Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Lượm lặt tin 26-10-2015


 anle20

Sau 35 năm, Việt Nam có nữ Giáo sư Toán học thứ 2
Vị nữ Giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam được Giáo sư Trần Văn Nhung (Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước) chia sẻ là “người phụ nữ rất đặc biệt”, theo Vnexpress. (Ảnh: nld.com.vn)
Vị nữ Giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam được Giáo sư Trần Văn Nhung (Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước) chia sẻ là “người phụ nữ rất đặc biệt”, theo Vnexpress. (Ảnh: nld.com.vn)
Nữ Giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam (sau Giáo sư Hoàng Xuân Sính, được phong giáo sư năm 1980) là cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, hiện là Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), theo báo Vnexpress đưa tin.
Cô Nhàn từng tâm sự: “Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em”.
Cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970 trong gia đình nghèo có 5 người con, quê gốc ở Thừa Thiên – Huế. Tốt nghiệp Khoa Toán ĐH Sư phạm Việt Bắc khi mới 20 tuổi, cô được giữ lại làm giảng viên của trường. Sau khi trở thành thạc sĩ, cô lại có mơ ước cao hơn, muốn làm nghiên cứu sinh để thỏa mãn lòng say mê học Toán. Với 6/7 phiếu đánh giá xuất sắc của Hội đồng, cô đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Năm 2005, cô trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 35 tuổi.
Năm 2007, cô nhận được giải thưởng Khoa học của Viện Toán học Việt Nam – một giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm một lần cho hai nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.
viet-nam-co-nu-giao-su-toan-hoc-thu-hai Cô Nhàn (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Kovaleskaia năm 2011. (Ảnh: vnexpress.net)
Cô Nhàn đã công bố 16 công trình trên những tạp chí quốc tế uy tín được xếp hạng, trong đó có 13 công trình trên tạp chí SCI và 3 công trình trên tạp chí SCIE, 5 công trình trên Journal of Algebra – Tạp chí quốc tế uy tín thuộc chuyên ngành Đại số và được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn. Cô cũng đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới.
Theo công bố của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết trên báo Người Đưa Tin: “Năm 2015, độ tuổi trung bình của tân giáo sư, tân phó giáo sư là 48 tuổi. Như vậy, so với những năm trước đây, giáo sư, phó giáo sư mới ngày càng được trẻ hóa. Tổng số bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế của các tân giáo sư, tân phó giáo sư năm nay là hơn 1.600 bài”.
Giáo sư và Phó giáo sư trẻ nhất được công nhận năm 2015 đều công tác trong lĩnh vực Vật lý, trong đó giáo sư trẻ nhất là thầy Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Bách khoa HN) – 43 tuổi. Còn Phó giáo sư trẻ nhất là thầy Hồ Khắc Hiếu (ĐH Dân lập Duy Tân) – 31 tuổi.
Hòa An tổng hợp/daikynguyen
--------------------------------------

Ở Mỹ, trẻ em có 3 quyền riêng tư mà chúng ta nên biết

Mấy ngày gần đây, một ông bố người châu Á do tắm cho con gái 10 tuổi đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết, sự việc này đã dẫn đến sự phản ứng kịch liệt cả trong và ngoài nước Mỹ. Bi kịch này không chỉ phản ánh sự khác biệt về văn hóa của Đông và Tây phương, nó cũng trực tiếp liên quan đến quyền riêng tư của trẻ em Mỹ. Có lẽ độc giả Đông phương nhiều người không hoàn toàn hiểu rõ về vấn đề này, bảo vệ quyền riêng tư là một nội dung quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ em Mỹ.
Quyền riêng tư về thành tích học tập
Cho dù thành tích học tập là tốt hay xấu, tất cả thành tích học tập của học sinh Mỹ đều thuộc về quyền riêng tư, các trường học của Mỹ và gia đình đều có nghĩa vụ bảo vệ quyền này. Ví dụ như, giáo viên tiểu học hay trung học tại Mỹ sẽ không công khai thành tích của học sinh trước lớp, càng không bao giờ sắp xếp thứ tự dựa vào thành tích. Cho dù là ở đại học của Mỹ, nếu như giáo viên muốn công khai thành tích, cũng không được đưa ra tên của sinh viên đó, nhiều lắm chỉ là viết 4 chữ cuối của mã số trên thẻ sinh viên.
Tại trường tiểu học và trung học ở các nước châu Á thịnh hành xếp danh sách. Một mùa hè tôi có dịp đến một trường trung học tham gia dự thính, hôm đó đúng vào hôm công bố thành tích của học sinh. Khi giáo viên trên bục giảng dựa vào thành tích cao thấp để công bố, tôi thực sự cảm thấy khó chịu thay cho những học sinh có thành tích kém. Nếu như theo quan điểm của người Mỹ thì đây là sự công khai phân biệt đối xử
Quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân
Là phụ huynh thì ai cũng muốn chụp ảnh con của mình, và phụ huynh Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Chụp ảnh ở Mỹ mặc dù rất đơn giản, nhưng khuôn mặt của trẻ em thì hoàn toàn không đơn giản. Nếu như bạn chưa được sự cho phép mà chụp ảnh đứa trẻ của một nhà nào đó, nếu như gặp phải một phụ huynh nghiêm khắc, rất có thể bạn sẽ phải đi hầu tòa. Những hoạt động tập thể tại Mỹ, rất khó để tránh chụp ảnh tập thể. Nếu như bạn không muốn con của mình lộ diện trong các bức ảnh tập thể, thì trường học của Mỹ sẽ cho bạn một bảng biểu, để bạn có thể viết lý do cá nhân của mình.
Tôi cũng rất thích chụp ảnh con của mình, cũng thường cho ảnh chúng lên blog. Có một lần, tôi đã vô ý đưa một bức ảnh chụp chung của con tôi và các bạn cùng lớp lên blog, việc đó đã bị con của tôi phát hiện ra.
Diều này thật tồi tệ, tôi dường như trở thành một “người xấu” trong mắt chúng. “Mẹ chưa có được sự đồng ý, mà lại đưa ảnh của các bạn con lên đó, mẹ hãy xóa nó đi.” Câu chuyện nhỏ này không có nghĩa là con tôi quá cứng nhắc, mà nó nói lên sự thành công của nền giáo dục Mỹ. Không cần phải thuyết giáo, không cần phải nhắc nhở, mỗi một học sinh Mỹ đối với quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân đều tự giác có ý thức bảo hộ.
Quyền riêng tư về thân thể
Từ khi còn ở nhà trẻ, trẻ em Mỹ đã được dạy về quyền riêng tư thân thể. Chúng từ bé đã được giáo dục, nếu như ai sờ vào bộ phận riêng tư của các em, thì các em phải nói ngay với phụ huynh và giáo viên.
Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với ông bố người châu Á bị cảnh sát Mỹ bắn chết, rốt cuộc đã làm gì không thích hợp để mất đi tính mạng. Đầu tiên là cách thức giáo dục của ông bố về khả năng sinh hoạt độc lập của con gái là không thích hợp. Một bé gái 10 tuổi hoàn toàn có thể tự tắm được rồi, tại sao vẫn phải để bố giúp? Thực ra ông bố và cô con gái đều sinh sống tại Mỹ, nhưng cả hai đều thiếu hụt kiến thức cần có về quyền riêng tư thân thể. Cuối cùng, ông bố này không nên dùng dao để chống cự lại cảnh sát, mà nên tự nguyện để cho cảnh sát khống chế, sau đó có thể khiếu nại.
Đối với 3 quyền riêng tư này, tôi không hề cho rằng người Mỹ quá cứng nhắc, mà cho rằng nền giáo dục của Mỹ là nhân đạo hơn. Tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, kỳ thực chính là tôn trọng nhân cách của trẻ. Chỉ như thế thì những trẻ có thành tích học tập kém, mới không bị người khác chê cười, những trẻ không thích lộ diện vì lý do cá nhân nào đó, cũng không bắt buộc phải chụp ảnh tập thể.
-----------------------

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải

Các quầy làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải. (Ảnh: vnexpress.net)
Các quầy làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải. (Ảnh: vnexpress.net)
Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, tính đến gần cuối tháng 10, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 21,72 triệu lượt hành khách và hơn 354.000 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm nay, Tân Sơn Nhất sẽ đón gần 26 triệu lượt hành khách, vượt quá quy hoạch của nhà ga, theo báo Người Lao Động đưa tin.
Với tốc độ tăng trưởng này, lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lo ngại rằng, chỉ trong vòng 2 năm nữa, sân bay sẽ đón trên 30 triệu lượt hành khách mỗi năm và tình trạng quá tải sẽ còn tiếp tục khoảng 8 năm cho đến khi sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng (dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành năm 2023).
Không chỉ quá tải trong khu vực sân bay, trên tuyến đường dẫn vào sân bay, các phương tiện giao thông đổ về đây cũng luôn trong tình trạng quá tải từ sáng tới tối.
Kẹt xe trên đường Hoàng Văn Thụ hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh:laodong.com.vn)
Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt TP.HCM thông tin trên báo Lao Động, hiện, xung quanh sân bay có tới 19 điểm, giao lộ có tình trạng ùn tắc. Mặc dù, lực lượng chức năng đã bố trí có mặt tại các điểm này từ 6h đến 22h để tiến hành điều tiết, phân làn, nhưng tốc độ di chuyển của các loại xe qua các trục đường này vẫn bị chậm hơn so với các khu vực khác.
Cơn mưa chiều tối ngày 23/10 vừa qua đã gây kẹt xe ở hầu hết các tuyến đường dẫn ra sân bay. Nhiều hành khách bị kẹt xe phải xuống ô tô, bắt xe ôm hoặc chạy bộ đến sân bay cho kịp chuyến. Vụ kẹt xe này làm nhiều chuyến bay phải lùi thời gian khởi hành để chờ đợi hành khách.
Không chỉ sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài cũng được phản ánh với tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng. Tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong tháng 9, ông Phạm Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Viet Nam Airlines cho biết, hạ tầng sân bay tại Việt Nam không đáp ứng được kịp với tốc độ tăng trưởng khai thác của các hãng hàng không.
Hạ tầng sân bay không theo kịp tốc độ tăng trưởng khai thác hàng không khiến các hãng hàng không bị “đội chi phí”. (Ảnh: baogiaothong.vn)
Trên báo Giao Thông, ông Minh cho rằng: “Do sự phát triển của vận tải hàng không, đã và đang diễn ra tình trạng quá tải về hạ tầng tại các sân bay lớn trên cả nước. Tân Sơn Nhất, Nội Bài và gần đây nhất là Đà Nẵng đều đang quá tải”.
Ông Minh cũng phân tích thêm: “Giờ bay trung bình ở các chuyến bay đo đếm được cũng như thời gian lăn chờ bị kéo dài so với trước đây đã khiến chi phí của chúng tôi bị lên khoảng 1% so với tổng chi phí. Điều này có nghĩa là với tổng chi phí khoảng 60 nghìn tỷ thì Việt Nam Airlines bị đội chi phí khoảng 600 tỷ mỗi năm, một con số không hề nhỏ”.
 Hành khách chờ đợi làm thủ tục đi trong nội địa tại sảnh E, sân bay Nội Bài. (Ảnh:vnexpress.net)
Theo ông Minh, các sân bay chính nói trên đều đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cả trên không và mặt đất; cùng với đó là sự hạn chế về số lượng vị trí đỗ máy bay dẫn đến hạn chế năng lực tiếp thu.
Mới đây, tình trạng ngập do các ống thoát nước gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bị rác thải bít kín khiến sân bay này đối diện với nguy cơ phải đóng cửa do nước ngập có thể làm hư hại tới trạm phát điện nguồn của Đài chỉ huy cũ – nơi để các trang thiết bị chỉ huy, điều hành bay.
Trong bảng xếp hạng năm 2015 của trang web The Guide to Sleeping in Airports, Tân Sơn Nhất bị xếp hạng thứ 4 trong danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á và đứng thứ 8 trong danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới.
Những bất cập bởi tình trạng quá tải cũng như rất nhiều những hạn chế khác trong việc cung cấp các dịch vụ tại sân bay ảnh hưởng lớn tới các hãng hàng không, đòi hỏi việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ từ cơ quan chức năng.
Hòa An tổng hợp/daikynguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: