Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

MÔ HÌNH NHÂN SỰ ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG HOA (P1)


Mô hình nhân sự Đảng Cộng Sản Trung Hoa – Kỳ 1: Tri thức và phục tùng


Trần Lam Phương
Trên con phố dẫn từ Đại học Nhân dân đến ga tàu điện ngầm Weigongcun ở Bắc Kinh có một kiosk tương tác với màn hình cảm ứng giúp người dân tìm đường. Ở hai bên sườn kiosk này là những màn hình truyền đi thông điệp của Đảng Cộng sản với hình ảnh búa liềm đặc trưng và những công nhân tiêu biểu cùng những viên chức kiểu mẫu. Có phải kiosk này cũng định giúp mọi người tìm đường trong thế giới chính trị cộng sản? Đám đông những sinh viên ăn mặc đúng mốt (quần bó hay váy ngắn với nữ, và áo phông với những khẩu hiệu bằng tiếng Anh với nam) không có vẻ nắm bắt được thông điệp đó. Ở Trung Quốc, những công nghệ cao mới nhất lại thường được sử dụng kèm theo những phương pháp cổ xưa nhất.

Cơ sở thăng tiến
Có bằng thạc sĩ của trường đại học danh giá Sun Yat-sen (Tôn Trung Sơn), Yuehui, một cán bộ nhà nước ở tỉnh Guangzhou (Quảng Châu), là một phụ nữ trẻ điển hình cho tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Mẹ cô là giáo viên tiểu học, cha cô là viên chức nhà nước. Giống như cha mẹ mình, Yuehui cũng là đảng viên. Cô là người tự tin và rất thoải mái khi trao đổi, thảo luận. Sau một chút lưỡng lự, cuối cùng cô cũng bằng lòng nói chuyện chính trị và ngay lập tức giải thích: “Đảng giống như một câu lạc bộ, một mạng lưới có thể hữu dụng cho con đường thăng tiến sự nghiệp – nó có phần giống một hiệp hội nghề nghiệp.” Yuehui đỏ mặt khi thừa nhận: “Từ nhỏ, tôi đã mơ được kết nạp đảng.” Giống như hầu hết những người trẻ ở Trung Quốc, Yuehui là đoàn viên của Đoàn Thanh niên. “Khi tôi được chọn kết nạp vì thành tích học tập tốt, tôi đã rất vui. Cảm giác giống như giành được một phần thưởng hoặc được tổ chức sinh nhật.”
Thế nhưng sự hào hứng của cô giảm dần theo năm tháng. Nếu được lựa chọn lại, cô không nghĩ mình sẽ vào đảng. Là đảng viên đi kèm với “đủ loại nghĩa vụ. Tôi phải đi dự nhiều cuộc họp tốn kém thời gian trong khi tôi có nhiều mối quan tâm khác,” Yuehei cho biết. “Quan trong nhất là, tôi phải rón rén đi theo đúng đường lối của Đảng. Tôi không thể bày tỏ suy nghĩ của mình. Chuyện này đè nặng tôi, vì tôi là người suy nghĩ rất độc lập”.
Không ai chính thức nói với Yuehei là không được đi chệch khỏi đường lối của đảng. Thế nhưng, chỉ cần chệch ra một chút, cô sẽ phải giải trình về hành động của mình cho các “đồng chí” được giao nhiệm vụ hướng dẫn cô trở lại con đường thẳng và nhỏ hẹp. Cô không thể nộp lại thẻ Đảng – như thế được xem là phản bội đảng. Cô có thể tách mình ra khỏi guồng máy này nếu chuyển đi nơi khác sinh sống và sống âm thầm. Nhưng nếu cô làm việc cho một tổ chức nhà nước, cô sẽ buộc phải tuân theo các chỉ thị của Đảng. Nói như một cựu đảng viên tuyệt vọng với tình huống này: “Ta không cần phải tin; ta chỉ cần đi họp, rồi nhắm mắt mà đi là xong.”
Nếu việc rời bỏ đảng khó khăn, và thường là không thể, thì việc gia nhập đảng lại dễ dàng hơn nhiều. Thông thường, bí thư đảng ở các cấp cơ sở như trường học, khu phố, làng xã, công ty sẽ chọn ra những người cho thấy là xứng đáng để kết nạp. Những người chưa được kết nạp trong thời gian đi học, và cảm thấy tấm thẻ đảng sẽ có lợi cho sự nghiệp của mình có thể làm đơn xin kết nạp đảng. Họ chỉ cần tìm được người bảo trợ và sẵn lòng để cho Đảng điều tra cả đời sống công việc lẫn đời sống riêng tư.
Từ năm 2007 đến năm 2012, có hơn 10 triệu người được kết nạp đảng. Theo con số chính thức, Đảng Cộng sản Trung Quốc có 80,6 triệu thành viên, khoảng 25% trong số đó dưới 35 tuổi, và 50% trong độ tuổi từ 36 đến 60. Mặc dù bộ máy lãnh đạo (đặc biệt là ở cấp cơ sở) đang bị chỉ trích công khai nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác, song con số nộp đơn xin kết nạp đảng cũng chưa bao giờ nhiều như hiện tại. Nhìn chung, có nhiều cánh cửa cho người trẻ (chí ít là những người không giàu có) gia nhập đảng, và việc kết nạp thêm đảng viên là một dạng bảo hiểm bình yên cho bộ máy đảng, với hy vọng động thái cởi mở này sẽ giúp đảng kiểm soát xã hội Trung Quốc.
china
Các thể hệ trẻ ở Trung Quốc tin rằng có thể phấn đấu học tập để tham gia vào “tầng lớp tinh hoa” Đảng Cộng Sản – cũng là con đường tốt nhất dẫn đến thành công. Ảnh minh họa
Tri thức song song với cảm tình đảng
Cũng như con cháu của các đảng viên, trí thức và những người có bằng đại học là đối tượng được đảm bảo tư cách kết nạp đảng. Nếu ngày hôm qua họ còn bị xếp vào tầng lớp “tiểu tư sản”, thì ngày hôm nay họ lại được trải thảm đỏ đón mời. Mục tiêu là làm sao để Đảng Cộng sản trở thành “đảng xuất sắc” và vì Đảng và nhà nước là một, nên việc kết nạp cũng đồng nghĩa với việc tuyển dụng những người có trình độ để quản lý đất nước. Người tốt nghiệp các trường đại học Trung Quốc và đại học nước ngoài được ưu ái trong quá trình hình thành tầng lớp tinh hoa đóTuy nhiên, tấm vé thông hành dễ dàng không miễn cho các nhà lãnh đạo tương lai việc phải đi học các trường đảng.
570d189297fb429daf609978f58f1021_18
Hệ thống giáo dục và thi cử tại Trung Quốc là hệ thống giáo điều nhưng áp lực nhất thế giới. Những người thành công trong hệ thống giáo dục này được xã hội Trung Quốc coi trọng.
Những cán bộ được chỉ định vào các vị trí cấp cao ở tỉnh và trung ương phải học qua các tổ chức giáo dục chính trị quan trọng là trường đảng. Ở đây, họ sẽ học về chủ nghĩa Marx-Lenin và sự tinh vi trong các chính sách hiện hành, đồng thời tích lũy các kỹ năng quản lý công ở cấp cao. Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc, được thành lập năm 1994, đôi khi có chung cơ sở với Trường Đảng Trung ương, được thành lập trong thời Cách mạng. Góp mặt vào đội ngũ giảng dạy ở các cơ sở này các học giả danh tiếng của Trung Quốc và nước ngoài. Chẳng hạn, chi nhánh của trường Hành chính ở tỉnh Quảng Châu đã thu hút được nhiều nhà kinh tế lớn của Mỹ. Việc truy cập Internet ở đây không bị hạn chế. Không một cuốn sách nước ngoài nào, ngay cả những cuốn sách phê phán Trung Quốc kịch liệt nhất, bị cấm đoán. Đảng sẽ làm mọi việc để đảm bảo những người lãnh đạo của mình nhận được sự đào tạo mà họ cần.
Hai nhà báo của tờ Nhân dân Nhật báo, Chen Xia và Yuan Fang đã đến thăm trường Đảng Bắc Kinh và thâm nhập vào thế giới kỳ lạ này. Các học viên ở đây bị tách hẳn với thế giới bên ngoài (thư ký và tài xế của họ không được phép vào trường). Trong suốt tuần đầu tiên, họ sẽ tham dự những kỳ thi xếp chỗ đánh giá kiến thức lý thuyết chính trị, như các lý thuyết cơ bản về chủ nghĩa Marx – Lenin. Sau đó, họ được chia ra thành các nhóm, học về cách chủ đề khác nhau như: lịch sử đảng, tôn giáo, tham nhũng, người thiểu số, phòng chống HIV/AIDS. Sau các giờ học, các học viên lại nhóm họp để thảo luận tự do. Nhưng trong các cuộc thảo luận tự do này vẫn phân chia thứ bậc: học viên từ cấp quận ăn ở khu vực khác và ngủ ở khu vực khác với các học viên ở cấp tỉnh và cấp trung ương.
Hệ thống đào tạo quy củ và quan tâm đến công luận
Theo Chen và Yuan, trường này cũng có một lớp đặc biệt dành cho các quan chức trong độ tuổi từ 45 đến 50, những “cột trụ tương lai của chính phủ Trung Quốc”. Khóa học của các vị này kéo dài một năm, và ba tháng đầu là dành cho việc đọc những tác phẩm kinh điển như Tư bản của Marx và Chống Dühring của Engels. Các học viên được đào tạo sâu về mọi lĩnh vực quản lý chính phủ, gồm hệ thống tư pháp, dự thảo ngân sách, kiểm soát tài chính, chính sách đối ngoại, quản lý, quản lý nhân sự, xóa bỏ tham nhũng và giải quyết mâu thuẫn. Có thể thấy tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc được đào tạo vô cùng bài bản.
BN-HG952_cover_J_20150306105233
Lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc được ca tụng là những nhân vật qua đào tạo bài bản và chuyên nghiệp về quản trị công.
Trường Đảng cũng giúp lựa chọn các nhà lãnh đạo tương lai. Phòng Tổ chức của Ủy ban Trung ương Đảng, một cơ quan có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các sự vụ của Đảng và việc bổ nhiệm chức vụ trong các cơ quan chính phủ, truyền thông, trường đại học và các doanh nghiệp nhà nước, cũng cử cán bộ quan sát tới dự những cuộc thảo luận của các học viên và xác định những ứng viên để đề bạt trong tương lai. Theo lời của một cán bộ giảng, một học viên đã bị đình chỉ khi có thái độ tiêu cực trong lớp học và điều này cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của học viên này. Dễ hiểu tại sao những ai khao khát vươn lên các vị trí cao lại ngại không muốn đưa ra ý kiến phê bình, chỉ trích.
“Không có gì thay đổi, cốt yếu vẫn là sự tuân thủ,” một cán bộ đảng ở Bắc Kinh cho biết. Có 70 tiêu chí chính thức cho việc đề bạt, trong đó có thành tích học tập, thâm niên công tác và (nếu ứng viên đang nắm giữ vị trí có trách nhiệm) là thành tích hoạt động. Và cũng chớ quên “sự ổn định”: bất kỳ một bê bối nào thu hút sự chú ý của người dân cũng sẽ tác động đến sự nghiệp chính trị của quan chức. Thiếu minh bạch đồng nghĩa với việc các quyết định đều tùy tiện và kéo dài thời gian chuẩn hóa một tầng lớp tinh hoa mới.
Còn tiếp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: