Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Khủng Hoảng Syria Là Gì?

Hồ Sơ Người-Việt



Từ Syria Nhìn Ra Thế Giới

 * Giao tranh tại Aleppo - Bao nhiêu tay súng từ bao nhiêu quốc gia? *


Thỏa thuận ngưng bắn tại Syria giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga là văn kiện yểu tử. Chưa đầy một tuần, tối Thứ Hai 19, một đoàn xe vận tải phẩm vật cứu trợ của tổ chức Syrian Arab Red Crescent cho dân chúng lại bị oanh tạc. Một ngày sau, Hoa Kỳ xác nhận rằng chính Liên bang Nga là thủ phạm của vụ oanh kích khiến 18 trong 31 xe vận tải bị tiêu hủy. Liên hiệp quốc cũng quyết định tạm ngưng chương trình cứu trợ nhân đạo vì thiếu an ninh… Qua ngày Thứ Tư 21, Nga thông báo việc đang đưa hàng không mẫu hạm duy nhất của mình là chiếc Đô đốc Kuznetsov vào vùng biển Syria, tại Địa Trung Hải…. Mặc dù Chính quyền Hoa Kỳ trông cậy vào Liên bang Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, việc này vẫn khó thành.

Hồ Sơ Người-Viêt xin mổ xẻ chuyện Syria – và xa hơn – để chúng ta hiểu ra cục diện Trung Đông và vai trò của các nước khác.


NGUYÊN DO KHỦNG HOẢNG


Chuyện Syria không ở xa chúng ta đâu, có khi lại là cái mầm đại chiến.

Chế độ hiện hành của Tổng thống Bashar al-Assad ra đời từ một cuộc đảo chánh năm 1970 (sau nhiều cuộc đảo chánh) của người cha là một viên tướng Không quân Hafez al-Assad. Thuộc hệ phái Alawite trong giáo pháp Shia của đạo Hồi, Hafez al-Assad chủ trương xây dựng một chế độ thế quyền (ngược với thần quyền), theo xã hội chủ nghĩa (cộng sản thân Liên Xô), với keo sơn sắc tộc là dân Á Rập. Ba nguyên lý đó do Gamal Abdel Nasser đề ra tại Ai Cập (Egypt) khiến hai nước Syria và Egyt đã từng thống nhất làm một được ba năm (1958-1961), trước khi tách riêng nhưng vẫn cùng lao vào cuộc chiến với Israel.

Nội chi tiết lịch sử và quốc tế ấy cũng đã là một sự hỗn loạn chưa thể dứt.

Bên trong, gia đình al-Assad là thủ lãnh hệ phái Alawite và xây dựng một nhà nước pháp quyền (ngược với giáo quyền) vây quanh và bảo vệ hệ phái, bằng cách tiêu diệt hết mọi lực lượng khác. Khốn nỗi, hệ phái Alawite (của giáo phái Shia) chỉ chiếm 12% dân số so với đại đa số - từ 60 tới 69%) theo giáo phái Sunni, nên al-Assad phải áp dụng chiến lược chia để trị. Đó là hợp tác với các nhóm thiểu số về tôn giáo và sắc tộc như Thiên Chúa Giáo, Ismailis, Kurd hay Druze) và cả một số phần tử Sunni. Các nhóm thiểu số này tổng hợp được 40% dân số.

Chi tiết sắc tộc và hệ phái đó châm thêm một yếu tố hỗn loạn khác vào cuộc khủng hoảng. Chỉ vì ngay trong hiện tại, nhiều nhóm Sunni vẫn không nổi dậy chống chế độ al-Assad. Các nhóm thiểu số kia cũng vậy.

Ra đời từ năm 1970, chế độ của hai cha con al-Assad bị rung chuyển vào năm 2011 vì biến cố người ta lầm tưởng là cuộc cách mạng dân chủ và gọi là “Mùa Xuân Á Rập”. Chưa thấy dân chủ đâu, trừ ngoại lệ nhỏ là xứ Tunisia, các nước Á Rập Hồi giáo khác đều bị chấn động. Chế độ Alawite của nhà al-Assad dĩ nhiên là cũng e sợ, nhưng may cho họ là các lực lượng đối lập lại bận đối nghịch với nhau hơn là tìm cách lật đổ chính quyền. Nhờ vậy mà dòng al-Assad  thoát nạn và đáng lẽ người ta – Hoa Kỳ - phải thấy rằng chuyển động ấy chẳng dính dáng gì đến dân chủ!

Chính giới và trí thức Hoa Kỳ tưởng lầm rằng chế độ độc tài sở dĩ tồn tại là nhờ đàn áp. Độc tài là phải đàn áp nhưng cũng biết chia chác quyền lợi để có kẻ đàn áp, có người tài trợ việc đàn áp và ngần ấy lực lượng đều phải biết tới cái gốc của thịnh vượng cho họ là chế độ độc tài. Chế độ tồn tại là nhờ ở tinh thần liên đới và chung thủy này.

Khi ấy, người ta mới thấy chế độ độc tài của gia tộc al-Assad khéo biết chia chác quyền lợi để làm chủ được quân đội, lẫn các trung tâm kinh doanh, kể cả buôn lậu và các thành phần ủng hộ chế độ đều biết rằng lợi thế của họ sẽ chấm dứt khi chế độ không còn. Nhờ vậy, Bashar al-Assad vẫn đứng vững dù đã bị Tổng  thống Barack Obama đòi xóa sổ khi nhiều lần vạch ra lằn ranh đỏ hoàn toàn vô dụng và nay lại phải nhờ bàn tay của Nga.

Bây giờ, ta nên nhìn ra khỏi Syria để thấy vai trò và trách nhiệm của các cường quốc khác.

HOA KỲ và SYRIA

Trong cuộc khủng hoảng và nội chiến tại Syria hiện nay, ít ra là có bảy lực lượng tham dự. Tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIS, tàn dư của tổ chức khủng bố al-Qeada và các chế độ Á Rập theo thế quyền là bên Hồi giáo. Phía bên kia có Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Pháp. Và hai lực lượng Hồi giáo có những chủ đích riêng là Iran cùng Turkey. Ở vòng ngoài còn có cường quốc Á Rập Hồi giáo là Saudi Arabia, lãnh tụ của các tiểu vương quốc Hòi giáo.

Trong các nước, Hoa Kỳ đã có mối quan tâm đặc biệt về Syria. Chế độ al-Assad đã khai chiến nhiều lần với Israel, đã trút tiền và võ khí vào Iraq từ năm 2001 tới 2011 và khuynh đảo xứ láng giềng của Iraq là Lebanon mà còn là đồng minh của Iran theo cùng giáo phái Shia. Syria yểm trợ lực lượng Hezbollah tại Lebanon, là nhóm khủng bố do Iran nuôi dưỡng và Syria yểm trợ để chống phá thế lực Hoa Kỳ tại Trung Đông. Khi vụ khủng hoảng và nội chiến Syria bùng nổ, Hoa Kỳ thấy ra cơ hội lật đổ chế độ al-Assad (chuyện lằn ranh đỏ của Tổng thống Obama, nếu Syria vi phạm là sẽ bị tấn công), nhân đó giảm thiểu ảnh hưởng của Iran và tiêu diệt luôn lực lượng Hezbollah.

Nhưng Hoa Kỳ lại do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo! Đã không muốn trực tiếp can thiệp vào Syria như đã dại dột tại Libya, Hoa Kỳ còn muốn cải thiện quan hệ với Iran và ngần ngại can thiệp trực tiếp và trông cậy vào Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga. Nhằm đẩy lui chế độ al-Assad mà ông Obama tuyên bố là không có tương lai, Hoa Kỳ phải tìm đồng mình bên trong xứ này theo các tiêu chuẩn mâu thuẫn là chống khủng bố xưng danh Thánh Chiến, chống Iran, và chống al-Assad. Làm sao có một lực lượng phù hợp vói những đòi hỏi đó, mà lại có thực lực?

Đấy là lúc tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL xuất hiện và chiếm được một phần của Syria và Iraq. Hoa Kỳ lâm thế kẹt vì phải chọn kẻ thù ưu tiên. Lật đổ chế độ al-Assad là giúp ISIL bành trướng. Tấn công ISIL là cho chế độ al-Assad tại thủ đô Damascus và một số nơi khác được rảnh tay tiêu diệt các nhóm dân quân thân Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ bị sa lầy tại Syria. Trách nhiệm của Obama là không nhỏ trong những chọn lựa này.

Nhưng không chỉ có nước Mỹ phân vân lưỡng lự.


CÁC CƯỜNG QUỐC VÀ SYRIA


Xưa kia, Liên bang Xô viết đã từng yểm trợ Iraq và Syria thì ngày nay Liên ban Nga cũng vẫn yểm trợ Syria. Họ muốn gì ở đó?

Ngược với Barack Obama, Vladimir Putin không muốn chế độ al-Assad sụp đổ. Nhưng làm sao bảo vệ được một chư hầu ở xa khi nước Nga đã bành trướng vào Georgia và Ukraine ở gần hơn vì quyền lợi và an ninh chiến lược của mình nên gây mâu thuẫn với Âu Châu cùng Hoa Kỳ. Putin có thể dụ dỗ Tổng thống Obama về một giải pháp cho Syria nhưng lại mắc kẹt vì không thể thôn tính gọn xứ Ukraine. Đã vậy, dầu thô sụt giá lại gây khủng hoảng kinh tế cho nước Nga và khủng hoảng chính trị cho Putin.

Vì vậy, Putin phải ra vẻ dấn tới tại Syria từ cuối năm ngoái, và thổi phồng khả năng quân sự của mình ở tại đây, như hùng cường mạnh mẽ và dứt khoát hơn Hoa Kỳ. Từ đó, Nga có thế mạnh tại Syria nhưng thật ra chưa có lực tương xứng. Và về căn bản, Nga chưa thể nào làm thay đổi cơ chế chính trị và sắc tộc của Syria, chưa kể tới khả năng can thiệp của Mỹ. Dù chưa dứt khoát, nước Mỹ vẫn có ảnh hưởng tại Syria. Đâm ra, Syria là nơi đấu trí và đấu lực miễn cưỡng cho cả hai cường quốc Nga-Mỹ. Thất bại tuần qua của thỏa ước ngưng bắn tại Syria phản ảnh mâu thuẫn đó!

Hóa ra, cả ba cường quốc gần xa là Iran, Nga và Mỹ đều tung quân và tung tiền vào Syria mà không có khả năng dứt điểm. Trong khi ấy, Liên hiệp Âu Châu chết kẹt với làn sóng di dân từ Syria và các nơi khác vượt Địa Trung Hải vào tỵ nạn tại Âu Châu.

Ngoài nạn khủng bồ dồn dập trong lãnh thổ Pháp từ 19 tháng qua, điều ấy cũng giải thích vì sao Pháp phải nhảy vào Syria bên cạnh Hoa Kỳ và gửi hàng không mẫu hạm suy nhất của mình là chiếc Charles de Gaulle để yểm trợ hoạt động quân sự.

Sau cùng, một cường quốc khu vực khác cũng nhìn vào Syria với sự lo âu. Đấy là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, hay Turkey, vì những lý do chiến lược, tư tưởng và sắc tộc. Ở vòng ngoài còn có Israel, Saudi Arabia….

Ngần ấy quốc gia lớn nhỏ đều muốn hoặc đã can thiệp vào Syria mà không có kết quả ngã ngũ. Bên trong, xứ này cũng chẳng có giải pháp nào khác hơn là chinh chiến kéo dài.

----
Kết luận ở đây là gì?

Khủng hoảng vì nội chiến tại Syria chưa thể dứt mà còn có thể gây hậu quả bất lường.
  
Năm xưa, một nước Âu Châu là Tây Ban Nha cũng bị nội chiến. Khi ấy, hai nước Phát xít Đức-Ý đều nhảy vào yểm trợ chế độ độc tài, đối diện với Liên bang Xô viết. Khi ấy, cánh tả và thân cộng Âu Châu cũng nhảy vào giúp phe Cộng hòa, trong khi các cường quốc Anh, Pháp Mỹ đều tìm cách lánh xa. Vụ can thiệp quốc tế nửa dứt khoát nửa miễn cưỡng vào Tây Ban Nha có thể là một cuộc thao dượt cho Thế chiến II.

Vụ Syria có tái diễn chuyện cũ không?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: