Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Hay là đi ỉa vô phép? ( Tít rút laị.. cho dễ nhớ )

xia

Chúng tôi là dân làm báo chuyên nghiệp. Ngoài việc là hội viên hội nhà báo chúng tôi còn đặt ra những hội nhỏ, như hội nhũng nhà báo IT, hội những nhà báo môi trường, hội những nhà báo văn hóa, văn nghệ.. Còn hội của chúng tôi là hội những nhà báo viết về chuyện xia. Thì sao chứ xia là chuyện liên quan đến con người, mà còn rất rất quan trọng. Có thể nhịn ăn mươi mười lăm ngày chứ đố ai nhịn đái một ngày, nhịn xia mười ngày. Có mà chết tiệt. Vả lại trong văn thơ dân gian cứt đái cũng được đưa vào, ví như “Em như cục cứt trôi sông/ Anh như chó đói đứng trông trên bờ.” Hoặc như trong thành ngữ cứt cũng dùng để răn dạy: cứt nát còn đòi có chóp. Tôi nói rông dài một chút để khẳng định rằng xia cũng luôn là một đề tài hay cho đến thời điểm hiện tại.
Thu Hà Nội tuyệt đẹp. Nắng vàng tươi như mật. Nơi chúng tôi thích ngồi nhất là quán trà xanh bà gù dưới gốc cây sấu già. Cây xấu đã già lắm. Những cái rễ của nó bạnh cao trên mặt đất. Bà gù ngồi dựa vào một cái bạnh rễ sấu.Trông cái gù trên lưng bà cũng như một cái rễ sấu bạnh lên. Cây sấu già lá đã thưa. Những vạt nắng xiên qua vòm lá thả xuống đất những cái bóng tròn. Khi có gió những bóng nắng nhảy nhót. Tôi ngồi dưới tán sấu những bóng nắng vẽ hoa trên áo tôi. Tôi vừa đưa chén trà xanh lên miệng thì X, báo P, đỗ xịch xe lên vỉa hè. Miệng luyến thoắng:
-Mỗi mình chị à?
-Thì vừa thêm em nữa.
-Đang chết cười đây chị ơi. Em phải phi đến đây ngay.
-Lại chuyện xia à?
-Thì đúng mà.
-Uống nước đi đã. Đợi cả hội đến rồi hẵng phô tô.
-Em mang cả bản chính đi, không phải phô tô.
Mười phút sau thêm hai ả và một chàng nữa, vẫn thiếu 3 nhưng em X không đừng được nữa phải rút tờ giấy trong túi hàng hiệu ra đọc:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Độc lập tự do hạnh phúc.
Đơn đề nghị bắt chồng tôi đi cải tạo.
Kính gửi hội phụ nữ phường.
Tên tôi là Nguyễn thị Cái. Tôi xin thưa cái tội của chồng tôi. Tôi đi bán rau về thấy chồng nằm trên giường. Hỏi chồng bị ốm làm sao. Chồng đáp đau bụng. Tôi hỏi ăn gì mà đau bụng? Chồng bảo, tưởng đứt ruột chết. Rồi rầu rầu kể lại chuyện. Sáng hôm qua đi vẽ thiết kế tủ bếp. Dậy sớm đưa con đến trường rồi quay về nhà. Mấy quả cà chua trong vườn chín ngon mắt quá mới hái hai quả cho vào mồm. Thì mọi ngày vẫn ăn có sao đâu. Ăn rồi uống một li cà phê. Thì mỗi sáng vẫn uống có sao đâu. Đi sang phố vào quán phở ngon chén một bát. ấm bụng rồi mới đi đến nhà khách hàng. Đi được khoảng mười phút thì bụng đau dữ dội bèn quay xe về nhà. Được nửa đường không nín nữa tương ra quần.
-Tương ra quần? Xuống xe dắt vào vỉa hè rồi tương ra quần?
-Không. Vừa đi xe vừa tương ra.
-Vẫn đi xe máy.
-Vẫn đi. Đau bụng như đứt từng khúc ruột.
-Về được đến nhà
-Về đến nhà vào được toa let. Tương nốt. Hơn một tiếng sau mới hết đau bụng.
-Uống thuốc chưa?
-Việc gì phải uống. Tương ra hết rồi thì hết đau bụng.
-Ngu quá là ngu. Sao đến mức phải tương ra quần. Có phải thằng cò bé dại đâu mà tương ra quần. Mà lại còn vừa đi xe máy vừa tương. Sao không tấp vào một quán cà phê?
-Vào quán để tương ra quán nhà nó à? Để xe đâu mà phải chạy vào quán.
-Vậy thì vào đồn công an cũng được.
-Giời ạ. Trình bày xong lí do thì tương ra quần từ lâu.
-Thế thì đến một gốc cây to nào đấy. Có ai phạt đâu mà sợ.
-Làm gì có mo mà đeo vào mặt.
-Để làm hồ sơ ghi kỉ lục ghi net. Vừa đi xe máy vừa xia. Độc nhất vô nhị có ở Việt Nam.
-Câm mồm. Đồ chó cái. Mày mang chuyện của ông đi đâu kể ông thọi chết.
Tôi tức lắm. Ra giếng thấy chiếc quần chồng để ở sân giếng hôi thối. Tôi muốn vứt đi nhưng cái quần còn mới tôi tiếc của nên giặt. Cái Thơm nhà hàng xóm ngó sang bảo, cái gì thối thế. Tôi kể chuyện cho nó nghe. Cái con Thơm cười to quá. Chồng tôi nghe tiếng cười biết là tôi đang kể chuyện tương qua quần bèn cầm cái dùi đục ra phang vào đầu tôi chảy máu. Tôi xin hội phụ nữ phường bắt chồng tôi lên cải tạo một ngày.
Ký tên: Nguyễn Thị Cái.
Cả bọn cười rũ ra. Bà Gù cũng lăn ra cười. Cười chán chê T, báo N, bảo:
-Chị gộp vào hồ sơ để xin kỉ lục ghi net về chuyện xia của người ta dưới ghi chép của những nhà báo chuyên nghiệp. Chúng tôi cười tít mắt mà không biết đã có một người đã ngồi thêm vào lúc nào. Người này là đàn ông trông hơi cũ và chưa gìa lắm. Người chả có gì đặc biệt, duy có đôi mắt, nó đầy vẻ tinh ranh. Người này nhìn chúng tôi khắp một lượt rồi thủng thẳng:
-Tôi xin nhập hội nhà báo viết về chuyện xia.
-Anh là ai?
-Tôi là Vinh Thân, nhà báo tự do, viết về nhiều đề tài, nhưng thích nhất là chuyện xia. Tôi xin kể mấy chuyện liên quan để nhập hội có được không?
-Vâng, xin anh cứ kể đi ạ. Chúng tôi thích nghe lắm. X, xinh xắn nhưng láu táu.
-Vâng, tôi sẽ kể. Nhưng tôi hơi tò mò một chút là các cô nương ngồi đây tuyền xinh đẹp cả, sao lại thích chuyện xia? Không sợ bị đánh giá là tầm thường sao?
-Sao lại tầm thường. Xin lỗi ông anh. H, báo V, nổi nóng. Những cô nương ngồi đây toàn là những cây bút gạo cội, giật ối giải báo chí rồi đấy. Còn chuyện xia ấy à? Ông hãy đi quanh cái thành phố này xem, cái gì nhiều khẩu hiệu nhất, chuyện xia, ông biết chứ. Tôi đố ông biết ở đâu có dòng khẩu hiệu: cấm xuống trụ ỉa. Tôi đố ông đấy.
-Tôi biết, ở cầu Long biên, chữ rất chuẩn.
H nghe vậy bỗng thuỗn mặt không nói được gì nữa. Cả bọn bỗng im lặng. Vinh Thân bấy giờ mới thủng thẳng kể:
Tòa soạn báo của tôi ngự trên căn biệt thự cũ. Hơn ba chục con người chỉ có một cái hố xổm tự hoại. Những kẻ làm báo ngủ ngày cày đêm nên nhịp điệu sinh học thay đổi ráo. Tám chín giờ sáng mới dẫn dệu nhau đi ăn sáng. Ăn xong còn phải uống. Làm li cà phê cho tỉnh táo. Ăn rồi ruột mới có cái để làm việc. Ăn xong có người tăm vẫn con đút miệng đã phải chạy ngay ra hố xí. Khổ nỗi cả tòa soạn chỉ có một cái hố. Thế là chờ nhau. Cái sự đợi chờ trong sự căng thẳng thần kinh. Lúc đó cộng tác viên đã đến gửi bài. Có cô nàng xinh đẹp nhất cơ quan trong khi nhăn nhó chưa giải quyết được bầu tâm sự được trưởng ban biên tập đưa cho một bài bình thơ của cộng tác viên, yêu cầu cắt bớt để xếp vào trang cho số báo đang lên ma két. Cô nàng nhận bài từ tay trưởng ban rồi để vào tập bài trước mặt. Sau đó hố xí hết ùn tắc cô giải quyết xong bầu tâm sự. Cô ngồi vào bàn giải quyết công việc. Cô cầm bài trưởng ban vừa giao lật trước lật sau, đọc đi đọc lại thì phát hiện thiếu một trang. Đầu cô bắt đầu nóng lên, có đứa nào chơi sỏ mình, lấy mất một phần bài. Cơ quan này có nhiều đứa ghen ghét với mình lắm. Toàn những đứa đố kị. Thấy người ta súng sính váy áo xinh hơn là đã tức rồi. Rồi cô nàng bỗng giật mình. Cô lặng lẽ đi vào nhà xí. Cái phần sau của bài bình thơ nằm lù lù trong sọt giấy của hố xí. Cô lặng ngắt đi ra. Cô lặng ngắt đi vào phòng trưởng ban. Tay trưởng ban được phen tha hồ sờ mó. Tay này thích gái xinh. Mấy lần cứ nửa nạc nửa mỡ vuốt má cô nàng, cô nàng cũng nửa gân nửa bạc nhạc mà vả cho mấy vả.
Sau cái vụ đó chưa lâu thì lại có chuyện liên quan đến nhà xí. Tờ cuối tuần, dạng tạp chí đóng thành quyển được nhà in chuyển đến để tòa soạn xem lại lần cuối trước khi phát hành được để tênh hênh trên bàn làm việc. Cái việc xem lại lần cuối này nằm trong qui trình in báo, xem ra đã lỗi thời những tòa soạn vẫn giữ nếp. Tay trưởng ban bạn mắc bệnh nghề nghiệp nặng, nên chỉ rình đồng nghiệp mắc lỗi là đi ton hót với lãnh đạo. Hắn vớ lấy tờ báo lật lật để tìm lỗi. Bỗng hắn ô lên một tiếng rồi chân hắn tơn tớn sang phòng tổng biên tập:
-Anh ơi, có chuyện rồi. Anh xem này, xem này, thiếu hẳn trang 44.
Tổng biên tập nghe vậy cũng toát mồ hôi. Hơn ba vạn bản in chứ có ít đâu. Tòa soạn được phen náo loạn. Phòng trị sự phải cử ngay người đến nhà in để lấy thêm mấy tờ báo khác. Mặt tay trưởng ban bạn đọc hí ha hí hửng, phen này có đứa bị kỉ luật. Cô họa sĩ của báo đi cà phê về, nghe chuyện vội chạy ra vỉa hè. Cô nàng đứng bưng miệng cười như nắc nẻ. Cười đến rão cả ruột mới dám quay lại phòng. Cơ sự là vì sáng nay con bình bản* mời cô ăn bún riêu cua.
Trị sự mang về mười cuốn, đủ hết cả trang 44. Tổng biên tập thở phào nhẹ nhõm. Mặt tay trưởng ban bạn đọc xám ngoét. Hắn bị tổng biên tập triệu sang mắng cho một trận vì cái tội hay hớt lẻo. Hắn tức lắm. Thề sẽ lột son phấn của mấy con ranh. Mặt hoa da phấn nhưng đít thâm sì. Thâm sì vì con nào cũng chùi bằng giấy báo. Mực in dây ra đít.
Tòa soạn này kể cũng lạ. Những chuyện dời non lấp bể, những chuyện kinh thiên động địa chả mấy khi được đem ra bàn. Chỉ những chuyện trai gái cái đực, chuyện ăn uống hút xách, chuyện ỉa non đái dắt là hay được mang ra bàn. Một phóng viên trẻ vừa đi công tác vùng biển về. Vừa viết bài vừa cười bò lăn:
-Chuyện hay không chịu được mà không có cách gì chêm được vào bài. Ông hiệu trưởng kể, đời sống của các giáo viên ở đây khổ lắm, không có lời nào tả nổi. Làm gì có nhà vệ sinh, nước sạch thì thiếu. Muốn đi ỉa đi đái thì cứ ra cồn cát kia thôi. Chuyện chú chả tin nổi đâu. Có cô giáo bị ốm quá mới đi bệnh viện khám. Khổ có bị bệnh gì đâu, chỉ là vì cô này dại dột lấy lá thông chùi cho sạch. Ai dè lá thông nó chui vào bụng, thể là sinh đau bụng.
-Thế chú có hỏi ông hiệu trưởng đó là lá thông nó chui vào bụng nào không?
-Anh hỏi lạ. Người chỉ có một bụng chứ mấy bụng.
-Thằng này ngu quá. Đàn bà có hai bụng. Một bụng đựng cứt, một bụng đựng con. Vậy chú mày tưởng đàn bà chỉ có một bụng, vậy chứ mày nằm chung với cứt trong bụng mẹ mày à?
Mặt chú phóng viên trẻ ngẩn tò te.
Lần khác là cô phóng viên già đi công tác miền núi. Về tòa soạn cô kể chuyện:
-Tôi đã biết người dân tộc họ đi ỉa kiểu gì.
-Kiểu gì? Giờ bà mới biết à? Hơi quê rồi. Bà biết vì sao mà họ làm nhà sàn không? Dưới nhà sàn họ nuôi chó để làm gì?
-Chú mày biết một mà không biết hai. Ta kể cho chú mày biết để lần sau mà biết cách tránh nhé. Kẻo mà bị tương vào đầu. Ta đố chú mày tìm thấy cái lỗ nào trên nhà sàn đấy. Làm gì có cái lỗ nào.
-Cạnh cái chum nước ấy.
-Chú mày rất nhầm. Không có cái lỗ nào ở cạnh chum nước đâu. Trong cái chum chỉ có cái gáo múc nước thôi.
-Vậy bà nói đi, sốt hết cả ruột.
-Ta nói trước ta đăng kí bản quyền vụ này rồi đấy nhé. Đừng có ai ăn cắp chi tiết này đấy. Đây, như thế này. Họ ngồi xổm, hứng một tay vào đít nhớ. Rồi ị vào tay nhớ. Rồi vứt như thế này này, ra đường, hoặc vào đầu ai đấy thì vào nhớ. Tay y sĩ đỡ đẻ của bản đã bị tương vào đầu mà. Rồi sau đó thì múc nước ở chum ra rửa tay.
-Vậy nếu ỉa té te thì sao?
-Thì cũng chả sao. Dội nước cho trôi xuống dưới. Đằng nào dưới sàn chả có phân trâu, có thêm phân người thì cũng khác gì phân trâu, toàn ngô là ngô cả.
-Bây giờ vẫn thế à?
-Vẫn thế. Ông chủ tịch huyện báo cáo, toàn huyện tôi nếu vận động bà con xây nhà vệ sinh kiểu nhà nước và nhân dân cũng làm thì nhà nước cũng phải đầu tư trên 22 tỉ đồng. Nhưng cái chính là hiệu quả không cao. Vì có nhà vệ sinh rồi thì lấy nước đâu mà dội vậy nên bà con vẫn ỉa bậy.
Đỉnh cao câu chuyện xia của các nhà báo là câu chuyện của nhà thơ báo V. Tòa soạn báo V cũng ngự trên căn biệt thự cổ. Lại ngự tít trên tầng 3. Có một tay nhà thơ làm biên tập phần văn hóa văn nghệ tá túc lại tòa soạn vì nhà hắn ở quê. Tầng trệt có mặt tiền quay ra phố, là quán cà phê. Cứ buổi sáng quán cà phê dọn hàng thì lại thấy một bọc từ trên trời rơi xuống bọc trong giấy báo bốc mùi lỗ mãng. Chủ quán tức lắm mà không sao bắt được quả tang. Cho đến một hôm chủ quán mang tang chứng vật chứng lên là một tờ giấy thếp có dòng kẻ, năm hào hai. Trên đó có một bài thơ, có tên của nhà thơ hẳn hoi. Nhà thơ H bị triệu lên phòng tổng biên tập. Sau khi nhìn như thôi miên vào tờ giấy còn dính nhoe nhét cứt nhà thơ H buồn rầu nhận tội. Hứa từ nay sẽ không quẳng xuống tầng một nữa. Mà sẽ cố nhịn đến sáng để ra nhà vệ sinh công cộng. Sau đó nhà thơ H rụt rè xin lại tờ giấy có chép bài thơ, nói:
-Tối qua mất điện. Bài thơ tôi vừa làm xong. Tôi tìm mãi không thấy. Đang tiếc đứt ruột. Bài thơ tôi tâm đắc quá. Mà các bạn biết không giây phút các nhà thơ làm thơ là thần thánh nhập vào. Khi tỉnh rồi bảo viết lại, đố ai viết lại được. May quá. Tôi lại tìm thấy bài thơ. Cám ơn chị chủ lắm lắm.
Kể xong câu chuyện Vinh Thân được kết nạp ngay vào hội những người chuyên viết chuyện đái xia của chúng tôi.

* bình bản: thuật ngữ trong ngành in, là kiểu làm thủ công cách đây hơn chục năm, sau khi ra can thì cắt dính lộn ngược chữ vào Mi-ca theo tay báo…Kiểm tra chữ nghĩa và ảnh có lộn ngược hay không, trước khi cho vào máy in. Khâu thao tác này gọi là Bình Bản (giải thích của tác giả)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: