Sẽ có cách mà !
Anh chỉ cái sạp thay giường năm đã long gần hết bảo tư Nghĩa:
            - Bây giờ anh ra chỗ bụi lùm kia chặt lấy ít cây. cái sạp nằm chỗ nào hư thì sửa lấy chỗ nghỉ. Còn tôi lo chỗ bếp nấu.
            Tư Nghĩa lưỡng lự, rồi cũng cầm dao ra ngoài.
            Khải phải nhào một ít đất làm ông đầu rau để bắc bếp. Củi đóm ở đây không thành vấn đề. Chỉ vơ một lúc là tha hồ đun. Khải cảm thấy khôi hài là cuộc sống của anh không đến nỗi quá thiếu thốn kiểu Rô bin sơn. Cũng không cần phải kiếm hòn đá đánh lửa. Nếu có khổ cũng chỉ ở mức của cái khổ ở thế kỷ này. Đã từng ở những cảnh ngộ khắc nghiệt hơn thế này, Khải không coi thiếu thốn ở đây là gì. Giả sử như không có mấy hộp quẹt anh cũng có cách làm ra lửa. Biến một con dao cùn thành một chiếc kim khâu. Đó là những khả năng của Thượng Đế dành cho con người những khi khốn khó. Chỉ có những kẻ kém may mắn như anh mới dùng đến ân huệ ấy của người!
            Cơm đã chín mà vẫn chưa thấy Tư Nghĩa về. Anh vội cầm dao ra chỗ anh ta chặt cây. Khải sợ nếu không may Tư Nghĩa bị rắn cắn. Điều đó ở đây cũng dễ xảy ra lắm. Lúc hai người vừa tới còn nhìn thấy hai con rắn vằn vèo cuốn nhau, đưa trên mái lều. Người như Tư Nghĩa bị rắn rượt đuổi chắc chắn sẽ không biết làm cách nào. Anh ta sẽ ngã lăn ra mất…
            Nhưng không, việc ấy không xảy ra. Truớc mặt Tư Nghĩa là mớ cây cong queo không cây nào giống cây nào. Làm sao có thể dùng những cây này trải làm sạp nằm? Dù rất cáu Khải cũng không thể không bật cười khi thấy Tư Nghĩa bó đám cây ấy lại. Mối buộc của anh ta lòng bòng, hễ thít lại sợi dây lại tung ra. Hoá ra Tư Nghĩa lấy thứ dây leo bò trên mặt đất mềm oặt.
            - Thôi bỏ đấy. Bây giờ tôi chặt anh lựa róc lá. Mau còn về ăn cơm. May mà đây không gần nhà nào. Nếu không chó mèo xơi hết, vì các thứ chẳng biết để vào đâu?
            Khải lựa những cây thẳng đều nhau chặt một bó. Tư Nghĩa vừa róc lá vừa nói chữa thẹn:
            - Vậy mà tôi cứ tưởng cây nào cũng làm được.
            - Phải lấy những cây thẳng đều nằm mới không đau lưng. Anh Tư cứ như người ngoài hành tinh. Bộ từ nhỏ anh không phải làm chi sao ?
            Tư Nghĩa bẽn lẽn:
            - Tui đâu có phải làm chi. Đi học riết à! Ngay vào lính cũng là sĩ quan. Cơm chưa phải nấu, áo quần còn có người giặt. Đêm còn có lính mắc màn mà chú hai!
            - Vậy mai ngày anh làm sao để sống? Coi như lần này vô đây để đào tạo lại nghe.
            Hai người bó buộc để về. Đến cửa lều một cảnh tượng không thể hình dung được: Mấy con chó mõm nhọn như mõm sói từ trong lều thấy động, phóng vội ra ngoài. Có con hoảng lao thẳng vào Tư Nghĩa, khiến anh ta ôm mặt rú lên.
            Phía sau chúng, Khải vừa nấu lăn lóc trên mặt đất, cá khô nướng chỉ còn mấy cái đầu. Nồi canh úp sấp xuống đám tro.
Đó là cơm trưa đầu tiên trên mảnh đất này. Hai người nhìn nhau: Nên cười hay khóc đây ?

ó
ó   ó

            Ông Võ đi cùng cùng một người vừa vào thăm trang trại. Lúc đó đã qua ba tháng kể từ khi Tư Nghĩa và Khải bước chân vào đây lần đầu. Hai người đang làm cỏ đậu phía cuối nên không biết có người đến. Hai người dựng xe trước ngôi nhà nhỏ nhắn vừa mới dựng, tường quét vôi, có hai ô cửa sổ tròn gay từ hai vành xe đạp cũ. Tường nhà xây bằng đất, lợp gianh hãy còn mới. Đây là sáng kiến của Khải, làm theo kiểu nhà của người H'Mông miền Bắc. Chỉ khác ở chỗ họ trình tường nhà thấp. ở đây anh luyện bùn đóng gạch từng viên cũng lại lấy bùn làm vữa xây cao ráo, sáng sủa hơn. Ngôi nhà đã làm mảnh vườn dễ coi hơn, đỡ đi cái cảm giác đìu hiu, cô quạnh của túp lều nát hồi nào. Trong nhà cũng vẫn những cây gỗ tròn như trước đây nhưng đã được cưa, cắt đóng khéo léo. Trông giản dị nhưng gọn gàng. Riêng cái bàn vừa để ăn cơm, uống nước khi cần có thể viét lách đựoc. Mặt bàn đựơc dán một tấm tôn hợp kim không gỉ. Tấm tôn như từ trên trời rơi xuống nửa chìm nửa nổi gần ngay mép hồ. Cũng có thể nó bị sót lại của một công trình dã chiến nào từ hồi chiến tranh.
            Ông Võ có cảm giác ngôi nhà càng gọn gàng dễ coi hơn nhà gia đình mình đang ở. Mà vật liệu có gì là khó kiếm lắm đâu ? toàn những thứ xung quang đây cả. vẫn là đất là cây là cỏ tranh mọc ở. óc tổ chức dù trong lĩnh vực nào cũng là cần thiết. Dù chỉ là việc bé mọn, quy mô nhỏ hẹp. Chỉ cần nhìn qua công việc có thể biết tính cách của con người. Những kẻ luộm thuộm, lười biếng chắc không sửa sang thu xếp nơi ăn chốn ở như thế này. Dù chỉ một đôi ngày ở, cũng không dối giả, qua loa. Ông Võ thêm một lần băn khoăn về Khải. Một đứa như nó sao lại lận đận nửa đời người ?
            Ông bảo cô gái ngồi đợi, đi ra phía hai người đang làm cỏ. Cây đậu bây giờ đã cao, lại đang ra hoa không thể làm cỏ bằng cuốc được nữa. Phải cúi xuống để nhổ cỏ bằng tay. Nếu không cây sẽ gẫy, hoa rụng hết. Ông chỉ nhìn thấy mỗi cái lưng áo lính của Khải. Cái áo rằn ri cũ ông đưa cho anh ta mặc lao động. Vậy Tư Nghĩa đi đâu nhỉ ? Đi thêm một quãng ông giật mình thấy Tư Nghĩa đang nằm úp mặt xuống đất. Hình như anh ta đang cố trườn lên phía trước. Ông hốt hoảng chạy tới. Tư Nghĩa bị con gì cắn vào hay bị đau bụng ? Tư Nghĩa thấy động quay lại nhìn. Anh đang ở tư thế như người lính bí mật trườn lên phía trước tiếp cận mục tiêu. Hai tay Tư Nghĩa đang cầm hai nắm cỏ. Thấy ông Võ, Tư Nghĩa lồm cồm bò dậy. Mặt mũi đầm đìa mồ hôi, cả người lấm lem như vừa dưới đất chui lên. Ông Võ chợt hiểu: Tư Nghĩa đang làm cỏ chẳng giống ai ! Phía sau anh là một vệt dài như người ta lăn cái thùng phuy hoặc kéo một cây gỗ lớn. Đậu, đỗ đổ thành vệt dài. Ông Võ chợt nghĩ ! Cán binh của Việt Nam cộng hoà là những người như thế này làm gì mà không bại trận? Trước một đối phương gan lì, sức chịu đựng tuyệt vời! Ông đã là lính một thời sau chuyển ngạch đi học. Trong cuộc đời lính ông chưa một lần nhìn thấy tác phong của người nào như của em ông. Một lính cậu một thời được trang bị “Đến tận răng”, nhưng lại không được trang bị vũ khí quan trọng hàng đầu của người lính trong bất kỳ cuộc chiến nào: Đó là tinh thần, tư tưởng, sức chịu đựng, sự ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.
 Sau ngày người em đi học tập về, Tư Nghĩa sống với ông. Ba ông không chấp trong nhà có đứa con từ phía bên kia trở về. Ông không ra mặt đuổi đi, không mắng riếc, xỉ vả. Nhưng ông không trò chuyện, không nhìn mặt. Ông làm như không có Tư Nghĩa trong nhà. Xong bữa ông về phòng riêng đóng sập cửa lại. Nói gì thì Tư Nghĩa cũng là một tri thức. Một “Kẻ sĩ” dù anh ta phục vụ cho phía bên kia. Kẻ bại trận làm gì còn vinh quang, làm gì còn danh dự? Nó trở thành nỗi nhức nhối, giằng xé trong lòng. Tư nghĩa đã nghĩ đến chuyện chấm dứt đời mình. Nhưng anh không đủ can đảm. Thượng đế đã cho ta một thân xác này chỉ có một lần. Cái gọi là kiếp sau, là luân hồi thực ra chỉ là khát vọng của loài người. Chưa ai chứng minh nó hư thực thế nào? Phí hoài thân xác cũng là một tội lỗi. Tư Nghĩa đọc sách thấy tôn giáo cũng đều nói như vậy. Kinh phật hay kinh phúc âm cũng đều dạy người ta quý linh hồn dù thiêng liêng đến đâu, không có chỗ dựa thân xác cũng không làm được điều gì! ý nghĩa ấy thổi vào khát vọng sống như một luồng ô xi tiếp cho ngọn lửa, khiến cho Tư Nghĩa bỏ qua ý nghĩ tối tăm ấy. Rồi mọi chuyện sẽ qua, tình máu mủ ruột thịt một ngày nào đấy cha anh cũng nghĩ lại. Không ai đánh con, kể tội, cũng không người con nào bắt lỗi cha mình. Tư Nghĩa rời thành lên với người anh trai. Người mà chín năm kháng chiến theo cha. Lại theo cha tập kết ra Bắc, cùng trở về sau ngày đất nước thống nhất. Tư Nghĩa không hiểu vì sao cha và anh mình lại bất đồng không nói chuyện được với nhau? Thực chất cha mình là người thế nào? Anh mình thế nào? Tư Nghĩa không hiểu nổi. Rõ ràng là hai cha con chung một chiến hào như người ta nói. Vậy sao họ lại mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn bởi các thế hệ hay nảy sinh từ nhận thức, từ cách nhìn cách nghĩ của hai cha con không đồng hành trong bước đường tư tưởng? Trong một đất nước, một thế thời quá nhiều diễn biến éo le phức tạp.
            Hay là như người ta lại nói: “Phúc ấm mỗi nhà”. Mà phúc đức là thứ mà tính góp, tu luyện cả đời truyền lại. Trong cái hữu hạn của đời người, không thể tác động mau chóng Tư Nghĩa nghĩ nếu là do phúc đức của gia đình thì thật đáng buồn. Bao năm chia cắt, mong mỏi đến ngày gặp lại. Người thân không nhìn mặt nhau! Còn có gì đau sót hơn.
            Ông Võ mua đám đất này với mong muốn cho người em có cơ sở sống sau này. Điều đó ông lặng thầm trong bụng không muốn nói ra. Ông muốn Tư Nghĩa quen dần với cuộc sống của người lao động. Sẽ bằng đôi bàn tay tự nuôi sống mình không có chỗ rựa nào vững chắc và lâu dài bằng chính khẳ năng, nghị lực và quyết tâm của bản thân mình. Điều đó không còn là lý thuyết sách vở. Nó là hiện thực ngay gắt, mà muốn tồn tại người ta phải nhận thức và bằng lòng với nó.
            Quả thật là ông thấy thất vọng về cách làm việc và khả năng của người em. Ngoài bốn mươi tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Không vợ, không con, không tài sản tiền bạc đã đành. Đến, không tự trồng được luống rau, nấu nồi cơm không nát toét hay cháy đen từng mảng, cũng lại không luôn! Người như vậy sống làm sao được giữa cuộc đời nhiều thiếu thốn, cam go, đầy bất chắc, rủi ro này.
            Nhưng thôi, cũng không thể nôn nóng được. Cái gì nó cũng phải có quá trình kể cả khả năng hay nhận thức cũng vậy. ở tuổi như em trai mìnhkhông phải dễ gì thay đổi mọi chuyện trong một lúc. Tuổi đó đào tạo lại phải là một quá trình công phu. Nghĩ vậy ông làm bộ vui vẻ kêu hai người dừng tay:
            - Bữa nay tôi nghỉ một buổi vào đây vui với các chú. Về thôi nào!
            Khải nói hai người về trước, anh ra luôn ngoài hồ. Rửa chân tayãong Khai lôi lên từ đám cỏ cái lồng đan bằng thép nhỏ. Sợi thép gai dùng làm rào hôm dọn vườn, Khải và Tư Nghĩa mang về. Trong lồng là những con cá lóc đen nhẫy to bằng bắp tay. Anh và Tư Nghĩa ở đây gần như ngày nào cũng ăn cá. Nhưng có lẽ anh Hai rất thích các món này. Sẽ đốt rơm nướng và nấu canh chua. Khải đoán đúng. Hai Võ sửng sốt thốt lên:
            - ủa cá ở đâu mà ngon lành qúa mày?
            Tư Nghĩa cười cười:
            - Cha này giỏi thiệt đó anh Hai! Hắn cắm câu ngoài hồ mỗi hôm được một mớ. Tụi em ăn hoài à. Chỗ này định mang về ngoài cho anh Hai và con nhỏ mà.
            - Đó mày coi nó đó. Người như vầy vứt đâu cũng sống khoẻ!
            Cô gái vừa đến cũng nói góp:
            - Anh Khải hay thiệt à!
            Khải giật mình khi nhận ra Khánh Hà. Anh không khỏi bàng hoàng: Cô cất công vào tìm anh tận đây sao? Hai người nhìn nhau không nói. Ông Võ lẩm nhẩm “ Cặp này xứng đôi qúa ta ” tính ông vẫn thế. Bất cứ cái gì mới mẻ, chưa kịp suy tính ông lại lẩm nhẩm như thế. Kiểu như người ta nhập vào bộ nhớ của mình.

ó
ó   ó

            Mối tình đầu của anh đẹp đến nỗi nó trở thành thiêng liêng giống như một tôn giáo. Mà tín điều thường khắc sâu trong lòng, chấp nhận một sự hy sinh, chấp nhận trả giá và không bao giờ hé lộ. Tình yêu đầu tiên với một cô gái cùng học một trường, Khải nhận về mình nhiều điều cay đắng và tủi hổ. Giá như anh có một cuộc sống vật chất và gia đình khá giả nó đã không là mối tình tuyệt vọng. Nàng cũng yêu anh với tất cả trong trắng, thơ ngây. Một tình yêu dâng hiến đến thành mê muội. Nếu không có sự thành kiến và một chút tự ái có lẽ hai người đã lên vợ lên chồng. Cuộc đời Khải có lẽ sang một ngả khác, Khải đã vui sống cuộc đời công chức. Họ sẽ có một mái ấm gia đình. Một công việc tử tế. Một đàn con ngoan.
            Có lẽ suốt cuộc đời Khải sẽ không thể nào quên được những kỷ niệm hai người đã có với nhau. Những đêm trăng sáng đi giữa cánh đồng, hàng phi lao đậm gió như chạy tít tắp vào tương lai. Mùi cỏ non, lúa non hương của đồng quê dịu ngọt. Hồ nước đầy xôn xao khoả ánh trăng vàng. Tay trong tay – những cái hôn cháy bỏng ngây ngất. Đất trời khi thì rộng ra, lúc tan ra chảy thành cảm xúc, bâng khuâng trong gió. Tình yêu luôn có cánh để con người vút lên khoảng mênh mông khát vọng của mình.
            Những cơn mưa rào xối xả, sấm chớp chói loà, Khải đội mưa đi đón nàng. Con đường vào nơi sơ tán trơn lầy, quần áo ướt rồi lại khô. Khải hăm hở đi như tìm về chốn thiên đường. Nơi đó có nàng, đôi mắt đen ngời sáng băng qua mưa gió đợi chờ. Nàng nắm lấy đôi tay lạnh cóng của anh đưa lên cái miệng xinh xắn của mình gửi vào đấy những cái hôn cháy bỏng.
            Một ngày chủ nhật anh và nàng đạp xe băng qua cánh đồng. Không hiểu sao cả hai người có chung sở thích hoặc là nàng chiều theo ý Khải, họ rất thích thăm chùa. Cả hai đến một ngôi chùa nổi tiếng đẹp nhờ bởi thiên nhiên hơn sự tu tạo của con người. Một ngôi chùa bên núi đá cao, xung quanh là đồng lúa những làng mạc nối tiếp nhau giữa đồng bằng. Ngôi chùa có hang cắc cớ giấu trong lòng nó bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu ẩn số chưa được giải mã.
            Không ai như họ đến đây giữa bốn bề cô tịch, quạnh hiu. Chỉ có hai người cùng cỏ cây, hoa lá. ánh sáng chan hoà khắp không gian. Đâu đó thấp thoáng tiếng chim kêu trong lá.
            Họ không đến đây vào những ngày mở hội. Thường thì hội mở đầu tháng ba vào tết bánh trôi, bánh chay. Nhưng khi ấy người chen người. Lời nói của họ với nhau chìm trong muôn vàn âm thanh hỗn tạp. Họ chỉ muốn có nhau, bên nhau giữa thiên nhiên thoáng đạt. Không một tác động nào xen vào. Trong bốn bề yên lặng. Những ngày hè trên Suối Hai, Đền thờ thánh Tản Viên, rừng thông Ba Vì… khi ấy khu này còn hoang sơ chưa biến thành khu du lịch như vài chục năm sau này vẻ đẹp của thiên nhiên là thủa ban đầu, là khi vừa phát lộ chưa bị bàn tay và óc thực dụng của con người can thiệp.
            Không thể nào không kể hết những kỷ niệm họ từng có với nhau. Có cả sướng vui pha cùng oán hận, tủi hờn. Chính nàng đã gợi những câu chữ đầu tiên cho những bài anh viết về nàng. Viết về cuộc đời và khát vọng. Cũng chính nàng để lại vết thương không bao giờ kín miệng, nó rỉ máu suốt cuộc đời. Trong tim anh niềm day dứt không nguôi. Cũng là nguồn an ủi mỗi khi gặp trắc trở đắng cay. Nỗi sỉ nhục đồng thời là niềm tự hào của Khải, suốt một chặng đường sống quá nhiều gian khó. Nghệ thuật phải chăng là ánh sáng, nguồn năng lượng phát ra từ sự tổn thương khát vọng? Từ vô ngã? Từ những ước vọng và hạnh phúc không thành?
            Khải đã làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài từ năm hai mươi tuổi, tất cả những cái đó chìm lấp giữa bao biến động thời tuổi trẻ của hai người. Giữa nổi chìm nhân thế, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Những trang bản thảo ấy đã thất lạc trong những năm tháng trôi giạt sau này.
            Hàng chục năm rồi Khải không được gặp nàng. Nàng đã cùng kẻ khác… không hiểu từ ấy đến giờ có khi nào nàng nhớ đến mình không? còn Khải không thể nào quên.
            Tưởng như tình yêu đã chết sau cuộc hôn nhân vội vã với Vân sau này. Hai người lấy nhau không từ tình yêu. Khải đang cắm cúi bên bàn viết. Tâm trí anh đang lạc vào trong cái thế giới do mình sáng tạo. Anh thờ ơ với mọi cám dỗ của cuộc sống vật chất xung quanh. Nom anh như một kẻ tu hành khổ nạn đang đắm đuối với tín điều của mình. Nàng đến, nàng cũng vừa đánh mất mối tình với một anh lính trẻ. Một người ra đi không hẹn ngày trở về mà ngay từ đầu gia đình anh ta đã không muốn có mối quan hệ với nàng.
            Khi đó trong túi Khải không có lấy một đồng xu, nhưng nàng không quan tâm, nàng thấy công việc anh đang theo đuổi có cái gì đó thiêng liêng đáng trân trọng. Tình cảm đôi khi biến con người thành kẻ mơ mộng viển vông thiếu thực tế.
            Cuộc sống không phải là trò đùa, cũng không là cuộc rong chơi, nó có những thử thách gay gắt với những nhu cầu cụ thể vật chất để tồn tại giống như các ngôi nhà cần phải có móng. Máy bay phải có đường bay, chim trời khoẻ cánh đến đâu cũng phải có chỗ đậu. Cái gì phải đến sẽ đến, đó là cuộc hôn nhân ngắn ngủi để lại cho cả hai người đau đớn, chán chường.
            Rồi những người đàn bà khác thấp thoáng đi qua đời anh, không phải là không có lúc say mê, đắm đuối. Khải đã không dám quả quyết đón nhận những tình cảm ấy. Anh có phần quá e dè, thận trọng mà nguyên nhân xét cho cùng vẫn từ nền tảng cuộc sống của mình. Một cuộc sống quá nhiều hụt hẫng cả vật chất lẫn tinh thần. Tình trạng đó kéo dài mãi cho đến khi anh gặp Khánh Hà, Khải rất ngạc nhiên làm sao kẻ Bắc người Nam nàng lại có những nét giống người mình yêu lần đầu đến thế? ánh mắt, làn môi đến cả mái tóc đen dày hai người như chung một khuôn mẫu tự nhiên tạo nên, trừ giọng nói là dễ phân biệt. Nàng nói giọng Sài Gòn êm chuẩn, rất gợi cảm.
            Vào rừng đốt than vốn không phải công việc của đàn bà con gái, vậy mà nàng cứ nằng nặc xin Ba Tô được đi theo. Hàng ngày nàng nấu cơm, giặt đồ cho cả bọn ba bốn anh em.
            Tình cảm của Khải nảy nở đối với nàng kể từ ngày đó, xét cho cùng anh cũng là đàn ông. Khí lực dồn nén bấy lâu. Khải yêu nàng cuồng dại hơn cả những gã trai tơ. Chưa kịp suy tính cuộc tình này đi tới đâu thì Khải đổ bệnh.
            Trận sốt rét rừng cấp tính đã làm cho cả thể lực lẫn tinh thần anh xa sút. Nỗi nhớ mẹ, nhớ đứa con nhỏ làm anh day dứt không nguôi. Khải mau chóng hồi phục sức khoẻ, anh sẽ đi tìm một công việc nào đấy kiếm chút tiền ra Bắc. Có lúc nhớ đến Khánh Hà anh cũng chỉ xem đó là kỷ niệm của lần đầu gặp gỡ giống như những người đàn bà khác. Cuộc đời đã không cho anh cái cơ hội để có được một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu lý tưởng như thời trai trẻ từng mơ ước. Cho dù không muốn, rất nhiều biến cố ngẫu nhiên chỉ mang lại cho Khải những mối tình dang dở. Trong thâm tâm Khải rất đau khổ và ân hận. Anh cảm thấy mình có lỗi trong chuyện duyên tình. Với Tường Vinh trước đây rồi Thịnh rồi Khánh Hà sau này. Nếu có kiếp sau Khải phải trải qua mấy kiếp để trả hết nợ tình? Ngày nào ông thầy nói: Tiền kiếp của anh là nhà sư, nhưng số đào hoa, tu không đặng, nên kiếp này trả quả? Có đúng thế chăng? Nếu vậy kiếp này Khải lại thêm nặng nợ mất rồi. Duyên tình ấy là nguồn vui sống nhưng nếu nghịch sẽ là nghiệp chướng cho cả cuộc đời. Nợ truyền đến kiếp sau. Nghĩ như thế Khải đã không trở lại sau ngày lành bệnh để tìm Khánh Hà. Không muốn tình cảm hai người sâu nặng thêm sẽ khó cho anh với ý nghĩ trở về miền Bắc.
Vậy mà hôm nay Khánh Hà đường đột tới đây, không hề hẹn trước Khải bối rối không biết xử trí ra sao. Cô mang trả cái cặp hôm Khải bỏ lại ở lâu nơi đốt than. Đồ đạc cũng chẳng có gì nhiều. Ngoài bộ quần áo cũ chỉ có mấy quyển sách, một cuốn sổ tay. Vẫn là cái cặp da cũ Hùng đưa Khải mang vào trong này, nghe nói sau hôm Khải ốm, người ta cáng anh ra ngoài ông Võ, mấy ngày sau Công an, kiểm lâm vào dẹp các hầm lò đốt than. Người ta đã đốt trụi cái lều lán, phá sập lò. Khải nghĩ chiếc cặp nếu không bị cháy cũng thất lạc, không biết ai giữ. Anh coi như không còn.
            Chính Ba Tô đã mang cái cặp về cho Khải. Ông ta đưa cho cô em họ đưa trả cho anh. Mấy lần trước tới nhà ông Võ thăm Khải cô đã có ý giữ lại. Cô lấy số đo từ bộ quần áo cũ của anh, may bộ đồ mới, để vào trong cặp. Nếu như không có bộ đồ ấy kể như gia tài anh mang theo qua bao tháng ngày, qua bao vùng đất nước vẫn chẳng có gì đáng kể. Vẫn là khăn gói gió đưa suốt cả hành trình..
            Ông Võ nếu là người tham lam, say mê tiền bạc thì giờ đây ông có nhiều cơ hội. Cả một vùng cư dân sau nhiều năm chiến tranh kiệt quệ, thiếu thốn trong sinh hoạt, cái tất yếu của nó là sức khoẻ con người sa sút. Suy dinh dưỡng luôn có đồng minh chí cốt là tật bệnh. ở vùng dân trí thấp này cũng với những nguyên nhân ấy cướp đi mạng sống của không ít người, mà thường khi nhà nghèo hay lâm bệnh trọng. Bệnh viện, bệnh xá thì xa. Thời bao cấp này những nơi ấy thuốc men cũng không đủ. Y, Bác sĩ thiếu trầm trọng. Ông từ thành phố về đây như thể cứu tinh cho cả vùng. Không ngày nào nhà ông không có bệnh nhân mới tới. Bách nhân bản mệnh. Bệnh nhân đa phần ở đây là sốt rét rừng. Bệnh đau thận, đau bao tử. Chữa bệnh cho ai ông cũng chỉ lây chút đỉnh tiền công. Còn tiền thuốc cũng chỉ nganh giá bệnh viện nhà nước. Nếu ông có lấy đắt hơn một chút cũng không ai phàn nàn. Dù sao cũng phải mất công ra thành phố. Mà nào có dễ mua thuốc vào lúc này?
            Bà vợ ông luôn cằn nhằn về việc chuyện ông tính tiền thuốc quá rẻ. Ông liền nói: Lương tâm của người thày thuốc để đâu? Tôi giàu cũng giàu rồi, mà nghèo cũng nghèo rồi. Ngày xưa đứng lớp tôi từng giao giảng y đức, lương tâm cho học trò mình. Từng nêu cao khẩu hiệu “ Lương y như Từ Mẫu ”. Tôi không thể làm khác được. Phải tự biết xấu hổ với chính mình. Không có điều kiện để giúp đỡ người ta thì cũng đừng lợi dụng để bóc lột lúc người ta khi khốn khó. Đó là việc dã man vô lương tâm… ”
            Ông đã làm như lời mình nói cho dù vơ con không bằng lòng, bà thường dẫn chứng nơi này, nơi họ chỉ là cái anh y tá quèn với tủ thuốc tư người xây được nhà, sắm được xe xịn để đi. ông là bác sỹ giỏi nghề hẳn hoi mà nhà có hôm thiếu gạo. Mua được cái xe đáng làm phế liệu, không dám đi phải mang vào rẫy cho khuất mắt.
            Ông trừng mắt: “ Bây giờ bà vẫn chưa hiểu tôi là người như thế nào à? Nếu khổ quá tôi giải phóng cho bà luôn. Có ai bắt bà phải chịu khổ đâu. Tôi mà ham ba cái đó thì xây cái nhà, mua xe hơi không phải chuyện khó. Bà đừng có mà xúc phạm nghe!” Nét mặt ông bừng bừng phẫn nộ, y như thể người nào đó vừa vu oan giá hoạ cho ông một tội lỗi gì ghê gớm. Những lúc như như thế bà Tâm nét mắt tái mét, miệng im như thóc. Chỉ dám rỉ tai con gái: “ Ba mày đúng là khùng. Ông ấy viển vông cho đến chết chưa hết ”! Trong vùng có một căn cứ quân sự cũ. Rất nhiều người lượm ve chai hàng ngày bới móc trong những đống đổ nát, hầm ngầm kiếm sống. Trong tay cái móc sắt, cái thuổng họ đào lên hàng đống sắt thép vụn. Căn cứ cũ vừa là niềm hy vọng vừa là nỗi sợ hãi của họ. Không có tuần nào không có người chết, người bị thương vì bom mìn sót lại, nhưng vì cơm manh áo không thể đừng họ vẫn đua nhau tới. Trong số các bệnh nhân nội trú đến quá nửa là người bị thương. Những người quá nặng ông sắp xếp để gia đình họ đi thành phố, gọi là nhẹ hơn những người ở lại cũng ít nhất nửa tháng mới có thể về nhà. Ngày ở miền Bắc ông đã mày mò cách chữa bệnh bằng thuốc Nam. ông đã đi chuyển lên các tỉnh miền núi phía Bắc học hỏi và tìm về nhiều cây thuốc quý. Số cây ấy được mang về trồng ở mảnh vườn con ngoại ô thành phố Hà Nội. Nó cũng là thứ tài sản duy nhất được đóng thùng mang vào miền Nam. Chỉ một số ít cây bị chết do không hợp thổ nhưỡng, cũng có thể khi đi đường nó bị vỡ bầu, đứt rễ hoặc không có điều kiện tưới nước trên đương đi. Đông – Tây y kết hợp quả là hai mũi giáp công. Ông đã chữa khỏi không ít những căn bệnh hiểm nghèo. Có những ca bệnh kỳ quái ở bệnh viện bó tay vì không phát hiện ra nó là bệnh gì. Họ đưa trả về được ông chữa khỏi.
Khám chữa nhiều cho bệnh nhân vừa là nghề nghiệp vừa là sự đam mê, ông thực hiện nó thiêng liêng, trịnh trọng gần như một nghi thức tôn giáo. Ban đêm ông thức đến khuya viết lại tập bản thảo từ nhiều năm trước. Do nhiều chuyện nhạy cảm và tế nhị nhà xuất bản yêu cầu ông sửa lại. Một tác phẩm văn học mà cắt xén quá nhiều nó sẽ trở thành què quặt, nó làm ông buồn phiền. Đã có lúc nghĩ đến chuyện rửa tay, buông bút nhưng con người ta khi đã bị ám  ảnh chữ nghĩa không thể nói bỏ là bỏ ngay được. Nó luôn day dứt, nhức nhối trong lòng. Như người đàn bà lên tháng mà đứa con chưa được sinh ra. Cứ mang thai nghén khổ ải, nặng nhọc mãi.
Ông thường ít đi khỏi nhà  và cũng không có hứng thú đi đâu. Ông nói với cái hữu hạn của đời người đi thế là quá đủ. Có đi nữa không có gì hay ho. ông là mệnh mộc, cây càng rời càng héo, ngay cả việc ra thành phố mua thuốc ông cũng để vợ đi mặc du biết bà bao giờ cũng rút bớt chút tiền để tiêu riêng. Giá thuốc đều trội hơn giá thị trường. Nhưng hôm nay ông phá lệ, nghỉ hẳn một buổi để vào đây hẳn có việc hệ trọng. Khải đã nghĩ đến sự khác lạ đó nhưng chưa dám hỏi. Chả lẽ ông lại mất công đưa Khánh Hà vào tận đây? Ông có thể chỉ đường hoặc cẩn thận hơn vẽ cho cô sơ đồ hướng dẫn là đủ. Cô có thể tự mình đi. Vậy làm sao ông Võ phải kỳ công như thế?
Khánh Hà đang lụi cụi làm bếp, cô không tỏ ra lúng túng ở một nơi cái gì cũng thiếu, chỗ ăn ở của hai gã đàn ông. Tác phong đó có được nhờ những ngày ăn ở tạm bợ trong rừng sâu, ở bãi hầm than, cô còn tỏ ra thích như với công việc làm một bữa ngon lành ở nơi xa vắng " đường trần ” như cô nói
Ông Võ tranh thủ trao đổi riêng với hai người, cả ba quanh ấm trà cô Ba pha đậm trong ca men sứ. Đốt thuốc Mai khói thuốc mờ mịt gian nhà. Ông Vô nói nhỏ nhưng rõ từng câu một.
- Tao vô đây là có việc rất trọng đại muốn bàn riêng với tụi bay nhất là Tư nghĩa. Nếu nhất trí anh Hai sẽ quyết định.
Tư Nghĩa nhăn trán:
- Việc chi anh Hai?
- Việc của chú chứ việc chi!
Tư Nghĩa càng khó hiểu:
- Bộ anh Hai thấy tui làm không đặng nên tính đưa trở về chỗ ông già sao?
Ông Võ cười ngất. Tiếng cười sảng khoái như thể người không có mối lo toan bao giờ, cuộc đời toàn may mắn hạnh phúc. Khải rất hiếm khi bắt gặp cái cười ấy.
- Đâu có, nếu thích như vậy thì tao đưa mày lên đây làm gì? Mà là việc khác. Mà tao nói luôn, khỏi mất thì giờ. Nhưng liệu mày có nghe không?
- Em nghe!
- Bữa nay tao kêu mày ra ngoài nhà xem mặt con nhỏ, nếu ưng anh làm mối cho!
Tư nghĩa chậm chạp đứng dậy. Anh ta uể oải gãi đầu gãi tai rồi buông thõng hai bàn tay đi lại đưa như con voi bị nhốt trong nhà kính nét mặt nhăn nhó, không ra mừng, không ra lo:
- Trời đất! Tui từng đây tuổi rồi. Không tu cũng kể như tu rồi. Vợ con chi cho mệt. Mà vợ con, có gì mà nuôi anh Hai?
- Thằng này kỳ quá ta! Bốn mươi tuổi mà như ông bẩy tám mươi rồi. Có ông bảy mươi rồi còn ham vợ bé. Mày đã lấy gì mà kêu già?
            Tư Nghĩa đưa xoè hai bàn tay ra trước mặt, Khải nhận anh ta có bàn tay đẹp, vuông văn đầy đặn các ngón tay thon dài như tay hoạ sĩ:
            - Tay trắng, đít nhọ thế này. Tôi còn chưa biết kiếm việc gì để nuôi thân. Vợ con rồi thêm gánh nặng cho anh Hai thằng em không dám đâu!
            - Bậy nào! Tao đã tính cả rồi. Mày cứ ra ngoài gặp nhau rồi hẵng có ý kiến. Lâu nay công chuyện lù bù tao không. Hôm vừa rồi Sáu Châu ngoài thành phố vào nói tao mới nhớ ra. Mày đâu phải thằng vô dụng hoàn toàn. Mà chẳng qua là chưa tìm ra việc hợp lý, bắt ngựa đi cày đó thôi. Mày là thằng giỏi ngoại ngữ. Tiếng Anh, tiếng Pháp bây giờ rất ít người có trình độ đó. Sách kỹ thuật anh ngữ bây giờ đang thiếu người dịch. Máy móc thiết bị chiến lợi phẩm không có sách hướng dẫn. Mày làm cái này là trúng phóc rồi.
            Tư Nghĩa cau mày
- Ai người ta dùng. Có giỏi thế chớ giỏi nữa cũng vô ích anh à!
- Cái đó mày khỏi lo. Sáu Châu sẽ đứng ra lo việc này. Mày cứ lo chuyển ngữ xong giao cho hắn. Mà công dịch khá đó mày!
Tư Nghĩa im lặng, nét mặt chưa hết vẻ phân vân.
Khải cũng cảm thấy lo lắng. Nếu việc thu xếp cho Tư Nghĩa trở thành hiện thực, cũng có nghĩa là anh ta sẽ rời khỏi nơi đây.
Anh ta sẽ có vợ cùng anh ta trở về thành phố. Nơi hội đủ điều kiện để anh ta thực thi công việc mà một gã Sáu Châu nào đó bày ra. Khải vừa mừng cho Tư Nghĩa vừa hồn lo cho mình. Tư Nghĩa có cơ hội thay đổi cuộc đời. Từ tăm tối gian nan anh ta về với vùng ánh sáng, ấm êm  hạnh phúc. Vậy là Khải chỉ còn ở đây có một mình? Đến bao giờ cảnh ngộ này mới chấm hết. Mình đã thoát ra khỏi vòng tù túng chật hẹp giờ lại rơi vào nơi giam lỏng buồn tẻ, hắt hiu này sao? Không lẽ mình rời bỏ nơi này để đi tìm cuộc sống? Như thế cũng có nghĩa phụ lòng tin cậy, yêu mến của người anh kết nghĩa vừa được gặp lại. Gặp vào lúc khốn nạn nhất là khi ốm đau nơi đất khách quê người.
Ông Võ như đọc được ý nghĩ ấy trong đầu Khải. Ông nhìn anh một hồi lâu rồi nói:
- Việc đâu có đó, chú đừng vội buồn. Anh đưa nó về giáp mặt nhau. Nếu hai bên ưng thuận cả hai đứa nó sẽ cùng vào đây. Chú ở lại hoặc đi đâu cũng được.
Khải như cất được trong lòng mối lo. Anh hỏi thêm.
- Vậy cô ta người đâu? có chịu như vậy không?
- Con nhỏ người Bắc, xinh đẹp nhưng lỡ tuổi, chưa chồng. Nó là người bà con bên ngoại bà Tâm, kêu bằng dì. Nông dân thứ thiệt đó. Chú cũng con nông dân chú lạ gì chứ. Người Bắc thứ họ mà thích là đất đai. Bà ấy mới nói khơi khơi mà con nhỏ thích lắm nghe. Nó mà ở đây đôi ba năm chỗ này sẽ là nơi sinh tiền bộn đó. Khải cũng cười phụ hoạ:
- Vậy là anh Tư ngon lành rồi. Nơi này mà trông tiêu, trồng điều năm mươi năm sau thành tỷ phú là cái chắc.
Tư Nghĩa cười ngượng ngịu:
- Vậy ông ở đây với tôi luôn. Tôi đâu có ham giàu. Giàu mà ở mình ên ở đây tôi cũng lạy.
- Tầm bậy, mày còn có vợ chớ bộ. Chồng thì đọc sách ngâm thơ, vợ cặm cụi trên đồng y như trong tiểu thuyết rồi còn gì.
- Thôi xin mấy cha. Cơm chín rồi dọn lên ăn khỏi mất công cô Hà nghe tụi tôi nói dóc à!
Khánh Hà nét mặt nghiêm, không cười:
- Nói dóc mà như vậy là điều đáng mừng đó anh Tư!
Tư Nghĩa tươi nở, có vẻ nhanh nhẹn hơn ngày thường. Khải thầm nghĩ: Hiệu ứng tình cảm, nó là cái quái gì mà thoắt cái đã làm con người ta thay đổi. Tư Nghĩa đâu chỉ là anh chàng cù lần, lề mề, chập chạp. Anh ta như người tỉnh giấc sau cơn mê ngủ. Suốt bữa ăn nói, cười vui vẻ mà còn hóm nữa chứ!
Từ đây nhìn về phương nam chỉ thấy chỏm núi Bà Đen như cái nón mầu, hư ảo. Lúc hiện rõ nét ở phía chân trời. Khi chìm trong mây như có như không. Trường Sơn trong sương trắng ngút ngàn. Hoàng hôn là lúc nền trời đẹp như một bức sơn mài khổng lồ, lộng lẫy muôn sắc màu. Chỏm núi ánh lên sắc vàng rực rỡ, lung linh giữa vô vàn mây bạc, khảm giữa xà cừ. Đất đai bình nguyên trải dài vô tận. Phủ lên trên mặt đất lớp cát mịn màng, màu tàn thuốc. Có cảm giác như vô vàn bụi vũ trụ từ không gian cao vời vợi phủ một lớp mỏng sáng màu ấy lên miền đất đỏ. Những ngọn gió hoang thỉnh thoảng nô dỡn, cuộn chúng lên trời thành cái phễu khổng lồ, nghiêng ngả đổ xuống rừng cao su xanh thẳm. Không gian vắng lặng như chốn không người. Chỉ thấy khói bếp vươn lên ở một ngôi làng xa lắc, lúp xúp vườn cây.
Hai người ngóng ra phía vườn củ mì xanh tốt. Nơi ấy có con đường đất chạy ra lộ. Có rặng điều giờ này như giát vàng trên ngọn. Vẫn chưa thấy bóng dáng Tư Nghĩa trở vào. Có lẽ hôm nay về cùng ông Võ, anh ta sẽ ở lại ngoài đó. Chuyện hôn nhân dù thuận lợi đến đâu cũng không thể nói dăm ba câu mà xong được. Có nhanh chóng thì buổi sơ khai cũng phải tới trưa mai mới nói chuyện xong. Rất có thể vài ba bữa Tư Nghĩa trở lại. Khánh Hà cũng định về luôn cùng lúc với ông Võ. Nhưng hai người đi xe máy, cô đạp xe làm sao kịp? Mà ông Võ lại dặn lại rằng: Chờ Tư Nghĩa trở lại, Khải sẽ đưa cô trở ra. Trước mặt ông Võ, cô vẫn nói là: “ Về liền” Nhưng rồi nấn ná mãi mà hai người vẫn chưa rời nhau được. Ông Võ đi khỏi, Hà ôm mặt khóc thút thít. Khải lấy làm lạ, hỏi thế nào cô cũng không nói. Khải nghĩ tại mình khỏi bệnh xong thì vào luôn đây, không tìm cô, nói lấy một lời. Anh tìm cách thanh minh, giải thích cho cô hiểu. Nghe xong Hà vẫn nức nở:
- Em đâu có trách anh về chuyện đó?
- Vậy là chuyện gì mới được chớ?
Cô nhìn Khải không chớp:
- Em sợ!
- Hà sợ chi!
Cô nắm lấy tay anh:
- Em đã một lần lỡ dở. Anh là nơi em trông cậy. Em sợ nói ra rồi anh xa lánh em thì sao?
Khải băn khoăn chưa rõ cô định nói chuyện gì. Anh chưa hề hứa hẹn với cô là sẽ gắn bó suốt đời. Mà cũng không nói đến chuyện xa lìa cô. Sự gắn bó giữa hai người những ngày đã qua chỉ đơn thuần như việc sinh hoạt, sự gần gũi đàn ông đàn bà trong hoàn cảnh cô đơn. Không bên nào đòi hỏi một sự giàng buộc lâu dài. Nó là việc không thể không xảy ra giữa hai kẻ đói khát và thiếu thốn tình cảm và lại khác giới liền kề nhau. Ngay như Hoàng Đế Nước Nam ngày trước khi bị lưu đày bên Châu Phi cũng không tránh khỏi chuyện ăn nằm với một cô gái xứ Tuynidi. Là chuyện con người muôn thủa, ít ai tránh khỏi.
- Hai tháng nay rồi em không thấy, chắc là có bầu rồi anh à!
Khánh Hà nói, mắt đằm thắm nhìn Khải như chờ đọc một tín hiệu nào đó qua nét mặt anh. Khải thấy thật bất ngờ. Anh cũng chưa có sự chuẩn bị gì về chuyện này. Với anh Khải nghĩ nó là chuyện đã qua. Anh sẽ giữ mãi những kỷ niệm đẹp của người con gái phương Nam. Người từng quên hết hiện tại gay gắt, đến với anh như niềm an ủi. Một sẻ chia trong cơn quẫn bách của mình. Một tình cảm vô tư không đòi hỏi và đặt ra một điều kiện nào.
            Nếu ở một hoàn cảnh khác đây sẽ là một tin vui. Anh cũng khao khát hạnh phúc gia đình, được làm chồng, làm cha lắm chứ. Nhưng trong cảnh ngộ hiện giờ nó là một khó khăn quá lớn. Khải sẽ làm gì để xây dựng và tô tạo cho cuộc sống gia định vào lúc này? Nói sao thì nói, sức người có hạn. Không phải cứ muốn, cứ cố mà được. Lực bất tòng tâm là cái rất thường xảy ra. Mình sẽ tính thế nào đây? Mọi dự định sẽ bị đảo lộn trước thay đổi này. Anh sẽ ở lại đây với mẹ con Khánh Hà. Vậy mẹ già nơi trời Bắc thì sao? Đúng là trở đi mắc núi, trở lại mắc sông! Nếu anh bỏ mặc Khánh Hà, dứt lòng trở về Bắc, Khải sẽ là kẻ nhẫn tâm. Làm sao Khải đành lòng để cô một mình khổ sở, chịu hết hậu quả tình cảm hai người, lúc nào đó quên hết sự đời gây ra. Anh không thể là con người gỗ đá như thế được. Rồi còn Thịnh nữa. Tuy hai người chưa có lời hẹn ước với nhau, nhưng không thể nói tình cảm giữa hai người không sâu nặng? Trong sâu thẳm ý thức, Khải vẫn mong một ngày nào đó hai người gặp lại trên mảnh đất quê hương đói nghèo, cơ cực của mình. Nơi có những bộ mặt gớm giếc, đểu giả, bất nhân, bất nghĩa của Lão Đởm. Lão Sinh Béo, Lão Chỉ mặt đen. Nơi luôn nảy nở và diễn ra những âm mưu những cái bẫy người được che dấu trang trí rất tinh vi. Nơi mà cuộc sống vật vã miếng ăn đẩy thành cuộc đấu tranh sinh tồn giữa kẻ mạnh, người yếu. Giá mà thân này xẻ được làm đôi để chu toàn mọi sự…
            Thấy Khải lặng lẽ chưa nói gì, Khánh Hà bối rối:
- Có phải anh sợ rồi không? Nếu không muốn anh cứ nói một câu em sẽ…
             Cô lau nước mắt, đột nhiên nét mặt đanh lại. Vẻ mặt này từ ngày gặp nhau anh chưa từng thấy ở cô. Nó chứng tỏ sự chịu đựng ghê gớm và nỗi ân hận không bút nào tả nổi. Với tâm trạng ấy Khánh Hà có thể làm bất cứ chuyện gì dại dột, không cần cân nhắc. Khải vội nói.
- Không, anh không sợ mà chỉ thấy lo.
- Anh lo việc chi ?
- Đang lúc thế này, mình lấy gì mà nuôi con?
Nàng cười, long lanh nước mắt
- Em chịu được mà, Khổ mấy cũng chịu, anh đừng coi thường nhé.
- Anh biết em sẽ không kêu ca gì. Nhưng làm thằng đàn ông không lo được cho gia đình, người thân của mình thì thật nhục nhã.
Khánh Hà nhìn chăm chăm như sợ Khải đổi ý:
- Ba em qua bên kia nhưng em vẫn còn bà con ở lại. Dẫu chỉ có một mình em cũng không ngại. Anh quên rằng em đã nói với anh là em có nghề may rồi sao? làm  giàu thì không nói, cần cơm ăn thì khỏi lo. Anh Ba đã hứa cho mượn cái máy may rồi. Anh còn nói hiện thời người ta xây cất nhiều, nếu anh muốn anh ấy sẽ đứng ra nhận công trình. Anh kêu thêm thợ cùng làm, em  tin là sống khoẻ.
Thì ra Khánh Hà đã lo tính tất cả. Với Khải  có lẽ là đường đột, còn có mọi nước cờ như đã được tính sẵn. Mình từ chối lúc này thực quá đáng, quá nhẫn tâm. Cuối cùng Khải nói:
- Thôi được, để từ từ rồi anh tính. Bây giờ anh đưa em về ngoài đó. Chờ ông Tư không biết tới hồi nào về.
- Vậy không ai coi nhà ở đây sao ?
Khải cười:
- Đâu có gì mà phải coi? Mấy cái nồi sắp lửng này cho người ta còn chê. Mà cũng không ai qua đây vào giờ này.
Hà nũng nịu:
- Anh không muốn em ở với anh đêm nay sao? Mà em cũng muốn đợi anh Tư về xem kết quả thế nào.
- Khải còn biết nói gì nữa. Anh kéo mái tóc đen dài của Hà áp vào ngực mình. Bờ vai của cô như nhũn ra, nóng bỏng hoà nhập với da thịt anh. Như ngọn lửa âm ỉ kìm nén lâu ngày bùng lên thiêu đốt tất cả. Cơn mê cuồng cuốn lấy hai người. Không còn không gian, không còn thời gian, chỉ còn khát vọng sống, khát vọng được dâng hiến, được yêu dâng tràn mãnh liệt. Những trận mưa đầu xuân xối xả như để bù đắp lại bao tháng ngày khô khát mỏi mòn. Cơn mưa ở phương Nam thật lạ. Nó giống như tính cách người con gái. Vừa mạnh dạn, vừa nồng nàn lại vừa sâu đậm quên mọi nỗi lo thường tình. Khi cả hai rời nhau, mưa đã tạnh từ lâu. Trời quang sáng, vô vàn vì sao như trái chín vàng lung linh trước mặt. Hình như không gian ở đây gần hơn, ít xa cách con người. Cả hai mới sực nhớ mình chưa ăn bữa tối Khải định dậy nhóm lửa. Khánh Hà kéo anh lại nũng nịu:
- Em đâu có đói cơm! cho em thứ khác đi, anh!



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: