Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

THÂN PHẬN CỦA NHÀ VĂN VÀ... NỖI BUỒN DANH LỢI


Tạ Duy Anh


Gửi nhà văn Bảo Ninh
Kết quả hình ảnh cho Tạ Duy Anh

Vài lời của tác giả: Bài này tôi viết năm 2008, sau khi đọc Tôi đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải. Bạn đọc có thể vẫn tìm thấy qua Google nguyên văn bài NÉN NHANG MUỘN CHO NGUYỄN KHẢI, dài 6000 từ. Nhân dịp nhà văn Bảo Ninh trượt giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật lần này, xin trích ra một đoạn gửi tặng riêng ông, người mà đến tận giờ này tôi vẫn coi là một trong vài niềm hy vọng lớn nhất của văn chương nước Việt. Tôi tha thiết muốn ông luôn nhớ hai câu, một của dân gian: Ăn xôi chùa ngọng miệng; và một của Nguyễn Trãi: Lưng khôn uốn, lộc nên từ.
Từ tâm thế ấy, tôi thành thật chia vui với Bảo Ninh và mừng cho bạn đọc.

…Bi kịch mang mầu sắc hài kịch của trí thức Việt, trong đó có đám văn nhân (tất nhiên không tính bọn giả danh), từ cổ chí kim, chính là luôn phải vờ vịt. Vờ vịt, tức là biết rõ nó không phải vậy, nhưng lại cứ phải làm ra rằng mình hiểu nó như vậy. Vờ trung thành, vờ kính trọng, vờ cúc cung tận tuỵ, vờ khép mình, vờ lắng nghe, vờ chăm chỉ, vờ ngoan ngoãn, vờ ca ngợi, vờ thán phục, vờ yêu…và những thứ vờ vĩnh ấy có thể làm bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, làm bao nhiêu cũng không sao ngoại trừ chỉ có lợi. Riêng một thứ không hề vờ, ấy là sự khinh ghét thì phải nén lại, giấu thật kỹ kẻo hé ra có kẻ biết là tàn đời (mà kẻ rình rập để tố cáo, tâng công thì nhiều như ruồi, ngay trong giới cầm bút); phải luôn tìm cách nhồi nó xuống, nuốt thật sâu, quên đi được thì càng phúc. Còn sống là còn phải quên. Chờ đến ngày sắp lìa đời, nếu chưa cạn hết lòng tự trọng, còn biết hổ thẹn thì viết nó ra để thanh minh và sám hối. Giả dụ như những câu thơ sau đây của Chế Lan Viên, tất nhiên là chưa có trong tuyển tập chính thức nào:

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn Mặt trời lên trên biển
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi-người có lỗi
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.
(Trích theo Lê Thiếu Nhơn)
Rồi như trường hợp Nguyễn Khải.
Và ngoài các ông ra, liệu còn ai nữa?
Nhiều người chưa kịp đọc Tôi đi tìm cái tôi đã mất, biết tôi đã đọc, nóng ruột hỏi tôi nó thế nào, tôi trả lời họ rằng: “Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khải, nếu chưa đọc mà không có thời gian, thì chưa cần phải vội, nhưng riêng bài đó thì nên đọc, phải đọc, đọc ngay”. Và tôi nói thêm: “Chỉ cần Tôi đi tìm cái tôi đã mất, thôi thì hơi muộn, Nguyễn Khải đã làm tròn sứ mệnh của một người cầm bút, một trí thức Việt”.
Đúng như dự đoán, người như Nguyễn Khải sao lại không biết cái điều một nông dân hơi có học cũng biết. Nhưng vì ông là trí thức, lại là trí thức Việt nên nó đành phải sống hai mặt như vậy. Cái mặt đem đến cơ quan, ngồi trong hội nghị, trong các cuộc họp kín họp hở, những lần học nghị quyết, những lần đến nghe thỉnh giáo, thậm chí cả khi nằm bên người tình…là cái mặt nạ vô hồn, vô cảm một cách trơ lỳ, cái mặt dởm. Càng đắp sao cho nó không còn là mặt mình, tô vẽ cho nó nhoè nhoẹt, bóng mỡ… càng được tin cậy. Muốn sống yên thân thì cấm được để lộ ra cái mặt thật. Rồi phải bằng mọi cách, kể cả lừa thầy phản bạn cũng phải cố mà có lấy một tí danh. Đã mang thân phận trí thức Việt mà không có tí danh phận thì mọt đời không ngóc cổ lên được. Bởi nó biết nó quá yếm thế, quá nhỏ bé, quá thê thảm. Nó lại sống trong một cơ tầng xã hội mà chỉ cần đếm các mối dây nhằng nhịt vào nhau đã không đủ thời gian. Anh là ai, làm gì, sống thế nào thây mặc anh. Nhưng anh đừng bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ, dòng tộc, đừng làm vợ con phải khốn đốn. Mà anh là ai mới được chứ? Anh chỉ là một thứ vẹt, chủ ho thì ho theo, chủ khạc cũng phải cố mà khạc theo. Đời anh và nói chung đời người được bao lăm để anh cựa quậy? Anh cựa quậy để đem lại cho anh, cho vợ con anh được cái gì?
Những câu hỏi như vậy ban đầu có thể là những lời van xin của người thân, nhưng dần dần nó là lời khuyên khôn ngoan mà một kẻ khoác áo trí thức quốc tịch Việt phải thuộc. Nó có bài học đắt giá hẳn hoi. Hãy xem đấy. Khi nhóm Nhân văn tưởng có thể làm mưa làm gió, họ là ai, hành xử thế nào? Như tôi thì tôi chỉ biết họ là những người hùng. Nhưng tôi thực sự tiếc cho họ, khi mới đây tôi thấy các bậc trưởng lão của nhóm (chỉ tính những người còn sống) hớn hở nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chuyện đúng sai, lầm lỗi hay lầm lẫn của phía nào không còn là vấn đề, mà quan trọng hơn là cái mục đích thượng tôn nghệ thuật, thượng tôn công lý mà họ tin là rất cao cả (còn tôi thì tin vào họ), cuối cùng vỡ lẽ ra cũng chỉ vì một chút danh còm.
Giả dụ những nhà lãnh đạo trước đây đủ cao tay, đủ thông minh để sớm ban cho họ cái giải thưởng ấy, thì mọi người trong đó có tôi đỡ đi bao nhiêu là giả định về một hiện tượng tưởng là bí ẩn nhất của lịch sử văn học nước nhà. Đã đỡ phải tốn bao nhiêu là tình cảm xa xỉ dành cho họ.
Hoá ra Nguyễn Khải còn kịp nói được những điều mà đáng lẽ nhóm Nhân văn phải thể hiện bằng hành động. Tôi chỉ vẫn không hiểu một điều: Tại sao lúc sống, chính ông biết rõ rằng đến giải thưởng Lenine, giải thưởng Staline (từng được tuyên truyền là những giải thưởng lớn tầm thế giới?) còn chả ra gì, chỉ sau mươi năm từ ngày Liên Xô sụp đổ đã chẳng còn ai nhớ tới-hoặc, như một anh bạn Nga, có những tác phẩm được giải Staline, giờ đây chỉ được nhớ tới như nhớ một điều xỉ nhục văn hóa Nga-mà ông lại vẫn không thể từ chối nhận giải thưởng mà ông biết là bé hơn rất nhiều về tăm tiếng?
Ông khiến tôi nhớ lại một đoạn hồi ký của Bô-rít Enxin, kể khi ông này ngồi phê chuẩn các quyết định do chính phủ Nga đệ trình. Ông phê duyệt gần như tức thời mọi thứ, kể cả những đệ trình liên quan đến vũ khí hạt nhân, đến sự an nguy của nước Nga trong chiến lược đối phó lại việc NATO mở rộng sang phía Đông. Ngay cả việc khôi phục lại danh dự dòng họ Romanov của các Sa Hoàng, một vấn đề đương nhiên là nhạy cảm đối với xã hội Nga hậu cộng sản vừa sợ, vừa coi khinh nhưng vẫn vừa luyến tiếc di sản quá khứ, mà ông đặt bút ký khá dễ dàng. Vậy mà ông đã mất mấy ngày trời cứ ngồi xuống, đứng lên trước quyết định tặng thưởng văn chương nước Nga cho tác giả Quần đảo địa ngục mà không dám đặt bút ký, chỉ vì lo sợ ông nhà văn thiên tài bị trục xuất oan uổng này sẽ…từ chối!
Lúc ấy tôi bỗng nghĩ, ví thử đặt vào vị trí Enxin là ông chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên ông nhà văn Nga kia thay bằng cái bảng danh sách các nhà văn được đề nghị trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, có lẽ vị Chủ tịch của Việt Nam chỉ do dự mỗi một điều, nếu phải bỏ bớt một số lại để phong tặng đợt sau (giả dụ chỉ là do vấn đề ngân sách thôi) thì biết bỏ ai ra bây giờ? Không thể bỏ ai cả. Họ sẽ lăn đùng ra ăn vạ. Ngay từ khi đề cử họ đã kiện tụng, bôi nhọ nhau ầm ỹ, chạy lên xuống tơi tả sao cho tên mình được lọt vào danh sách cơ mà? Chỉ riêng chuyện đó thì ông Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sướng hơn ông Tổng thống Nga rất nhiều.
Tất nhiên các nhà văn Việt Nam không thể so được với các nhà văn Nga. Nhưng giá như Nguyễn Khải đủ bản lĩnh để từ chối cái giải thưởng mà chính ông ví nó như một “tấm bia mộ sang trọng”, hẳn ông đã mang xuống mồ (hay nói văn chương là về thế giới Vĩnh cửu, thế giới chỉ toàn Ánh sáng) một gương mặt khác! Ít nhất thì linh hồn ông cũng thanh thản hơn.
Nhưng có lẽ là chỉ đáng tiếc cho mong ước của tôi thôi. Chưa kể ông không đủ tự tin rằng mình không cần bất cứ danh hiệu nào ngoài danh hiệu nhà văn để làm điều đó, thì vẫn còn lý do khác: ông vẫn cần bám vào một cái gì đó để sự vờ vịt trong ông sống nốt những năm tháng cuối cùng của nó. Nếu ngay cả điều đó ông cũng vượt qua được, thì vẫn còn cản trở cuối cùng, cửa ải cuối cùng mà cho đến nay chưa một nhà văn nào thế hệ ông thoát được là nỗi sợ bị chê là dại, từ chính những người thân. Bởi vì ông trước sau vẫn là trí thức Việt.
Tuy thế, mặc lòng, dù nói gì thì nói, một nhà văn Việt “vinh quang đầy mình” mà dám phủ nhận như ông rằng (cũng là một lời tiên đoán tuyệt đối chính xác cho phần lớn các trường hợp khác): Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân, đáng cho ta phải ngả mũ.
Bởi vì, cho dù là lời nói của người trước khi chết, vẫn cứ là của hiếm cho đến nay.
(…)
Hà Nội tháng 6 năm 2008
(Rút trong tập tản văn Nghĩ mãi không ra, chưa xuất bản)
Tạ Duy Anh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: