Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Trao đổi lại với cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh


Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh rất hay, làm gì có "hiệu ứng xấu". Trong xã hội mạng, bài thơ được đánh giá cao, đã được phổ nhạc. Nhưng có ai đó đã động lòng "nhắc nhở"!
Ý thơ rất hay, đã nhắc tôi nhớ đến cái buồn rất dung dị và rất khó quên của Onga Becgon- nữ thi sĩ Nga (tác giả của bài thơ nổi tiếng “Mùa lá rụng”).
Đằng sau những cái "ngộ", "lạ", "buồn", "thương" trong bài thơ là cả một tình yêu đất nước chân thành của một cô giáo trẻ dám nhìn vào sự thật.
Tôi làm khoa học, không biết viết văn, chẳng biết làm thơ, nhưng tôi thấy bài thơ này của cô giáo Trần Thị Lam xứng đáng để đọc hơn nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng.
Nên đưa vào sách giáo khoa bài thơ này để giáo dục các cháu học sinh biết chịu đựng gian khổ để trả nợ cho cha ông, để đừng mơ tới "rừng vàng, biển bạc", để đừng hoang tưởng về cái bánh chưng "to nhất thế giới", để đừng tự hào về ngôi trường mang tên "Lê Văn Tám", và, để đừng đưa về quê mình những dự án như Formosa.
Với thói quen phản biện, đọc bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam, tôi muốn “đóng thế” Becxonop- nhà thơ Nga (tác giả giả tưởng của bài thơ nổi tiếng “Chuyện tình mười năm trước”), cố đáp lại như sau:
ĐẤT NƯỚC MÌNH “NGỘ” THẾ ĐÓ EM ƠI!
(Trao đổi lại với cô giáo văn Trần Thị Lam, trường PTTH chuyên Hà Tĩnh)
Bài thơ em có “hiệu ứng” gì đâu
Mà người ta đã động lòng “nhắc nhở”,
Nỗi buồn của em- nỗi buồn một thuở
Đất nước mình “ngộ” thế đó em ơi!
Xưa máu ông cha đã đổ khắp nơi
Nay ai cần, những tượng đài nghìn tỷ
Chiếm đất, hại dân, nói lời hoa mỹ
Đất nước mình “lạ” thế đó em ơi!
Phải gánh trên lưng món nợ muôn đời
Khi đâu còn những “rừng vàng, biển bạc”
Nô lệ, đói nghèo có chi đâu khác
Đất nước mình “buồn” thế đó em ơi!
Con thuyền kia có nhớ sóng ra khơi
Vươn đảo xa, hay bên bờ cá chết
Cứ nằm im, vì niềm tin đã hết
Đất nước mình “thương” thế đó em ơi!
Bốn mốt năm ta lại tới một thời
Làm kẻ ăn xin giữa đời trơ trọi
Mà sao trong thơ, nay em còn hỏi
Ai vẫn đứng đây, “kiên định” với trời!
TS. Nguyễn Thành Sơn
Hà Nội, 30.4.2016
Nhờ bạn nào có địa chỉ của cô giáo Trần Thị Lam chuyển giúp, phổ nhạc được thì càng tốt.
Xin cám ơn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: