Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Nghĩ về hạnh phúc của cuộc đời


Chương 11
Nghĩ về hạnh phúc của cuộc đời

Có lẽ sự kiện đáng ghi nhớ nhất sau Nghị quyết 05 là sự rạn nứt mối quan hệ giữa tôi và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Có thể nói, trước Nghị quyết 05 mối quan hệ này ấm cúng bao nhiêu thì sau Nghị quyết giá lạnh bấy nhiêu. Đối với tôi đây là một điều đau xót, không chỉ trong việc chung mà cả tình cảm riêng tư.

Như các chương trên tôi đã nói, tình cảm giữa tôi với anh Nguyễn Văn Linh được xây đắp và gắn bó trong suốt mười năm ở chiến trường. Mười năm sau ngày giải phóng, hai chúng tôi lại cùng gặp nhau trên con đường đổi mới đất nước. Sự gặp nhau đó thực sự đã làm cho tôi vơi đi được một phần những phiền muộn sau Đại hội V của Đảng.
Đặc biệt, tình cảm giữa tôi và anh Linh càng gắn bó hơn trong quá trình chuẩn bị cho Nghị quyết 05. Có thể nói, ngoài những nguyên nhân khác thì hồi đó nếu không có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “đỡ đầu”, Nghị quyết 05 không thể ra đời một cách suôn sẻ như thế.
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau Đại hội VI đối với văn nghệ sĩ và với cả toàn thể nhân dân ta sao mà đẹp thế. Chỉ riêng “Những việc cần làm ngay” anh đã để lại một dấu ấn sâu đậm không thể nào quên trong tình cảm biết bao nhiêu người. Đất nước như bước vào một thời kỳ mới sau hàng chục năm trời chìm trong không khí “im lặng đáng sợ”.
Còn đối với nền văn hóa văn nghệ nước nhà thì chỉ riêng cuộc gặp gỡ với hơn 100 văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7/10/1987 thì Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xứng đáng được suy tôn như một người anh hùng, ít nhất là trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Tôi không đại ngôn đâu, không cường điệu đâu và càng không phải là nịnh hót đâu, khi tôi viết những dòng này. Ngày 28 tháng 11 năm 1997 tới là kỷ niệm tròn mười năm Nghị quyết 05 lịch sử. Nhớ lại những ngày đó tôi vừa cảm thấy hạnh phúc, vừa cảm thấy mênh mông một nỗi buồn...
Rất tiếc là ngày đó tôi không nghĩ đến việc cho quay một cuốn phim thời sự để ghi lại những giây phút không thể nào quên khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đứng dậy rời chỗ ngồi bước đến đón nhận bản tham luận của nhà văn hóa nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, mặc dầu trong bản tham luận đó ông đã thẳng thắn nói lên những suy nghĩ của mình.
“Vì bị trói buộc, sự chỉ đạo trong lĩnh vực này thường là sơ khai, người ta dùng rìu khai phá rừng rú để làm vườn trên một thảm hoa. Các nhà báo, các văn nghệ sĩ đều được nhắc nhở quay lại trật tự, kỷ cương: phải làm thế này, phải làm thế kia. Họ đã bị trói tay chân bởi vô số cấm đoán. Đôi lúc lại nổ ra một vụ việc: Một bài báo, một quyển sách, một bộ phim bị quy là “xét lại”, “có tư tưởng chống Đảng”, “mang tính lật đổ”... Nhưng nếu như mọi sự phạm tội đều có thời hạn thi hành án theo đó khi người ta ta khỏi nhà tù thì hết tội, còn những “bản án văn chương” này thì cứ treo lơ lửng trên đầu tù nhân, trở thành một thứ buộc tội vĩnh viễn, đến nỗi còn chi phối tận đời con cháu họ...”.
Với những lời lẽ như vậy mà khi ông rời diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại xiết chặt tay ông giữa tiếng hoan hô vang dậy cả hội trường.
Đến lượt Dương Thu Hương, với bản tính bộc trực, thích nói thẳng những suy nghĩ của mình, không vòng vo tam quốc, cô đã tới tấp lên ánh lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời gian qua. Nghe Dương Thu Hương nói quá mạnh, tôi liếc sang Tổng Bí thư và cảm thấy hơi lo. Nhưng Tổng Bí thư vẫn nghe một cách chăm chú, không những thế lại ra chiều khuyến khích. Và cũng như đối với Nguyễn Khắc Viện, khi Dương Thu Hương rời micro, Tổng bí thư đã đứng dậy, nhanh nhẹn bước đến bắt tay cô, vui vẻ đón nhận bản tham luận của cô.
Trong buổi gặp mặt hôm đó, không chỉ có Nguyễn Khắc Viện, Dương Thu Hương phát biểu những lời “búa bổ”. Còn có rất nhiều tiếng nói khác, cũng hết sức gai góc, sắc sảo đã phát biểu công khai giữa hội trường, những lời nói mà trước đó, người ta chỉ dám nói nhỏ với nhau trong các quán cà phê, hoặc rì rầm với nhau bên hành lang của một cuộc họp.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ phê phán “hệ tư tưởng độc quyền”:
“Chỉ một người đủ cung cấp tư duy cho mọi người và cứ một cái đầu lớn của lãnh đạo là nghĩ thay được cho mọi người”.
Nhà thơ Bằng Việt phê phán chủ nghĩa bình quân đang phá phách các tài năng, đề cao cái tầm thường, sự dễ dãi và ton hót cấp trên.
Cứ như thế, suốt hai ngày ròng rã, các nhà văn, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa có tên tuổi hào hứng thay nhau nói lên những bức xúc của bao nhiêu năm tồn đọng lại, nói một cách thoải mái, tự do, và người đứng đầu của Đảng cũng lắng nghe một cách chăm chú, thoải mái, hơn thế, nhiều lúc còn tỏ ra khuyến khích.
Nếu như Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI là một sự kiện lịch sử trong đời sống văn hóa văn nghệ của nước ta thì việc cả bộ máy Đảng và Nhà nước nhanh chóng cảm thấy cái gì đó chưa ổn của Nghị quyết 05 là điều bất ngờ và gây cho tôi cú “sốc”. Nguyên nhân vì đâu? Lực lượng nào đã làm nên làn gió ngược đó?
Có lẽ (tôi chưa dám khẳng định) nó được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VI, tháng 6/1988, nghĩa là chưa đầy một năm sau khi có Nghị quyết 05. Nói cụ thể là chưa đầy 7 tháng. Lần đó, trong bài phát biểu của mình, anh Linh có kết hợp phê phán một số tác phẩm văn nghệ, trong đó vở kịch “Em đẹp dần trong mắt anh” của Đoàn kịch Hà Nội. Cuối cùng anh Linh kết luận “Dân chủ phải có lãnh đạo, tự do không phải là vô bờ bến”. Trong ý kiến của anh Linh có toát lên một điều là sự lãnh đạo của Ban Văn hóa Văn nghệ có biểu hiện lỏng lẻo.
Tôi thấy cần thiết phải nhắc lại ở đây sự kiện vở kịch “Em đẹp dần trong mắt anh” để có thêm chứng cớ về sự lãnh đạo, quản lý văn nghệ hết sức tùy tiện của các cấp Đảng và chính quyền của ta.
Câu chuyện bắt đầu từ một cái giấy mời của Ban tuyên huấn Thành ủy Hà Nội do đồng chí Trưởng ban Vũ Hữu Ngoạn ký, mời tôi đến xem một vở kịch do đoàn kịch Hà Nội mới dựng. Tôi thấy lạ. Mọi lần giấy mời thường là do đoàn kịch, sao lần này lại là Ban tuyên huấn. Mặc dù vậy tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Hôm ấy, buổi trình diễn được tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, rất gần nhà tôi nên cơm nước xong tôi thủng thẳng đi bộ đến. Vũ Hữu Ngoạn ra tận ngoài thềm đón tôi dẫn vào phòng khách. Rất lạ nữa, là khi bước vào tôi đã thấy anh Nguyễn Thanh Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ngồi sẵn đợi ở đấy rồi. Tôi nghĩ bụng hôm nay chắc là buổi duyệt chương trình, và họ mời mình chắc không ngoài mục đích xin ý kiến của Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, để khi đã quyết thì không bắt bẻ vào đâu được Từ lâu tôi vốn không đồng tình với cách làm này. Tôi phản đối việc một quan chức cấp trên, có khi là người không am hiểu mấy về văn hóa văn nghệ lại quyết định số phận những tác phẩm mà tác giả của nó phải tốn bao nhiêu công sức mới có được. Vì vậy, khi nghe Vũ Hữu Ngoạn nói:
- Đoàn kịch Hà Nội có một vở kịch mới dựng, mời các anh đến xem và cho ý kiến.
Tôi nói ngay:
- Mời đi xem thì tôi đi chứ ý kiến thì chưa có đâu. Cứ diễn đi rồi lắng nghe ý kiến của quần chúng trước đã. Theo tôi ý kiến quần chúng là quan trọng nhất.
Nghe tôi nói, Nguyễn Thanh Bình chỉ cười, không ra nhất trí nhưng cũng không phản đối, nói với Vũ Hữu Ngoạn:
- Cứ cho diễn đi rồi chúng ta sẽ có ý kiến sau.
Tôi quen biết Nguyễn Thanh Bình từ khi bị tù ở Sơn La, và từ hồi kháng chiến chống Pháp. Ở Điện Biên Phủ anh là Cục trưởng Cục Quân lương, còn tôi là Chính ủy Đại đoàn 312. Sau Điện Biên Phủ tôi là Chính ủy Quân khu còn anh là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, có thời gian là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Kể cuộc đời cũng lắm chuyện lạ: Một người chuyên lo việc cơm áo cho quân đội về sau trở thành một quan chức cao nhất của một thành phố lớn, Thủ đô Hà Nội, với bao nhiêu công việc phức tạp phải lo toan hàng ngày, trong đó có mảng văn hóa văn nghệ mà một Bí thư Thành ủy không thể không quan tâm và đòi hỏi phải có một sự hiểu biết nhất định. Nhưng rất tiếc về mặt này anh lại rất thiếu hụt. Nói chung chức trách một Bí thư Thành ủy, nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội, là một cái gánh quá nặng đối với anh.
Trở lại với vở kịch “Em đẹp dần trong mắt anh”. Sau khi xem xong tôi thấy vở kịch chẳng có gì là hay, nếu không nói là có rất nhiều chỗ dở. Nhưng quan điểm của tôi dù hay hoặc dở sẽ do công chúng phán xét. Nguyễn Thanh Bình ngồi cạnh tôi, thấy tôi không nói gì cũng im lặng. Còn Vũ Hữu Ngoạn thỉnh thoảng có gợi ý để tôi phát biểu nhưng tôi đều lảng tránh. Qua ý tứ của Vũ Hữu Ngoạn tôi biết Ban Tuyên huấn Hà Nội muốn “đánh chết” vở kịch này ngay từ đầu, nhưng vì lý do nào đó không dám trực diện nói thẳng với đoàn kịch, mà tổ chức một buổi trình diễn hôm nay có cả Bí thư Thành ủy, cả Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương dự để rồi ngày mai sẽ nói: Ông Độ, ông Bình chê nhiều lắm, theo kiểu “cáo mượn oai hùm”. Thế là kết liễu đời một tác phẩm.
Xong buổi diễn, Vũ Hữu Ngoạn tiễn tôi ra tận cổng, cố moi cho được ý kiến của tôi về vở kịch, với hy vọng ý kiến của tôi phù hợp với ý kiến của Ban Tuyên huấn Hà Nội để sau đó dễ dàng ra lệnh cấm. Một lần nữa tôi lại thẳng thắn trả lời:
- Tôi không bao giờ đặt vấn đề diễn hay không diễn. Tôi đề nghị anh cũng nên đặt vấn đề như thế. Để có vở kịch này anh chị em đã phải lao động công phu vất vả, mình phải trân trọng biểu dương.
Tôi cũng nói với Vũ Hữu Ngoạn là vở kịch có đôi chỗ tôi không thích, nhưng đây mới chỉ là “cảm giác ban đầu” của một khán giả như bao nhiêu khán giả khác. Còn nếu là nhận xét với tư cách là cán bộ cấp trên để quyết định số phận của vở diễn thì cần phải suy nghĩ cân nhắc, chứ không phải chỉ trong một lúc, phán một câu là xong...
Sở dĩ tôi phải trân trọng như vậy vì có biết bao tác phẩm đã phải chịu oan bởi cách làm nông nổi tùy tiện đó. Cùng một vở diễn, ông lãnh đạo này không thích, thế là cấm. Đến khi ông lãnh đạo khác xem thấy không có vấn đề gì, thậm chí cho là hay thế là được “cởi trói”. Bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt, phim “Hà Nội trong mắt ai” của Trần Văn Thủy cũng cùng chung số phận như thế. Thật là một sự tùy tiện vô nguyên tắc. Chính vì vậy mà Nghị quyết 05 đã chỉ rõ:
“Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại hòa bình) và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền lưu hành và đặt dưới sự đánh giá phán xét của công luận và sự phê bình...”
Hôm ấy, tôi đã nói với Vũ Hữu Ngoạn:
- Đề nghị anh cứ để cho anh em diễn vài lần. Nếu không hay sẽ không có người xem rồi tự nó sẽ chết, chứ không cần lệnh cấm của chúng ta.
Việc này tôi cho như thế là xong, còn việc Ban Tuyên huấn Hà Nội xử lý tiếp theo với đoàn văn công như thế nào thì tùy họ, tôi không quan tâm nữa, vì tôi cho đây là thuộc phạm vi của Hà Nội, mình không nên lấn sân.
Nhưng sau đó, tôi lại được thông tin là Tổng Bí thư có chỉ thị cấm. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Một vở kịch có chủ đề đơn giản là kêu gọi xã hội quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, trong đó có đời sống giáo viên, chứ có vấn đề gì lớn lắm đâu mà đến mức Tổng Bí thư của Đảng phải can thiệp. Đây không chỉ là vấn đề nội dung mà cả cung cách quản lý của một Nhà nước đang dần hoàn thiện theo hướng một Nhà nước dân chủ pháp quyền, không thể để tồn tại mãi việc một Tổng Bí thư ra lệnh cấm vở kịch này, bộ phim kia... Việc này trước kia có thể hiểu được chứ sau Đại hội VI, đặc biệt là sau Nghị quyết 05 thì không thể chấp nhận.
Ngay hôm sau tôi lên gặp anh Linh để hỏi cho ra nhẽ chuyện này:
- Tôi nghe nói anh vừa chỉ thị cấm Đoàn kịch Hà Nội diễn vở “Em đẹp dần trong mắt anh”, phải không?
Lập tức anh Linh phản ứng một cách bực dọc:
- Nói láo? Làm gì có chuyện ấy! Tôi đã xem đâu mà có ý kiến cho diễn hay không cho diễn.
Tôi nói:
- Đấy là tôi thông tin lại cho anh biết là có chuyện như thế. Đồng thời cũng là để hỏi lại anh luôn cho chính xác, bởi vì bản thân tôi cũng không tin là có chuyện đó. Bây giờ nghe anh nói thì tôi rõ rồi, tôi yên tâm, đó là tin thất thiệt.
Nhưng liền sau đó, tôi thấy anh Linh suy nghĩ một lúc như chợt nhớ ra điều gì rồi nói với tôi:
- Thực ra thì cách đây mấy hôm, anh Bình có đến làm việc với tôi, nhưng là nội dung khác chứ không phải là về vở kịch. Trong lúc giải lao anh Bình có nói với tôi là Đoàn kịch Hà Nội vừa mới có vở bố láo lắm. Rồi anh thuật qua nội dung, tôi vừa nghe vừa ừ ào cho qua chuyện vì đang mải tập trung vào nội dung công việc đang bàn. Nghe anh ấy nói xong, tôi có bảo: “Nếu thế thì chưa nên cho diễn vội”. Sự việc chỉ có thế chứ có phải là chỉ thị cấm đoán gì đâu!
Thế thì chết rồi! Họ chỉ chờ có thế thôi, mặc dầu Tổng Bí thư chỉ nói ở hành lang cuộc họp, nói không chính thức, nhưng lập tức trở thành chỉ thị của Đảng.
Và thế là vở “Em đẹp dần trong mắt anh” của Đoàn kịch Hà Nội rơi vào tình trạng bị cấm, chỉ vì một câu nói ngoài hành lang. Tổng Bí thư nói với Bí thư Thành ủy như thế, Bí thư Thành ủy nói lại với Trưởng ban Tuyên huấn Vũ Hữu Ngoạn như thế, chắc là sẽ cương lên một chút, đại loại: Tổng Bí thư phê phán nội dung vở kịch mạnh lắm, đã chỉ thị không được diễn. Rồi Vũ Hữu Ngoạn lại cương lên một ít nữa:
- Anh Linh và anh Bình đã có ý kiến không cho diễn.
Chẳng có văn bản gì nhưng thực sự nó còn mạnh hơn cả các văn bản.
Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Đoàn kịch đến phàn nàn với tôi: vở kịch này chỉ nhằm hưởng ứng một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là đã đến lúc phải chú ý nhiều hơn đến sự nghiệp giáo dục, để phục vụ tốt hơn cho công cuộc đổi mới của Đảng, và tác giả có mạnh dạn đưa vào một số tình tiết nhằm hấp dẫn khán giả, nhưng do xử lý không tốt nên chưa thật hay, nếu vì thế mà bị cấm thì oan quá, đau quá.
Sau khi nghe ngóng dư luận qua một số buổi diễn, tôi thấy không có vấn đề gì sai trái thuộc về quan điểm, đường lối, mà nội dung lại rất phù hợp với chủ trương đầu tư cho sự nghiệp giáo dục hiện tại, nên tôi đã chính thức phát biểu bằng giấy gửi cho Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội và đoàn kịch, là chỉ cần sửa chữa một số ý khán giả đã tham gia và nâng cao chất lượng lên một chút là diễn được
Thế là vở kịch được tiếp tục diễn, nhưng không ở Hà Nội mà ở số tỉnh phía Nam, trong đó có Đà Nẵng.
Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, vở kịch lại bị cấm. Đoàn kịch Hà Nội lại chạy đến tôi.
Tôi lại có ý kiến lần thứ hai, cũng bằng giấy, gửi cho Ban Tuyên huấn Hà Nội và cho cả Tổng Bí thư. Khi đã không nói thì thôi, khi đã nói thì tôi nói cho đến cùng, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 05, là một vở diễn không phản động, không đồi trụy, thì không thể bị cấm.
Vở kịch lại tiếp tục ra mắt khán giả và hôm nào cũng đông nghịt người xem. Chắc là không phải do vở kịch hay mà chỉ vì nghe tin vở kịch bị cấm nên mọi người đổ xô đi xem. Cái dở của ta là ở chỗ đó.
Được một thời gian thì vở diễn chính thức bị cấm. Và tự nhiên trở thành một sự kiện: Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội thì cấm còn Ban Văn hóa Văn nghệ của Trần Độ lại cho diễn... Trần Độ lỏng lẻo.
Trở lại hội nghị Trung ương 5 tôi vừa nói ở trên, lại xảy ra một sự kiện nữa, có thể nói là một sự kiện khá nghiêm trọng. Tôi tạm đặt cho nó cái tên là “Sự kiện công chúng bình thường”. Như tôi đã kể, trong phát biểu của mình trước hội nghị, anh Linh có phê phán một số tác phẩm văn nghệ mà theo tôi, những ý kiến của anh ấy chưa thể nói là chính xác... Cũng tương tự như vở kịch “Em đẹp dần trong mắt anh” là chỉ mới nghe người khác nói lại rồi phán theo chủ quan của mình.
Là một Ủy viên Trung ương, được Đảng phân công phụ trách văn hóa văn nghệ, đương nhiên tôi phải phát biểu chính kiến của mình. Anh Linh phát biểu buổi sáng, tôi lại phát biểu ngay vào buổi chiều, theo đăng ký. Tôi hy vọng là anh Linh sẽ có mặt khi tôi phát biểu. Nhưng không may, chiều hôm đó anh Linh có việc bận đột xuất nên vắng mặt. Tuy vậy tôi vẫn phát biểu theo sự chuẩn bị sẵn của mình, gồm ba ý:
Sáng nay, đồng chí Tổng Bí thư trong khi nói về văn hóa văn nghệ có nhận xét đánh giá một số tác phẩm. Tôi đề nghị nên coi đó là ý kiến của một “công chúng bình thường” thưởng thức nghệ thuật.
Hôm ấy tôi phát biểu trước toàn thể Hội nghị Trung ương như thế là vì tôi muốn từ nay chấm dứt cái tình trạng một đồng chí lãnh đạo cao cấp nào, phát biểu bất cứ ý kiến nào, về bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ ở chỗ nào và bất cứ như thế nào cũng đều được coi là ý kiến của Đảng, là chân lý tuyệt đối buộc phải tuân theo.
Tôi đề nghị Trung ương từ nay có biện pháp chấm dứt tình trạng này vì nếu còn để tình trạng này là còn dung túng cho bọn cơ hội làm bậy, nó cứ đi rình cửa trước, cửa sau, thậm chí rình ở cả chuồng xí, nhà tắm hóng cho được một câu nói của lãnh đạo, để rồi có dịp là tung ra, ý kiến đồng chí X. về vở kịch này, ý kiến đồng chí Y. về tác phẩm kia... Tất nhiên, nó chỉ tung những ý kiến nào có lợi cho ý đồ của nó nhằm phục vụ cho một mục đích cá nhân thiếu lành mạnh.
Chính tôi, người phụ trách công tác văn hóa văn nghệ của Đảng đã mấy lần suýt sa vào bẫy của chúng như thế. Ví dụ có vở kịch rõ ràng là tôi chưa hề xem, mới chỉ nghe giới thiệu, nhưng có tay đã đi nói: Vở kịch này ông Độ ông ấy thích lắm, và như thế nó nhằm bịt miệng những người nào muốn phê bình vở kịch đó. Có vở tôi xem nhưng chưa chính thức có ý kiến gì, nhưng vì nó không thích cho ai khen, nó tung ra dư luận, vở này ông Độ ông ấy chê lắm, thậm chí nó còn dựng chuyện ông ấy đang xem thì bỏ ra về. Thực tình có lần tôi đang xem nhưng vì mệt, hoặc bận việc đột xuất, tôi ra về trước, chứ không phải vì không thích. Tôi là người trong cuộc, tôi biết những mánh lới của bọn cơ hội này. Các lĩnh vực khác tôi không dám có ý kiến, nhưng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ tôi tha thiết đề nghị Trung ương nên có biện pháp kiên quyết để những hiện tượng tiêu cực này sớm chấm dứt trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà.
Đó là điểm thứ hai tôi phát biểu trước Hội nghị Trung ương khóa 5. Ngoài hai ý kiến trên, tôi còn phát biểu điểm thứ ba nữa, thuộc về chế độ quản lý. Khi đồng chí Tổng Bí thư với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng cầm quyền với sự nhạy cảm về chính trị, phát hiện một tác phẩm nào đó có những quan điểm sai lầm về chủ trương, đường lối, ảnh hưởng đến nền an ninh của đất nước thì chỉ thị cho đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, với chức năng là một cơ quan Nhà nước ra lệnh cấm, chứ tự mình không nên ra lệnh cấm, để phân biệt rõ ràng chức năng giữa Đảng và Nhà nước.
Hôm đó, tôi đã láy đi láy lại ý kiến này, rằng: nếu có cấm thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa ra lệnh cấm chứ không phải Tổng Bí thư của Đảng ra lệnh. Nhưng khi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa ra lệnh cấm thì Tổng Bí thư nên nhớ rằng, ý kiến của Tổng Bí thư như thế nhưng quần chúng cũng có quyền phán xét tác phẩm đó và có thể có ý kiến khác với ý kiến của Tổng Bí thư, lúc đó Tổng Bí thư phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, vì thông thường ý kiến của quần chúng là chính xác. Ví như phim “Hà Nội trong mắt ai”, “Bài ca giữ nước”. Đảng cấm nhưng Dân vẫn thích, và thời gian đã chứng tỏ Dân đúng, Đảng sai, cuối cùng Đảng phải “cởi trói” cho Dân xem. Đến khi cần tìm xem ai ra lệnh cấm thì chẳng biết là ai, chỉ biết là Đảng cấm. Thế thì oan cho Đảng quá. Cũng như trong sự kiện khoán hộ, Đảng cấm gần 30 năm, dân phải làm chui, làm lủi. Cuối cùng Đảng phải làm theo Dân. Rõ ràng đế xảy ra trường hợp này là không hay tý nào cả. Vừa thiệt thòi về kinh tế, dân thì đói, đời sống ngày càng khó khăn, còn Đảng thì mất uy tín.
Giữa Hội nghị Trung ương tôi đã công khai đề nghị cần làm rõ: Ai, Cơ quan nào có quyền quyết định ra lệnh cấm? Người quyết định và ra lệnh cấm như vậy chịu trách nhiệm thế nào trước đối tượng (tác giả và tác phẩm), chịu trách nhiệm thế nào trước Nhân dân. Bất cứ ai có quyền cũng phải chịu trách nhiệm trước quyền đó của mình. Phải hết sức tránh tình trạng một sản phẩm văn hóa bị lên án, bị cấm mà không biết ai cấm và cấm thế nào, hoặc lúc này thì được phép, lúc khác lại bị cấm và như thế là vì những lý do gì?
Nếu cấm oan thì hỏi ở đâu? Và ở đâu có quyền giải oan? Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ cũng cần vận dụng nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý...” nghĩa là phải làm rõ chức năng và quyền hạn của tổ chức Đảng, bao gồm cấp ủy Đảng, cơ quan cấp ủy Đảng, làm rõ chức năng và quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước: Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân và các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa Thông tin).
Tóm lại, trong Hội nghị Trung ương lần ấy, sau bài phát biểu của Tổng Bí thư, tôi đã phát biểu 3 vấn đề:
Một là xin coi ý kiến của Tổng Bí thư như ý kiến của một “công chúng bình thường” thưởng thức nghệ thuật.
Hai là, cần chấm dứt hiện tượng các phần tử cơ hội lợi dụng ý kiến của các đồng chí lãnh đạo phục vụ cho ý đồ cá nhân xấu xa của mình.
Ba là, khi Tổng Bí thư hoặc một đồng chí lãnh đạo cấp cao nào phát biểu về một tác phẩm nào thì người đó phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.
Có thể nói hôm đó tôi đã phát biểu rất chặt chẽ với “Tam đoạn luận” như thế, với một tinh thần trách nhiệm cao, mong sao từ nay chấm dứt tình trạng cấm đoán lung tung, rất không có lợi cho sự phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà, ảnh hưởng đến quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Mặc dầu vấn đề tôi nêu ra là rất dữ dằn, nhưng nếu không có bốn chữ “công chúng bình thường” thì chắc cũng chẳng có chuyện gì phức tạp lắm. Bởi vì bốn chữ “công chúng bình thường” ở đây không có gì xấu cả. Nhưng một số kẻ cơ hội đã nống hai chữ “bình thường” này lên để kích Tổng Bí thư, rằng Trần Độ coi thường Tổng Bí thư, bảo Tổng Bí thư cũng như một “công chúng bình thường”... Và dã tâm của bọn này đúng là đã có tác dụng... Không hiểu họ “tâu” với anh Linh thế nào mà từ đó tôi cũng nhận được sự không hài lòng của anh Linh đối với tôi. Thực ra chữ “bình thường” này so với chữ “đầy tớ” của Bác Hồ thì có thấm vào đâu. Bác Hồ chẳng đã nhiều lần nói: “Từ Chủ tịch toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân...” kia mà. Còn ở đây là “công chúng bình thường” thì đã đến nỗi gì mà phải giận. Thậm chí rõ ràng là có những cán bộ lãnh đạo hẳn hoi mà trình độ thường thức nghệ thuật chưa hẳn đã bằng một công chúng bình thường...
Tôi nhớ hôm tôi phát biểu, người tán thành ý kiến của tôi khá nhiều, nhưng người không ủng hộ cũng lắm. Nhưng vì không phải là vấn đề cần phải biểu quyết nên không thể xác định được rõ ràng là bao nhiêu phần trăm ủng hộ, bao nhiêu phần trăm không... Chỉ riêng Đào Duy Tùng thì ngay trong giờ giải lao, khi gặp tôi đã nói ngay: “Ông nói như vậy có vẻ chưa ổn lắm. Dù sao Tổng Bí thư cũng có trách nhiệm của Tổng Bí thư chứ, làm sao gọi là “công chúng bình thường” được”. Tôi đã nói ngay: “Khi thưởng thức nghệ thuật thì Tổng Bí thư cũng là một “công chúng bình thường”, như anh thấy đấy, khi ngồi trong rạp thì ai cũng như ai chứ gì. Cùng xem vở diễn ấy, cùng vỗ tay hoan hô...”. Tôi còn kể cho Đào Duy Tùng nghe chuyện Thủ tướng Ôlốp Pan mơ của Thụy Điển, cùng vợ đi xe đạp đến nhà hát, cùng mua vé vào xem như một công chúng bình thường, rồi chuyện Lênin đi cắt tóc ở hiệu, ngồi chờ theo thứ tự như một khách hàng bình thường khác... Còn phát biểu một vấn đề nào với tư cách là Tổng Bí thư, phát biểu trong quy chế hẳn hoi thì lại khác... Nghe tôi nói như thế, Đào Duy Tùng lại thỏa hiệp với tôi: “Ừ! Có lẽ phải phân biệt hai trường hợp cho rõ...”
Thế nhưng, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Đào Duy Tùng, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, báo cáo khái quát tình hình văn hóa văn nghệ trong thời gian qua, lại nói: Sau Nghị quyết 05 có xảy ra một số sự kiện đáng lưu ý, trong đó có chuyện đồng chí Trần Độ nói Tổng Bí thư là một “công chúng bình thường”...
Anh Linh không nghe được toàn bộ ý kiến của tôi phát biểu ở Hội nghị Trung ương mà chỉ nghe thuật lại, với sự nhấn mạnh có chủ ý: Đồng chí Trần Độ coi thường Tổng Bí thư, cho ý kiến của Tổng Bí thư về nghệ thuật chỉ là ý kiến của một “công chúng bình thường”. Thế là anh Linh giận tôi, tôi biết rõ điều này qua thái độ của anh đối với tôi những ngày sau đó. Trong một dịp làm việc với Bộ Chính trị, tôi không nhớ rõ vì sao lại nhắc lại chuyện này, anh Linh đã nói một cách nghiêm trọng với tôi: “Anh nói thế là anh xúc phạm tôi một nặng nề” - Tôi mới giật mình mà thấy rằng tôi quá chủ quan, đơn giản và vô tâm.
Nghĩ cũng thật là buồn! Kể từ khi thành lập Đảng, ta đã có phong trào vô sản hóa, ngay cả lãnh tụ của Đảng cũng cố gắng hóa thân làm một công nhân bình thường... Về sau này, trong những giờ giáo huấn của Bác Hồ cũng như của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, bao giờ cũng khuyên cán bộ cấp dưới là đi sâu vào quần chúng, hòa mình vào quần chúng, và nếu ai làm tốt được điều đó thì biểu dương... Còn bây giờ, chỉ nhận mình là một công chúng thưởng thức nghệ thuật bình thường đã phản ứng mạnh mẽ thì thật là lạ. Thế ra công chúng bình thường là điều thấp hèn lắm sao, xấu xa lắm sao? Còn những câu nói thuộc loại kinh điển mà ta đã từng rao giảng khắp nơi “Quần chúng là người làm nên lịch sử”, “Quần chúng là thầy học của tất cả chúng ta”, v.v... đi đâu cả rồi? Chẳng lẽ ta cũng quên mất lời dặn chí tình, chí lý trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” hay sao?
Sự không hài lòng của anh Linh đối với tôi còn được nhân lên gấp bội sau một lần tôi không nhớ rõ vì chuyện gì đó, về một tác phẩm văn nghệ nào đó, tôi có viết cho anh một lá thư, lời lẽ cũng chân tình thôi, nhưng quan điểm thì rõ ràng, đại ý rằng: “Lâu nay anh hay nói về cái chuyện đó, tôi thấy nó không có lợi cho anh, do đó tôi đề nghị anh không nên nói nữa”. Và tôi lại nhấn mạnh: “Nếu anh cứ tiếp tục nói như thế thì có nhiều cái không có lợi cho anh đâu...” Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao lúc bấy giờ tôi lại dám viết một lá thư có lời lẽ như thế, với một người đương kim là Tổng Bí thư, còn hoàn cảnh riêng của tôi lúc đó, sau “Tuần trăng mật” của Nghị quyết 05, lại đã bắt đầu xuất hiện biết bao chuyện trục trặc và nổi lên vẫn là “khuyết điểm” lỏng lẻo trong văn nghệ, thì lẽ ra tôi phải giữ mình chứ... Nhưng quả đúng là tôi có viết một lá thư như thế. Thư ngắn, viết tay, nhờ Nghiêm Hà đưa lên Văn phòng Tổng Bí thư hẳn hoi. Không như là sự kiện “công chúng bình thường”, lần này anh Linh nổi cơn giận thật sự. Gửi thư đi hôm trước, hôm sau tôi nhận được thư trả lời ngay. Thông thường ít khi có một sự trả lời nhanh chóng như thế. Thư anh Linh cũng viết tay, cũng ngắn như thư tôi gửi anh, nhìn nét chữ cũng biết anh viết trong tâm trạng giận dữ: “Anh đề cao dân chủ, vậy thì tôi cũng có quyền dân chủ của tôi chứ, tôi cũng có quyền phát biểu ý kiến của tôi chứ. Tôi phát biểu chỗ này, chỗ khác cũng là tôi thực hiện quyền dân chủ của tôi. Anh đừng lấy cái chuyện lợi và hại ra để dọa tôi...” Cuối thư anh còn tái bút: “Dạo này tôi bận lắm, vì vậy có chuyện gì về văn hóa văn nghệ anh nói với anh Đào Duy Tùng, chứ đừng nói chuyện với tôi nữa”.
Nhận được bức thư này, tôi buồn mất mấy ngày. Chỉ là một lời phát biểu về quan điểm, rồi bị người ngoài xúc xiểm vào, để bỗng chốc, một tình cảm gắn bó với nhau hàng chục năm trời, từ trong khói lửa chiến tranh, tan thành mây khói. Biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp đẽ và sâu sắc. Nhớ mùa thu năm 1969, tôi được Trung ương Cục cử cùng với anh Linh thay mặt quân và dân miền Nam ra Bắc thăm Bác đang ốm nặng. Cả hai chúng tôi được Bác mời cơm. Rất tiếc hôm ấy, tôi quên mang máy ảnh theo để ghi lại hình ảnh tôi và anh Linh quây quần bên Bác. Khi Bác mất, anh Linh và tôi cùng đứng túc trực bên linh cữu Bác, cùng khóc chung nỗi đau lớn với hàng triệu đồng bào tiễn đưa Bác ở Quảng trường Ba Đình. Những ngày ở miền Bắc, anh Linh đã giành thời gian đến thăm nhà tôi và các cháu lúc bấy giờ ở Hà Đông. Ngày đi ra miền Bắc, cả hai chúng tôi cùng đi chung một chuyến máy bay của hãng hàng không nước ngoài qua đường Campuchia. Lần đi này, có một chuyện nhỏ mà tôi cứ nhớ mãi. Ngồi trên máy bay, tôi khát nước nhưng không có tiền. Không hiểu sao anh Linh biết tôi khát nước, liền rỉ tai tôi: “Muốn ăn gì, uống gì thì cứ ăn, cứ uống”. Rồi anh mỉm cười chỉ vào túi: “Có đô la đây!”
Biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời đẹp đẽ không thể nào quên. Chỉ mới gần đây thôi, trước Nghị quyết 05 không lâu, có thể nói Nguyễn Vãn Linh và Trần Độ có một mối quan hệ thân tình đặc biệt và kết quả là Nghị quyết 05 ra đời. Mối quan hệ với Nguyễn Văn Linh trong những ngày này đã đem đến cho tôi những giây phút hạnh phúc thật sự, như trên tôi đã nói về mối quan hệ với Nguyễn Văn Hạnh, đã từng là niềm hạnh phúc lớn của tôi...
Từ ngày về hưu tôi vẫn thường nghĩ, trong cuộc sống có một thứ hạnh phúc mà người ta bỏ phí, không biết tận hưởng, đó là hạnh phúc của tình bạn, tình đồng chí. Chẳng những thế người ta còn đố kỵ nhau, chèn ép nhau, luôn sống trong mưu đồ, thù hận. Cứ sống suốt đời như thế mà người ta vẫn sống được thì thật là kỳ lạ, tôi không sao tưởng tượng nổi. Chính vì biết tận hưởng hạnh phúc của tình đồng chí, tình bạn mà cho đến nay, tuy bệnh tật phải nằm một chỗ, tôi vẫn luôn cảm thấy ấm áp tình người, không bao giờ tôi thấy mình cô đơn, lẻ loi. Bạn bè vẫn thường đến với tôi, mặc dầu tôi chẳng có gì để tiếp đãi họ, ngoài một phích nước sôi để sẵn cạnh bàn. Thậm chí cho đến nay, khi tôi chẳng có chức quyền gì nữa, có người vẫn thích gặp tôi, và nói chuyện với tôi.
Bởi thế mà khi nhận được thư của anh Linh, biết chắc mối quan hệ gắn bó bao nhiêu năm nay bỗng sụp đổ, tôi cảm thấy như bị hụt hẫng lớn. Hoàn toàn không phải là do vì mất mối quan hệ với Tổng Bí thư mà điều quan trọng là tôi mất đi một mối quan hệ sâu nặng tình người. Tôi nhớ tới những ngày vui vẻ mới cách đây không lâu, những lần anh gọi tôi lên gặp gỡ, tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Hầu hết nhân viên của Văn phòng Tổng Bí thư, từ thư ký đến bác sĩ đều quen biết và quý mến tôi, xem tôi như là người nhà. Nhất là cậu Quang, bác sĩ thỉnh thoảng lại gò gẳng với cậu Nghiêm Hà, nói với anh Độ kiếm phim gì hay đưa lên chiếu cho anh Linh xem. Cậu ta còn điện riêng cho tôi cố gắng bố trí thời gian lên cùng ngồi xem với anh Linh cho vui. Chả là cậu bác sĩ này đã từng chứng kiến cảnh tôi với anh Linh mỗi lần gặp nhau thường rất vui, như quên hết những căng thẳng mệt nhọc sau một ngày làm việc. Đối với ngành y, họ cho đây là một liều thuốc quý.
Có lần anh Linh trực tiếp gọi điện cho tôi:
- Dạo này phim có gì hay rủ tôi đi xem với!
Khi có phim hay, tôi gọi điện cho Fafim ở gần Ngã Tư Sở chuẩn bị, anh Linh xuống nhà tôi rồi đón tôi đi xem luôn. Đây có lẽ là chuyện hiếm có, một Tổng Bí thư đến nhà Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ, rồi cùng đến một cơ sở nghèo nàn, đơn sơ, tiện nghi thiếu thốn, xem phim và đàm luận về văn hóa văn nghệ. Tất nhiên tôi chỉ nói với các đồng chí phụ trách Fafim là chuẩn bị cho Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ đến duyệt phim, chứ không nói là có Tổng Bí thư đến xem.
Nghĩ mà tiếc cho một thời đẹp đẽ. Từ Đại hội III bắt đầu quen biết anh Linh, rồi gắn bó thân thiết với nhau suốt mười năm ở chiến trường ác liệt, qua Đại hội V long đong, vất vả, đến Đại hội VI đổi mới tưng bừng, anh Linh và tôi luôn có nhiều điểm đồng cảm. Tưởng như không có sức mạnh gì có thể chia lìa...
Mới cách đây chưa đến một năm, ngày 7-10-1987, anh còn nói những lời tâm huyết với các văn nghệ sĩ:
- Các đồng chí có nói nhiều đến sự “cởi trói”. Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí... Trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải “cởi trói”. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy định chế độ. Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng, trong lĩnh vực này cũng có kiểu quản lý hành chính bao cấp. Tới đây phải sửa đổi và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành các đồng chí. Đảng và Nhà nước phải bắt tay mau lẹ vào công việc này.
Vậy mà chưa đầy một năm sau, mọi sự lại đổi khác... Tôi biết cuộc sống có quy luật riêng của nó, có bước đi thích hợp của nó, “bước” sớm quá dễ mang họa mà bước chậm quá lại có tội với các thế hệ sau...
Tôi kể lại những chuyện trên đây, không nhằm thanh minh điều gì. Tôi chỉ muốn tái hiện trung thực diễn biến của cuộc sống, mô tả nó đúng như nó đã diễn ra và tôi thu hoạch ở đó những bài học. Bài học rẻ nhất là tôi đơn giản, chủ quan và vô tâm quá mức. Đó là điều mà một số bạn bè thân thiết của tôi kể cả các bạn vong niên còn đầu xanh tuổi trẻ đã nhắc nhở tôi nhiều lần.

Tôi không muốn rằng các sự việc đã diễn ra, rồi sau vì có người này quá yêu hoặc quá ghét ai đó mà diễn tả lệch lạc làm cho sự việc được hiểu khác đi hoặc quá tốt hoặc quá xấu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: