Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Con đường khó khăn của sự tiếp cận


Trong lịch sử, chưa từng bao giờ có một bên trên thực tế là chiến bại mà lại đặt ra những điều kiện khó khăn như vậy cho người chiến thắng. Ngay từ năm 1973, Quốc Hội đã từ chối không chấp thuận những phương tiện mà Nixon đã hứa hẹn cho công cuộc tái xây dựng Việt Nam. Tổng thống Ford ban hành lệnh cấm vận kinh tế và còn công khai phủ nhận cả những lời hứa hẹn bí mật của người tiền nhiệm ông. Ngoài ra, năm 1976, Hoa Kỳ đã dùng quyền phủ quyết chống việc kết nạp Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Washington luôn yêu cầu Hà Nội làm sáng tỏ hoàn toàn số phận của tất cả các người Mỹ mất tích. Dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, dường như đã có một cuộc tiếp cận được bắt đầu. Thế nhưng các đàm phán về một sự giúp đỡ kinh tế của Mỹ đã nhanh chóng dẫn đến những sự hiểu lầm và đã kết thúc mà không mang lại kết quả nào. Ngoài ra, Carter, người trong tháng Giêng 1979 chấp thuận công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho rằng cũng phải quan tâm đến phe bảo thủ. Mặc dù Nixon đã chấp thuận kết nạp Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc (và qua đó đã lấy mất chiếc ghế của Đài Loan), ông Tổng thống lo ngại rằng chính sách cân bằng của ông đối với hai kẻ thù ngày xưa có thể làm dấy lên sự phản kháng quyết liệt của Quốc Hội. Trong nhiệm kỳ của Ronald Reagan, câu hỏi về những người mất tích đã được cường điệu hóa thành một cuộc thập tự chinh thật sự. Đã có nhiều cuộc tường trình trước Quốc Hội về đề tài này và mang lại cho một giới vận động hành lang hùng mạnh một diễn đàn gây nhiều sự chú ý của truyền thông. Tuy vậy, người ta vẫn không thể đưa ra bất cứ một bằng chứng chắc chắn nào về việc vẫn còn những người lính Mỹ bị giam hãm. Mặc dù thế, luôn xuất hiện những tường thuật về các xà lim tử thần và phi công bị bắt giam trong truyền thông.
Tù binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam
Tù binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam
Vào giữa những năm tám mươi, Việt Nam tạo điều kiện thuận tiện cho công dân Mỹ tiến hành tìm kiếm dưới tư cách cá nhân và chào mời sự cộng tác không hạn chế từ các cơ quan của họ. Thế nhưng nhượng bộ này không được chính phủ Reagan lắng nghe. Trong bí mật, Washington hy vọng qua con đường kinh tế mà đạt tới những gì đã không thể đạt được bằng quân sự: sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Cả người kế nhiệm Reagan, George Bush, cũng không khoan nhượng và đã ngăn chận những cố gắng của Pháp, hỗ trợ Việt Nam về mặt kinh tế qua sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mãi cho tới khi Bill Clinton nhậm chức trong tháng Giêng 1993, thái độ đã đông cứng lại của Mỹ mới bắt đầu thay đổi. Clinton phản ứng lại áp lực của giới kinh tế Mỹ, không còn chỉ muốn đứng nhìn người Nhật và Tây Âu kinh doanh với Việt Nam. Vì cả công luận cũng không còn khước từ một cuộc tiếp cận nên trong tháng Bảy 1993, Clinton đã chấm dứt sự ngăn chận của Mỹ đối với các khoản vay từ những tổ chức quốc tế. Trong tháng Tư 1994, ông bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Một năm sau đó, hai nước thành lập văn phòng liên lạc, và trong mùa xuân 1997 Việt Nam và Hoa Kỳ mở đại sứ quán ở Hà Nội và Washington. Ngoài ra, họ thống nhất một chương trình đào tạo quân sự. Thế nhưng lần này thì không phải là người Mỹ huấn luyện người Việt mà là ngược lại: Thỏa thuận này dự định rằng người Việt sẽ đào tạo cựu thù của họ để chiến đấu trong rừng rậm.
Chính phủ Việt Nam phản ứng với sự nhẹ nhỏm thật lớn trước lần chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và mời các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn rất nhiều cho một sự thông hiểu lẫn nhau tốt hơn thì lại là các tiếp xúc cá nhân giữa những cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam kể từ giữa những năm chín mươi. Ngành du lịch Mỹ bắt đầu chào mời những chuyến du lịch cho các cựu chiến binh, và cả cho những người Mỹ trẻ tuổi, đất nước giàu truyền thống và có phong cảnh đẹp đó dần dần cũng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Marc Frey
Phan Ba dịch
Đọc những bài khác ở trang Lịch sử Chiến tranh Việt Nam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: