Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Chuyện cuối tuần: Học đánh cờ




Nguyễn Tiểu Ngộc Tam
(Tác giả gửi Blog Hahien)
dcMình võ vẽ biết đánh cờ từ lúc bé, vài năm sau mới được coi là sạch nước cản. Dần dà rồi cũng tiến bộ vài bậc. Cũng biết pháo đầu, mã đội, xe giăng. Cũng biết pháo gánh hai bên, mã giao chân chiếm không gian lúc cờ tàn, pháo chôn vào cung vua vừa là ngón phòng thủ vừa là ngón phản công bất ngờ… Nếu xếp cao thủ thành 10 bậc, giỏi nhất là bậc 1, mới học cờ đứng bậc 10, tự nhận mình đứng ở hàng 5,6 gì đó, chơi cờ nghiệp dư cho vui lúc nhàn thì tự mãn cho như thế cũng được rồi.
Một lần đứng xem bàn cờ góc phố. Đánh cờ tập thể, vui miệng mình cũng chỉ trỏ bên này bên kia. Có một ông lão râu bạc tóc bạc, không đoán được tuổi, đi ngang qua ghé vào xem, không nói lời nào. Có người bảo ông cụ này sức cờ thâm hậu lắm, nhưng chỉ đứng xem thôi, không mách cho bên nào, không cầm quân bao giờ, mà lâu rồi mới lại thấy đến.
Mình tìm được cách lân la hỏi chuyện cụ già. Hình như cảm thấy có người biết lắng nghe, cụ nói về cuộc cờ. Cụ bảo những thế cờ mình nói chẳng có gì sai, nhưng xét cho cùng chỉ là mẹo vặt, nhiều nhất chỉ dừng ở mức chiến thuật mà thôi, những người cao cờ đều biết những đòn phép ấy. Mình bèn hỏi thế thì chiến lược chơi cờ là thế nào.
Chỉ có mấy câu này thôi cháu ạ. Đánh được thì đánh, không đánh được thì giữ. Giữ được thì giữ, không giữ được thì bỏ.
Xin cụ tha lỗi, nhưng mà cháu nghĩ những điều ấy ai chẳng biết.
Biết ở đây phải là biết cái khác kia. Người ta hơn nhau chính là ở chỗ biết thế nào là đánh được, thế nào là không đánh được, thế nào là giữ được, thế nào là không giữ được, thế nào nên giữ, thế nào nên bỏ. Khi đang chiếm lợi thế, tức là đánh được thì phải đánh ngay, chần chừ lơi lỏng chỉ một chút thôi là mất thượng phong. Khi đang giằng co rình nhau, tức là chưa đánh được, nếu không lo ghìm quân giăng bẫy cứ hăm hở mà đánh thì sập bẫy người ta. Đánh không được mà cố đánh thì hao binh tổn tướng, cho nên lúc ấy phải lo giữ mà không đánh. Còn đã ở vào thế phải giữ, nhưng đã không thể giữ được, thì bỏ luôn, nếu càng cố giữ quân lại càng mất thêm quân, càng chóng thất bại. Còn thì thiên hạ khối người cao thủ, thua người ta cũng chẳng mất gì, lại học thêm được nhiều thứ. Thua keo này bầy keo khác, xóa bàn chơi lại thì đã sao. Người nào thắng không kiêu, bại không nản mới là anh tài.
Nhấp một ngụm trà, ông cụ bảo :
Chuyện đánh cờ thì hai bên bày quân ra thanh thiên bạch nhật còn chữ “biết” thì giấu trong đầu. Chuyện đời tuy phức tạp hơn nhiều, quân tướng không lộ mà ý đồ càng không lộ, nhưng bản chất cũng không khác là mấy. Hơn nhau là ở cái chỗ “biết” đấy cháu ạ.

Tháng Giêng 2016
N.T.N.T
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: