Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đồng lõa việc dùng tài liệu giả mạo buộc tội?


GDVN

 - Một tài liệu quan trọng dùng để buộc tội lại là tài liệu “có vấn đề” khi “sổ cái” lại không phải được lập do kế toán trưởng. Ai cho VKS công nhận tài liệu này?
Sử dụng tài liệu giả mạo?
Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Phó Viện trưởng VKS nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải chỉ đạo truy tố, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu giữ quyền công tố đã tiến thêm một bước "táo tợn", bất chấp pháp luật hơn, đó là việc dùng tài liệu giả mạo để buộc tội.

Trong cáo trạng truy tố, chứng cứ quan trọng nhất được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa vào vụ án để buộc tội bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết  "có hành vi gian dối" là “sổ cái” (hay còn gọi là sổ kế toán Công ty).
Tuy nhiên, sổ cái này lại không có chữ ký của bà Tuyết ở các trang. Trong lời khai với Cơ quan CSĐT cũng như trước Tòa, bà Tuyết một mực khẳng định tài liệu này được làm giả, vì bà không hề ký vào bất cứ trang nào của sổ.
Yee Lip Chee không trả lời được vì sao "sổ cái" 
của Công ty lại không hề có chữ ký của bà Tuyết.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/5/2015, Luật sư Trần Hải Đức, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh hỏi Yee Lip Chee: "Khi rời khỏi cương vị, bà Tuyết có làm nhiệm vụ bàn giao lại tài liệu cho Công ty không?".
Yee trả lời: “Có nhưng tôi cho rằng không hoàn toàn”. Luật sư hỏi tiếp: “Trong hồ sơ tài liệu vụ án có văn bản về sổ cái tài chính Công ty. Công ty có nộp cho cơ quan điều tra không?
Cơ quan điều tra có yêu cầu nộp sổ cái, chúng tôi đã nộp”, Yee trả lời.
Luật sư Đức tiếp tục truy: “Nếu sổ cái được lập trong thời kỳ bị cáo còn làm việc, tại sao không có chữ ký của bị cáo trong sổ cái tài chính của Công ty?”.
Sau khi được Luật sư cho xem các trang của sổ cái, Yee trả lời một cách thiếu trách nhiệm: “Tôi không biết”.
Phần Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội hỏi bị cáo Tuyết: “Biên bản bàn giao ngày 27/6/2012 và hồ sơ được lưu giữ tại hồ sơ vụ án có đầy đủ chữ ký của ông Yee, ông Yen Chee Loong và bà Ngô Ngọc Dung cùng bị cáo, trong này có thiếu sổ cái không? Trong sổ cái có chữ ký của bị cáo không?"
Bị cáo Tuyết trả lời Hội đồng xét xử: “Trong biên bản ngày 27/6 đã giao nhận đầy đủ”.
Luật sư Tiến tiếp tục hỏi: “Tại cơ quan điều tra, bị cáo có yêu cầu được cung cấp sổ cái có chữ ký của bà và các tài liệu mà cơ quan điều tra xem xét, đến giờ bà đã được đáp ứng chưa?
Bà Hà Thị Bích Thu, người giữ quyền công tố
vụ án tại Tòa. Ảnh VH
Các ngày 17/6/2014, 10/2/2015, sau khi bị cáo nhận bản kết luận điều tra, bị cáo đã làm khiếu nại nhưng đến giờ chưa nhận được trả lời. Trong khiếu nại, bị cáo có yêu cầu giao sổ chính và tài liệu liên quan cho bị cáo xem thì đến giờ vẫn chưa có”, bà Tuyết cho HĐXX biết.
Khi Luật sư Tiến hỏi: “Tại BL 1596 đến BL 1672 là sổ cái mà L&M Việt Nam cung cấp cho cơ quan điều tra, đây có phải là sổ cái của bà không?”.
Sau khi được luật sư cho xem sổ cái, bị cáo Tuyết bức xúc cho biết: “Thưa hội đồng xét xử, sổ cái này không phải do bị cáo lập vì trên tất cả các sổ cái bị cáo đều phải ký vào chữ ký giáp lai và ký vào trang cuối cùng, ở đây không có”.
Tuy là một tài liệu quan trọng trong vụ án nhưng “sổ cái” tại Công ty L&M Việt Nam lại không hề có chữ ký của kế toán trưởng. Trong quá trình trả lời điều tra viên và Hội đồng xét xử, bà Tuyết một mực khẳng định “sổ cái” mà Cơ quan điều tra đưa vào vụ án là tài liệu giả mạo, được ai đó cố tình lập nên để buộc tội vô căn cứ cho bà.
Mặc dù vậy, tại Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Sổ cái theo dõi tài khoản của Công ty L&M Việt Nam cũng không thể hiện việc chuyển tiền cho Công ty Đại Hồng Tùng, mà thay thế vào đó thanh toán khoản tiền này cho đối tác, nhưng các khoản thanh toán này không có hóa đơn, chứng từ hoặc có thanh toán chuyển tiền cho đối tác nhưng được phân bố tăng thêm chi phí để phù hợp với số tiền đã chuyển cho Công ty Đại Hồng Tùng trong tháng gửi cho Công ty L&M Singapore và chi nhánh Công ty kiểm toán KPMG…”.
Không thể để tình trạng lãng phí tiền của của Nhà nước
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: “Nếu sổ cái (tức sổ kế toán của công ty) được chứng minh là làm giả thì phải xác định đối tượng nào đã làm giả. Nếu phía Công ty L&M Việt Nam cố tính làm giả tài liệu để cung cấp cho cơ quan điều tra thì những đối tượng này đã phạm vào Điều 307, Bộ luật Hình sự quy định về Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, đó là: 
1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu phía Công ty không làm giả mà lỗi thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng thì áp dụng vào Điều 300, Bộ Luật Hình sự quy định về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, đó là:
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng: Nếu tiếp tục để Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra thì ai đảm bảo rằng vụ án sẽ được giải quyết đúng pháp luật? Vì vậy, để đảm bảo khách quan tôi đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào cuộc để điều tra vụ án.
Luật sư Kiệm kiến nghị:
 “Hiện vụ án bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh trả lại hồ sơ nhiều lần chứng tỏ là cả Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều sai sót nghiêm trọng.
Sự việc này không chỉ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân mà còn có thể tiếp tục dẫn đến các oan sai vì trình độ non kém nghiệp vụ hoặc không vô tư khách quan các điều tra viên và kiểm sát viên.

Nếu tiếp tục để Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra thì ai đảm bảo rằng vụ án sẽ được giải quyết đúng pháp luật? Vì vậy, để đảm bảo khách quan tôi đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sớm vào cuộc để điều tra vụ án.
Qua đây, tôi cũng kiến nghị về các quy định của pháp luật, nếu một vụ án hình sự bị trả lại hồ sơ đến lần thứ 2 thì cơ quan điều tra cấp trên phải có trách nhiệm điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.
Những người đã được phân công điều tra vụ án ở giai đoạn trước hoặc chỉ đạo trực tiếp điều tra không được tham gia nữa, để tránh trường hợp những người này được bổ nhiệm, luân chuyển lên cơ quan điều tra cấp trên lại tiếp tục tham gia, dẫn đến việc điều tra kéo dài, gây lãng phí, tốn kém cho ngân sách Nhà nước và tiền của nhân dân. Đồng thời sẽ làm mất lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp của Nhà nước ta”.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Trang/ GDVN
THeo: Ngocduonglc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: