Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Việt Nam có thể ‘đập nát sự ngạo mạn của Trung Quốc’


Người Việt
Một trong số hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông. (Hình: Zing)
VIỆT NAM – Đó là nhận định của ông Nguyễn Vân Nam, một tiến sĩ luật người Đức gốc Việt. Tờ Tuổi Trẻ đăng nhận định này kèm đề nghị của ông Nam: Kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ về những vấn đề có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, giống như nhiều chuyên gia khác về luật pháp quốc tế, ông Nam cảnh báo, chính quyền Việt Nam đừng để Trung Quốc kéo vào các cuộc đàm phán song phương để giải quyết bất đồng về chủ quyền.
Sở dĩ trước nay, Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết các bất đồng về chủ quyền theo phương thức đàm phán song phương với từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông là vì hình thức này giúp Trung Quốc loại trừ các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc.
Do luật pháp quốc tế tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tôn trọng thỏa thuận giữa các quốc gia, nên các thỏa thuận song phương có thể loại trừ nghĩa vụ quốc tế mà một trong hai quốc gia từng ký kết nên Trung Quốc rất muốn sử dụng phương thức này.
Với một thỏa thuận song phương, Trung Quốc có thể loại trừ được những yếu tố mà Trung Quốc muốn loại trừ nhưng không thể hoặc chưa kịp loại trừ khi ký kết các thỏa thuận quốc tế. Trung Quốc cũng có thể sử dụng các thỏa thuận song phương để ép Việt Nam đơn phương thực hiện những cam kết trong thỏa thuận đó, còn Trung Quốc thì thoái thác thi hành bởi trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những loại thỏa thuận song phương không có hiệu lực quốc tế và vì vậy Trung Quốc không sợ việc vi phạm bị hệ thống tòa án quốc tế xét xử.
Ông Nam nhấn mạnh, điều mà chính quyền Việt Nam cần làm ngay là đưa Trung Quốc vào cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương theo công pháp quốc tế.
Ông Nam lưu ý, Công Ước về Luật Biển (UNCLOS) quy định khi có tranh chấp, các quốc gia thành viên có thể chọn một trong bốn cách: (1) Tòa án quốc tế ở Hà Lan. (2) Tòa án quốc tế về Luật Biển ở Đức. (3) Tòa trọng tài theo Phụ Lục 7 của UNCLOS. (4) Tòa trọng tài theo Phụ Lục 8 của UNCLOS cho những tranh chấp đặc biệt.
Tuy nhiên UNCLOS cho phép các quốc gia có quyền tuyên bố bảo lưu, không chấp nhận thẩm quyền phân xử của tòa án quốc tế trong lĩnh vực nào đó và tháng 8, 2006, Trung Quốc đã có tuyên bố hợp lệ, loại trừ quyền tài phán của tòa án quốc tế đối với “toàn bộ tranh chấp về chủ quyền liên quan đến các đảo,” thành ra việc kiện Trung Quốc phải tính đến yếu tố không rơi vào phạm vi mà Trung Quốc đã loại trừ và đơn kiện phải được một cơ quan tài phán quốc tế chấp nhận.
Dẫu khó song ông Nam khẳng định là vẫn có giải pháp. Chẳng hạn kiện đòi Trung Quốc buộc phải thực thi nghĩa vụ căn bản của thành viên Liên Hiệp Quốc theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc – loại nghĩa vụ mà Trung Quốc không thể loại trừ, ví dụ như không được sử dụng vũ lực. Trong thực tế, các tàu hải cảnh, hải giám, kiểm ngư của Trung Quốc đã liên tục tấn công tàu đánh cá của Việt Nam, gây hư hỏng các tàu đánh cá Việt Nam, gây thương tích cho ngư dân Việt Nam. Cho dù yếu tố “sử dụng vũ lực” có thể sẽ gây tranh cãi nhưng điều quan trọng là yêu cầu phân xử nằm ngoài phạm vi Trung Quốc đã chủ động loại trừ nên Trung Quốc không thể khước từ, không thể phủ nhận thẩm quyền phân xử mà phải hầu tòa.
Ông Nam cũng lưu ý là cá nhân ngư dân hay các tổ chức nghề nghiệp của ngư dân cũng có thể kiện Trung Quốc ra hệ thống tòa án quốc tế, chẳng hạn vì đã “cản trở quyền tự do đánh bắt” theo UNCLOS. Theo ông Nam, việc kiện Trung Quốc có thể nhắm vào cả hướng, “yêu cầu kết tội” (ví dụ đã sử dụng vũ lực) lẫn “yêu cầu xác định hành vi” (ví dụ những hành động mà các tàu công vụ của Trung Quốc đã thực hiện đối với các tàu đánh cá của Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực).
Theo ông Nam, chuyện kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế tuy không dễ dàng nhưng nếu có sự hỗ trợ đầy đủ để thu thập chứng cứ, tập họp nhân chứng để đánh giá, chuẩn bị hồ sơ thì có thể khởi kiện Trung Quốc theo nhiều hướng. Điều quan trọng nhất của việc kiện Trung Quốc là vụ kiện sẽ buộc Trung Quốc phải tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương theo công pháp quốc tế. Đập nát sự ngạo mạn, trâng tráo của Trung Quốc vì Trung Quốc vẫn tin là đã dùng quyền bảo lưu, thoát ra khỏi phạm vi phân xử của hệ thống tài phán quốc tế. Mặt khác, vụ kiện có thể đẩy Trung Quốc tới chỗ phải thay đổi chiến lược ở Biển Đông vì luật pháp quốc tế không cho phép thay đổi hiện trạng, có hành đông khiến tình hình trở thành nghiêm trọng hơn trong thời gian tòa án quốc tế đang thụ lý vụ kiện. (G.Đ)
____
Mời xem lại một bài cũ đăng trên báo Tuổi Trẻ:

Vay nợ của Trung Quốc rồi kiện đòi lãnh thổ được không?

Viễn Sự
17-11-2016
TTO – Vấn đề này đã được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng tại phiên chất vấn sáng 17 -11 tại Quốc hội.
Mở đầu câu hỏi của mình ông Trương Trọng Nghĩa nói kinh tế Việt Nam có xu hướng phụ thuộc sâu vào nền kinh tế Trung Quốc, ở hầu hết các lĩnh vực và đe dọa chủ quyền kinh tế của đất nước.
Hiện ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, Trung Quốc nổi tiếng mang đồng tiền đi trước chi phối về chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc ít nhất cho trong thời điểm này.
Lý do Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn.
“Nếu trưng cầu ý dân tôi tin đa số người dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ ODA của Trung Quốc. Chúng ta còn nhiều nơi khác để vay tiền”, ông Nghĩa khẳng định.
Trước đó, ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho biết một trong những kiến nghị quan trọng của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoa XIII là đề nghị “phải cân nhắc khi hợp tác ứng xử với một số nước, đặc biệt là Trung Quốc”.
Cụ thể cử tri cho rằng phải thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Trong phần kiến nghị này, cử tri một số tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói “nếu trưng cầu ý dân tôi tin đa số người dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ ODA, vay giá rẻ của Trung Quốc”. Còn bạn thì sao?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: