Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Đăng lại bài từ năm năm trước:

VĂN HÓA A DUA
                    TV. HG

Mình đã định về. Ông anh ở huyện Con Dê lại bảo đi cùng với ông ấy một lúc. Ông ấy cần gặp một vài người, đi một mình “nó tơ hơ thế nào ấy”. Kinh nghiệm rồi, đã định không đi, nhưng khi ấy nể quá nên đành phải theo. Phàm là người dính chuyện bút nghiên, kinh doanh, ngoại giao.. khi độ cồn trong người quá mức đều không nên gặp ai.
Gặp người khi ấy chuyện nọ xọ chuyện kia, rất dễ sinh họa.
Nhớ năm du hành phương nam, ngày ba bữa bia rượu, chẳng mấy lúc tỉnh táo. Gọi là “đi thực tế để lấy tư liệu sáng tác” nhưng chả tích lũy được gì ngoài cái kinh nghiệm: - Khi say nói càng ít càng tốt. Mà tốt nhất đừng nói gì!
Buổi tối ở Quảng Trị, nửa đêm phởn lên, ông “chánh đoàn” rủ mình với hai ông nữa đi chơi phố. Đến quãng đường vắng vẻ chỗ cây cầu gãy hồi chiến tranh lão ý dừng lại, có vẻ bồi hồi xúc động lắm. Ngắm nghía một thôi một hồi, mình cứ tưởng lão tìm nhà quen.
Không hiếm ông cán binh hồi đó có “cơ sở” cũ trong này.
Ông anh họ mình cũng có một nơi như thế. Ông ấy thường vẫn nhờ mình làm chân liên lạc cho sự bí mật của mình.
Vợ ông từ ngoài bắc vào lúc nào cũng cháo ám kè kè, có muốn tắc tế cho “người ta” cũng khó. Không lẽ để người ta ôm con đỏ bơ vơ trong lúc đời sống khó khăn?
 Cám cái cảnh ấy mình đành nhận lời.
Thực lòng mình không đồng tình với lối ăn ở hai mang như thế này của ông ấy.
Sau này bà vợ phát hiện ra, giận mình lắm, thỉnh thoảng còn trách lóc mình mãi đến tận bây giờ.
Mãi đến ngày bà ấy dứt quyết buộc chồng về quê, nếu không làm dữ đến tổ chức đảng, chuyện mới chấm dứt.
Nghĩ cũng tội cho ông anh mình. Vì cái lon thiếu tá hồi bấy giờ, đành dứt áo ra đi, ngậm cay, nuốt đắng trong lòng, rời bỏ nơi có giọt máu của mình để lại...Năm ngoái ông ấy trước lúc nhắm mắt ra đi, cứ nhìn mình chằm chằm như nhắn nhủ điều gì, nước mắt ứa hai bên khóe mắt. Tắt thở đã lâu rồi, người nhà mãi mới vuốt được mắt cho ông ấy.
Nhắc lại câu chuyện này do thấy thái độ chùng trình của chánh đoàn lúc ấy, làm mình chợt nhớ câu chuyện ông anh họ của mình.

Nhưng thực ra không phải. Chẳng qua lão làm bộ làm tịch, “diễn” với bọn mình lúc đó về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lão thời bấy giờ.
Lão chỉ chỗ nọ, chỗ kia lão bắn chết được mấy thằng. Chỗ lão suýt bị bọn chúng bắn chết ra sao?
 Mình chỉ biết nghe, không tham gia câu chuyện. Chợt lão phó kéo áo mình lui lại nói nhỏ vào tai: “Lại phét đấy. Đừng có nghe. Ngày xưa lão ở 559 mãi bên Lào, đâu có ở đây ngày nào mà bắn với chả giết?” Mình ngạc nhiên, không biết lão ấy nói vậy để làm gì?
Cả bọn đi thêm một quãng, có một quán rượu ngoài trời, lão lúc ấy đang cao hứng bảo cả bọn dừng lại: “ Làm chầu nữa rồi về ngủ cho ngon giấc”. Lão phó có vẻ không bằng lòng, hai bên từ lâu chỉ bằng mặt không bằng lòng nhau.
Phó ta cố nhịn chờ vài tháng nữa, lão về mẹ đĩ, mình lên thay.
Ngồi uống rượu mà đầu óc cứ để đâu đâu. Rượu ngoại hẳn hoi mà chả thú vị gì.
Người ta ăn khi đói, rượu cũng vậy phải là lúc thèm, nó mới thấy rượu là rượu ngon. Đủ chén, hay quá chén rồi còn biết gì hay dở, ngon hay không ngon?
Lão lên giọng thày đời dạy người ta nên như này, nên như khác. Rồi khoe cuốn TT mới ra đang được dựng thành phim như thế nào? 
Mình quen lão cũng đã lâu, trình văn vẻ, học vấn của lão đâu có lạ?
 Chẳng qua người ta cơ cấu cả trong việc in ấn, phát hành, thổi thơm vì cương vị chứ đâu phải tài năng sáng tạo gì?
Đang lúc giá trị văn chương nghệ thuật đang bị méo mó về các lối pờ rồ, lăng xê, bốc thơm, bốc thối nhau nhặng xị thế này, giá trị thực rất khó xác định, chủ yếu là văn hóa a dua, a tòng theo “trển”.
Chẳng nhớ lúc đó mình nói câu gì, đại thể ý như thế, lão vằn mắt rủa xả mình không còn câu nào để nói. Nhà văn gì mà nói chua, nói bẩn không thể tưởng tượng được. May mà lúc ấy chút“sĩ” giang hồ còn sót lại của mình đã nguội được vài năm, không thì  lão lỗ mũi ăn trầu là cái chắc!
Sau đó lão giận, thù mình đến mấy năm trời, làm mình có lúc điêu đứng. Rồi những câu chuyện nhăng nhít lão nhặt ở đâu về gán cho mình. Miệng kẻ sang như lão nói đương nhiên có nhiều người tin.
Mãi sau này về vườn rồi lão mới thôi, trở lại bình thường với mình. Mọi người mới ngã ngũ ra là lão nói xằng.
Nhưng cái tội cao ngạo, dạy đời của lão vẫn chưa bỏ hẳn, bàn bè dần dần thưa thớt chẳng còn ai.
Bây giờ lại cái ông ở huyện Con Dê này rủ vào nhà lão chơi, mình đâm lưỡng lự..

Ông HK thì bảo: “Tao chịu chú mày, như nước mới lửa mà vẫn chơi được với nhau, Anh thì chào thua. Các chú có công việc đến thì cứ đến. Tay khôn lỏi đó, anh không chơi, không vào đâu”.
Mình không nài thêm.
Chơi hay không chơi với ai là quyền của mỗi người. Mấy bác có tuổi thường hay cực đoan việc này, không thích ai muốn người khác không thích theo.
Mình khác.
Mình có “Độc lập, tự do” riêng của mình, nhưng vẫn từ tốn bảo bác ấy:
- Bạn văn nghệ đâu có nhiều? Ai cũng chê trách cả thì bỏ tất hay sao? Buồn lắm bác ạ. Với lại em cũng học cái anh “tàng hình”, đã là ti vi phải có nhiều kênh, ai em cũng chơi, miễn là biết được tốt xấu để học hỏi, hay nên tránh, không đơn điệu lắm. Kính bác về nghỉ trước!”
Mình vào. Đã thấy ông “NÓI HAY” ở đấy. Ông này mình không nhớ tên, Ổi hay Na gì đấy. Cứ tạm gọi là ông Ổi cho dễ nhớ. Ông Ổi bắt tay mình rất nhanh, cái bắt tay xã giao chẳng lấy gì làm mặn mà lại có phần quan cách. Nhà văn nhớn giới thiệu người đến trước kẻ đến sau để đôi bên làm quen. Ông Ổi cười cười:
- Thì ra đây là tác giả, tôi vẫn thường đọc của anh. Độc đáo và táo bạo, viết có gan lắm!
Mình chưa hiểu đấy là ông ấy khen hay ông ấy chê? Nên chưa biết nên nói như thế nào. Nhờ có rượu, có men nói hộ:
- Nhà em viết VKG thôi, cảm ơn bác quá khen!
Nhà văn chủ nhà trừng mắt nhìn mình:
- Cậu biết đây là ai không? Nói vớ nói vẩn, trên người ta đánh giá..
Rồi lão làm luôn một chặp:
- Tay này ruột để ngoài da. Tính nó lôm côm thế nên đời nó khổ.Chả giữ được cái gì trong miệng, thông thốc như ống nứa..Đừng để ý, đừng để ý..
Mình bực. Mình nào có nói gì sai đâu? Lão í cứ làm như mình“phạm húy”
 không bằng! Mà có sai thì mình chịu chứ bận đếch gì đến lão phải cải chính hộ?
Hình như, về hưu rồi lão vẫn còn sợ ông NÓI HAY thì phải? Một cái sợ mơ hồ ám ảnh, len sâu vào tiềm thức..
 Nhiều ông về hưu rồi chả ý tứ gì nữa, nói vung tý mẹt. Nói cả những câu, những điều tại vị không dám nói. Như là một cách cải chính lại, sám hối lại quá trình lầm lạc đã qua, hoặc cố tỏ ra như thế.
Nói thật, mấy ông này mình không phục lắm. Có gan, nói mẹ lúc đương chức đương quyền. Sau này nói vuốt đuôi thì ăn thua gì? Chẳng qua cách của mấy anh hèn học oai, chơi sang, việc qua rồi mới ra cái điều..!
Nhưng kiểu giữ ý mãi như lão này mình không dám khinh, nhưng cũng không trọng. Đó là “Văn hóa a dua”, lựa theo người trên mà làm. May mà chỉ viết lách, văn nghệ văn gừng chả ảnh hưởng đến ai. Hoặc có ảnh hưởng cũng không có hậu quả cụ thể. Nó mơ hồ như sương khói thế gian, chả làm ai chết ngạt, hay nhức đầu sổ mũi. Chỉ làm người ta không thích hoặc không dễ chịu.
Lão là con người máy móc khó thay đổi. Kết tinh ngàn đời của “nền văn minh lúa nước”, ít có táo bạo, tìm tòi, chỉ theo thói quen gọi là “tập quán”!
Lão vẫn còn chút tinh quái, hình như đoán được mình đang nghĩ gì, nói luôn:
- Tớ phải mất ba ngày mới đọc xong bản thảo của cậu. Phải viết lại, viết thế hỏng chưa phải là TT.
- Bác nói cụ thể hơn xem nào:
- Này nhá, TT phải có chương có hồi. Có bố cục chặt chẽ, có tuyến nhân vật chính diện, phản diện, có “câu chuyện”.. Đọc cậu tớ chẳng biết cậu nói cái gì?
- Nghĩa là em không theo cách truyền thống của bác? Thế bác đọc “Linh Sơn” của CHK, đọc “Xe lên xe xuống” của NBP chưa?
Lão cáu:
- Tao đọc đéo gì mấy thứ đấy. Đó là văn chương phản động, không phải HTXHCN. Học theo để toi à?
Tôi thực sự ngạc nhiên. Người khác “thẩm văn” thế nào tôi không nói. Nhà văn nhớn như lão mà nghĩ vậy, chả trách văn đàn luôn luôn có tranh cãi, luôn luôn có “vấn đề”
Khốn nỗi bản thảo của mình đang nằm trong tay lão. NXB không hiểu kiểu gì lại nhờ lão đọc của mình. Lão mà phán vài câu văng mảnh là số phận của TP đi đời. Có khí mình còn bị làm khó cũng nên.
Mình đành bảo:
- Hội luôn khuyến khích anh em tìm tòi sáng tạo. Em cũng cố tìm một cách thể hiện mới. Cấu trúc của TT có chút thay đổi không theo lối thông thường. Kể cả trình tự cũng không theo thời gian. Nếu người đọc không chú ý, hoặc đọc một cách hời hợt đúng là không nắm được cốt lõi của câu chuyện. Nó vẫn có bố cục kín đáo, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, dẫn dắt mờ và sâu bên trong.. Bây giờ bác nói em mới vỡ ra nhiều điều. Có thể em làm chưa đạt, nhưng bác đọc lại lần nữa xem..
Lão cũng đang “xỉn” chả kém gì mình, nên chả ý tứ gì:
- Có cái chó gì mà phải đọc đi đọc lại? Tớ bảo hỏng là hỏng, còn nghe hay không là quyền của cậu!
Người ta bảo “Văn mình vợ người”. Ai chả cho rằng văn của mình hay? Nhưng trường hợp này hoàn toàn không phải. Mình không bảo thủ ý kiến cho mình viết như thế đã là được. Văn chương muôn đời là cái chỉ đến gần chứ chưa ai qua được bao giờ. Nhưng cách lão chê phũ phàng như tát nước vào trước mặt người khác, ai mà chịu nổi?
Không phải mình sĩ với ông HÁT HAY tên là Ổii, hay với ông nhà thơ xứ CON DÊ mà mình phản ứng đâu.
Đau là ở chỗ, dù sao tác phẩm cũng là đứa con tinh thần của mình bị vùi dập, coi như không có, không đáng gì!
Chẳng may bạn có đứa con sứt môi, chả lẽ bạn không yêu thương nó sao? Bạn không phát khùng lên khi có người khác chế nhạo, chê cười nó trước mặt bạn và đông đảo mọi người?
Có thể lúc khác lão ấy góp ý riêng với mình, nói sao cũng được. Cần lắm được người ta chê, để biết chỗ khuyết của mình để sửa chữa, bổ sung vào.
Toàn khen nhau, khen lấy được chưa chắc đã hay. Điều này mình biết.
Nhưng lão chê lần này là có dụng ý khác. Va với lão vài lần, biết cách thù dai của lão nên mình hiểu. Người này dù có say, cũng luôn có chủ ý. Lão đã rèn được cái bản lĩnh ấy từ bao năm tháng rồi. Không phải ngẫu nhiên lão ấy thành công. Lại là thành công quá mức thực ra đáng được ghi nhận..
Biết khen biết chê theo ý người khác là lối văn hóa a dua, a tòng. Nhưng làm được thế đâu phải dễ?
Nhất là dạng vẫn ương ương dở dở như mình!
**
Có những cuốn sách nằm lăn lóc ở thư viện hàng chục năm trời chả ai để ý. Người ta không quan tâm vì nó chẳng có gì hay để đọc. Văn chương không có tư tưởng, không có tính triết lí nhân sinh, không có chính kiến riêng của tác giả đó là thứ văn chương vô hồn, người ta không để mắt đến là chuyện đương nhiên. Chữ nghĩa lại thực thà ngô nghê kiểu bà già nhà quê kể chuyện, vừa ngô nghê vừa lủng củng, ai đọc làm gì?
Nhưng bỗng một ngày mát giời nào đó, một ông “quan trọng”, hay một bà “chức năng” nào đấy, vì một lẽ nào đấy nhấc nó lên, khen vài câu..Thế là cả đám ào vào khen thêm. Thi nhau phát hiện cái hay tiềm năng vốn không có gì, bỗng chốc sáng lòe! Thật là kì lạ, nực cười hết chỗ nói.
Rồi.. một thằng cha căng chú kiết vô danh tiểu tốt, đang làm ăn mờ ám ở đâu đấy đang muốn dùng chữ nghĩa, văn chương và chút danh hờ của nó làm cái thuẫn đỡ tên. Nó bỏ ra dăm ba chục triệu thuê người chuyển tác phẩm giống giống người khác ấy thành kịch bản, dựng phim. Thế là có tác phẩm lừng lững, “trên cả tuyệt vời”!
Cả nước mới ớ ra là lâu nay mình vô tình. Văn tài xuất hiện từ lâu rồi mà mình không biết!
Rồi thi nhau thổi hơi. Hết đăng đàn trên báo, lại đến các em làm luận văn tốt nghiệp đại học. Có chị còn làm luận văn tiến xí tiến xiếc! Hiệu ứng đô mi nô đổ theo ầm ầm..
Đúng là thời kinh tế thị trường có định hướng, có khác. Công nghệ quảng cáo, pờ rồ phát huy tác dụng của nó lên đến đỉnh điểm luôn.
Lúc đầu các bác  ấy còn có vẻ e thẹn. nói năng rất khiêm tốn thận trọng. (Thực lòng các bác ấy cũng biết mình “chả đi đến đâu”, e thẹn là phải ). Xong lâu rồi thành quen, cũng tưởng mình hay thật. Bắt đầu ngoa ngôn, loạn ngữ chả coi ai ra gì. Thấy thiên hạ toàn thứ cỏ giả, chỉ mình mới thực tài. Thật thương và buồn lắm thay.
Mình biết có những cuốn sách hay chịu thiệt thòi vì không có cái may mắn ấy. Hoặc có cái không may lỡ một vị quan trọng nào đấy đọc qua loa, chưa biết hay dở đã chê. Số phận của các tác giả tác phẩm này thật là thiệt thòi.
Ừ thì cũng phải. Thời nào chả quên, chả sót, vẫn có người áo gấm đi đêm. Vẫn có kẻ ăn may, có anh thô thiển vừa đi vừa xì hơi mà vẫn ngất ngú, ngồi chỗ cao, được thiên hạ khen sái quai hàm!
Cái gọi là công bằng, công tâm, đúng đắn tuyệt đối chả bao giờ có. Chưa nói đến tiêu cực, nhũng nhiễu do thiếu công khai minh bạch cộng với lòng đố kị hẹp hòi hay thù vặt!
Có bàn đến rằm tây đen cũng chẳng hết chuyện.
Đang lúc nước sôi lửa bỏng này bàn mãi chuyện cực chẳng đã không nên bàn, e không phải đạo làm người. Mấy cái tàu “nước lạ” đang rình mò ngoài khơi. Có cái đã liều mạng vào cắt cáp tàu của mình, tin kinh tế tiếp tục suy trào vào năm tới.. Toàn những tin quan trọng chết người cả.
Chuyện văn, chuyện đời bàn vào lúc này như câu chuyện thừa, chưa đúng lúc. Thế nên chuyện hay dở của mấy bác nhà nọ nhà kia tốt nhất là miễn bàn.
Ai hay thì ấm thân mình. Chẳng qua xả bớt một chút cho đỡ Stroét mà thôi! Đầu óc cần tỉnh táo quan tâm nhiều thứ khác thiết thực, gay go hơn vào lúc này..
Có điều gì không phải các bác bỏ qua và góp ý cho  nhá!
========




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: