Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Trực giác: Giác quan nằm bên ngoài thế giới thực tại

Liệu chúng ta có sở hữu giác quan thứ sáu? (Ảnh: Photo.com)
“Vui vẻ; tức giận; vui vẻ … chắc chắn vui vẻ”… chiếc máy theo dõi hoạt động não bộ của một bệnh nhân X, 52 tuổi liên tục ghi nhận lại phản ứng của người này khi ông ta được cho xem những bức ảnh chụp các khuôn mặt biểu lộ cảm xúc sợ hãi, hạnh phúc cùng các cảm xúc khác, mặc dù người này đã trải qua hai lần xuất huyết não – vốn đã gây nên những tổn thương nghiêm trọng đối với trung tâm xử lý hình ảnh trong não bộ.
Kết quả thu được từ thử nghiệm cho thấy bệnh nhân này có thể nhận biết cảm xúc biểu lộ trên các khuôn mặt trong bức ảnh một cách chuẩn xác, với một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mức xác suất ngẫu nhiên. Phải chăng đây là một cách thức “quan sát” nằm bên ngoài phạm vi thị giác? Hay đây chỉ đơn giản là một phương thức cảm thụ chúng ta chưa thể nhận thức được?
Tiến sĩ Alan Pegna từ trường Đại học New South Wales, Úc, và nhóm nghiên cứu của ông từ Geneva, Thụy Sĩ, đã rất chấn động trước các kết quả quan sát được trong cuộc nghiên cứu. Họ cho biết, trong quá trình chụp quét, não bộ của bệnh nhân X biểu lộ trạng thái hoạt động đáng kể ở hạch hạnh nhân bên phải, và kết quả này khá là tương đồng với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm với một đối tượng bình thường, không có vấn đề gì về não bộ.
Đối với rất nhiều nhà khoa học thần kinh khác, kinh nghiệm gần đây với bệnh nhân X đã hé lộ một khả năng thú vị của con người—thêm một giác quan thứ sáu vào năm giác quan đã được công nhận. Và có lẽ, đây mới chỉ là những bước đầu tiên của giới khoa học nhằm tiến hành thêm các nghiên cứu về một năng lực vốn đã được biết đến rộng rãi: trực giác.

“Trực giác là thứ duy nhất có giá trị thực sự”.—Albert Einstein

Tuy rằng trực giác đã được nền khoa học ngày nay ít nhiều công nhận, nhưng trong những năm gần đây, việc thừa nhận khả năng này đã trở nên phổ biến hơn trong ngành sinh lý học thần kinh. Cái năng lực có thể biết được những điều chưa xảy ra, các sự kiện xảy ra ở khoảng cách xa, hay những thay đổi sắp xảy ra trong môi trường xung quanh, chúng đều đã được hầu hết những người thổ dân trên khắp thế giới vận dụng trong cả thiên niên kỷ—dẫu rằng chúng vẫn luôn bị những người còn hoài nghi trong giới khoa học phản bác.

Quá mẫn cảm hay là giác quan thứ sáu?

Biển cả đã cuốn trôi hàng trăm người, nhưng không có đến một con voi bị chết, cũng không thể tìm thấy thậm chí một con mèo hay một con thỏ… thật kỳ lạ khi không có một loài động vật tử vong nào được ghi nhận”. Những quan sát đã được giới chức chính phủ Sri Lanka ghi nhận sau thảm họa sóng thần châu Á vào năm 2004 này đã làm dấy lên một số câu hỏi thú vị.
Cảnh tượng sóng thần đổ bộ vào vịnh Ao Nang, Thái Lan, năm 2004. (Ảnh: Wikimedia)
Cảnh tượng sóng thần đổ bộ vào vịnh Ao Nang, Thái Lan, năm 2004. (Ảnh: Wikimedia)
Điểm đáng chú ý là, liệu động vật có khả năng cảm nhận được mối nguy hiểm cận kề hay không? Chúng đã chạy thoát khỏi trận sóng thần như thế nào? Được biết, chỉ vài phút trước khi nước biển dâng lên và tàn phá hơn 3 km đất liền, các loài động vật đã bỏ chạy thục mạng tới các khu vực có địa hình cao hơn của hòn đảo.
Cùng lúc đó, các bộ lạc thổ dân trong khu vực, vốn đã có 60.000 năm sinh tồn trong môi trường tự nhiên, cũng bắt chước hành vi của các loài động vật là bỏ chạy tới những chỗ đất cao. Kết quả là hầu hết các thổ dân bản địa đều sống sót trước sự tàn phá nghiêm trọng của cơn đại hồng thủy.


Nhưng chính xác là làm thế nào những thổ dân bản địa và các loài động vật có thể nhận biết được mối nguy hiểm đang cận kề? Có hợp lý hay không khi cho rằng trực giác là nhân tố chịu trách nhiệm? Và nếu thực sự như vậy, thì cái cơ chế sinh học bí ẩn này hoạt động như thế nào?
Tất nhiên, không dễ mà đưa ra câu trả lời giống như khi đưa ra câu hỏi. Theo một số nhà nghiên cứu, trong nhiều năm, những thổ dân sinh sống trên đảo đã tích lũy được những bài học quan trọng nhờ sinh sống gần gũi với giới tự nhiên.
Lấy ví dụ, họ có thể cảm nhận được tiếng vọng từ những bước chân của các con voi hoang dã khi chúng hối hả chạy vào sâu bên trong khu vực đất liền của hòn đảo, họ cũng để ý tới những hành vi khác thường của loài cá heo, cự đà và sự tán loạn của những loài chim trên đảo. Bằng cách này, trên thực tế họ đã nhận biết được những hiện tượng mà ngay cả các hệ thống radar hiện đại, vốn không hoạt động vào ngày xảy ra sóng thần, không thể nhận biết.
Đàn chim bay tán loạn khi xảy ra trận động đất vừa qua ở Nepal hồi tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Twitter)
Đàn chim bay tán loạn khi xảy ra trận động đất vừa qua ở Nepal hồi tháng 5 vừa qua. (Ảnh: Twitter)
Theo một bài viết trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Washington, St. Louis, bang Missouri, Mỹ, cho rằng chìa khóa về khả năng dự đoán của những thổ dân bản địa nằm ở một khu vực trong não bộ được gọi là vùng não trước trán (anterior cingulate). Khu vực này của não bộ sẽ hoạt động tích cực hơn trong tình huống xảy ra các biến đổi môi trường mà chủ ý thức không có khả năng nhận biết, nhưng vẫn cần thiết cho sự sinh tồn của cá thể.
Dù vậy, để hiểu được cách thức các loài động vật đã nhận biết được các trận sóng thần sắp xảy đến ngay từ lúc đầu, có thể sẽ là một nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn. Một số nhà nghiên cứu động vật cho rằng, các dấu hiệu như sự thay đổi áp suất trong không khí, những dao động tinh tế phát ra từ dưới đất, hay những âm thanh mờ nhạt của sóng biển đang tiến đến—những tín hiệu nằm bên ngoài phạm vi nhận thức của các giác quan con người—có thể báo hiệu cho một số loài sinh vật về mối hiểm họa đang đến gần.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học tin rằng, trong trường hợp này cũng như trong trường hợp của bệnh nhân X, hẳn phải tồn tại một phương pháp khác mà qua đó các loài sinh vật có thể nhận biết được môi trường xung quanh—một phương pháp khác ngoài âm thanh, sự dao động, mùi hương, hình ảnh, hoặc mùi vị. Theo đó, người ta đã ghi nhận được các trường hợp trong đó chim muông và các loài động vật khác đã tháo chạy khỏi khu vực ngay trước khi núi lửa phun trào.
Tương tự, các nhà sinh học ở Trung quốc đã tiến hành rất nhiều các cuộc nghiên cứu qua đó xác định được rằng, chỉ vài phút trước khi xảy ra một trận động đất, những con mèo, con chó và các loài gia súc, gia cầm khác trên một khu vực đã trở nên kích động, và trong một vài trường hợp, chúng thậm chí còn tru lên, cắn sủa hay kêu meo meo một cách không kiểm soát. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong những tình huống như vậy, những con rắn sẽ rời bỏ hang ổ, những con chim bay loạn xạ trong lồng, còn những con chuột thì sẽ chạy tán loạn xung quanh.
Hàng nghìn con ếch tràn ngập trên đường phố vào ngày trước khi trận động đất kình hoàng ở Từ Xuyên, Trung Quốc xảy ra vào năm 2008. (Ảnh: Common Uses)
Hàng nghìn con ếch tràn ngập trên đường phố vào ngày trước khi trận động đất kình hoàng ở Từ Xuyên, Trung Quốc xảy ra vào năm 2008. (Ảnh: Common Uses)

Một khả năng tiềm tàng

Để xác định độ nhạy bén của trực giác, các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm khá đơn giản bao gồm 40 tình nguyện viên và hai nhiếp ảnh gia trong mỗi lần thí nghiệm. Người phụ trách thí nghiệm là Ronald Rensink – Phó giáo sư ngành Tâm lý học và Khoa học máy tính từ trường Đại học British Columbia, Canada, và ông sẽ bắt đầu thí nghiệm bằng việc miêu tả cách thức xảy ra các vụ tai nạn xe hơi, mà trong đó các tài xế gây tai nạn không nhìn thấy chiếc xe hơi mà họ đâm vào. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Psychological Science.
Ban đầu, các tình nguyện viên được cho xem một bức ảnh chụp một con đường, vốn sẽ phát lại định kỳ với một hình ảnh tương tự. Tại một thời điểm bất kỳ trong quá trình phát lại bức ảnh, bức ảnh sẽ được thay đổi đôi chút—chẳng hạn, các vật thể được loại bỏ, thay đổi hoặc thêm vào—và những thay đổi này, ngay cả khi đáng kể, cũng thường khó có thể nhận biết.
Thí nghiệm yêu cầu các đối tượng bấm còi vào thời điểm họ phát hiện được một sự thay đổi trong trình tự các bức ảnh. Một sự ngạc nhiên lớn đã xuất hiện trong cuộc thí nghiệm khi một số tình nguyện viên viên hỏi P.GS Rensink rằng, liệu họ có nên bấm còi chỉ khi thực sự thấy rõ sự thay đổi, hay họ có thể bấm còi ngay khi họ trực cảm rằng một sự thay đổi có thể sẽ sắp xuất hiện.
Điều này đã thay đổi cuộc nghiên cứu một cách mạnh mẽ. P.GS Rensink đã nhận thấy rằng không chỉ phần lớn các tình nguyện viên đều có khả năng nhận thức ra được chính xác sự thay đổi vào đúng thời điểm nó xuất hiện, mà thêm vào đó, 1/3 các đối tượng đã có thể bấm còi ngay trước khi bức tranh có sự thay đổi xuất hiện.
Nghiên cứu này dường như đã cho thấy trực giác có thể là một phương thức ngoại cảm trong việc phát hiện những thay đổi cực nhỏ trong môi trường. Có ý kiến cho rằng con người có thể sở hữu khả năng cảm nhận các kích thích vốn không thể được phát hiện ngay cả với những công nghệ tiên tiến.
Vậy liệu chúng ta có thể sử dụng các biện pháp nào đó để cải thiện năng lực trực giác của chúng ta hay không? Những cải thiện như vậy đòi hỏi điều gì? Và tại sao các loài động vật dường như lại có trực giác tốt hơn con người chúng ta?
Một số người cho rằng, con người cổ đại, vốn có cuộc sống gắn liền với sự tuần hoàn của tự nhiên, đã rất tự tin với khả năng trực giác của mình. Còn con người hiện đại ngày nay thì lại ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào các công cụ hiện đại hóa của mình trong chặng đường khám phá thế giới, cho nên năng lực trực giác của họ sẽ ngày càng trở nên thoái hóa. Theo đó, trong nền văn minh hiện đại, các khái niệm liên hệ đến trực giác thường không được ủng hộ so với những điều có thể được xác thực dễ dàng hơn.
Khi khoa học cố gắng thừa nhận khả năng đáng kinh ngạc này của con người, phải chăng môi trường công nghệ hiện đại hóa ngày nay cũng đang góp phần kìm hãm món quà trực giác bẩm sinh của chính bản thân chúng ta?
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiên này. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh luận trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng AnhĐọc bản gốc ở đây.Ngọc Mai biên dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: