Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Sự thật ơi, mày ở đâu?


Phạm Quang Long
Cách đây độ hai chục năm, một vị GS đáng kính ngành Lịch sử đã viết về một chuyện có thật nhưng sau một hồi "sàng sảy", cái thật đã biến mất, chỉ còn lại cái giả. Cái giả lớn gấp 5 lần cái thật nhưng lại tạo ra một cái ảo khác, có ý nghĩa dọn đường cho một số vị đi lên.
Số là khi một đơn vị tổ chức tăng gia để tăng thêm chất lượng bữa ăn được 28 kg khoai lang. Đó là một thành tích có thật. Khi báo cáo thành tích lên cấp trên thì Hội Phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi bộ, Công đoàn, Dân quân, Chính quyền đều kê khai đó là thành tích tăng gia của tổ chức mình. Kết quả thực chỉ là 28 kg khoai, số "thực" báo cáo lên trên và được công nhận là 168 kg, thành tích ảo của 6 đơn vị được các cấp biểu dương và người đứng đầu đơn vị đều được khen thưởng "vì tích cực tham gia sản xuất, góp phần tạo ra của cải phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc".
Ông bảo tôi: Sản phẩm làm ra là có thật, 6 ông bà được khen là có thật, nhưng có một sự thật cốt lõi là có nhiều "sự thật ảo" do cách tính thành tích, cách ghi nhận đóng góp khiến các nhà sử học băn khoăn phải chép như thế nào. Sự thực chỉ có một, ngoài cái đó ra là giả dối. Ta đã thừa nhận cái ảo, nghĩa là cái giả dối thành thật, lâu rồi thành quen. Quen với cái giả dối dễ chịu thấy nhẹ nhàng hơn cái sự thật dễ mếch lòng. Khổ thế!
Khi còn đi làm, phải nghe một báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm, tôi giật mình. Báo cáo viên thông báo: tăng trưởng 6 tháng đạt 11,7%. Không đạt chỉ tiêu nhưng vẫn rất khá. Nhìn vào bảng phân tích cơ cấu tăng trưởng, tôi hoảng: xí nghiệp quốc doanh được đầu tư hơn 70% kinh phí đạt 1,9%, doanh nghiệp tư nhân đạt 25%, doanh nghiệp FDI đạt 28,3% (tất cả các con số này tôi ghi lại ngay trong cuộc họp, con số tuyệt đối có thể chưa chuẩn nhưng gần đúng); xuất khẩu chủ yếu là của tư nhân, xí nghiệp FDI, mặt hàng nhà nước xuất là nguyên liệu. Khi phải nói, tôi đề nghị cần xem lại cơ cấu đầu tư vì tăng trưởng của xí nghiệp quốc doanh có thể lỗ bởi đầu tư quá lớn mà hiệu quả thấp. Tôi bị phê cho lên bờ xuống ruộng vi không hiểu định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa là gì mà cứ nói theo quy luật của lũ tư bản chó chết, bi quan, không nhìn thấy xu thế phát triển, v.v. Tôi hỏi: Thế các con số này có phải là sự thực không? Các anh có tính toán hiệu quả đầu tư không? Trả lời: Chỉ cần nhìn con số chung, không cần phân tích cơ cấu như thế vì tính GDP cũng chỉ tính con số cuối cùng.
Tôi cãi, tôi là con nhà nông dân. Tôi quen thực tiễn. Nếu bỏ ra 10 đ cho chăn nuôi mà cuối năm tổng số gà lợn, bán đi không lớn hơn số tiền mua giống, thức ăn đã bỏ ra thì coi như lỗ. Người ta bảo sao không tính phân lợn thải ra để cải tạo đất, chăn nuôi đã tạo ra việc làm cho trẻ con, giáo dục ý thức lao động... là những thứ do chăn nuôi đưa lại? Đến lúc này thì tôi hiểu, tôi và họ khác nhau quá, không muốn nói thêm nữa.
Và, bây giờ, mỗi khi nhận được một thông tin gì đó, tôi lại lẩn thẩn tìm xem cái sự thực tôi cần, nó ở đâu, sau những con chữ? Nước mắm Masan, cứu trợ dân vùng lụt, chuyện bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, tái cơ cấu ngân hàng, Vinalines, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chỉ số hạnh phúc của dân mình... con số khác nhau quá. Mà đều các cơ quan chính thức thông báo cả. Tôi lại hỏi chính mình: Sự thực ơi, mày ở đâu? Sao tìm mày khó thế?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: